Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Đẩy Mạnh Các Biện Pháp Phòng Dịch Cúm Gia Cầm

Đẩy Mạnh Các Biện Pháp Phòng Dịch Cúm Gia Cầm
Ngày đăng: 01/03/2014

Dịch cúm gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Vì vậy, ngành thú y các địa phương đang tăng cường các biện pháp chống dịch và đề cao tính chủ động trong phòng dịch.

Sau khi xuất hiện  ổ dịch tại đàn vịt của gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh ở xóm 15, xã Nghi Vạn, UBND huyện Nghi Lộc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch nhằm khống chế, ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng. Có mặt tại gia đình chị Quỳnh , qua trao đổi chúng tôi được biết, gia đình chị đã xây dựng trang trại nuôi vịt đã nhiều năm nay, trung bình trang trại của chị có trên 1 ngàn con vịt,  mỗi năm gia đình chị đã thu hơn 100 triệu đồng từ nghề nuôi vịt.

Tuy nhiên, vào ngày 16/2 vừa qua, đàn vịt gia đình chị bổng nhiên xuất hiện các triệu chứng ngoẹo đầu, chân co quắp, không di chuyển được và chết rải rác. Sau khi phát hiện, Trạm thú y huyện đã khoanh vùng chữa trị đồng thời lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Thú y vùng 3.

Kết quả đàn vịt gia đình chị Quỳnh dương tính H5N1. Chị chia sẻ: Gia đình chúng tôi chăn nuôi từ năm 2005 đến nay, mọi quy trình phòng dịch đều chấp hành, không hiểu nguyên nhân từ đâu mà đàn vịt nhiễm dịch. Gia đình rất mong các ban ngành tạo điều kiện để giúp gia đình tôi, bởi đây là tài sản của cả gia đình xây dựng trong nhiều năm.

Trước tình hình đó, trạm thú y huyện đã phối hợp chính quyền địa phương tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm mắc bệnh và số gia cầm tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh; Đồng thời tiến hành phun khử trùng, bao vây, dập dịch, tiêm  vác xin tới đâu, tiến hành tiêu độc khử trùng tới đó.

Hiện nay Chi cục Thú y Tỉnh đã phân bổ về cho Nghi Lộc 10.000 liều vắc-xin và 200 lít hóa chất Bencoxít cho các địa phương ở Nghi Lộc chủ động phòng chống dịch. Theo đó, các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm chủ động bám sát địa bàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch.

Ông Trần Quốc Cường, Trưởng trạm Thú y huyện Nghi Lộc cho biết: Để khống chế bao vây nhằm tránh sự lây lan, ngay sau khi có kết luận của Trung tâm Thú y vùng 3 thì Trạm đã tiến hành tiêu huỷ ngay toàn bộ số gia cầm bị bệnh và gia cầm đã tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, đồng thời phân công cán bộ bám sát địa bàn chỉ đạo thú y viên cơ sở chỉ tiến hành tiêu độc khử trùng và tiêm vác xin phòng dịch tổng đàn.

Theo số liệu báo cáo của Trạm thú y huyện, đến nay Nghi Lộc có hơn 600 ngàn con gia cầm. Do thời tiết diễn ra hết sức phức tạp, rét đậm kéo dài, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Vì vậy, việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch được cấp uỷ chính quyền các cấp ở Nghi Lộc chủ động thực hiện.

Trong đó,  chú trọng đến việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nguy cơ, tác hại của vi rút cúm gia cầm và khả năng lây lan trên người nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng; Phát động phong trào toàn dân tổng dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Khuyến cáo người dân không sử dụng thịt gia cầm không rõ nguồn gốc. Các hộ tư thương tuyệt đối không tiêu thụ, giết mổ và buôn bán gia cầm mắc bệnh, không vứt xác gia cầm bừa bãi.

Đặc biệt các xã có nguy cơ cao, cần thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào địa bàn. Tại các chốt kiểm dịch phải có phương tiện và hóa chất sát trùng để tiêu độc, khử trùng người và phương tiện giao thông qua lại.

Ông Nguyễn Thanh Hải - PCT UBND huyện Nghi Lộc cho biết thêm: Để khống chế, bao vây, ngăn dịch lây lan ra diện rộng, hiện nay Nghi Lộc đang triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch. Riêng đối với Nghi Vạn đến thời điểm này địa phương đã hoàn thành xong việc tiêm phòng vác xin và phun tiêu độc khử trùng. Đồng thời lập các chốt kiểm dịch không cho vận chuyển gia cầm ra vào địa bàn.

Đặc biệt các địa phương chưa có dịch phát động toàn dân ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và tại các chợ, điểm giết mổ gia súc; Tổ chức ký cam kết với từng hộ chăn nuôi, hộ tư thương không tiêu thụ gia cầm mắc bệnh; Tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, góp phần cùng với địa phương triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.

Không chỉ ở Nghi Lộc, hiện dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu). Quỳnh Lưu là địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn, hàng năm đã cung cấp nguồn thực phẩm khá dồi dào cho thị trường trong và ngoài huyện nên hiện nay huyện đang đẩy mạnh các biện pháp khử trùng tiêu độc bảo vệ đàn gia cầm

Chúng tôi đến nhà ông Trương Phi Hùng ở xóm 5, xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu, thấy ông đã xuất bán hết  gia súc, gia cầm của mình. Hiện nay gia đình ông đang khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh máng ăn, máng uống, sửa sang lại chuồng trại, đồng thời tiến hành phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi, rắc vôi bột vào hố phân để tiêu diệt các loại dịch bệnh tiềm ẩn.

Ông Trương Phi Hùng nói: “Đến thời điểm này gia đình cũng đang chuẩn bị nguồn thức ăn, nguồn vốn để tiếp tục phát triển chăn nuôi về đàn bò thương phẩm và cũng phát triển chăn nuôi thêm gà, vịt để phục vụ phát triển kinh tế gia đình.”

UBND huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan và trạm thú y tổ chức triển khai các đợt phun khử trùng, tiêu độc môi trường ở khu vực chăn nuôi; khơi thông cống rãnh; cải tạo chuồng nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Cùng với đó xây dựng, củng cố mạng lưới thú y cơ sở đảm bảo về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu của người chăn nuôi.

Ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: “Hiện nay chúng tôi đang, tập trung để thực hiện tốt công tác vệ sinh khử độc, tiêu trùng môi trường sau dịp tết. Đồng thời, triển khai các kế hoạch về tiêm phòng cũng như  chống dịch cúm gia cầm.”

Đi đôi với việc giám sát chặt chẽ đàn gia cầm ở các hộ gia đình, ngành chức năng tại TX Thái Hòa cũng chỉ đạo công tác kiểm dịch tại các chợ, các tụ điểm buôn bán gia cầm sống, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán gia cầm không có giấy tờ, không qua kiểm dịch. Tất cả với mục tiêu chủ động nắm chắc tình hình trên gia cầm và sẵn sàng ứng phó với các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.

Bà Nguyễn Thị Ngọc, cán bộ thú y phường Hòa Hiếu, Thị xã  Thái  Hòa cho hay “Việc buôn bán gia cầm sống ở chợ Hiếu và một vài chợ nhỏ trên địa bàn diễn ra khá sôi động. Vì vậy mà hoạt động này cũng được chúng tôi giám sát chặt, nhất là vào thời gian này. Chúng tôi kiểm tra bằng cách xem giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ… Nếu không đảm bảo sẽ bị tịch thu tiêu hủy và xử phạt”.

Dịch cúm gia cầm ngày càng có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Vì vậy, ngành thú y các địa phương đang tăng cường các biện pháp chống dịch và đề cao tính chủ động phòng dịch. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp đã đi kiểm tra tại các ổ dịch ở Nghi Lộc, Quỳnh Lưu để kịp thời có các biện pháp phòng chống.


Có thể bạn quan tâm

Triển Vọng Mô Hình Nuôi Cá Nheo Triển Vọng Mô Hình Nuôi Cá Nheo

Sau 6 tháng nuôi, cá nheo cho thu hoạch với trọng lượng từ 1,5kg – 2kg/con, ao của gia đình cho thu hoạch khoảng 1.800kg cá thương phẩm, với giá thị trường 90 nghìn/kg như hiện nay trừ chi phí mỗi lứa cá cho thu lãi từ 50 – 60 triệu đồng, gấp 2-3 lần so với nuôi các giống cá truyền thống. Năm 2013, gia đình tôi tiếp tục mở rộng quy mô nuôi thả gần 2000 cá nheo giống – ông Lệnh rất vui cho biết thêm.

26/08/2013
Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn Chăn Nuôi Gia Cầm An Toàn

Đó là mô hình lý tưởng được nhiều nông dân tham gia, với hỗ trợ huấn luyện và chuyển giao kỹ thuật của Trung tâm Khuyến nông An Giang và hệ thống Khuyến nông các cấp thông qua Dự án “Phát triển chăn nuôi gia cầm an toàn sinh học giai đoạn 2011-2013”. Thực tế cho thấy, hiệu quả mang lại nhiều mặt cho người chăn nuôi và cả cộng đồng dân cư.

26/08/2013
Bắt Giữ Hơn 30.000 Con Giống Gia Cầm Nhập Lậu Bắt Giữ Hơn 30.000 Con Giống Gia Cầm Nhập Lậu

Vào lúc 4h20 ngày 22/8, tại thôn Cái Tăn, xã Cộng Hòa, Cẩm Phả, Đội Cảnh sát điều tra tội phạm về trật tự quản lý kinh tế và chức vụ, Công an TP Cẩm Phả đã bắt giữ hơn 30.000 con giống gia cầm nhập lậu

26/08/2013
Những Vườn Ươm Ở Tiên Phước (Quảng Nam) Những Vườn Ươm Ở Tiên Phước (Quảng Nam)

Đầu mùa mưa, đi dọc những tuyến đường có vườn ươm cây giống tại huyện Tiên Phước (Quảng Nam), chúng tôi như bị hút mắt vào màu xanh non của những cây con và thú vị với hàng nghìn bầu đất được sắp xếp cạnh nhau nhìn giống như bề mặt của một tổ ong khổng lồ…

26/08/2013
Lúa Hè Thu Mất Mùa Và Mất Cả Giá Lúa Hè Thu Mất Mùa Và Mất Cả Giá

Hiện tượng đỏ hạt lúa, lem lép hạt và rầy nâu gây hại nghiêm trọng khiến vụ lúa hè thu 2013 ở Thừa Thiên Huế bị mất mùa. Nông dân điêu đứng khi lúa bị mất mùa cộng thêm mất giá.

26/08/2013