Đón Năm Rắn Bằng Dự Án Rắn

Ông Lý Hồng Hởi (Bảy Hởi) ở ấp Lợi Hoà (xã Thanh Mỹ, huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) được nhiều người biết đến với nghề nuôi rắn và nhiều loại động vật hoang dã, quý hiếm khác như: dúi, nhím, cua đinh… tuy nhiên, hiện nay, bầy rắn sinh sản của ông Bảy Hởi mới là những cái “máy in tiền” cho ông khi ông cho sản xuất và kinh doanh con giống rắn.
Khác với mọi người, ông Bảy Hởi không sử dụng nguồn giống rắn sẵn có để mở rộng quy mô nuôi thương phẩm, mà ông lại làm nhiệm vụ của “bà đỡ” chuyên sản xuất con giống với yêu cầu kỹ thuật ràng buộc gấp nhiều lần so với việc nuôi rắn lấy thịt.
Mỗi năm, một rắn nái “đẻ” 1,2 tấn lúa
Năm 2012, hơn 1.500 con giống rắn ráo trâu được sinh ra từ 50 con rắn nái chủ lực của ông Bảy Hởi. Đó là chưa tính số lượng con giống là rắn ri voi mà ông ít quan tâm hơn chỉ vì nó có giá bán khá thấp, chỉ bằng 1/3 giá con giống rắn ráo trâu. Với giá bán rắn ráo trâu trong năm 2012 là 300.000 đồng/con giống, nếu bình quân giá lúa phẩm cấp cao 7.000 đồng/kg, tính ra, mỗi con rắn nái của ông Bảy Hởi đã “đẻ” ra hơn 1,2 tấn lúa.
Theo ông Bảy Hởi, năm 2000, những con rắn ri voi khoảng hai tuần tuổi đầu tiên được bán cho người nuôi làm giống với giá 40.000 đồng/con, làm ông hết sức bất ngờ. “Trước đó, tui chỉ có ý thử nuôi vài con rắn ri voi để tiêu khiển, nhưng khi gần gũi, chăm sóc chúng, riết rồi thấy hay, nên tui hết sức chú ý theo dõi rắn nuôi trong từng thời kỳ sinh trưởng. Cuối cùng, tui cho rắn đẻ thử và thành công nhờ học kinh nghiệm của nhiều người nuôi trước, kết hợp với các tài liệu kỹ thuật nuôi mà tui tìm kiếm được trên mạng”, ông Bảy Hởi nói giọng chân tình.
Cũng trong năm này, ở tại huyện Tháp Mười của tỉnh Đồng Tháp, giá thu mua lúa hàng hoá chỉ ở mức không quá 1.050 đồng/kg. Cùng lúc đó, tại tỉnh Vĩnh Long, giá lúa trên thị trường có nơi chỉ còn 900 đồng/kg. Giá lúa tính thuế của vụ đông xuân năm 2000 – 2001 ở Cần Thơ lúc đó cũng được UBND tỉnh điều chỉnh xuống còn 1.000 đồng/kg cho phù hợp hơn với giá thị trường, giảm thêm 300 đồng/kg so với vụ đông xuân trước đó.
Nhiều nhà nông thất vọng, nhưng riêng ông Bảy Hởi so sánh: “Giá bán một con giống rắn ri voi lúc này tương đương với giá hai giạ lúa (40 kg); nuôi ba con rắn ri voi sinh sản (trọng lượng mỗi con đạt trên 1 kg theo tiêu chuẩn, mỗi năm một lứa, một con rắn nái có thể đẻ 20 rắn con) sẽ cho thu nhập hàng năm tương đương với trồng lúa ba vụ trên diện tích hơn 1.000 m2”. Sau đó, theo ông Bảy Hởi, nhiều nơi bắt đầu dấy lên phong trào nuôi rắn ráo trâu do đánh giá nó có giá trị thương phẩm cao hơn, chu kỳ sinh sản ngắn hơn so với rắn ri voi, nên ông Bảy Hởi quyết định bắt đầu “làm quen” với loài rắn này từ năm 2009.
Thuần dưỡng rắn ráo trâu
Theo ông Bảy Hởi, rắn ráo trâu mà dân gian còn gọi rắn hổ hèo (hay long thừa, hổ vện), nhưng trong các tài liệu thường gọi rắn ráo trâu. Đây là loài rắn sống trên cạn, xương to, nhưng thịt ngon hơn rắn ri voi. Rắn ráo trâu sống ở môi trường khô ráo, dễ quản lý chăm sóc hơn so với rắn ri voi sống ở dưới nước, nên hiện nay, phong trào người dân nuôi thương phẩm loài rắn ráo trâu đang phát triển rất mạnh ở khu vực phía Nam, con giống rắn ráo trâu có bao nhiêu, cũng bán được hết bấy nhiêu.
Bắt đầu khởi nghiệp nuôi rắn ráo trâu, ông đến Đồng Nai để chọn mua những cá thể rắn sinh sản đã trưởng thành. Nhưng sau hai lần thất bại liên tiếp bị mất đi vài chục triệu đồng, ông kể: “Lúc đầu, tui mua nhầm rắn mà người ta mới bắt được ngoài rừng, khó thuần dưỡng, nên dẫn tới chết hàng loạt. Mặt khác, thông thường người nuôi cho rắn ăn những con mồi còn sống theo tập tính săn mồi vốn có của rắn tự nhiên, tới lúc tui mua về tập cho rắn ăn mồi đã qua xử lý nhiệt khiến cho rắn giảm ăn, chết dần”. Tuy nhiên, theo ông Hởi, cho rắn ăn thức ăn nấu chín là tốt nhất, nó có thể hạn chế khả năng nhiễm bệnh cho rắn đến 90%, bởi khi con mồi nhiễm bệnh nhưng chưa chết, rắn ăn vào sẽ bị lây nhiễm bệnh. Nhưng, muốn được như vậy, ông phải kiên trì tập cho rắn ráo trâu ăn những loại thức ăn chín ngay từ lúc nó còn nhỏ.
Ngoài ra, đối với loài rắn ráo trâu, còn được mệnh danh là rắn hổ hèo rất hung dữ, chúng có chiều dài đến cả 2m, mình cứng tựa như cây gậy (hèo) tre, nhưng sau khi được ông Bảy Hởi nuôi dưỡng, chăm sóc hàng ngày, chúng lại trở nên hiền lành, mềm mại, có thể cầm nắm trên tay, để người nuôi có thể săm soi, ve vuốt nó giống như vuốt ve con rắn… bằng nhựa trong đồ chơi của trẻ em.
Đón năm Quý Tỵ bằng 400 con rắn nái
Dù giá rắn ráo trâu giống và nhu cầu con giống hiện ở mức khá cao, nhưng cuối năm ngoái, ông Bảy Hởi quyết định giành lại hơn 400 con rắn ráo trâu giống cho mục tiêu tăng đàn nái sinh sản trong năm Quý Tỵ này. Theo ông Bảy Hởi, ông phải cho tăng đàn để có lớp kế thừa liên tục khi lớp trước già đi mà nguồn giống không bị gián đoạn. Bên cạnh đó, “tạo đàn sinh sản bằng nguồn giống của chính mình, tuy thời gian có dài hơn so với đi tuyển mua rắn trưởng thành của người khác có khả năng sinh sản ngay, nhưng được cái lợi là mình quản lý được cả quá trình sinh trưởng và phát triển của nó, đàn giống sau này bảo đảm tốt”, ông Bảy Hởi nói.
Ông Bảy Hởi cho rằng, chi phí thức ăn nuôi rắn ráo trâu không lớn, nhưng quan trọng hơn hết là người nuôi có thể chủ động được nguồn thức ăn. Theo ông, nếu cho rắn ăn mồi sống, người nuôi luôn bị động và khả năng chi phí sẽ cao hơn; hoặc nếu liên tục thay đổi loại thức ăn, rắn sẽ giảm ăn, ảnh hưởng tới sinh trưởng và phát triển. Do vậy, việc nuôi ếch đẻ để tạo nguồn thức ăn cho rắn cũng là biện pháp để quản lý tốt nguồn thức ăn nuôi đã được ông Bảy Hởi thực hiện trong nhiều năm qua.
So sánh về lợi ích giữa việc nuôi rắn thương phẩm và sản xuất giống, ông Bảy Hởi cho biết: “Rắn ráo trâu sinh sản trưởng thành (trọng lượng trên 1 kg/con) có thể đẻ ba lứa mỗi năm, bình quân mỗi rắn nái đẻ khoảng 14 trứng/lứa”. Trong khi đó, rắn nuôi thương phẩm có thể đạt trọng lượng 1,5 kg/con sau một năm nuôi và các thương lái mua rắn thường đến tận trại nuôi để mua và đưa đi các tỉnh phía Bắc, xuất sang Trung Quốc. Tuy nhiên, giá bán rắn ráo trâu hiện nay khoảng 800.000 đồng/kg, nhưng chỉ riêng tiền con giống đã chiếm gần 1/3 giá trị, tính ra người nuôi đạt mức lợi nhuận khoảng 50% giá trị đầu tư.
Người nuôi rắn thương phẩm thường bắt đầu vụ nuôi vào khoảng tháng 4 (âm lịch), mùa con giống rộ cũng là lúc bắt đầu mùa nuôi mới, mùa thả giống kéo dài tới tháng 7 âm lịch. Theo danh mục khách hàng mua rắn giống, ông Hởi cho biết những con rắn giống do chính tay ông làm “bà đỡ” thường cung cấp cho những vùng nuôi tập trung ở Cần Thơ, Hậu Giang, Kiên Giang… Chính vì vậy, sau khi ăn tết Quý Tỵ là ông Bảy Hởi và những người nuôi rắn giống khác bắt đầu vào mùa “thu hoạch” rắn ráo trâu.
Có thể bạn quan tâm

Để khôi phục nghề nuôi cá đồng từ xưa của nông dân, năm 2002, Sở Thủy sản Bến Tre đầu tư Dự án “Phục hồi nghề nuôi cá đồng Lạc Địa” tại xã Phú Lễ (Ba Tri - Bến Tre).

Năm 2013, nuôi tôm nước lợ của cả nước nói chung, các tỉnh phía Nam nói riêng không chỉ phục hồi mà còn được mùa, được giá. Chính từ những thuận lợi này, ngành chuyên môn dự báo từ nay trở đi diện tích nuôi tôm sẽ phát triển mạnh, việc kiểm soát dịch bệnh trên tôm sẽ khó đảm bảo

Tại Đam Rông (Lâm Đồng), đầu năm 2012, dự án “Xây dựng mô hình nuôi cá lăng thương phẩm trong bè tại huyện Đam Rông năm 2012” đã được triển khai. Mặc dầu dự án nói rõ “nuôi cá lăng thương phẩm trong bè” (lồng) nhưng trong thực tế, 2 khu vực nuôi cá lăng đã được triển khai thực hiện đó là nuôi trong ao và nuôi trong lồng (bè). Cụ thể, ở khu vực nuôi ao, đã tiến hành thả 100 con giống cá lăng; ở khu vực nuôi lồng, 80 con giống cá lăng được thả.

Thái Thụy (Thái Bình) có trên 2.000 ha ao đầm nước ngọt và vùng chuyển đổi lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản. Để giúp bà con đa dạng hóa đối tượng nuôi, Thái Thụy đã xây dựng thành công mô hình “nuôi cá rô phi lai xa dòng Chinchifu thương phẩm trong vùng chuyển đổi nước ngọt”, bước đầu cho hiệu quả kinh tế khá...

Mỹ Xuyên là huyện có địa hình nhiều sông rạch, không xảy ra triều cường lũ lụt, có nguồn nước ngọt, nguồn cỏ và các phụ phẩm nông nghiệp dồi dào rất thuận lợi cho nghề chăn nuôi bò, bò sữa. Trong những năm qua, từ dự án nâng cao đời sống nông thôn, phong trào chăn nuôi bò sữa ở huyện Mỹ Xuyên (Sóc Trăng) đã phát triển mạnh tập trung ở các xã có đông bà con dân tộc Khmer sinh sống như: Đại Tâm, Tham Đôn, thị trấn Mỹ Xuyên, Thạnh Quới... đã góp phần đáng kể vào việc xóa đói giảm nghèo, nhiều gia đình nhờ nuôi bò sữa nay được thoát nghèo vươn lên khá, giàu, thu nhập mỗi năm từ vài chục triệu đồng đến hàng trăm triệu đồng.