Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Điểm Tựa Cho Hộ Nghèo

Điểm Tựa Cho Hộ Nghèo
Ngày đăng: 26/08/2014

Từ năm 2003 đến nay, nhờ nguồn vốn vay ưu đãi của Ngân hàng Chính sách Xã hội (NHCSXH) huyện Vị Thủy, hàng ngàn hộ nghèo ở địa phương có điều kiện đầu tư sản xuất, từng bước cải thiện đời sống, góp phần phát triển kinh tế cho địa phương.

Trong những năm qua, NHCSXH huyện Vị Thủy đã không ngừng nỗ lực hoàn thành tốt công tác giải ngân các nguồn vốn, nhất là quan tâm, tạo điều kiện triển khai chương trình cho vay vốn ưu đãi trực tiếp tới các hộ nghèo, hộ cận nghèo. Từ đó, đã góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo của địa phương, nâng cao chất lượng đời sống cho người dân.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc NHCSXH huyện Vị Thủy, cho biết: Nhờ phối hợp các ban, ngành, hội, đoàn thể, từ năm 2003 đến nay, thông qua hình thức ủy thác vốn vay mà các tổ, hội đã giải quyết cho hàng chục ngàn hộ vay. Nhờ nguồn này, đến nay đã giúp cho 5.728 hộ thoát nghèo, 2.659 hộ cải thiện được đời sống, phát triển kinh tế, 895 hộ chuyển biến về cách thức làm ăn, tạo việc làm cho hàng ngàn lao động tại địa phương.

Đến thời điểm này, tổng dư nợ của NHCSXH huyện Vị Thủy gần 208,5 tỉ đồng, với hơn 14.000 khách hàng. Trong đó, nguồn vốn cho vay hộ nghèo gần 71 tỉ đồng.

Nguồn vốn vay thông qua NHCSXH đã góp phần giúp cho các hộ nghèo có vốn đầu tư vào sản xuất kinh doanh, phát triển kinh tế, tạo điều kiện vươn lên thoát nghèo. Anh Đỗ Văn Hồng Em, ở ấp 11, xã Vị Thắng, huyện Vị Thủy là một trong những hộ nghèo của xã. Trước đây, gia đình anh trồng mít Thái siêu sớm, nhưng thu nhập không ổn định do giá mít thường biến động, thời gian sinh lợi ngắn, kinh tế không cao.

Sau khi được người quen hướng dẫn, anh quyết định chọn hồ tiêu về trồng vì thời gian sinh trưởng dài, chi phí đầu tư thấp. Với nguồn vốn vay 20 triệu đồng của NHCSXH huyện, anh mạnh dạn mua giống về trồng thử nghiệm 160 nọc hồ tiêu trên rẫy của gia đình. Anh Hồng Em cho biết: “Không như những cây trồng khác, ưu điểm của hồ tiêu là có thể “ăn” đến 20 năm mà nhẹ chi phí, chỉ phải tốn công chăm sóc trong 2 năm đầu.

Gia đình vừa mới thu hoạch đợt trái đầu, năng suất đạt 0,5kg/nọc, với giá trung bình 180.000 đồng/kg, lợi nhuận hơn 10 triệu đồng. Hiện, rẫy tiêu đang ra bông, theo dự kiến, đầu tháng 1 âm lịch tới, năng suất sẽ đạt 1,5kg/nọc”.

Theo anh Hồng Em, do hồ tiêu chỉ mới cho trái nên thu hoạch chưa ổn định, nhưng khi cây trưởng thành sẽ thu hoạch theo chu kỳ. Hiện, gia đình đã tiến hành mở rộng để trồng thêm 44 nọc hồ tiêu. Với thu nhập ổn định như hiện nay thì không lâu nữa, gia đình anh sẽ vươn lên thoát nghèo.

Còn anh Nguyễn Quang Sang, ở ấp 12, xã Vị Thắng, cho biết: “Do thu nhập từ lúa khá bấp bênh, nên từ nguồn vốn của NHCSXH huyện, gia đình đã tận dụng để phát triển kinh tế.

Thay vì trồng 3 vụ lúa/năm, thì chuyển sang trồng 1 vụ và xen canh ấu. Với 6 công ấu, năng suất trung bình 1,5 tấn/công, giá bán 7.000 đồng/kg, sau khi trừ chi phí sản xuất, lợi nhuận gần 10 triệu đồng/công, cao gấp 3 lần so với vụ Đông xuân vừa qua”.

Theo anh Sang, lợi thế của ấu là dễ trồng, thời gian thu hoạch kéo dài, năng suất cao, chi phí đầu tư thấp. Sau 3 tháng trồng là tiến hành hái trái đợt đầu và có thể thu hoạch liên tục kéo dài thêm 3 tháng mới kết thúc.

Ông Nguyễn Quốc Cường, Giám đốc NHCSXH huyện Vị Thủy, cho biết: Khi mới thành lập chỉ có 2 chương trình tín dụng, nhưng sau gần 12 năm thì đã nâng lên 13 chương trình tín dụng ưu đãi và được đông đảo nhân dân, đồng bào dân tộc trên địa bàn huyện đồng tình ủng hộ, nhất là các hộ nghèo và gia đình chính sách, học sinh, sinh viên có hoàn cảnh khó khăn.

Qua đó, đã giúp cho hàng ngàn hộ nghèo, chính sách mua được trâu bò, heo sinh sản và heo thịt, các loại gia cầm, trồng mới cây ăn trái các loại,…

Ngoài ra, nguồn vốn vay còn được đầu tư vào dịch vụ kinh doanh buôn bán nhỏ và các ngành nghề tiểu thủ công nghiệp khác. Đã có hơn 9.791 công trình nước sạch và vệ sinh môi trường được xây dựng, từ đó góp phần quan trọng vào mục tiêu xóa đói giảm nghèo và phát triển kinh tế tại địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Diện Tích Mía Ở Quảng Ngãi Tiếp Tục Thu Hẹp Diện Tích Mía Ở Quảng Ngãi Tiếp Tục Thu Hẹp

Ngay khi vừa thu hoạch mía, ông Nguyễn Chánh ở thôn Thọ Lộc, xã Tịnh Hà (Sơn Tịnh) đã không một chút đắn đo khi phá bỏ ruộng mía để trồng mì, tỉa đậu. Ông Chánh là một nông dân gắn bó lâu đời với cây mía mấy chục năm qua, chẳng còn thiết tha với cây mía.

03/02/2015
Liên Kết Làm Giàu Liên Kết Làm Giàu

Với mục đích liên kết, hỗ trợ nhau về vốn, kỹ thuật, con giống; trao đổi những kinh nghiệm hay, cùng hợp tác mở rộng quy mô sản xuất, kinh doanh… những người cùng chung nghề chăn nuôi đã tìm đến với nhau để xây dựng các mô hình kinh tế hiệu quả cao.

03/02/2015
Tìm Hướng Đi Cho Cây Cao Su Trong Điều Kiện Thị Trường Biến Động Tìm Hướng Đi Cho Cây Cao Su Trong Điều Kiện Thị Trường Biến Động

Những năm qua nhờ phát triển cây cao su nên cuộc sống của nhiều hộ gia đình ở Quảng Trị đã được nâng lên đáng kể. Thế nhưng, thời gian gần đây giá mủ cao su giảm mạnh đã làm cho người trồng cao su phải lao đao. Trước thực trạng đó Sở Nông nghiệp và PTNT cùng với các công ty chế biến cao su trong tỉnh đã chủ động tìm hướng đi mới, đồng hành cùng người dân vượt qua giai đoạn khó khăn tạm thời, hướng đến sự phát triển bền vững...

03/02/2015
Tạo Thế Đứng Vững Chắc Cho Cây Cà Phê Hướng Hóa Tạo Thế Đứng Vững Chắc Cho Cây Cà Phê Hướng Hóa

Huyện Hướng Hóa, tỉnh Quảng Trị hiện có trên 4.800 ha cà phê chè catimor, trong đó có gần 4.500 ha đang trong thời kỳ cho thu hoạch. Với doanh thu bình quân hàng năm trên 300 tỷ đồng, cây cà phê đã mang đến cho người dân địa phương nhiều điều tốt đẹp, góp phần phát triển kinh tế - xã hội, xóa đói giảm nghèo bền vững.

03/02/2015
Trên 6.400 Tỷ Đồng Cho Vay Phục Vụ Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn Trên 6.400 Tỷ Đồng Cho Vay Phục Vụ Phát Triển Nông Nghiệp Nông Thôn

Doanh số cho vay của Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Chi nhánh Thái Nguyên là 5.810 tỷ đồng; tổng dư nợ đến ngày 31-12-2014 là 4.146 tỷ đồng, chiếm 73,2% tổng dư nợ. Trong đó, doanh nghiệp vay 617 tỷ đồng; hộ sản xuất vay 3.529 tỷ đồng với 49.786 khách hàng.

03/02/2015