Nông dân nuôi tôm gặp nhiều khó khăn
Thời điểm này, tuy đã vào vụ nuôi tôm thu đông năm 2015 nhưng không khí ở các vùng nuôi tôm lớn của huyện Tam Nông khá buồn tẻ. Nông dân thực hiện vụ tôm mới này với nhiều nỗi lo toan.
Là người nuôi tôm lâu năm trong vùng, ông Lê Thành Công - chủ hộ nuôi tôm càng xanh thuộc ấp Phú Bình, xã Phú Thành B cho biết: “Mấy vụ tôm gần đây, người nuôi tôm càng xanh rất khó khăn vì thiếu nguồn con giống chất lượng. Không những thế, bước vào vụ nuôi, với diện tích 5,7ha, tôi phải bỏ vốn để cải tạo hồ, mua thức ăn, mua con giống, thuê nhân công... khoảng 39 triệu đồng/ha. Chi phí này tăng hơn gấp 2 - 3 lần so với các năm trước, nhưng giá tôm thương phẩm vẫn giữ mức thấp”.
Tương tự, ông Lê Bá Tòng ngụ ấp Phú Long, xã Phú Thành B chia sẻ: “Bên cạnh việc thiếu nguồn giống chất lượng, vấn đề về nguồn nước không đảm bảo cũng ảnh hưởng lớn đến năng suất của tôm nuôi. Trong vụ nuôi năm ngoái, hầu như năng suất đều bị giảm khoảng 20 – 30%. Ngoài ra, nông dân còn phải tự “bơi” tìm đầu ra cho con tôm, bởi hiện tại, các tỉnh trong khu vực đồng bằng sông Cửu Long đã triển khai nuôi tôm càng xanh khá nhiều nên nguồn cung vượt cầu. Vì vậy, nông dân buộc phải tìm các mối lái xuất hàng sang thị trường mới”.
Theo ghi nhận, thời tiết thay đổi bất thường cũng ảnh hưởng đến sự phát triển cũng như xuất hiện thêm các loại bệnh cho tôm càng xanh. Nguyên nhân khác khiến các hộ nuôi tôm lo lắng là đa số đáy ao thả tôm đều lâu năm nên không còn đảm bảo canh tác.
Ông Nguyễn Văn Thông - Phó Phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tam Nông cho biết: “Để hỗ trợ người nuôi tôm phát triển sản xuất trong điều kiện có nhiều yếu tố bất lợi, trong thời gian tới, ngành nông nghiệp sẽ tham mưu cho UBND huyện những giải pháp về đầu tư hạ tầng thủy lợi, tổ chức nạo vét kênh mương đảm bảo lượng nước, xây dựng hạ tầng giao thông các vùng nuôi tôm đảm bảo việc vận chuyển; phối hợp với Trại giống nông nghiệp huyện để tìm nguồn giống tốt cho nông dân và chủ động kết nối các doanh nghiệp thu mua để ổn định đầu ra cho sản phẩm”.
Có thể nói, con tôm càng xanh sẽ thực sự đem lại hiệu quả kinh tế cao cho nông dân nếu năng suất cao cùng với đầu ra ổn định. Tuy nhiên, việc đầu tư nuôi tôm càng xanh vẫn luôn là một “canh bạc” với người nông dân, mặc dù đã có rất nhiều bài học về những câu chuyện “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Thời gian tới, các ngành chức năng cần có quy hoạch thủy sản cụ thể cho con tôm càng xanh mang tầm chiến lược để giúp nông dân cải thiện kinh tế.
Có thể bạn quan tâm
Phú Yên có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển khai thác thủy sản. Hiện tại toàn tỉnh có khoảng 6.139 chiếc tàu thuyền, với tổng công suất 302.511CV. Trong đó tàu thuyền có công suất từ 90CV trở lên là 1.033 chiếc, còn lại có công suất dưới 90CV hoạt động khai thác ở vùng lộng và gần bờ.
Bà Mai Kim Thi, Chi cục trưởng Chi cục Khai thác và Bảo vệ nguồn lợi thủy sản thuộc Sở NN-PTNT, cho biết: Đến nay, đơn vị đã phối hợp với Đài Thông tin Duyên hải Quy Nhơn tiến hành lắp đặt 238 thiết bị công nghệ Movimar (còn gọi là thiết bị quan sát tài cá qua vệ tinh) cho các tàu cá khai thác xa bờ trên địa bàn toàn tỉnh Bình Định.
Kể từ khi phong trào nuôi tôm công nghiệp tự phát tăng cao, nhu cầu về điện phục vụ sản xuất và thắp sáng “nóng” lên hơn bao giờ hết. Bên cạnh đó, tình trạng sử dụng điện không an toàn đang là vấn đề đáng báo động.
165ha mặt nước nuôi thuỷ sản ở phường Hà An (TX Quảng Yên, Quảng Ninh) đã được đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng từ năm 2010 với tổng mức đầu tư trên 30 tỷ đồng, trong đó người dân đóng góp hơn 10 tỷ đồng. Do được đầu tư đồng bộ nên nhiều hộ dân trên địa bàn phường đã đầu tư kinh phí nuôi nhiều giống thuỷ sản mang lại hiệu quả kinh tế cao. Điển hình phải kể tới là hộ anh Nguyễn Hữu Phước.
Thay vì chỉ trồng và nuôi một loại cây, con như trước, những năm gần đây, nhiều nông dân đã chọn cách trồng nhiều loại cây, nuôi nhiều loại con đem lại hiệu quả kinh tế cao, đồng thời giảm thiểu rủi ro về mất vốn.