Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Dòng Vốn Tưới Mát Tam Nông

Dòng Vốn Tưới Mát Tam Nông
Ngày đăng: 30/08/2014

Các chính sách tín dụng của Nhà nước để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi là tam nông) đã thật sự là “dòng chảy trong lành”, tưới mát và làm khởi sắc những vùng quê.

Giải cơn khát vốn

Anh Huỳnh Văn Thi, thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong (Đức Phổ), bộc bạch: Đã nhiều năm muốn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình, nhưng lại không có vốn, năm 2010, khi nghe cán bộ tín dụng phổ biến cho vay vốn theo Nghị định 41, anh Thi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để mở rộng chuồng trại chăn nuôi, trồng rừng.

Siêng năng chăm sóc và biết cách đi trước đón đầu trong cách làm ăn, đến nay, anh Thi đã có thu nhập khá ổn định và trả nợ đầy đủ cho ngân hàng.

Ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) chị Nguyễn Thị Lành hiện đang sở hữu chiếc tàu đánh cá với đầy đủ phương tiện máy dò, máy quét. Chị Lành bảo: “Cũng nhờ Ngân hàng Agribank mà mình đã có phương tiện làm ăn lo cho bọn nhỏ thế này”. Trước đây, gia đình chị nghèo khó, con trai chị đã đến tuổi trưởng thành nhưng vợ chồng chị vẫn không sắm nổi phương tiện đi biển.

Chị Lành ao ước có một chiếc ghe để đêm đêm ra biển hành nghề lưới mành. Năm 2012, tìm hiểu Nghị định 41 thấy nhiều cơ chế thông thoáng, chị mạnh dạn vay được 50 triệu đồng mua sắm ghe như nguyện vọng. Chỉ sau vài phiên biển chị đã trả lãi và nợ gốc vay đúng hạn.

Ông Lê Hồng – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Ngãi, khẳng định: “Nghị định số 41 được Chính phủ ban hành năm 2010, đã mở được “nút thắt” định mức cho vay vốn tín dụng. Nhờ nguồn vốn vay cao gấp 5 lần so với trước, đáp ứng được “cơn khát vốn cho lĩnh vực “tam nông”.

Theo ông Hồng, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 41 có đến hàng nghìn hộ dân, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh được vay vốn. Đến cuối năm 2013, hệ thống ngân hàng Agribank có tổng dư nợ 4.864 tỷ đồng thì lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân có dư nợ gần 4.200 tỷ đồng chiếm trên 86% dư nợ cho vay nền kinh tế.

Nâng cấp đội tàu ra khơi

Nếu như Nghị định 41 giúp làng quê khởi sắc, nông dân ổn định cuộc sống thì Nghị định 67 của Chính phủ hỗ trợ phát triển thủy sản vừa ban hành được xem là đòn bẩy để phát triển nghề biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.

Chính sách sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội tàu, đầu tư cơ sở hạ tầng vũng, cảng neo đậu tàu thuyền và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Đối với ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vật liệu mới được cho vay đến 95% giá trị con tàu với lãi suất 1-2%/năm, còn lại sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ.

Đóng tàu vỏ gỗ được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả lãi suất 3%/năm, còn lại ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Ngoài ra, còn có những chính sách hỗ trợ đào tạo thuyền viên, sửa chữa và chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá để hỗ trợ ngư dân khai thác.

Trong giai đoạn 2014 – 2016, Quảng Ngãi có kế hoạch đóng mới 189 chiếc tàu cá, với công suất từ 400 – 1.500 CV; cải hoán nâng cấp 530 chiếc tàu; cho vay vốn lưu động khoảng 3.500 chiếc tàu. Tổng nhu cầu vốn khoảng 2.269 tỷ đồng, ngân sách cấp bù lãi suất theo Nghị định 67 gần 160  tỷ đồng. Đến nay, đã có hàng trăm ngư dân, các tổ chức đăng ký đóng mới.

Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng đã tính toán và đề xuất lên trung ương xây dựng các công trình đang thực hiện dang dở như Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2); dự án cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ; dự án khu neo đậu trú bão Sa Huỳnh...

Quảng Ngãi cũng đã có kế hoạch xây dựng hàng loạt dự án khu neo trú tàu thuyền kết hợp cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá Cửa Đại, Sa Cần; đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung xã Phổ Khánh (Đức Phổ); Lý Sơn; Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi)…

Các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn đã và đang được triển khai thực hiện đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông lâm, thủy sản, tạo điều kiện cho các hộ gia đình nông dân, ngư dân phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.


Có thể bạn quan tâm

Bệnh Lạ Bùng Phát Trên Cây Tiêu Ở Đắk Ơ (Bình Phước) Bệnh Lạ Bùng Phát Trên Cây Tiêu Ở Đắk Ơ (Bình Phước)

Tiêu đang xanh tốt, tự nhiên vàng lá rũ xuống rồi chết hàng loạt, khiến hàng trăm hộ trồng tiêu ở xã Đắk Ơ (Bù Gia Mập - Bình Phước) đứng ngồi không yên. Bao nhiêu tiền của, công sức đầu tư nay đứng nhìn cây tiêu chết dần vì bệnh lạ.

21/03/2014
Đừng Vội Chặt Bỏ Cây Điều Đừng Vội Chặt Bỏ Cây Điều

Trong khi nhiều nông dân trồng điều trên địa bàn huyện Hàm Tân (Bình Thuận) lao đao bởi cây điều liên tục mất mùa, rớt giá trong nhiều năm qua, thì vườn điều của gia đình anh Phạm Hùng Dũng ở thôn Đông Hòa, xã Tân Hà lại đạt hiệu quả kinh tế cao, cụ thể là mùa điều năm nay.

21/03/2014
Sống Khỏe Nhờ Nuôi Lợn Khép Kín Sống Khỏe Nhờ Nuôi Lợn Khép Kín

Tốt nghiệp khoa Chăn nuôi thú y, Đại học Nông nghiệp I Hà Nội, năm 2007 anh Nghiêm Xuân Hùng (thôn Thanh Nhàn, xã Thanh Xuân, Sóc Sơn, Hà Nội) mạnh dạn đầu tư chăn nuôi.

23/02/2014
Xây Dựng Thương Hiệu Cho Vú Sữa Xã Diên Bình, Huyện Diên Khánh (Khánh Hòa) Xây Dựng Thương Hiệu Cho Vú Sữa Xã Diên Bình, Huyện Diên Khánh (Khánh Hòa)

Xây dựng thương hiệu cho nông sản trong nước là bài toán được đặt ra từ bao lâu nay của nhiều địa phương. Tại Khánh Hòa, sầu riêng Khánh Sơn là thương hiệu nông sản đầu tiên được xây dựng thành công, góp phần đưa nông sản địa phương vào hệ thống phân phối của các siêu thị và đến với nhiều tỉnh thành khác.

21/03/2014
Bí Quyết Thu Hút Nông Dân Ở Sơn La Bí Quyết Thu Hút Nông Dân Ở Sơn La

“Nội dung hoạt động hội phải gắn với quyền lợi của hội viên, nông dân. Nông dân no ấm, hạnh phúc thì tổ chức hội vững mạnh” - đó là tâm sự của bà Trần Thị Kim Loan - Chủ tịch Hội Nông dân (ND) thành phố Sơn La.

23/02/2014
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng vượt trội, bọt khí mịn, kháng khuẩn. Ống Nano-Tube là lựa chọn sục khí được ưa chuộng nhất trên thị trường để tăng cường oxy đáy trong ao nuôi tôm …
Sản phẩm khuyên dùng
Chất lượng hoàn toàn vượt trội, sử dụng hộp số giảm tốc vỏ gang, một trải nghiệm vô cùng mới. Oxy hoà tan cao, tạo dòng lưu thông mạnh giữ cho đáy ao luôn sạch.