Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Hiệu quả mô hình trồng đậu tương trên đất lúa một vụ

Hiệu quả mô hình trồng đậu tương trên đất lúa một vụ
Ngày đăng: 08/08/2015

Để ổn định và nâng cao đời sống nhân dân các dân tộc trên địa bàn, những năm gần đây, UBND huyện Điện Biên Đông chỉ đạo các cơ quan chức năng đẩy mạnh hướng dẫn nông dân áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, đưa những giống cây trồng vật nuôi có năng suất, chất lượng cao đến với bà con nông dân. Qua đó, giúp nông dân chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng tích cực, góp phần quan trọng đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Cụ thể hóa quan điểm nêu trên, từ nguồn vốn Nghị quyết 30a/CP và vốn sự nghiệp nông nghiệp, Trạm Khuyến nông - Khuyến ngư (KNKN) huyện triển khai mô hình trồng cây đậu tương, loại giống DT 84 trên đất lúa một vụ thuộc các bản: Háng Trợ A, B, C, xã Pu Nhi. 51 hộ tham gia mô hình được Nhà nước hỗ trợ 100% giống, phân bón và được hỗ trợ kỹ thuật trồng, chăm sóc, phòng trừ sâu bệnh. Người dân tận dụng được diện tích đất bỏ hoang trên chân ruộng lúa 1 vụ (tổng diện tích lúa 1 vụ trên địa bàn bản Háng Trợ A, B, C là 42,3ha); tận dụng lượng phân hữu cơ sẵn có tại địa phương...

Để Dự án đạt hiệu quả cao, các cán bộ kỹ thuật Trạm KNKN huyện luôn bám cơ sở hướng dẫn bà con thực hiện hiệu quả kế hoạch, nội dung dự án. Với phương châm “cầm tay chỉ việc”, các lớp tập huấn kỹ thuật được thực hiện ngay tại ruộng từ cách làm đất, gieo hạt, bón phân, làm cỏ đều được cán bộ kỹ thuật trực tiếp làm mẫu. Ngoài ra, việc kiểm tra đồng ruộng, áp dụng đúng quy trình kỹ thuật được tiến hành thường xuyên. Cán bộ kỹ thuật Trạm KNKN hướng dẫn nông dân cách phát hiện và phòng trừ sâu bệnh: sâu ăn lá, rầy xanh, rệp...

Đặc biệt là phòng trừ sâu bệnh trong thời kỳ đậu tương chuẩn bị ra hoa và ra quả. Do thời tiết vụ đông xuân 2014 - 2015 diễn biến phức tạp: thời gian rét kéo dài, nên tới trung tuần tháng 2/2015, cán bộ kỹ thuật Dự án mới hướng dẫn các hộ tham gia mô hình gieo hạt. Do làm tốt công tác chuẩn bị đất gieo trồng và thời tiết thuận lợi, sau 5 - 7 ngày gieo, tỷ lệ nảy mầm trung bình đạt 90 - 95% diện tích canh tác. Sau thời gian sinh trưởng 90 ngày, đậu tương cho thu hoạch, năng suất trung bình đạt 1,7 tấn/ha. Với giá bán hiện nay khoảng 15.000đồng/kg, trung bình một héc ta trồng đậu tương sẽ cho thu về khoảng 25,5 triệu đồng, trừ các loại chi phí nông dân có lãi khoảng 9 triệu đồng/ha.

Ông Sùng A Châu, Trưởng bản Háng Trợ cho biết: Thông qua mô hình, hầu hết người dân trong bản nhận thấy canh tác đậu tương không khó, mà mang lại hiệu quả kinh tế cao hơn trồng một số loại cây khác như ngô, khoai. Bên cạnh đó, trồng đậu tương giúp đất thêm màu mỡ, vụ sau trồng cây gì cũng cho năng suất cao hơn, vì vậy, nhiều hộ đã giữ giống cho vụ đông xuân sau. Ngoài hiệu quả kinh tế, Dự án còn giúp bà con nông dân tiếp cận tiến bộ khoa học kỹ thuật, chăm sóc phòng trừ sâu bệnh cho đậu tương, nắm bắt kỹ thuật bón phân cân đối giữa các loại phân chuồng, phân lân, phân kali, bón đúng, bón đủ; người dân cũng nắm được kỹ thuật tỉa bớt cây, xới xáo cho đất tơi xốp tạo đà cho rễ phát triển nhanh và vun luống cao giúp cây chống đổ khi có mưa lớn...

Từ đó, giúp nông dân đổi mới nhận thức mùa vụ, loại bỏ những cây kém chất lượng, tạo ra giống thuần chủng, chủ động giữ giống cho vụ sau. Thâm canh đậu tương còn làm cho đất được cải tạo, tăng thêm nguồn phân hữu cơ cho đất. Thành công từ mô hình đã góp phần quan trọng đa dạng hóa sản phẩm nông nghiệp, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho người lao động, góp phần phát triển nông nghiệp bền vững tại địa phương.

Trung tuần tháng 5/2015, khi đoàn công tác Huyện ủy, UBND huyện Điện Biên Đông đi kiểm tra thực địa đánh giá hiệu quả mô hình khuyến nông trồng đậu tương trên đất lúa một vụ tại các bản Háng Trợ A, B, C (xã Pú Nhi), đại diện các hộ dân nơi đây đề nghị với đoàn công tác: mong muốn được tiếp tục nhận được hỗ trợ của Nhà nước để người dân trên địa bàn phát triển, mở rộng diện tích canh tác trồng đậu tương trên đất lúa một vụ. Đồng thời, cam kết những năm tiếp theo, dân bản sẽ tận dụng 100% diện tích đất lúa một vụ trên địa bàn trồng đậu tương. Đây là điều đáng mừng khi người dân có chuyển biến tích cực về nhận thức trong chuyển dịch cơ cấu nông nghiệp, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất, góp phần tích cực vào công cuộc giảm nghèo bền vững tại địa phương.


Có thể bạn quan tâm

Bỏ phố ra bìa rừng trồng rau sạch thu hơn trăm triệu/tháng Bỏ phố ra bìa rừng trồng rau sạch thu hơn trăm triệu/tháng

Xuất thân từ thành phố với công việc ổn định thu nhập cao, chị Hoàng Thị Mai đã lên vùng núi lập nghiệp với mô hình trồng rau sạch.

13/11/2019
Cử nhân bỏ phố về quê ướp trà Cử nhân bỏ phố về quê ướp trà

Lê Sơn Hải trồng chè theo cách truyền thống tại xã Quyết Thắng, thành phố Thái Nguyên với khát vọng xây dựng nhãn trà hữu cơ.

15/11/2019
Mít ruột đỏ thu tiền tỷ Mít ruột đỏ thu tiền tỷ

Với hương vị thơm ngon, lạ miệng, càng để lâu càng ngọt và mềm, giống mít ruột đỏ Indonesia được nhiều người ưa chuộng, mặc dù giá cao gấp đôi, gấp 3

18/11/2019
Khởi nghiệp trồng rong nho chỉ với 400.000 đồng Khởi nghiệp trồng rong nho chỉ với 400.000 đồng

Khởi nghiệp thành công với mô hình trồng và bao tiêu sản phẩm rong nho, cho thu nhập hàng trăm triệu đồng mỗi năm.

19/11/2019
Thầy giáo dạy toán kiếm chục triệu mỗi tháng từ nghề 'tay trái' tại Ninh Bình Thầy giáo dạy toán kiếm chục triệu mỗi tháng từ nghề 'tay trái' tại Ninh Bình

Có niềm đam mê riêng là trồng tảo xoắn. Nhờ nghề tay trái, thầy giáo say mê loại tảo “thần kỳ” kiếm thêm cả chục triệu đồng mỗi tháng.

20/11/2019