Lại Mang Họa Vì Bắp Cao Sản
Trong khi người dân 2 xã Đông, xã Lơ Ku (Kbang , Gia lai) vẫn chưa nhận được tiền đền bù từ vụ bắp (ngô) không có hạt thì đến lượt người dân xã Đăk Pơ Pho huyện Kon Chro của tỉnh này cũng khốn đốn bởi 2 giống bắp NK 67, NK 7328.
Đứng trên ruộng ngô (bắp) nhà mình khắp nơi chỉ một màu vàng úa, anh Hoàng Văn Dinh ở thôn 2, xã Đăk Pơ Pho lòng như lửa đốt vì lỡ trồng giống bắp NK 7328, NK 67 của Công ty Syngenta.
Gặp chúng tôi, không giấu nổi vẻ bức xúc, anh Dinh kể: Vụ này gia đình anh được 6ha bắp, trong đó, giống NK 7328 là 2ha (tương đương 30kg giống), giống NK 67 trồng 1,5ha (23kg), số diện tích còn lại anh trồng giống DK 88 do Nhà nước cấp hỗ trợ thiệt hại cho bà con nông dân trồng bắp bị hạn từ năm trước.
Nhìn qua thì thấy các giống bắp đều phát triển như nhau nhưng khi bóc trái thì giống NK 7328 và NK 67 chỉ lèo tèo vài hạt, cá biệt có trái không có hạt nào; trong khi giống DK 88 vẫn bình thường. “Theo đánh giá từ phía công ty, diện tích bắp giống NK 7328 của gia đình bị thiệt hại khoảng 50%, nhưng theo tôi thì thiệt hại phải hơn 70%, vì trái bắp có hạt đâu…”.
Đồng cảnh ngộ với anh Dinh, anh Nguyễn Văn Bằng, thôn 2 cho biết mình chỉ trồng 10kg giống NK 7328 (khoảng 8 sào) nhưng chỉ theo đánh giá từ phía công ty, thiệt hại đã khoảng 60%. “Chúng tôi đi tập huấn, nghe công ty giới thiệu giống bắp này chịu hạn, năng suất cao nên người dân không ngần ngại mua giống bắp này với giá 103.000 đồng/kg, trong khi đó, giống bắp DK 88 chỉ trên 70.000/kg. Chưa kịp mừng vì thấy bắp phát triển tốt, đến khi sắp thu hoạch người dân mới tá hỏa” - anh Bằng than thở…
Theo tính toán nếu trồng giống cũ, gia đình anh Dinh với diện tích 6ha sẽ thu khoảng 45 tấn bắp hạt. Với giá hơn 40 nghìn/kg hiện nay, gia đình sẽ có nguồn thu khoảng 180 triệu đồng, trừ chi phí đầu tư, gia đình lãi chừng 100 triệu… Tai họa của giống “bắp cao sản” khiến nông dân ở đây vừa thiệt đơn vừa thiệt kép.
Bắp đã không hạt lại phải mất công dọn ruộng cho vụ mùa sau (công thu hoạch khoảng 130.000/người/ngày bao cơm nước) Hiện chỉ theo thống kê sơ bộ từ các thôn của xã Đăk Pơ Pho, nông dân đã gieo 1.636kg giống NK 7328, 406kg giống NK 67. Như vậy đã có khoảng 150ha “bắp cao sản” chỉ có thể thu được cùi. Nguy hại hơn, do thiếu thông tin, khá nhiều hộ nông dân đã trồng vụ 2 bằng các giống bắp này.
UBND huyện Kon Chro hiện đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan, gấp rút phối hợp với công ty cung cấp giống kiểm tra, thống kê thiệt hại của người dân và có phương án bồi thường, hỗ trợ để người dân ổn định sản xuất… Trong khi đó ông Đoàn Thanh Hùng- Trưởng phòng NNPTNT huyện Kbang cho biết: Mặc dù đã thống nhất hỗ trợ thiệt hại cho người dân trước ngày 28.7, nhưng đến thời điểm này người dân 2 xã Đông, Lơ Ku vẫn chưa nhận được tiền. Công ty cung cấp giống vẫn tiếp tục hứa “sẽ giải quyết dứt điểm”.
Có thể bạn quan tâm
Mùa bắt tôm hùm giống đã vào chính vụ từ hơn 2 tháng nay, nhưng lượng tôm giống bắt được ít hơn so với mọi năm. Việc khan hiếm tôm hùm giống không chỉ là nỗi buồn của những ngư dân làm nghề săn tôm hùm giống, mà còn gây không ít khó khăn cho những người nuôi loài đặc sản này…
Với giá bán hiện nay, được khoảng 24 triệu đồng. Nếu trừ chi phí: giống, tiền cày, tiền công thu hoạch, máy bung bắp... hết 13 triệu đồng thì số còn lại xem như đủ tiền công của hai vợ chồng làm gần 4 tháng. Điều may cho anh Ngọc là đất của anh được miễn 100% thủy lợi phí nên chưa tới phải lỗ trong vụ bắp này.
Theo báo cáo của Phòng Nông nghiệp và phát triển nông thôn (NN-PTNT) huyện Vĩnh Cửu (Đồng Nai), hai cây trồng chủ lực của huyện là bưởi và xoài đang phát triển nhanh về diện tích.
Trong thời gian qua, bệnh đốm trắng xảy ra nhiều trên cây thanh long, làm cho nhà vườn đang gặp không ít khó khăn; còn các nhà chuyên môn thì loay hoay tìm hướng xử lý.
Ước tính trung bình mỗi năm, người trồng cây ăn trái của huyện có thu nhập trên 100 triệu đồng/ha. Nhờ vậy, giúp cho nhiều hộ thoát nghèo, vươn lên khá giàu.