Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh
Ngày đăng: 11/11/2015

Công tác phòng chống dịch bệnh cũng đang được ngành thú y tỉnh này đặt lên hàng đầu…

Ông Lý Thế Thường, ấp 3, xã Thanh Sơn, huyện Định Quán, chủ cơ sở bán gà giống đang hết sức bận rộn.

Ông cho biết, đã nhận được đơn đặt hàng lên tới vài chục ngàn con, cung ứng giống cho đối tác từ tháng 8 đến tháng 12 âm lịch, mỗi tháng khoảng 6.000 con.

Ông Nguyễn Thanh Phi Long, chủ trang trại chăn nuôi gà VietGAP ở ấp Tân Lập 1, xã Cây Gáo, huyện Trảng Bom cho biết: “Tôi vừa nhập đợt gà giống 20.000 con.

Hiện tại, giá gà lạnh đang dần phục hồi, lên mức 29.000 đồng/kg nên kỳ vọng giá cuối năm cũng sẽ tốt”.

Còn anh Nguyễn Văn Đức ở tổ 2B, ấp 3, xã Thanh Sơn cũng vừa tái đàn 400 con giống gà Đông Tảo để kinh doanh bán tết.

Anh cho biết, sở dĩ anh chọn gà Đông Tảo vì dễ tiêu thụ dịp tết, có thể sử dụng cho nhiều mục đích như ăn hoặc biếu.

Để đảm bảo an toàn dịch bệnh, ngay từ khi lấy giống về, anh đã đầu tư đầy đủ các loại vắc xin cần thiết để ngăn ngừa các loại dịch bệnh bùng phát, lây lan.

Chi cục Thú y Đồng Nai đang từng bước xây dựng các cơ sở chăn nuôi an toàn dịch bệnh.

Hiện tại, toàn tỉnh đã có 368 cơ sở an toàn dịch bệnh, làm tiền đề để nhân rộng tại nhiều nơi khác.

Tương tự, bà Bụi Thị Nhị ở ấp Võ Dõng, xã Gia Kiệm, huyện Thống Nhất cũng tái đàn gần 1.000 con heo.

Bà cho biết, hiện tại, giá heo giống dao động từ 90.000 - 92.000 đồng/kg, một con heo giống chừng 20 kg giá gần 2 triệu đồng.

Vì thế, tổng vốn bỏ ra tái đàn khá lớn. “Dù giá heo thịt hiện nay khá thấp, khoảng 43.000 - 45.000 đồng/kg, nhưng kinh nghiệm là đến gần tết giá bán sẽ tăng lên, bù cho những thời điểm khó khăn”, bà Nhị nói.

Còn bà Lành Thị Chiều ở ấp Thọ An, xã Bảo Quang, thị xã Long Khánh, chủ trang trại heo VietGAP cũng đang tập trung tái đàn từ 400 heo nái thường trực trong chuồng.

Để chăn nuôi an toàn tuyệt đối, ngay từ khâu chăm sóc heo nái, cho tới khi lứa heo giống sinh ra, bà Chiều đã áp dụng các biện pháp phòng ngừa dịch bệnh như: ngăn chuồng heo con, dọn dẹp chuồng trại hàng ngày, kiểm tra sức khỏe đều đặn sáng tối; đặc biệt là tiêm đầy đủ vắc xin phòng ngừa dịch bệnh cho đàn heo của mình.

Theo ông Trần Văn Quang, Chi cục trưởng Chi cục Thú y Đồng Nai, bắt đầu từ thời gian này trở đi, lượng gia súc, gia cầm vận chuyển vào Đồng Nai rất lớn, vì các hộ tiến hành tái đàn phục vụ cho tết.

Đáng mừng hiện nay là cơ bản kiểm soát được chất cấm trong chăn nuôi.

Còn với gà, liên tục trong 2 tháng trở lại đây, giá gà công nghiệp dần ổn định, giá đang tăng và kỳ vọng sẽ tiếp tục đi lên dịp cuối năm.

Về công tác phòng chống dịch bệnh, ông Quang cho biết, trước việc tái đàn chăn nuôi mạnh của bà con nông dân, Chi cục chỉ đạo Trạm Thú y các địa phương tổ chức tiêm phòng vắc xin, liên kết các hộ chăn nuôi nhằm ngăn chặn dịch bệnh.

Chi cục Thú y cũng tổ chức ra quân 2 đợt tiêm vắc xin dịch tả cho đàn gà của các hộ nuôi nhỏ lẻ; tiêm phòng tai xanh, lở mồm long móng cho các hộ chăn nuôi heo dưới 100 con.

Trong tháng 10 và tháng 11 này, Chi cục đang tiếp tục tổ chức tiêm phòng vắc xin đợt 2 để bảo đảm hiệu quả phòng dịch tối đa.


Có thể bạn quan tâm

Hướng Đi Mới Trong Sản Xuất Lạc Ở Nghi Long (Nghệ An) Hướng Đi Mới Trong Sản Xuất Lạc Ở Nghi Long (Nghệ An)

Nghi Long (Nghi Lộc - Nghệ An) là địa phương vốn có truyền thống trồng lạc thương phẩm, nhưng từ khi tham gia liên minh sản xuất và tiêu thụ lạc giống thuộc “dự án cạnh tranh nông nghiệp”, bà con ở đây không chỉ có thêm thu nhập mà mở ra hướng làm ăn mới.

30/11/2013
Quản Lý Và Phát Triển Nhãn Hiệu Tập Thể “Nấm Thái Nguyên” Quản Lý Và Phát Triển Nhãn Hiệu Tập Thể “Nấm Thái Nguyên”

Ngày 27-11, Hội nông dân tỉnh Thái Nguyên phối hợp với Sở Khoa học - Công nghệ tổ chức Hội nghị quản lý và phát triển nhãn hiệu tập thể “Nấm Thái Nguyên”. Tham dự có 70 hộ sản xuất nấm tại 5 xã, thị trấn gồm: Phấn Mễ, Động Đạt, Yên Trạch, Đu và Giang Tiên.

30/11/2013
Trồng Nấm Vụ Đông Trồng Nấm Vụ Đông

Tham quan mô hình trồng nấm rơm trái vụ do Trung tâm KN-KN Bắc Ninh phối hợp Trung tâm Công nghệ sinh học thực vật (Viện Di truyền nông nghiệp) tổ chức tại xã Bình Dương, huyện Gia Bình, chúng tôi thấy sự phấn khởi của nông dân.

30/11/2013
Xây Dựng Hệ Thống Quản Lý Chất Lượng Ca Cao Đạt Tiêu Chuẩn UTZ Certified Xây Dựng Hệ Thống Quản Lý Chất Lượng Ca Cao Đạt Tiêu Chuẩn UTZ Certified

Bến Tre có điều kiện tự nhiên thuận lợi cho việc trồng ca cao. Tuy nhiên, diện tích trồng còn nhỏ lẻ, người dân sản xuất theo lối cũ, quy trình kỹ thuật canh tác chưa đồng bộ, vì vậy năng suất đạt chưa cao.

30/11/2013
Phá Mía Trồng Chanh Phá Mía Trồng Chanh

Do lợi nhuận của cây mía không cao nên một số nông dân huyện Bến Lức (Long An) đổ xô phá mía để trồng chanh. Diện tích mía ngày càng giảm trong khi trồng chanh có xu hướng tăng đột biến.

30/11/2013