Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Điện Biên Tăng Cường Quản Lý Chất Lượng Thức Ăn Chăn Nuôi

Điện Biên Tăng Cường Quản Lý Chất Lượng Thức Ăn Chăn Nuôi
Ngày đăng: 28/06/2014

Hiện nay toàn tỉnh Điện Biên có trên 480.000 con gia súc và đàn gia cầm có trên 3.000.000 con. Thực hiện chủ trương đưa ngành chăn nuôi trở thành mũi nhọn trong phát triển kinh tế nông – lâm nghiệp, xóa đói giảm nghèo, một số địa phương trên địa bàn bước đầu hình thành vùng chăn nuôi tập trung, như: huyện Điện Biên, Tuần Giáo, Tủa Chùa...

Với số lượng đàn gia súc, gia cầm như hiện nay thì lượng thức ăn chăn nuôi (TĂCN) tiêu thụ trên thị trường khá lớn. Phù hợp với xu hướng chung, người chăn nuôi thường sử dụng thức ăn công nghiệp, nhất là tại những trang trại chăn nuôi nhỏ, vừa hay những hộ gia đình có quy mô chăn nuôi lớn và vùng chăn nuôi tập trung đều sử dụng các sản phẩm thức ăn cho gia súc, gia cầm chế biến sẵn.

Trong khi nhu cầu tiêu thụ TĂCN khá lớn thì đến nay cả tỉnh mới chỉ có 1 đơn vị chế biến cung ứng sản phẩm này là Nhà máy thức ăn chăn nuôi gia súc Việt Trung ở xã Thanh Hưng, huyện Điện Biên. Công suất của nhà máy này mới chỉ đáp ứng phần nhỏ nhu cầu tiêu thụ trên thị trường nội tỉnh, còn 90% lượng TĂCN phải nhập từ các tỉnh thành miền xuôi lên.

Thị trường TĂCN cũng rất đa dạng, phong phú với nhiều mặt hàng của các đơn vị sản xuất trong nước, liên doanh. Một số sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn, như cám con cò, con heo vàng của các hãng Thiên Tôn, Thiên Thành, Thăng Long, liên doanh Việt – Pháp...

Nhu cầu tiêu thụ TĂCN lớn nên số cơ sở kinh doanh mặt hàng này cũng tăng nhanh. Hiện toàn tỉnh có 141 cơ sở kinh doanh TĂCN, tập trung nhiều nhất ở huyện Điện Biên, Tuần Giáo và T.P Điện Biên Phủ với các chủng loại sản phẩm phong phú đáp ứng nhu cầu chăn nuôi.

Thời gian qua, thị trường TĂCN trên địa bàn cơ bản ổn định về giá, không có sự chênh lệch lớn nhưng từ khi thực hiện việc kiểm tra tải trọng xe, quy định khối lượng vận chuyển cụ thể đối với phương tiện thì cước vận tải tăng.

Theo đó giá mặt hàng TĂCN cũng tăng. Qua khảo sát tại những cơ sở, đại lý kinh doanh lớn cho thấy, nhìn chung cước tăng trung bình 1.000 đồng/kg. Như loại cám con cò, sản phẩm có lượng tiêu thụ lớn trên thị trường nội tỉnh trước có giá 380.000 đồng/bao 20kg thì nay tăng lên 400.000 đồng/bao 20kg.

Tăng cường công tác quản lý, đánh giá chất lượng thị trường TĂCN, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản đã phối hợp với Chi cục Vệ sinh An toàn thực phẩm, Quản lý thị trường, công an tổ chức kiểm tra tại nhiều cơ sở.

Theo ông Lò Văn Tại, Chi cục phó, Chi cục Quản lý chất lượng nông lâm và thủy sản (Sở NN&PTNT): Vài năm trở lại đây, các cơ quan chức năng tăng cường công tác tuyên truyền và thường xuyên kiểm tra thị trường nên nhận thức của người kinh doanh sản phẩm TĂCN đã thay đổi rất nhiều. Hầu hết các cơ sở đều có sổ ghi chép nhập, xuất hàng, đầu tư kệ bảo quản sản phẩm.

Đặc biệt không còn tình trạng để sản phẩm TĂCN cạnh thuốc bảo vệ thực vật như trước. Hiện đơn vị đang tăng cường tần suất kiểm tra các sản phẩm TĂCN, nhất là những loại mới xuất hiện trên thị trường và sẽ lấy mẫu phân tích những lô bị nghi ngờ. Đồng thời xử lý nghiêm trường hợp bán hàng hết hạn sử dụng, hàng kém chất lượng theo quy định pháp luật.

Hiện nay, bên cạnh những cơ sở chấp hành tốt quy định kinh doanh vẫn có cơ sở chưa thực sự chú trọng tới công tác bảo quản, không đảm bảo điều kiện kho chứa làm ảnh hưởng chất lượng TĂCN. Một số lô hàng, đoàn kiểm tra phát hiện không đảm bảo tỷ lệ thành phần như ghi trên bao bì.

Trong trường hợp nghi ngờ chất lượng sản phẩm, đoàn sẽ lấy mẫu phân tích gửi về Trung tâm Khảo nghiệm TĂCN quốc gia kiểm tra, đánh giá. Riêng với những cơ sở kinh doanh không đủ điều kiện theo quy định sẽ đề nghị các đơn vị chức năng kiên quyết thu hồi giấy phép đăng ký kinh doanh.


Có thể bạn quan tâm

Thoát nghèo nhờ trồng rừng Thoát nghèo nhờ trồng rừng

Nhờ chú trọng phát triển kinh tế đồi rừng, trồng quế, chè, đời sống của người Dao, La Chí và Nùng xã vùng cao Nậm Khánh huyện Bắc Hà (Lào Cai) đang được cải thiện, nhiều hộ gia đình thoát nghèo và vươn lên làm giàu.

22/12/2015
Trồng keo lá tràm, thu bạc tỷ mỗi năm Trồng keo lá tràm, thu bạc tỷ mỗi năm

Người dân thôn 5, xã Hòa Khương, huyện Hòa Vang, TP.Đà Nẵng đều biết ông Trương “trồng rừng” - người tiên phong khai phá hàng chục ha đất rừng trên đập Đồng Nghệ để trồng keo lá tràm và thu về bạc tỷ mỗi năm.

22/12/2015
Xoài cát Hòa Lộc đạt chuẩn chất lượng VietGAP Xoài cát Hòa Lộc đạt chuẩn chất lượng VietGAP

Vừa qua, Hợp tác xã Hòa Lộc, xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè (Tiền Giang) đã được Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Tiền Giang kết hợp với Công ty cổ phần Giám định và Khử trùng FCC trao giấy chứng nhận VietGAP (thực hành sản xuất nông nghiệp tốt) cho sản phẩm xoài cát Hòa Lộc.

22/12/2015
Nông dân Nam Đông làm giàu Nông dân Nam Đông làm giàu

Năng động, biết tận dụng lợi thế đất đai để trồng rừng, chăn nuôi, nhiều ND ở huyện miền núi Nam Đông, Thừa Thiên - Huế đã làm giàu trên chính quê hương của mình.

22/12/2015
Đổi đời nhờ nuôi bò sữa Đổi đời nhờ nuôi bò sữa

“Trước năm 2002, gia đình tôi thuộc diện khó khăn nhưng nhờ mạnh dạn đầu tư, dám nghĩ dám làm nên đến nay, gia đình tôi có thu nhập trên 400 triệu đồng/năm”.

23/12/2015