Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Vải thiều Hải Dương đi Mỹ

Vải thiều Hải Dương đi Mỹ
Ngày đăng: 09/06/2015

Niềm tin từ hai phía

Tại xã Hoàng Hoa Thám (thị xã Chí Linh), địa phương có nhiều vườn vải được tỉnh Hải Dương quy hoạch sản xuất theo tiêu chuẩn để xuất khẩu sang Mỹ, Úc và các nước EU, bà con đang tất bật thu hái để bán cho Cty Sản xuất – Thương mại Rồng Đỏ theo đúng hợp đồng ký kết.

Khác với thường lệ, khâu thu hoạch “vải đi Mỹ” phải tuân thủ đúng quy trình nghiêm ngặt. Phía dưới gốc được trải những tấm bạt trên nền đất để đảm bảo an toàn vệ sinh thực phẩm. Công nhân hái vải chân đi ủng, miệng bịt khẩu trang, tay đeo găng và áo bảo hộ lao động.

Sau khi ngắt khỏi cành, những chùm vải lập tức được đưa vào các hộp xốp mới và dán băng dính kín mít, chuyển nhẹ nhàng lên xe chuyên dụng và chở về xưởng đóng gói của Cty Rồng Đỏ tại xã Việt Hồng, huyện Thanh Hà (cơ sở duy nhất ở phía Bắc được Cục Kiểm dịch Thực Động vật – Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ chứng nhận đảm bảo điều kiện đóng gói sản phẩm vải xuất khẩu sang Mỹ).

Đây là xưởng đóng gói nông sản xuất khẩu tươi sống mới khánh thành ngày 7/6, được đầu tư cơ sở vật chất hiện đại, khép kín để côn trùng không thể lọt vào. Tại đây, vải được các công nhân chọn lọc lần cuối cùng đáp ứng yêu cầu nhà nhập khẩu phía Mỹ và Úc (vỏ màu đỏ, không dập nát, sâu đục cuống, 1 kg có khoảng 40 quả…).

Tiếp đến là công đoạn đóng gói. Vải được bảo quản trong túi ni lông, sau đó buộc kín, đưa vào hộp nhựa, thắt chặt nắp bằng dây rút, dán tem mác của đơn vị xuất khẩu, mã truy nguyên nguồn gốc… Phía bên trong có 3 kho lạnh bảo quản với năng lực chứa 40 tấn vải tươi.

Từ đây, vải sẽ được làm lạnh nhanh ở nhiệt độ 12oC – 15oC, vận chuyển vào TP. HCM để chiếu xạ diệt hết vi khuẩn và sâu bệnh hại theo yêu cầu của hai quốc gia nhập khẩu khó tính Mỹ và Úc. Đại diện Cty Rồng Đỏ cho biết: Nếu thuận buồm xuôi gió, thứ 5 tuần này, sản phẩm vải thiều Hải Dương sẽ có mặt tại một số siêu thị của Mỹ và Úc. 

Theo đánh giá của ông Robert Guillermo, chuyên gia kiểm dịch thực vật (Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ), trước đó, lô vải thiều Lục Ngạn (Bắc Giang) đã xuất khẩu thành công sang thị trường Mỹ, đặc biệt là kết quả chiếu xạ rất tốt. Sau khi thăm hai vùng trồng vải theo tiêu chuẩn Mỹ tại Chí Linh và Thanh Hà, tôi rất tin tưởng rằng sản phẩm vải của Hải Dương cũng sẽ vượt qua mọi rào cản kỹ thuật, đáp ứng điều kiện xuất khẩu sang Mỹ, Úc.

Tham gia buổi chứng kiến khâu thu hoạch, sơ chế, đóng gói vải Hải Dương xuất khẩu đi Mỹ, Úc còn có sự hiện diện của ông Alex, đối tác tiêu thụ sản phẩm vải của Cty Rồng Đỏ tại Úc. Vị này chia sẻ: “Cách đây 1 tháng, tôi đã có buổi tiếp xúc với lãnh đạo các siêu thị lớn tại Úc. Họ tỏ ra lo ngại về năng lực của các đơn vị chiếu xạ thực vật của Việt Nam.

Nhưng, khi chứng kiến quy trình chiếu xạ trái cây của Cty CP chế biến thủy sản Sơn Sơn (TP. HCM) với các thiết bị hiện đại, tôi đã ngay lập tức truyền thông tin cho các siêu thị tại Úc để họ an tâm. Nếu lô vải đầu tiên của Việt Nam đạt chất lượng tốt, chúng tôi sẽ tiếp tục đặt hàng khoảng 200 tấn vải ở những dao dịch sau”.

Theo bà Vũ Thị Hà, Phó Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương, để có vùng nguyên liệu vải xuất khẩu sang Mỹ, Úc và EU đạt chuẩn, Sở NN-PTNT đã phối hợp chặt chẽ với Cục Bảo vệ Thực vật và chỉ đạo Chi cục Bảo vệ Thực vật hướng dẫn cho nông dân kỹ thuật từ sử dụng các loại thuốc nằm trong danh mục phía Hoa Kỳ cho phép, đảm bảo thời gian cách li ít nhất 20 ngày từ lần phun thuốc BVTV cuối cùng đến khi thu hoạch.

Giá “vải đi Mỹ” tăng

Trong lô vải đầu tiên xuất khẩu sang Mỹ và Úc, Cty Rồng Đỏ sẽ thu mua của nông dân 6 tấn vải. Nếu thị trường phía bạn hưởng ứng cao và có nhiều đơn đặt hàng, Cty sẽ đẩy mạnh thu mua và xuất khẩu với số lượng lớn.

Hiện Cty TNHH Rồng Đỏ đã ký hợp đồng bao tiêu toàn bộ sản phẩm với diện tích 20 ha sản xuất vải theo tiêu chuẩn Mỹ tại hai huyện Thanh Hà và Chí Linh với giá thấp nhất 10.000 đồng/kg.

Trường hợp giá thị trường vượt ngưỡng 10.000 đồng/kg, Cty sẽ thu mua vải của bà con với giá cao hơn thị trường từ 15 – 20% ở cùng thời điểm. Đồng thời, ký giao ước tiêu thụ sản phẩm cho hơn 200 ha vải sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP trên địa bàn tỉnh Hải Dương qua các siêu thị lớn là đối tác của Rồng Đỏ.

Rất phấn khởi vì quả vải mình sản xuất ra sắp được đi Mỹ, Úc, bà Nguyễn Thị Nụ, xã Hoàng Hoa Thám chia sẻ: “Thời điểm hiện tại, thương lái thu mua vải ở Chí Linh chỉ 4.000 – 5.000 đồng/kg. Nếu Cty Rồng đỏ thu mua vải của chúng tôi giá 10.000 đồng trở lên là lãi ít nhất gấp đôi rồi. Hi vọng rằng thời gian tới, khi người Mỹ, Úc ăn quen vải Việt Nam giá sẽ tăng gấp đôi, ba lần hiện tại để người dân giàu nhanh hơn”.

Theo bà Nụ, trồng vải xuất khẩu sang Mỹ không khó, chỉ cần tuân thủ đúng quy trình chăm sóc như cán bộ nông nghiệp hướng dẫn và bảo quản quả vải bằng túi bọc trái cây để quả vải đẹp, không rám nắng và nhiễm sâu bệnh. Quan trọng nhất là phải sử dụng thuốc phòng trừ sâu bệnh đúng quy định.

Ông Hoàng Trung, Phó Cục trưởng Cục Bảo vệ Thực vật (Bộ NN-PTNT), khẳng định: Đến giờ phút này tất cả các khâu kỹ thuật liên quan đến kiểm dịch thực vật và an toàn vệ sinh thực phẩm cho sản phẩm vải Hải Dương xuất khẩu sang hai thị trường mới mở là Úc và Mỹ đã được chuẩn bị kỹ lưỡng, từ khâu cấp mã số vùng trồng đến các giải pháp canh tác.

Về vấn đề chiếu xạ, chúng tôi đã hoàn thiện bản đồ chiếu xạ và được phía bạn đánh giá rất tốt. Để giảm chi phí vận chuyển, bốc xếp và rút ngắn thời gian xuất khẩu vải đi Mỹ, Úc, Bộ NN-PTNT đang rốt ráo phối hợp với Bộ Khoa học Công nghệ, cải tạo Trung tâm chiếu xạ ở Hà Nội để nông sản phía Bắc xuất khẩu sang Mỹ, Úc có điều kiện chiếu xạ gần vùng nguyên liệu hơn.

“Hải Dương có khoảng 10.000 ha trồng vải với sản lượng trên 50.000 tấn/vụ. Lượng vải tiêu thụ nội địa khoảng 60%, 20% sang Trung Quốc, còn lại là các nước khác như Hàn Quốc,Trung Đông. Việc xuất khẩu vải Hải Dương sang Mỹ và Úc là cơ hội vàng để đặc sản của tỉnh nâng cao giá trị gia tăng, đồng thời giảm sức ép từ thị trường Trung Quốc”, ông Nguyễn Văn Phú – Giám đốc Sở NN-PTNT Hải Dương chia sẻ.


Có thể bạn quan tâm

Bán Đổ, Bán Tháo Gia Cầm Bán Đổ, Bán Tháo Gia Cầm

Dịch cúm gia cầm đang bùng phát mạnh và có chiều hướng lây lan nhanh. Thế nhưng, rất nhiều người vẫn tỏ ra rất lơ là, thậm chí tìm cách tuồn gia cầm bệnh ra khỏi vùng dịch bán để tránh bị tiêu hủy.

22/02/2014
Bao Giờ Rau Có VietGAP Bao Giờ Rau Có VietGAP

Thực hành sản xuất nông nghiệp tốt tại Việt Nam (gọi tắt là VietGAP) được xem là giải pháp đảm bảo hài hòa lợi ích bền vững giữa kinh tế (người sản xuất, người tiêu dùng) và môi trường. Thế nhưng, tại Quảng Ngãi, vấn đề này dường như đang bị bỏ ngỏ…

18/03/2014
Lâm Thao Phát Triển Kinh Tế Trang Trại Lâm Thao Phát Triển Kinh Tế Trang Trại

Để khuyến khích, hỗ trợ phát triển kinh tế trang trại với các dự án phát triển chăn nuôi lợn, dự án nuôi trồng thủy sản, chương trình xây dựng mô hình cánh đồng thu nhập cao... ở tất cả các xã, thị trấn trong huyện, huyện Lâm Thao đã tạo cơ chế thuận lợi cho người dân: Thực hiện giao quyền sử dụng đất lâu dài để các hộ nông dân yên tâm đầu tư phát triển sản xuất.

18/03/2014
Kiểm Tra Tất Cả Trâu, Bò Nhập Khẩu Vào Việt Nam Kiểm Tra Tất Cả Trâu, Bò Nhập Khẩu Vào Việt Nam

Tổng cục Hải quan vừa có công văn yêu cầu Cục Hải quan các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý đối với trâu, bò sống nhập khẩu. Theo đó, 100% các lô hàng trâu, bò sống nhập khẩu vào Việt Nam đều phải kiểm tra thực tế hàng hóa.

22/02/2014
Lo Phòng Cúm Cho Chim Yến Lo Phòng Cúm Cho Chim Yến

Các công ty nuôi chim yến và các địa phương có nhà nuôi chim yến đã có những biện pháp ban đầu phòng ngừa dịch cúm cho loại chim này trong bối cảnh dịch cúm A/H5N1 đang lan rộng tại các tỉnh.

22/02/2014