Dưa Hoàng Kim Hái Ra Tiền

Sau vụ lúa đông xuân sớm, các xã Bình Minh, Vĩnh Bình Bắc (Vĩnh Thuận) lại tất bật đào mương, lên liếp để trồng màu. Ông Trần Văn Thỏa, ở ấp Bình Minh, xã Bình Minh trồng 1 ha dưa hoàng kim phấn khởi cho biết: “Nhờ trồng đúng kỹ thuật, thời tiết năm nay lại thuận lợi nên năng suất dưa đạt khá cao. Gia đình tui đã thu hoạch 5 công được gần 20 tấn, thương lái mua tại ruộng giá 3.300 đ/kg. Còn 5 công nữa lái đã đặt cọc trước, hẹn cuối tuần này sẽ cân hết. Với 1 ha dưa hoàng kim, dự kiến năm nay gia đình tui thu nhập trên 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi khoảng 75 triệu. Nếu so với làm lúa, trồng dưa hoàng kim lãi gấp 3- 4 lần. Đã 3 năm liên tiếp gia đình tui đều có thu nhập cao vụ màu này”.
Tương tự, hộ ông Lê Văn Tài, ở xã Vĩnh Bình Bắc trồng hơn 1 ha vừa dưa hoàng kim và dưa hấu cũng trúng mùa, trúng giá. Ông Tài cho biết: “2 loại dưa này đều là trái cây chứa nhiều nước, có tính giải khát nên tiêu thụ rất mạnh vào mùa nắng nóng. Vì vậy, cứ gần đến mùa thu hoạch là thương lái ra ruộng coi dưa rồi đặt cọc trước. Đến ngày thu hoạch chỉ cần điện báo trước là họ đưa xe đến chở đi hết, nông dân rất yên tâm về đầu ra”.
Để tăng thêm thu nhập, ông Tài không cân xô mà chỉ chọn loại dưa đẹp bán cho thương lái với giá 3.600 đ/kg. Số còn lại thu hoạch từ từ rồi đưa ra quốc lộ bán cho người đi đường ăn giải khát. Với cách làm này, hơn 1 ha dưa năm nay gia đình ông Tài lãi gần 90 triệu đồng.
Nông dân huyện Vĩnh Thuận bắt đầu trồng dưa xen canh trên đất lúa khoảng 10 năm trở lại đây và diện tích cứ tăng dần theo từng năm. Người đầu tiên đưa giống dưa hoàng kim về đây trồng là anh Phạm Chí Công. Khi mới bắt đầu trồng anh Công gặp không ít khó khăn do sản phẩm làm ra không biết bán cho ai, trong khi lượng tiêu thụ tại chỗ không đáng kể. Không nản lòng, anh Công cùng với mấy người bạn thuê xe chở đi TP Rạch Giá (Kiên Giang), An Giang, Cần Thơ tiêu thụ bằng cách bán "gối đầu" cho các vựa tại các chợ trung tâm. Nhờ đó mà dưa hoàng kim ở Vĩnh Thuận đã có nơi tiêu thụ, bán được giá cao. Sau này, anh Công còn đứng ra thành lập tổ hợp tác để tiêu thụ sản phẩm cho bà con.
Ông Nguyễn Trọng Hữu, Trạm trưởng Trạm KN- KN huyện Vĩnh Thuận cho biết, diện tích trồng màu xen canh trên đất lúa của huyện năm nay được 193 ha, nhiều nhất là dưa hoàng kim và dưa hấu. Đến nay đã thu hoạch được khoảng 100 ha, năng suất đạt từ 35- 40 tấn/ha. Hiện đang là mùa nắng nóng nên hai loại dưa này được tiêu thụ rất mạnh. Thương lái từ các thành phố lớn như Cần Thơ, Hồ Chí Minh đem xe xuống tận nơi thu mua với giá từ 3.000-3.500 đ/kg. Với mức giá này, mỗi ha nông dân thu nhập khoảng 100 triệu đồng, trừ chi phí còn lãi trên 70 triệu. Đây là mức lãi rất cao đối với vùng đất nhiễm phèn mặn như ở Vĩnh Thuận. Việc trồng màu xen canh trên nền đất lúa không chỉ làm tăng thêm thu nhập cho bà con nông dân mà vụ lúa sau vụ dưa cũng tốt hơn, lúa ít sâu bệnh nên giảm được chi phí đầu tư.
Có thể bạn quan tâm

Xã Cam Thủy, huyện Cam Lộ (Quảng Trị) là địa phương thuộc vùng trung du có diện tích tự nhiên 2.069 ha. Hiện nay, đất đai được người dân sử dụng trồng rừng kinh tế và trồng cây cao su rất lớn, với diện tích 1.073 ha (trong đó diện tích rừng trồng là 650 ha, diện tích trồng cây cao su là 423 ha), chiếm 51,86% diện tích tự nhiên của địa phương.

Thanh long hiện được xác định là sản phẩm lợi thế của Bình Thuận, đồng thời còn dẫn đầu danh sách trái cây xuất khẩu của Việt Nam. Tuy nhiên để khai thác hiệu quả và phát triển bền vững, địa phương cùng ngành chức năng cần nghiên cứu tìm kiếm những giải pháp thật căn cơ. Và một trong nhóm giải pháp mà Sở Công thương tính đến có đề cập hướng VietGAP hóa diện tích thanh long hiện có…

Thành phố Cần Thơ đang triển khai dự án đầu tư trên 4.500 tỷ đồng (90% huy động ngoài ngân sách) thực hiện chương trình phát triển thủy sản đến năm 2020, đưa thủy sản trở thành ngành chủ lực trong kinh tế nông nghiệp.

Mấy tháng qua, nông dân ương cá giống vô cùng phấn khởi do giá cá điêu hồng giống tăng vọt theo đà tăng giá của cá điêu hồng thương phẩm nuôi bè. Điều đáng lưu ý là lượng cá điêu hồng giống trên thị trường hiện nay rất khan hiếm.

Hiện nay, tình hình dịch bệnh trong chăn nuôi gia cầm của Long An nói riêng và cả nước nói chung đang diễn ra phức tạp. Đã có nhiều địa phương trong cả nước xuất hiện bệnh cúm gia cầm, tỉnh Long An cũng là một trong những đại phương có nguy cơ tái bùng phát dịch cúm gia cầm rất cao.