Đồng Bằng Sông Cửu Long Tổ Chức Lại Sản Xuất Trên Biển
Hướng tới việc khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao và bền vững, các tỉnh Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đã đề ra nhiệm vụ tổ chức lại sản xuất trên biển, đồng thời thực hiện chương trình phát triển nuôi trồng thủy sản đến năm 2020.
Theo đánh giá của Tổng cục Thủy sản, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, hiện nguồn lợi hải sản ven bờ biển ĐBSCL giảm mạnh và đã có dấu hiệu tổn thương. Cá nổi nhỏ đã khai thác vượt quá giới hạn 25 - 30%, làm mất dần khả năng tái tạo, phục hồi mật độ quần thể, đồng thời làm cá nổi loại lớn thiếu thức ăn.
Hải sản tầng đáy cũng bị khai thác ở mức độ cao, vượt quá giới hạn cho phép từ 30 - 35%, trong đó có nhiều giống loài hải sản có nguy cơ tuyệt chủng. Nguồn lợi hải sản vùng lộng và vùng biển xa bờ chưa được đánh giá và dự báo chính xác.
Về nuôi trồng thủy sản, thời gian qua, sản xuất tôm giống tại ĐBSCL được đẩy mạnh nhưng chỉ mới đáp ứng được 50% nhu cầu. Tình hình bệnh tôm vẫn xảy ra khá nghiêm trọng.
Để việc khai thác, nuôi trồng thủy sản đạt hiệu quả cao và bền vững, các tỉnh ĐBSCL có kế hoạch tổ chức lại sản xuất trên biển trên cơ sở xây dựng quan hệ sản xuất gắn với các tổ hợp tác, hợp tác xã, chủ tàu thuyền khai thác hải sản xa bờ hiệu quả, giảm dần đánh bắt ven bờ.
Cùng với đó, các tỉnh phát triển các mô hình kinh tế tập thể trong đánh bắt, lập các đội tàu hỗ trợ nhau đánh bắt, tiêu thụ sản phẩm đạt hiệu quả cao. Các địa phương cũng khuyến khích các thành phần kinh tế liên doanh, liên kết đầu tư vốn, phương tiện vừa khai thác xa bờ vừa bảo vệ, tái tạo nguồn lợi thủy sản, vận động ngư dân không sử dụng điện, chất nổ, chất độc đánh bắt thủy hải sản; không khai thác, mua bán, chế biến các loại thủy hải sản trong mùa sinh sản.
Trong nuôi trồng thủy sản, các tỉnh ĐBSCL sẽ tập trung chỉ đạo sản xuất, lưu thông giống, đảm bảo đủ giống sạch bệnh, đa dạng, đúng mùa vụ. Bên cạnh đó, các tỉnh đẩy mạnh phát triển nghề nuôi thủy sản ở các tỉnh có lợi thế, bảo quản sản phẩm sau thu hoạch, chế biến cũng như nhân rộng mô hình nuôi theo tiêu chuẩn GAP để đẩy mạnh xuất khẩu.
Hiện nay, diện tích mặt nước nuôi thủy sản tại ĐBSCL gần 700.000 ha, sản lượng thu hoạch hằng năm khoảng 2,1 triệu tấn, chiếm 72% sản lượng cả nước, trong đó có khoảng 370.000 tấn tôm, chiếm 76% cả nước.
Từ đầu năm đến nay, sản lượng khai thác toàn vùng ĐBSCL đạt 517.500 tấn, tăng 5% so cùng kỳ năm 2012, chiếm 41% sản lượng cả nước. Sản lượng nuôi trồng đạt 1,06 triệu tấn, tăng 4%, chiếm 71% sản lượng cả nước.
Related news
Từng niên vụ, tổ luôn bám sát các bộ giống thích nghi do Cục Khuyến nông khuyến cáo; phối hợp chặt chẽ với trung tâm giống nông nghiệp sở tại và tiến hành nhân giống lúa cấp xác nhận phục vụ nhu cầu sản xuất.
Sau chuyến tham quan học tập kinh nghiệm các mô hình sản xuất, tiêu thụ nông sản tại Thái Lan, Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư Đồng Tháp đã tổ chức phổ biến kinh nghiệm mô hình sản xuất và tiêu thụ nhãn của Thái Lan cho 50 nông dân trồng nhãn ở xã Phong Hòa, huyện Lai Vung.
Trước tình hình tôm chết trên diện rộng và chưa có giải pháp khắc phục như hiện nay, nông dân ở nhiều nơi đã bắt đầu phát triển mô hình nuôi cua trên đất tôm để thay dần cho con tôm sú.
Với mục tiêu thúc đẩy ngành thủy sản phát triển, nhân rộng giống cá đặc sản trên địa bàn, gần đây tỉnh ta đã đầu tư nhiều chương trình dự án nuôi trồng thủy sản, góp phần nâng cao thu nhập, cải thiện đời sống cho người nông dân..
Sở Khoa học và Công nghệ Hậu Giang vừa tổ chức xét duyệt đề tài “Tuyển chọn giống cá thát lát còm bố mẹ bằng nguồn tự nhiên nhiều nơi khác nhau” do ông Phan Quốc Thứ, Phó Giám đốc Trung tâm Giống nông nghiệp Hậu Giang làm chủ nhiệm.