Định hướng phát triển chăn nuôi tập trung
Vì thế, Sở Nông nghiệp- PTNT đang hỗ trợ, khuyến khích từng bước chuyển dần sang chăn nuôi tập trung, quy mô lớn.
Nông dân cần chủ động tiêm phòng cho gia súc, gia cầm để ngăn ngừa dịch bệnh.
Khó tiêm phòng
Những năm gần đây, bên cạnh việc khuyến khích chuyển đổi chăn nuôi theo hướng tập trung, thì tại nhiều địa phương chăn nuôi phân tán, nhỏ lẻ trong nông hộ để tận dụng thức ăn dư thừa và phế phẩm nông nghiệp vẫn tồn tại.
Theo đó, do không quan tâm tiêm phòng hoặc tiêm phòng không đầy đủ, nên dịch bệnh gần đây phần lớn xuất hiện trên các đối tượng này, gây thiệt hại đáng kể cho người nuôi. Chị Trịnh Thị Hai (xã Chánh Hội - Mang Thít - Vĩnh Long) nuôi đàn vịt xiêm vài chục con. Ngoài sử dụng thức ăn cho vịt, chị còn tận dụng những nguồn thức ăn “cây nhà lá vườn” có sẵn như chuối cây, lục bình, cơm nguội… để làm thức ăn bổ sung.
Chị Hai cho biết: “Nuôi nhỏ lẻ mà chỉ cho ăn thức ăn thì lỗ vốn là cái chắc nên tận dụng thức ăn có sẵn phụ thêm cho đỡ chi phí”. Tuy nhiên, do không chủ động tiêm phòng nên khi “mùa dịch” xuất hiện, cả đàn vịt chết gần hết khiến chị mất hết vốn.
Anh Tống Minh Châu (xã Tân Phú - Tam Bình) cho biết, hiện anh nuôi hơn 30 con gà để phòng khi “có khách khứa” thôi. Do nuôi ít nên khâu tiêm phòng gần như không có. Khi thấy gà có triệu chứng bệnh thì ra thú y mua thuốc là chủ yếu.
Những năm qua, không ít lần đàn gà bị bệnh rồi chết dần. Tuy nhiên, sau đó anh tiếp tục mua giống nuôi đàn khác mà không quan tâm nhiều khâu vệ sinh, tiêm phòng. Mặc dù không thiệt hại lớn về kinh tế, nhưng theo cảnh báo đây là nguyên nhân khiến dịch bệnh lưu truyền mầm, sau đó lây lan sang đàn vật nuôi khác.
Ông Lê Thanh Tùng- Chi Cục trưởng Chi cục Thú y cho biết, hiện mầm bệnh cúm gia cầm xuất hiện khắp nơi không theo bất kỳ mùa nào nên không thể khoanh vùng cũng như nhận định mầm bệnh xuất hiện bởi nguyên nhân nào.
Tuy nhiên, thực tế cho thấy nếu đàn gia cầm nào không được tiêm phòng và chăm sóc, bảo vệ đúng cách thì nguy cơ mắc bệnh là rất cao.
Bên cạnh, một số hộ chăn nuôi đã không phối hợp với cơ quan thú y khi mua giống gia súc ở những địa bàn khác về nuôi, nên không truy được nguồn gốc giống để xác định chất lượng giống; không được hướng dẫn xử lý dụng cụ, phương tiện vận chuyển gia súc để phòng bệnh. Khi gia súc bị bệnh, bà con vẫn không cách ly con bệnh, mà vẫn chăn thả rong hoặc nuôi nhốt chung giữa gia súc khỏe và bệnh.
Việc uống chung nguồn nước suối, ao, hồ… cũng là nguyên nhân cho mầm bệnh phát tán lây lan. Cũng theo ông Tùng, một số hộ chăn nuôi trong điều kiện quá tệ, như tận dụng nhà kho, chuồng heo cũ, khoảng đất trống gần nhà cạnh ao tù nước đọng để nuôi… Ý thức về an toàn sinh học của người dân còn rất kém.
Định hướng nuôi trang trại
Nhiều ý kiến cho rằng, Vĩnh Long có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm.
Theo đó, tỉnh đang định hướng chăn nuôi tập trung theo hướng công nghiệp; tập trung các dự án ưu tiên có định hướng trong thực hiện tái cơ cấu ngành nông nghiệp về con giống, mô hình chăn nuôi trang trại, chăn nuôi nông hộ theo hướng an toàn sinh học, xây dựng các cơ sở nuôi an toàn dịch bệnh và thực hành nuôi tốt- VietGAP.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, toàn tỉnh hiện có 115 trang trại chăn nuôi heo; 72 trang trại nuôi gà. Các mô hình chăn nuôi nhỏ lẻ, hướng an toàn như: nuôi gà thả vườn, nuôi heo trên đệm lót sinh học bước đầu mang lại kết quả tốt.
Gia đình của chú Cao Văn Bé (xã Chánh Hội- Mang Thít) nuôi đàn gà 400 theo mô hình lót đệm sinh học. Chú luôn tuân thủ thực hiện theo hướng dẫn của cán bộ thú y nên đàn gà vẫn phát triển tốt, môi trường đảm bảo vệ sinh và sắp xuất chuồng.
Chú cho biết: “Nuôi gà phải có kỹ thuật, tiêm phòng đầy đủ mới an toàn, đảm bảo chất lượng lẫn số lượng, bán sẽ có giá hơn”.
Chăn nuôi theo định hướng trang trại góp phần nâng cao hiệu quả sản xuất.
Song song đó, ngành nông nghiệp cũng sẽ đánh giá một số hộ đã áp dụng hệ thống nuôi chuồng lồng, chuồng kín, hệ thống làm mát, máng ăn, máng uống tự động, hệ thống xử lý chất thải bằng biogas, quy trình nuôi dưỡng và chăn nuôi an toàn sinh học…
Ông Lê Thanh Tùng cho biết, công tác tiêm phòng phòng chống dịch bệnh, sắp tới sẽ không thực hiện theo mùa, không tiêm theo đợt nữa và nguồn vắc xin cũng sẽ được dự phòng quanh năm.
Chăn nuôi theo mô hình tập trung sẽ giúp người chăn nuôi vừa tiết kiệm được nhiều chi phí sản xuất, chủ động được trong công tác tiêm phòng, giảm thiểu bệnh tật, giảm thiểu ô nhiễm môi trường và phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững hơn.
Tuy nhiên, chăn nuôi theo định hướng trang trại cần khoản chi phí đầu tư khá lớn, kỹ thuật chăn nuôi bày bản, do đó rất cần sự hỗ trợ thêm của ngành chức năng để người chăn nuôi vững lòng sản xuất.
Theo Sở Nông nghiệp- PTNT, từ đầu năm đến nay giá động vật và sản phẩm động vật có chiều hướng phục hồi nên thúc đẩy chăn nuôi tăng trở lại. Đáng kể nhất là chăn nuôi gia cầm hiện trên 7 triệu con, tăng 8,5% so cùng kỳ; đàn gà trên 4 triệu con, tăng 10,2%; đàn vịt 2,5 triệu con, tăng 6,4%.
Có thể bạn quan tâm
Nhờ chăn nuôi bò sữa mà gia đình chú Nguyễn Văn Niêu (75 tuổi, ở ấp Bến Giảng, xã Phú An, huyện Bến Cát - Bình Dương) đã thoát nghèo, vươn lên làm giàu bền vững…
Với ý chí tự lực làm giàu bằng mô hình nuôi ếch sinh sản và ếch thịt trong bể xi măng, thanh niên Bùi Sơn Nam, ở ấp Trường Hiệp, xã Trường Long A, huyện Châu Thành A, tỉnh Hậu Giang hiện là dân quân cơ động, nhưng có thu nhập khoảng 200 triệu đồng ngay năm đầu thực hiện mô hình.
Năm nay, phần lớn lượng nghêu (ngao) thu hoạch ở vùng ben biển tỉnh Tiền Giang chỉ được tiêu thụ nội địa nên giá nghêu thương phẩm đã giảm mạnh xuống còn 27.000 - 28.000 đồng/kg so với mức 35.000 đồng vào cuối năm 2011. Tuy nhiên, người nuôi nghêu vẫn có lãi, bởi nghêu nuôi không bị chết bất thường như hai năm trước, và với mức giá hiện nay, lợi nhuận từ nghề nuôi nghêu vẫn rất cao.
Tận dụng vùng cát trắng trong vườn nhà để đắp ao trải bạt nuôi cá lóc, nhiều hộ nông dân ở xã Bình Triều (Thăng Bình, Quảng Nam) đã thoát nghèo và vươn lên làm giàu.
Nhiều hộ dân ở Kiên Giang đang nuôi gà an toàn sinh học, gà thả vườn với giống gà nòi chân vàng mang lại hiệu quả cao. Gà nuôi tăng trọng nhanh, hệ số tiêu tốn thức ăn thấp, gà thương phẩm được thị trường tiêu thụ mạnh do thịt săn chắc và thơm ngon.