Dòng Vốn Tưới Mát Tam Nông

Các chính sách tín dụng của Nhà nước để phát triển nông nghiệp, nông dân, nông thôn (gọi là tam nông) đã thật sự là “dòng chảy trong lành”, tưới mát và làm khởi sắc những vùng quê.
Giải cơn khát vốn
Anh Huỳnh Văn Thi, thôn Hùng Nghĩa, xã Phổ Phong (Đức Phổ), bộc bạch: Đã nhiều năm muốn nuôi bò để phát triển kinh tế gia đình, nhưng lại không có vốn, năm 2010, khi nghe cán bộ tín dụng phổ biến cho vay vốn theo Nghị định 41, anh Thi đã mạnh dạn vay 50 triệu đồng để mở rộng chuồng trại chăn nuôi, trồng rừng.
Siêng năng chăm sóc và biết cách đi trước đón đầu trong cách làm ăn, đến nay, anh Thi đã có thu nhập khá ổn định và trả nợ đầy đủ cho ngân hàng.
Ở thôn Châu Thuận Biển, xã Bình Châu (Bình Sơn) chị Nguyễn Thị Lành hiện đang sở hữu chiếc tàu đánh cá với đầy đủ phương tiện máy dò, máy quét. Chị Lành bảo: “Cũng nhờ Ngân hàng Agribank mà mình đã có phương tiện làm ăn lo cho bọn nhỏ thế này”. Trước đây, gia đình chị nghèo khó, con trai chị đã đến tuổi trưởng thành nhưng vợ chồng chị vẫn không sắm nổi phương tiện đi biển.
Chị Lành ao ước có một chiếc ghe để đêm đêm ra biển hành nghề lưới mành. Năm 2012, tìm hiểu Nghị định 41 thấy nhiều cơ chế thông thoáng, chị mạnh dạn vay được 50 triệu đồng mua sắm ghe như nguyện vọng. Chỉ sau vài phiên biển chị đã trả lãi và nợ gốc vay đúng hạn.
Ông Lê Hồng – Phó Giám đốc Agribank chi nhánh Quảng Ngãi, khẳng định: “Nghị định số 41 được Chính phủ ban hành năm 2010, đã mở được “nút thắt” định mức cho vay vốn tín dụng. Nhờ nguồn vốn vay cao gấp 5 lần so với trước, đáp ứng được “cơn khát vốn cho lĩnh vực “tam nông”.
Theo ông Hồng, sau hơn 3 năm thực hiện Nghị định 41 có đến hàng nghìn hộ dân, cơ sở sản xuất, hộ kinh doanh được vay vốn. Đến cuối năm 2013, hệ thống ngân hàng Agribank có tổng dư nợ 4.864 tỷ đồng thì lĩnh vực nông nghiệp, nông thôn và nông dân có dư nợ gần 4.200 tỷ đồng chiếm trên 86% dư nợ cho vay nền kinh tế.
Nâng cấp đội tàu ra khơi
Nếu như Nghị định 41 giúp làng quê khởi sắc, nông dân ổn định cuộc sống thì Nghị định 67 của Chính phủ hỗ trợ phát triển thủy sản vừa ban hành được xem là đòn bẩy để phát triển nghề biển, góp phần bảo vệ chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc.
Chính sách sẽ góp phần nâng cao chất lượng đội tàu, đầu tư cơ sở hạ tầng vũng, cảng neo đậu tàu thuyền và trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Đối với ngư dân đóng mới tàu vỏ thép, vật liệu mới được cho vay đến 95% giá trị con tàu với lãi suất 1-2%/năm, còn lại sẽ được ngân sách nhà nước hỗ trợ.
Đóng tàu vỏ gỗ được vay tối đa 70% tổng giá trị đầu tư đóng mới với lãi suất 7%/năm, trong đó chủ tàu trả lãi suất 3%/năm, còn lại ngân sách nhà nước cấp bù 4%/năm. Ngoài ra, còn có những chính sách hỗ trợ đào tạo thuyền viên, sửa chữa và chính sách thu hút tổ chức, cá nhân đầu tư xây dựng cơ sở hạ tầng dịch vụ hậu cần nghề cá để hỗ trợ ngư dân khai thác.
Trong giai đoạn 2014 – 2016, Quảng Ngãi có kế hoạch đóng mới 189 chiếc tàu cá, với công suất từ 400 – 1.500 CV; cải hoán nâng cấp 530 chiếc tàu; cho vay vốn lưu động khoảng 3.500 chiếc tàu. Tổng nhu cầu vốn khoảng 2.269 tỷ đồng, ngân sách cấp bù lãi suất theo Nghị định 67 gần 160 tỷ đồng. Đến nay, đã có hàng trăm ngư dân, các tổ chức đăng ký đóng mới.
Bên cạnh đó, Quảng Ngãi cũng đã tính toán và đề xuất lên trung ương xây dựng các công trình đang thực hiện dang dở như Vũng neo đậu tàu thuyền Lý Sơn (giai đoạn 2); dự án cảng cá và Trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá Sa Kỳ; dự án khu neo đậu trú bão Sa Huỳnh...
Quảng Ngãi cũng đã có kế hoạch xây dựng hàng loạt dự án khu neo trú tàu thuyền kết hợp cảng cá, khu dịch vụ hậu cần nghề cá Cửa Đại, Sa Cần; đầu tư hạ tầng vùng nuôi tôm tập trung xã Phổ Khánh (Đức Phổ); Lý Sơn; Tịnh Khê (TP.Quảng Ngãi)…
Các chính sách tín dụng phát triển nông nghiệp, nông thôn đã và đang được triển khai thực hiện đồng bộ, góp phần quan trọng trong việc phát triển kinh tế nông lâm, thủy sản, tạo điều kiện cho các hộ gia đình nông dân, ngư dân phát triển kinh tế, góp phần xây dựng nông thôn mới và bảo vệ chủ quyền biển đảo của Tổ quốc.
Related news

Năng động và nhạy bén, bước đầu họ đã thu được những thành công trên con đường làm giàu chính đáng. Thành công của họ không chỉ mang lại thu nhập cho bản thân mà còn mở ra các hướng làm ăn, tạo việc làm cho thanh niên ở khu vực nông thôn Kiên Giang.

Chỉ với diện tích 1 sào mặt nước, anh Lê Thanh Tịnh ở thôn Hoà Diêm, xã Cam Thịnh Đông, thị xã Cam Ranh đã đầu tư sản xuất mang lại thu nhập trên 230 triệu đồng/vụ. Cách làm của anh mới, dễ áp dụng và gần gũi với bà con ngư dân, đó là nuôi ốc hương thương phẩm trong ao đất.

Ngày 15-6, Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh Thừa Thiên - Huế cho biết, nguyên nhân cá dìa, kình nuôi xen ghép trên phá Tam Giang bị chết là do năm 2012 thời tiết không xảy ra mưa lũ nên các ao, hồ trước khi thả nuôi con giống không được rửa sạch; nắng nóng kèm theo mưa giông những ngày qua là điều kiện thuận lợi cho các loại ký sinh trùng gây hại sinh sôi. Ngoài ra, các hộ nuôi thả cá với mật độ quá dày 15-20 con/m², trong khi quy định cá dìa, kình thả 2 con/m² khiến cá chậm lớn, bị ngạt và sinh ra dịch bệnh.

Thông tin từ các hộ chăn nuôi heo trên địa bàn tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu cho biết, sau một thời gian dài thịt heo hơi giảm giá mạnh xuống còn 33 – 34 ngàn đồng/kg, khoảng 10 ngày trở lại đây, giá heo trên địa bàn tỉnh đã tăng trở lại, lên mức từ 37 – 40 ngàn đồng/kg, tăng từ 3 – 5 ngàn đồng/kg.

Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp - phát triển nông thôn huyện Thống Nhất (Đồng Nai), hiện toàn huyện có khoảng 700 ngàn con gà, giảm gần 500 ngàn con so với cùng kỳ năm ngoái. Số gà này được nuôi chủ yếu theo hình thức trang trại gia công cho các công ty.