Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Duy Xuyên vào vụ hè thu

Duy Xuyên vào vụ hè thu
Ngày đăng: 14/05/2015

Dồn điền đổi thửa

Chỉ tay về phía mấy chiếc máy cày lớn đang cải tạo đồng ruộng, ông Nguyễn Lũy ở thôn Chiêm Sơn (xã Duy Trinh, Duy Xuyên) hồ hởi: “Trước đây, gia đình tôi có gần 4 sào đất canh tác lúa trên cánh đồng Thổ Mộ này nhưng được chia thành 5 thửa nhỏ nằm rải rác khắp nơi. Mỗi lúc bón phân hay mang bình bơm phun thuốc phòng trừ sâu bệnh thì mất cả một buổi công.

Bây giờ, thực hiện xong công tác dồn điền thì số diện tích đó được gom lại thành 2 thửa lớn liền kề. Đồng ruộng không còn manh mún, tôi và người dân nơi đây nhẹ gánh lo về khâu nước tưới, đặc biệt là từ nay trở đi chắc chắn sẽ ít tốn công gieo sạ, chăm sóc, thu hoạch.

Đâu chỉ vậy, dồn điền đổi thửa còn tạo điều kiện thuận lợi cho việc đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng nhằm tăng hiệu quả sản xuất và giảm chi phí đầu tư nên ai nấy cũng đều phấn khởi và hưởng ứng rất tích cực”.

Bà Trương Thị Hạnh - cán bộ Ban nông nghiệp xã Duy Trinh cho biết, ngay sau khi gặt xong vụ lúa đông xuân 2014-2015, chính quyền địa phương khẩn trương hợp đồng với các chủ phương tiện cơ giới tiến hành cải tạo mặt bằng đồng ruộng. Cạnh đó, huy động bà con nông dân ra quân đắp bờ vùng, bờ thửa và xây dựng hệ thống giao thông nội đồng, lắp đặt ống bi dẫn nước, kiên cố hóa các tuyến kênh mương trọng yếu phục vụ việc tưới tiêu. Bà Hạnh nói: “Tranh thủ thời gian nghỉ giữa 2 vụ sản xuất, xã Duy Trinh tiếp tục dồn điền đổi thửa 30ha đất lúa, tập trung ở thôn Chiêm Sơn và Phú Bông.

Sau khi hoàn thành khâu này sẽ giảm từ 290 thửa xuống còn 46 thửa, bình quân mỗi thửa rộng hơn 2.300 mét vuông. Tổng kinh phí thực hiện khoảng 538 triệu đồng, trong đó Nhà nước hỗ trợ 367 triệu đồng, phần còn lại do nhân dân đóng góp”. Theo bà Hạnh, vụ hè thu 2015 sắp tới, trên những cánh đồng đang dồn điền đổi thửa này, nông dân chỉ gieo sạ duy nhất loại giống lúa trung ngày CNR 6206 và được ngân sách địa phương hỗ trợ với mức 20 nghìn đồng/kg giống.

Bên cạnh đó, đội ngũ cán bộ - kỹ sư nông nghiệp của huyện cũng sẽ trực tiếp xuống cơ sở hướng dẫn nhà nông quy trình thâm canh lúa theo gói kỹ thuật IPM (3 giảm, 3 tăng) kết hợp sử dụng công cụ sạ hàng và phổ biến rộng rãi về lịch thời vụ cũng như cách phòng trừ các loại sâu bệnh nguy hiểm gây hại.

Sẵn sàng vào vụ

Năm 2015 toàn tỉnh dồn điền đổi thửa hơn 1.200ha đất nông nghiệp
Ngoài huyện Duy Xuyên thì từ cuối tháng 4 dương lịch đến nay chính quyền và nhân dân ở nhiều địa phương khác cũng tập trung mọi nỗ lực dồn điền đổi thửa để kịp đưa vào sản xuất vụ hè thu 2015. Được biết, trong năm nay toàn tỉnh sẽ tiếp tục dồn điền đổi thửa hơn 1.200ha đất nông nghiệp tại 8 địa phương là Duy Xuyên, Nông Sơn, Thăng Bình, Đại Lộc, Điện Bàn, Núi Thành, Quế Sơn, Tam Kỳ.

Trao đổi với chúng tôi vào sáng 13.5, ông Phạm Đình Xuân - Phó phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho rằng, việc thực hiện dồn điền đổi thửa trong những năm qua trên địa bàn huyện đã từng bước khắc phục tình trạng ruộng đất manh mún, nhỏ lẻ và giúp nông dân giảm chi phí đầu tư, hình thành nên nhiều cánh đồng mẫu lớn.

Theo ông Xuân, riêng thời điểm trước vụ sản xuất hè thu 2015 này toàn huyện tiếp tục dồn điền đổi thửa 50ha đất lúa, tập trung chủ yếu ở 2 xã Duy Phước và Duy Trinh, nâng tổng diện tích đã hoàn thành khâu này lên gần 1.950ha.

Thành công từ công tác dồn điền đổi thửa đã tạo điều kiện thuận lợi cho ngành nông nghiệp huyện cùng các hợp tác xã chủ động liên kết với một số doanh nghiệp trong và ngoài tỉnh tổ chức sản xuất hơn 200ha lúa giống hàng hóa mỗi năm theo phương thức bao tiêu toàn bộ sản phẩm, góp phần tăng giá trị kinh tế khoảng 25 - 35% so với canh tác lúa thương phẩm.

Chẳng hạn như, trong vụ đông xuân 2014-2015 vừa qua, các Hợp tác xã Duy Hòa 2, Duy Sơn 2, Duy Phước lần đầu tiên ký kết hợp đồng với Công ty TNHH Khoa học - công nghệ Vĩnh Hòa ở tỉnh Nghệ An hỗ trợ nông dân sản xuất 56ha giống lúa Thảo dược VH1 và AC5. Sau khi thu hoạch, đơn vị này trực tiếp thu mua sản phẩm với giá cao hơn giống lúa thơm HT1 mà lâu nay nhà nông gieo sạ 20 - 30%.

“Có thể khẳng định, đây là một trong những hướng đi chủ lực của ngành nông nghiệp Duy Xuyên trong thời gian đến, qua đó giúp nông dân yên tâm về vấn đề đầu ra cho nông sản” - ông Xuân chia sẻ.

Đến thời điểm này huyện Duy Xuyên cơ bản hình thành được 15 cánh đồng mẫu lớn, tập trung chủ yếu ở các xã Duy Phước, Duy Sơn, Duy Hòa, thị trấn Nam Phước với tổng diện tích hơn 410ha, góp phần giảm công chăm sóc, thu hoạch, tạo điều kiện thuận lợi đưa cơ giới hóa vào đồng ruộng và tăng hiệu quả kinh tế trên cùng đơn vị diện tích.

Ông Huỳnh Văn Ánh - chuyên viên Phòng NN&PTNT Duy Xuyên cho biết, bình quân mỗi năm 1ha đất trên các cánh đồng mẫu của huyện mang lại cho nông dân mức thu nhập khoảng 105 - 110 triệu đồng.


Có thể bạn quan tâm

Người Dân Quảng Bình Bắt Được Sư Tử Biển Người Dân Quảng Bình Bắt Được Sư Tử Biển

Khi đang trên đường trở về sau chuyến đi biển dài ngày, gia đình anh Nguyễn Văn Diện ở thôn Vĩnh Sơn, xã Quảng Đông, huyện Quảng Trạch (Quảng Bình) đã bắt được một con Sư tử biển nằm phơi nắng trên một mỏm đá tại vùng biển Mũi Độc - Hà Tĩnh

04/10/2011
Khoai Lang Bị Rớt Giá Thảm Hại Khoai Lang Bị Rớt Giá Thảm Hại

Năm nay nông dân trồng khoai lang ở huyện Lai Vung (Đồng Tháp) rơi vào cảnh lao đao như năm 2008, vì hiện nay giá khoai lang tụt xuống quá thấp, làm ảnh hưởng đến thu nhập của người dân.

17/06/2012
Đẩy Mạnh Chuyển Giao Khoa Học Kỹ Thuật Vào Sản Xuất Cho Nông Dân Đẩy Mạnh Chuyển Giao Khoa Học Kỹ Thuật Vào Sản Xuất Cho Nông Dân

Huyện Thạnh Trị (Sóc Trăng) đã xuống giống dứt điểm lúa Hè - Thu với diện tích 22.799 ha, đạt 100% so kế hoạch, giống lúa chủ lực là OM 6976, OM 6976-14, OM 9605 và một số giống lúa thơm nhẹ; lịch xuống giống giữa các địa phương khác nhau nên trên đồng ruộng hiện nay lúa ở nhiều giai đoạn từ mạ đến làm đòng - trổ, theo đó đã tạo điều kiện cho sâu bệnh phát triển và gây hại.

17/06/2012
Xà Lách Xoong Có Nhiều Khoáng Chất Xà Lách Xoong Có Nhiều Khoáng Chất

Xà lách xoong rất giàu beta-carotene, vitamin B1, vitamin B6 và những vitamin tan trong dầu như vitamin E, vitamin K. Nó cũng chứa một hàm lượng cao các khoáng chất cần thiết cho cơ thể như iodine, sắt, calcium, magnesium, kẽm

16/02/2011
Nuôi Tôm Hùm Ở Từ Nham Nuôi Tôm Hùm Ở Từ Nham

Sinh ra, lớn lên ở vùng biển nên từ nhỏ Nguyễn Thành Nhơn ở xã Xuân Thịnh (TX Sông Cầu, Phú Yên), đã quen với sông nước vịnh, đầm nơi đây. Đến khi lập gia đình, anh vào nghề nuôi tôm hùm làm kế mưu sinh và trở thành đại gia tôm hùm

01/12/2011