Ông Triệu Phú Ở Sì Lở Lầu

Ở giữa những vạt rừng âm u của xã Sì Lở Lầu (Phong Thổ, Lai Châu) có một người đàn ông Dao từ khó nghèo đã vươn lên trở thành triệu phú và vẫn hoàn thành xuất sắc trọng trách phó “thủ lĩnh” Hội ND xã, được bà con tin yêu...
Ông là Phàn Chin Hòa - Phó Chủ tịch Hội ND xã Sì Lở Lầu.
Cố gắng sẽ thắng đói nghèo
Phàn Chin Hòa kể, trước đây gia đình ông cũng nghèo lắm. Mẹ ông sinh đông con nhưng bố lại nghiện thuốc phiện nên kinh tế trong nhà gần như khánh kiệt. Học chưa qua cấp I, ông phải nghỉ ở nhà trông em cho mẹ làm nương.
Lớn hơn một chút, khi đã lùa được con trâu đi chăn, cầm được cái cuốc chắc tay, ông và anh trai đi làm thuê cho người dân trong bản để giúp đỡ gia đình. Ông bảo, chính vì phải nếm trải cơ cực từ tấm bé nên lúc nào ông cũng tự nhủ không được nghiện thuốc phiện và phải làm giàu. Mục tiêu là thế nhưng làm thế nào thì là câu hỏi mà suốt mấy năm đi làm thuê ông mới lờ mờ hình dung ra được. Vậy là khi nào không có việc để làm thuê thì ông lại còng lưng trên những sườn núi để khai hoang ruộng...
Những ngày đi làm thuê ông đã học được cách trồng thảo quả, lại thấy người ta làm giàu từ giống cây này nên ông tin đây sẽ là một loại cây cứu giúp cho cả gia đình mình. Suốt mấy năm liền, hễ thôi tay cuốc là ông lại cầm dao lên rừng chọn nơi đất tốt, tán rừng mát mẻ dọn dẹp, trồng thảo quả. Khi ấy mua thảo quả giống không dễ dàng, giá lại đắt, mất một thời gian dài vợ chồng ông dành dụm mới mua được giống đem trồng. Nhờ tần tảo, khi đứa con đầu lòng ra đời, vợ chồng ông đã có một đám ruộng bậc thang kha khá và trên 5ha thảo quả. Sáng trên nương, chiều xuống ruộng, mùa hè làm cỏ, mùa thu sấy thảo quả… chẳng bao giờ thấy ông ngồi không một chỗ.
Cái đói, cái nghèo đã dần bị đẩy ra khỏi mái nhà sàn của ông, giờ đây năm nào gia đình ông cũng thu không dưới 4 tấn thóc, trên 1 tấn thảo quả khô. Riêng thảo quả, năm ít bù năm nhiều, mỗi năm gia đình ông thu trên dưới 100 triệu đồng, chưa kể các khoản thu từ lợn, gà, trâu…
Làm cán bộ để hỗ trợ được nhiều người
Căn lều xiêu vẹo năm xưa ông đã phá đi để dựng vào đó một ngôi nhà trình tường vững trãi, mái lợp fibro ximăng, có điện (máy phát mini), có ti vi, thành viên nào trong gia đình cũng có điện thoại. Gia đình ông có diện tích, sản lượng thảo quả cao nhất xã Sì Lở Lầu, giàu nhất bản Lản Nhì Thàng. Khi đã có bát ăn bát để, ông không quên người nghèo trong bản. Thấy bà con thiếu đói, ông bảo: "Đến lấy ruộng của tôi mà làm". Nói là làm, ông bàn với vợ trích phần đất nương của nhà mình cho một số hộ nghèo mượn trồng ngô; lại đầu tư vốn để một số hộ như Vừ Chá Tính, Thàn Qua Quản phát triển chăn nuôi...
Không được học cao nhưng bằng kinh nghiệm thực tiễn, uy tín của mình, ông được bà con trong bản, trong xã quý mến, nể trọng. Ông được hội viên tín nhiệm bầu làm Phó Chủ tịch Hội ND xã. Ông bảo, vì biết không nhiều chữ nên khi làm cán bộ gặp khó khăn đủ đường nhưng "chỉ có làm cán bộ ND thì mới thuận lợi tham gia hỗ trợ cho bà con. Xác định vậy nên tôi luôn nỗ lực hết mình".
"Học theo cách làm của ông Hòa và được trực tiếp ông giúp đỡ, đến nay gia đình nào trong bản cũng có thảo quả, kinh tế khấm khá hơn. 117 hộ của bản giờ chỉ còn 11 hộ nghèo...".
Năm nay đã ngoài 50 tuổi, ông Hoà vẫn lên nương, vào rừng chỉ dạy, truyền đạt kinh nghiệm cho bà con cách trồng, chăm sóc cây thảo quả, cách bảo vệ tán rừng. Ông bảo: "Mình có kinh nghiệm, phải trực tiếp truyền đạt bà con mới nhanh hiểu. Nhiều gia đình đủ ăn, giàu có thì bản làng mới nhanh khởi sắc...".
Có thể bạn quan tâm

Huyện Lâm Thao hiện có 620ha nuôi trồng thuỷ sản, sản lượng thuỷ sản ước đạt trên 2.600 tấn; trong đó loại hình mặt nước ao hồ nuôi chuyên 520ha, năng suất 4,6 tấn/ha, loại hình 1 lúa, 1 cá 100ha, năng suất đạt 2,1 tấn.

Ngày 28-10, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với huyện Đoan Hùng, Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức hội nghị tổng kết mô hình trình diễn: “Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã quả bưởi đặc sản Đoan Hùng”.

Mặc dù kinh tế trang trại (KTTT) ở Quảng Trị trong những năm qua có chuyển biến, song mô hình hình kinh tế này vẫn chậm phát triển, các chỉ tiêu phát triển sản xuất bình quân ở trang trại còn thấp và tăng trưởng chậm qua các năm. Sự chậm phát triển này có nhiều nguyên nhân như thiếu vốn, thiếu kiến thức, thiếu các chính sách đầu tư từ phía nhà nước...

Anh nói, đời anh làm gì cũng bằng… một tay, một tay tiên phong trong việc trồng chè và tạo dựng thương hiệu chè xanh trên vùng gò đồi Thượng Nguyên (Hải Lâm, Hải Lăng, Quảng Trị) với hơn 1 ha chè, mà cứ mỗi sáng thức giấc là “bỏ túi” 500.000 đồng, một tay đưa cuộc sống gia đình vượt lên khó khăn, làm giàu trên đất khó. Anh chính là Nguyễn Văn Thành mà mọi người vẫn trìu mến gọi là Thành “một tay”.

Trao đổi với Tuổi Trẻ, ông Trần Đình Vĩnh, chi cục trưởng Chi cục Quản lý chất lượng và bảo vệ nguồn lợi thủy sản (QLCL & BVNLTS) TP.HCM, cho biết bước đầu xác định trang trại Sơn Ca (TP. HCM) cung cấp lươn giống không rõ nguồn gốc, sản xuất lươn giống không có giấy phép.