Giá Cá Tra Rơi Tự Do, Người Nuôi Điêu Đứng
Hơn tháng qua, giá cá tra thương phẩm trên địa bàn An Giang nói riêng và ĐBSCL nói chung “rơi tự do” đã làm hàng ngàn hộ nuôi cá điêu đứng.
Giá rẻ “như bèo”
Theo khảo sát của chúng tôi, giá cá tra thương phẩm trên thị trường An Giang ngày 2-6-2014 chỉ còn 20.500 đồng/kg (loại từ 700 gram – 1kg/con). Cá rớt giá nhưng ít người mua. Trước đây 1 tháng, loại cá này được các doanh nghiệp (DN) trong tỉnh mua từ 25.000 – 25.500 đồng/kg.
“Nói giá cá “rơi tự do” là chính xác. Nếu ở những lần trước, giá có rớt thì cũng chỉ vài trăm đồng/kg, lần này từ 25.500 đồng xuống còn 20.500 đồng/kg, giá rớt đến 5.000 đồng/kg. DN không mua, người nuôi bán cho thương lái tiêu thụ ở thị trường nội địa cũng không được”- Ông Nguyễn Hữu Nguyên, Chi hội trưởng Chi hội Thủy sản Châu Phú, bức xúc.
Cá tra rớt giá, ít người mua đã dẫn đến hàng loạt ao cá của ngư dân (ND) bị quá lứa, trong khi mỗi ngày ND phải tốn hàng chục triệu đồng tiền thức ăn cho mỗi trang trại nuôi cá. Ảnh: MINH HIỂN
Gia đình ông Nguyên như ngồi trên đóng lửa vì trên 300 tấn cá trong hầm đã vượt quá cỡ các nhà máy thường mua. Ông đi gõ cửa từng công ty, rồi tìm các “cò cá” địa phương kêu bán cá, nơi đâu ông cũng nhận được câu trả lời không mua. Từ năm 2000 đến nay, đây là lần thứ 5 giá cá tra rớt dưới giá thành sản xuất. Vụ nuôi năm nay, thức ăn của nhãn hiệu Con Cò (loại 26 đạm) 11.750 đồng/kg, các nhãn hiệu khác như: Việt Thắng, GreenFeed, Cargill 11.300 đồng/kg.
Nếu hệ số thức ăn bình quân 1.7 (1kg 7 thức ăn cho 1 kg cá tăng trọng) thì giá thành nuôi từ 22.400 - 23.975 đồng/ 1kg (cá tăng trọng) nhưng giá bán chỉ có 20.500 đồng/kg, người nuôi lỗ từ 1.900 – 3.475 đồng/kg. Cá rớt giá, các đại lý bán thức ăn đòi ngư dân phải mua bằng tiền mặt, trong khi hạn mức tín dụng của ngân hàng cấp không còn nữa.
Cá thịt rớt giá, dẫn đến người sản xuất cá giống cũng bị ảnh hưởng. Cá giống loại 30 con/kg trước đây 35.000 đồng/kg, nay chỉ còn 17.000 đồng/kg nhưng không người mua, hầu hết người nuôi cá tra nợ nần chồng chất.
Đâu là giải pháp
Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn An Giang cho biết, 5 tháng qua, 609 héc-ta cá tra được thả nuôi, bình quân mỗi héc-ta mặt nước đạt sản lượng từ 350 – 400 tấn. Tình trạng cá tra rớt giá khiến người nuôi không có tiền thanh toán nợ với ngân hàng lẫn bên ngoài, khả năng tái sản xuất đã bị triệt tiêu. Hàng loạt cửa hàng bán thức ăn và thuốc thú y thủy sản sắp phá sản vì nợ quá mức cho phép.
Có 2 nguyên nhân dẫn đến tình trạng trên. Nguyên nhân khách quan, nhà nhập khẩu hạn chế mua hàng trong những tháng mùa hè (đây là thông lệ). Việc xuất cá tra nguyên con hoặc cắt khúc sang thị trường Trung Quốc bằng đường tiểu qua các cửa khẩu ở phía Bắc đang bị chững lại.
Thị trường các nước nhập khẩu đang gia tăng các loại rào cản phi thuế quan (một mặt để chất lượng sản phẩm được tốt hơn, người tiêu dùng sử dụng được các sản phẩm có chất lượng; mặt khác cũng nhằm hạn chế nhập khẩu sản phẩm này từ các quốc gia bên ngoài nhằm bảo vệ nền sản xuất trong nước như ở Hoa Kỳ).Về nguyên nhân chủ quan, do “lòng tin” và “chữ tín” giữa các bên tham gia sản xuất cá tra không còn nữa, sự tương trợ lẫn nhau trong những lúc khó khăn chẳng những không còn, mà còn làm khó lẫn nhau.
Trước ngày 30-4-2014, giá cá lên đến 25.500 đồng/kg, DN không có cá để sản xuất, trong khi người nuôi “bắt chẹt” DN bằng cách không bán cá, đòi DN tăng giá mua lên nữa. Nay đến lượt DN có cơ hội để “bắt chẹt” lại người nuôi là chuyện dễ hiểu. Một nguyên nhân khác, từ đầu năm đến nay, các DN xuất khẩu cá tra không được cơ quan Thuế ở địa phương hoàn thuế VAT.
Các DN xuất khẩu cũng đang chờ xem cách giải quyết của các cơ quan quản lý Nhà nước khi Nghị định 36/2013/NĐ-CP có hiệu lực từ ngày 20-6-2014. Bởi Nghị định này quy định độ trong thịt cá không vượt quá 83%, tỷ lệ mạ băng không quá 10%. Nếu với tỷ lệ này, tất cả các đơn hàng xuất khẩu hiện nay của các DN đều vi phạm.
Tổ chức lại sản xuất theo chuỗi giá trị ngành hàng là một giải pháp căn cơ mà ngành nuôi và chế biến cá tra xuất khẩu cần thực hiện. Để khuyến khích các DN thực thi vấn đề vừa nêu, ngày 29-5-2014, Ngân hàng Nhà nước Việt Nam phối hợp UBND tỉnh An Giang tổ chức lễ ký kết hợp đồng tín dụng, cho vay thí điểm đối với các DN thực hiện liên kết với ND để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị ngành hàng, trong đó, Công ty TNHH SXTMDV Thuận An được vay 234 tỷ đồng để kết hợp với 8 ngư dân sản xuất cá theo chuỗi giá trị. Sự kiện này đã mở ra một triển vọng mới cho ngành cá tra Việt Nam.
“Ngư dân và những hộ nuôi nhỏ lẻ hãy vào một tổ chức nghề nghiệp, thông qua mô hình Hợp tác xã hoặc Tổ hợp tác để có đủ điều kiện hơn trong việc thực hiện các tiêu chuẩn về quản lý chất lượng, an toàn vệ sinh thực phẩm mà thị trường nhập khẩu đặt ra.
Tới đây, chúng ta sẽ sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị ngành hàng, không sản xuất tự phát, tràn lan như trong thời gian qua được nữa, vì sản xuất cá tra hiện nay đang là ngành sản xuất-kinh doanh có điều kiện”- ông Nguyễn Việt Thắng, Chủ tịch Hiệp hội Cá tra Việt Nam, kêu gọi.
Có thể bạn quan tâm
Trên địa bàn huyện Si Ma Cai (Lào Cai) hiện có hơn 30 hộ dân chuyên làm công việc mua trâu, bò gầy về nuôi vỗ béo, sau đó họ bán ra thị trường và hưởng mức lãi suất 5 - 20 triệu đồng/con. Đó không đơn thuần là chăn nuôi mà điều quan trọng hơn là tư duy về sản xuất hàng hóa của bà con các dân tộc vùng cao Si Ma Cai đã hình thành và ngày càng tiến bộ.
Thời gian thực hiện từ vụ lúa Đông Xuân 2013- 2014 và vụ Hè Thu 2014, tại một số xã đã xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) trước đó như Hiếu Phụng, Hiếu Nhơn, Trung Hiếu (Vĩnh Long) với diện tích 682ha.
Sóc Trăng có diện tích trồng mía hàng năm khoảng 12.000 ha- đây là vùng trọng điểm mía ở đồng băng Sông Cửu Long. Tuy vậy, thời gian qua người trồng mía luôn đối mặt với những khó khăn về thị trường, giá mía thương phẩm có xu hướng giảm.
Đầu ra gặp khó khăn dẫn đến đường tồn kho tăng cao là vấn đề mà nhiều nhà máy đường tại khu vực Nam Trung Bộ gặp phải lúc này.
Ngoài thịt lợn, Bắc Kinh đang mua tạm trữ nhiều nông sản khác, trong đó có ngũ cốc và bông, nhằm giúp cải thiện đời sống cho người nông dân.