Đệm Lót Sinh Học Mô Hình Mới Cần Quan Tâm
Chăn nuôi bằng đệm lót sinh học giúp nông dân bảo vệ tốt môi trường, chăn nuôi được ở nơi đông dân cư mà không có mùi hôi thối, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế bệnh tật.
Để ngành chăn nuôi ngày càng phát triển, an toàn dịch bệnh thì việc áp dụng tốt các TBKT mới, thân thiện môi trường, nâng cao chất lượng sản phẩm… là nhu cầu cần thiết của người chăn nuôi tỉnh Vĩnh Long.
Toàn tỉnh Vĩnh Long có 53.763 con bò; 240.886 con heo; 6.043.479 con gia cầm. Lượng chất thải chăn nuôi ra môi trường hàng năm khoảng 1.302.892 tấn phân. Nếu không có biện pháp xử lý tốt chất thải trong chăn nuôi thì hậu quả ảnh hưởng rất nghiêm trọng đến sức khỏe cộng đồng dân cư.
Tuy nhiên, những năm gần đây ngành chăn nuôi luôn gặp rất nhiều khó khăn do giá cả thức ăn tăng cao, tình hình dịch bệnh luôn đe dọa (tai xanh trên heo, cúm trên gia cầm, LMLM…), giá đầu ra sản phẩm luôn biến động, không ổn định làm ảnh hưởng không ít đến sự tái đàn và phát triển trong thời gian tới.
Giá heo hiện tại tính đến thời điểm này là 5.100.000 - 5.200.000 đ/tạ là tín hiệu vui trong 2 năm trở lại đây. Với giá này thì người chăn nuôi sau khi trừ hết chi phí có thể lãi từ 700.000 - 1.000.000 đ/tạ.
Để ngành chăn nuôi tiếp tục phát triển thì việc áp dụng những TBKT mới là không thể thiếu; nhất là chăn nuôi theo hướng an toàn sinh học, VietGAHP, chăn nuôi thân thiện với môi trường và xử lý chất thải (khí sinh học (biogas), ủ phân compost, công nghệ vi sinh, hóa chất…) để tăng cường quá trình phân giải chất thải trong đó có công nghệ mới là đệm lót sinh học (ĐLSH).
Đây là một trong những công nghệ tiên tiến có nhiều triển vọng cho ngành chăn nuôi, nhất là chăn nuôi nông hộ, nuôi quy mô nhỏ, chăn nuôi gia trại hiện được áp dụng thành công ở nhiều địa phương trong và ngoài tỉnh.
Nói đến ĐLSH thì người chăn nuôi sẽ nghĩ tới đây là mô hình mới, áp dụng kỹ thuật tiến tiến nhất hiện nay. Chăn nuôi bằng ĐLSH giúp nông dân bảo vệ tốt môi trường, chăn nuôi được ở nơi đông dân cư mà không có mùi hôi thối, rút ngắn thời gian nuôi, hạn chế bệnh tật, hiệu quả nông hộ ngày càng được nâng cao…
Mô hình này có thể áp dụng đại trà trong dân, nhất là chăn nuôi nhỏ lẻ, vùng sâu vùng xa vì chi phí thấp mà hiệu quả lại cao.
Với ưu điểm “4 không” khi sử dụng ĐLSH đã mở ra hướng đi mới trong phát triển chăn nuôi, tạo ra tiền đề cho một hình thức chăn nuôi mới hướng tới sản phẩm sạch, sản phẩm hữu cơ, phát triển chăn nuôi theo hướng bền vững, thân thiện với môi trường, đảm bảo sức khỏe cho người chăn nuôi và cộng đồng, giảm giá thành, nâng cao hiệu quả kinh tế.
Đây là mô hình hay, có triển vọng phát triển cho ngành chăn nuôi thời gian tới.
Vậy ĐLSH là gì? Đó là đệm lót trên nền chăn nuôi. Đệm này hiện đang được khuyến cáo làm bằng mùn cưa, trấu… Mùn cưa, trấu thu gom từ cở sở chế biến, đưa vào nền chuồng nuôi, sau đó được rải lên trên mặt một lớp hệ men vi sinh vật (VSV) có ích, hệ men này có tác dụng chủ yếu:
- Phân giải phân, nước tiểu, do con vật thải ra, hạn chế sinh khí hôi, thối;
- Ức chế và tiêu diệt sự phát triển của hệ VSV có hại, khống chế sự lên men sinh khí hôi, thối;
- Phân giải một phần mùn cưa, trấu…;
- Giữa ấm cho vật nuôi do đệm lót luôn luôn ấm bởi nhiệt từ hoạt động của hệ men VSV.
Còn chế phẩm Balssa N01 là gì? Đó là một sản phẩm dùng để làm đệm lót trong chăn nuôi heo, gà, vịt… hoàn toàn vô hại với người chăn nuôi và người tiêu dùng sản phẩm chăn nuôi. Balasa N01 có chức năng tiêu hóa những chất dinh dưỡng còn sót lại trong phân thành chất không mùi, làm mất hẳn mùi hôi thối do phân động vật thải ra.
Đối với ngành chăn nuôi tỉnh Vĩnh Long hiện nay, việc áp dụng ĐLSH dần được người chăn nuôi quan tâm và thực hiện. Hiện toàn tỉnh có 125 mô hình (23 mô hình heo; 76 mô hình gà; 26 mô hình vịt) do Trung tâm Khuyến nông, Trung tâm Giống và Phòng Nông nghiệp- PTNT các huyện Trà Ôn, Long Hồ, Bình Minh thực hiện với tổng diện tích đệm lót 6.730 m2, xã hội hóa khoảng 30 mô hình/150 m2 trong đó có 1 mô hình nuôi bồ câu 1.000 con ở huyện Bình Minh.
Mặt khác, việc sử dụng ĐLSH trong chăn nuôi còn giảm chi phí làm chuồng đáng kể; bình quân chuồng làm bằng xi măng (tráng nền) chi phí khoảng 300.000 đ/m2, còn làm đệm lót thì không cần tráng xi măng chỉ sử dụng nền đất bổ sung thêm chất độn như mùn cưa, trấu… chế phẩm Balasa N01 chi phí khoảng 130.000 đ/m2. Như vậy chỉ tính riêng chi phí ban đầu đã tiết kiệm được 170.000 đ/m2.
Về hiệu quả kinh tế cho thu nhập cao hơn do chi phí thấp, trong quá trình nuôi người dân tiết kiệm được 60 - 80% lượng nước, 60% chi phí lao động, giảm 10% chi phí thức ăn, thuốc thú y.
Đây cũng là mô hình ứng dụng công nghệ đơn giản, dễ thực hiện, đặc biệt có “4 không” (không mùi hôi, không khí độc, không cần dọn chất thải và không phải tắm cho heo, dọn vệ sinh cho gà, vịt trong suốt quá trình nuôi). Riêng phân của vật nuôi sau khi thu dọn đệm lót dùng bón cho cây rất tốt.
Có thể bạn quan tâm
Sau 18 tháng triển khai dự án Hỗ trợ nông nghiệp các bon thấp, tỉnh Bến Tre đã thực hiện được 2.380/3.600 công trình khí sinh học (biogas) loại từ 50 m3 trở xuống.
Với khát vọng “nâng tầm tôm Việt” nhằm nâng cao vị thế ngành tôm Việt Nam trên thị trường thế giới, Tập đoàn Việt Úc đã nghiên cứu, ứng dụng nuôi tôm công nghệ cao, siêu năng suất.
Cuối tháng 10 này, mẻ lúa J02 đầu tiên trồng tại đồng bằng sông Cửu Long sẽ ngược tàu ra Bắc báo hiệu một xu hướng mới "Nam sản, Bắc tiêu" cho hạt gạo Nhật.
Với mục đích bảo vệ môi trường, cải thiện sinh kế cho người dân, chiến lược đẩy mạnh nuôi tôm sinh thái dưới tán rừng đang là hướng đi mới của tỉnh Cà Mau.
Bằng một quyết định điều chỉnh kịp thời, hợp lý, tỉnh Tuyên Quang đã cứu được hàng ngàn công trình thủy lợi, hồ đập đang kêu cứu, không phát huy hết công năng và tiềm ẩn nhiều nguy cơ mất an toàn.