Đồng Bằng Sông Cửu Long Tổ Chức Lại Sản Xuất Trên Biển
Hướng tới việc khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao và bền vững, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đề ra nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất trên biển, đồng thời thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nguồn lợi hải sản ven bờ biển ĐBSCL giảm mạnh và đã có dấu hiệu tổn thương. Cá nổi nhỏ đã khai thác vượt quá giới hạn 25 - 30%, làm mất dần khả năng tái tạo, phục hồi mật độ quần thể, đồng thời làm cá nổi loại lớn thiếu thức ăn.
Hải sản tầng đáy cũng bị khai thác ở mức độ cao, vượt quá giới hạn cho phép từ 30 - 35%, trong đó có nhiều giống loài hải sản có nguy cơ tuyệt chủng. Nguồn lợi hải sản vùng lộng và vùng biển xa bờ chưa được đánh giá và dự báo chính xác.
Về nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, sản xuất tôm giống tại ĐBSCL được đẩy mạnh nhưng chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu. Tình hình bệnh tôm vẫn xảy ra khá nghiêm trọng.
Để việc khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao và bền vững, các tỉnh ĐBSCL có kế hoạch tổ chức lại sản xuất trên biển trên cơ sở xây dựng quan hệ sản xuất gắn với các tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ hiệu quả, giảm dần đánh bắt ven bờ.
Cùng với đó, các tỉnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong đánh bắt, lập các đội tàu hỗ trợ nhau đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao. Các địa phương cũng khuyến khích các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết đầu tư vốn, phương tiện vừa khai thác xa bờ vừa bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, vận động ngư dân không sử dụng điện, chất nổ, chất độc đánh bắt thủy hải sản; không khai thác, mua bán, chế biến các loại thủy hải sản trong mùa sinh sản.
Trong nuôi trồng thủy sản, các tỉnh ĐBSCL sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, lưu thông giống, đảm bảo đủ giống sạch bệnh, đa dạng, đúng mùa vụ. Bên cạnh đó, các tỉnh đẩy mạnh phát triển nghề nuôi thủy sản ở các tỉnh có lợi thế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến cũng như nhân rộng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn GAP để đẩy mạnh xuất khẩu.
Hiện nay, diện tích mặt nước nuôi thủy sản tại ĐBSCL gần 700.000 ha, sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng 2,1 triệu tấn, chiếm 72% sản lượng cả nước, trong đó có khoảng 370.000 tấn tôm, chiếm 76% cả nước.
Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác toàn vùng ĐBSCL đạt 517.500 tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm 2012, chiếm 41% sản lượng cả nước. Sản lượng nuôi trồng đạt 1,06 triệu tấn, tăng 4%, chiếm 71% sản lượng cả nước.
Có thể bạn quan tâm
Tính đến nay, sản lượng cà phê xuất khẩu cả nước đạt gần 1,2 triệu tấn, trị giá hơn 2,1 tỷ USD, so với cũng kỳ năm 2013 tăng 28% về sản lượng và 23% giá trị kim ngạch.
Tại Hội nghị triển khai công tác chăn nuôi- thú y toàn quốc tổ chức ở Hà Nội sáng nay (26/8), ông Hoàng Thanh Vân - Cục trưởng Cục Chăn nuôi (Bộ NN&PTNT) nhận định: Thị trường và giá một số sản phẩm chăn nuôi dần ổn định, cùng với việc kiểm soát tốt hơn về dịch bệnh, nên sản xuất chăn nuôi đang được khôi phục trở lại.
Ngày 21/8/2014, tại thành phố Hạ Long, Quảng Ninh, Tổng cục Thủy sản đã phối hợp với Sở Nông nghiệp và PTNT Quảng Ninh tổ chức Hội thảo xác định nguyên nhân gây chết trên ngao, tu hài nuôi và giải pháp khôi phục nghề nuôi. Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Thủy sản Nguyễn Huy Điền đã đến dự.
Hơn 2 ngày qua, tại các lồng bè trên vịnh Mân Quang (quận Sơn Trà - Đà Nẵng) đã xảy ra tình trạng cá chết hàng loạt khiến người nuôi cá tại đây trở tay không kịp.
Dự án nhằm mục tiêu phát triển chăn nuôi gà áp dụng quy trình an toàn sinh học theo hướng VietGAHP có kiểm soát. Xây dựng mối liên kết sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ cung ứng sản phẩm gà đồi Yên Thế cho TP Hà Nội và một số thị trường khác với chất lượng ổn định, giữ vững thương hiệu, thị trường và hài hòa lợi ích của các bên.