Đẩy Mạnh Các Biện Pháp Phòng Dịch Cúm Gia Cầm
Dịch cúm gia cầm ngày càng diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Vì vậy, ngành thú y các địa phương đang tăng cường các biện pháp chống dịch và đề cao tính chủ động trong phòng dịch.
Sau khi xuất hiện ổ dịch tại đàn vịt của gia đình chị Nguyễn Thị Quỳnh ở xóm 15, xã Nghi Vạn, UBND huyện Nghi Lộc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch nhằm khống chế, ngăn chặn dịch lây lan ra diện rộng. Có mặt tại gia đình chị Quỳnh , qua trao đổi chúng tôi được biết, gia đình chị đã xây dựng trang trại nuôi vịt đã nhiều năm nay, trung bình trang trại của chị có trên 1 ngàn con vịt, mỗi năm gia đình chị đã thu hơn 100 triệu đồng từ nghề nuôi vịt.
Tuy nhiên, vào ngày 16/2 vừa qua, đàn vịt gia đình chị bổng nhiên xuất hiện các triệu chứng ngoẹo đầu, chân co quắp, không di chuyển được và chết rải rác. Sau khi phát hiện, Trạm thú y huyện đã khoanh vùng chữa trị đồng thời lấy mẫu gửi đi xét nghiệm tại Trung tâm Thú y vùng 3.
Kết quả đàn vịt gia đình chị Quỳnh dương tính H5N1. Chị chia sẻ: Gia đình chúng tôi chăn nuôi từ năm 2005 đến nay, mọi quy trình phòng dịch đều chấp hành, không hiểu nguyên nhân từ đâu mà đàn vịt nhiễm dịch. Gia đình rất mong các ban ngành tạo điều kiện để giúp gia đình tôi, bởi đây là tài sản của cả gia đình xây dựng trong nhiều năm.
Trước tình hình đó, trạm thú y huyện đã phối hợp chính quyền địa phương tiến hành tiêu huỷ toàn bộ số gia cầm mắc bệnh và số gia cầm tiếp xúc với gia cầm mắc bệnh; Đồng thời tiến hành phun khử trùng, bao vây, dập dịch, tiêm vác xin tới đâu, tiến hành tiêu độc khử trùng tới đó.
Hiện nay Chi cục Thú y Tỉnh đã phân bổ về cho Nghi Lộc 10.000 liều vắc-xin và 200 lít hóa chất Bencoxít cho các địa phương ở Nghi Lộc chủ động phòng chống dịch. Theo đó, các thành viên trong Ban chỉ đạo phòng chống dịch cúm gia cầm chủ động bám sát địa bàn kiểm tra, giám sát, đôn đốc, hướng dẫn cơ sở triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch.
Ông Trần Quốc Cường, Trưởng trạm Thú y huyện Nghi Lộc cho biết: Để khống chế bao vây nhằm tránh sự lây lan, ngay sau khi có kết luận của Trung tâm Thú y vùng 3 thì Trạm đã tiến hành tiêu huỷ ngay toàn bộ số gia cầm bị bệnh và gia cầm đã tiếp xúc với gia cầm bị bệnh, đồng thời phân công cán bộ bám sát địa bàn chỉ đạo thú y viên cơ sở chỉ tiến hành tiêu độc khử trùng và tiêm vác xin phòng dịch tổng đàn.
Theo số liệu báo cáo của Trạm thú y huyện, đến nay Nghi Lộc có hơn 600 ngàn con gia cầm. Do thời tiết diễn ra hết sức phức tạp, rét đậm kéo dài, nguy cơ bùng phát dịch là rất lớn. Vì vậy, việc triển khai đồng bộ các biện pháp phòng dịch được cấp uỷ chính quyền các cấp ở Nghi Lộc chủ động thực hiện.
Trong đó, chú trọng đến việc tuyên truyền sâu rộng trong nhân dân về nguy cơ, tác hại của vi rút cúm gia cầm và khả năng lây lan trên người nhằm nâng cao nhận thức trong cộng đồng; Phát động phong trào toàn dân tổng dọn vệ sinh, tiêu độc khử trùng. Khuyến cáo người dân không sử dụng thịt gia cầm không rõ nguồn gốc. Các hộ tư thương tuyệt đối không tiêu thụ, giết mổ và buôn bán gia cầm mắc bệnh, không vứt xác gia cầm bừa bãi.
Đặc biệt các xã có nguy cơ cao, cần thiết lập các chốt kiểm dịch tạm thời để ngăn chặn việc vận chuyển gia cầm, sản phẩm gia cầm ra, vào địa bàn. Tại các chốt kiểm dịch phải có phương tiện và hóa chất sát trùng để tiêu độc, khử trùng người và phương tiện giao thông qua lại.
Ông Nguyễn Thanh Hải - PCT UBND huyện Nghi Lộc cho biết thêm: Để khống chế, bao vây, ngăn dịch lây lan ra diện rộng, hiện nay Nghi Lộc đang triển khai đồng bộ các biện pháp chống dịch. Riêng đối với Nghi Vạn đến thời điểm này địa phương đã hoàn thành xong việc tiêm phòng vác xin và phun tiêu độc khử trùng. Đồng thời lập các chốt kiểm dịch không cho vận chuyển gia cầm ra vào địa bàn.
Đặc biệt các địa phương chưa có dịch phát động toàn dân ra quân tổng dọn vệ sinh môi trường, tiêu độc khử trùng khu vực chăn nuôi và tại các chợ, điểm giết mổ gia súc; Tổ chức ký cam kết với từng hộ chăn nuôi, hộ tư thương không tiêu thụ gia cầm mắc bệnh; Tăng cường tuyên truyền cho người dân nâng cao ý thức phòng chống dịch, góp phần cùng với địa phương triển khai có hiệu quả công tác phòng chống dịch cúm gia cầm.
Không chỉ ở Nghi Lộc, hiện dịch cúm gia cầm đã xuất hiện tại Quỳnh Lâm (Quỳnh Lưu). Quỳnh Lưu là địa phương có số lượng đàn gia súc, gia cầm tương đối lớn, hàng năm đã cung cấp nguồn thực phẩm khá dồi dào cho thị trường trong và ngoài huyện nên hiện nay huyện đang đẩy mạnh các biện pháp khử trùng tiêu độc bảo vệ đàn gia cầm
Chúng tôi đến nhà ông Trương Phi Hùng ở xóm 5, xã Quỳnh Diễn, huyện Quỳnh Lưu, thấy ông đã xuất bán hết gia súc, gia cầm của mình. Hiện nay gia đình ông đang khẩn trương dọn dẹp, vệ sinh máng ăn, máng uống, sửa sang lại chuồng trại, đồng thời tiến hành phun thuốc khử trùng xung quanh khu vực chăn nuôi, rắc vôi bột vào hố phân để tiêu diệt các loại dịch bệnh tiềm ẩn.
Ông Trương Phi Hùng nói: “Đến thời điểm này gia đình cũng đang chuẩn bị nguồn thức ăn, nguồn vốn để tiếp tục phát triển chăn nuôi về đàn bò thương phẩm và cũng phát triển chăn nuôi thêm gà, vịt để phục vụ phát triển kinh tế gia đình.”
UBND huyện Quỳnh Lưu đã chỉ đạo các ban, ngành liên quan và trạm thú y tổ chức triển khai các đợt phun khử trùng, tiêu độc môi trường ở khu vực chăn nuôi; khơi thông cống rãnh; cải tạo chuồng nuôi theo đúng quy trình kỹ thuật. Cùng với đó xây dựng, củng cố mạng lưới thú y cơ sở đảm bảo về số lượng và chất lượng để đáp ứng yêu cầu của người chăn nuôi.
Ông Nguyễn Xuân Dinh – Trưởng phòng nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Quỳnh Lưu cho biết thêm: “Hiện nay chúng tôi đang, tập trung để thực hiện tốt công tác vệ sinh khử độc, tiêu trùng môi trường sau dịp tết. Đồng thời, triển khai các kế hoạch về tiêm phòng cũng như chống dịch cúm gia cầm.”
Đi đôi với việc giám sát chặt chẽ đàn gia cầm ở các hộ gia đình, ngành chức năng tại TX Thái Hòa cũng chỉ đạo công tác kiểm dịch tại các chợ, các tụ điểm buôn bán gia cầm sống, xử lý nghiêm các trường hợp buôn bán gia cầm không có giấy tờ, không qua kiểm dịch. Tất cả với mục tiêu chủ động nắm chắc tình hình trên gia cầm và sẵn sàng ứng phó với các trường hợp xấu nhất có thể xảy ra.
Bà Nguyễn Thị Ngọc, cán bộ thú y phường Hòa Hiếu, Thị xã Thái Hòa cho hay “Việc buôn bán gia cầm sống ở chợ Hiếu và một vài chợ nhỏ trên địa bàn diễn ra khá sôi động. Vì vậy mà hoạt động này cũng được chúng tôi giám sát chặt, nhất là vào thời gian này. Chúng tôi kiểm tra bằng cách xem giấy tờ, nguồn gốc xuất xứ… Nếu không đảm bảo sẽ bị tịch thu tiêu hủy và xử phạt”.
Dịch cúm gia cầm ngày càng có diễn biến phức tạp tại nhiều địa phương. Vì vậy, ngành thú y các địa phương đang tăng cường các biện pháp chống dịch và đề cao tính chủ động phòng dịch. Lãnh đạo Sở Nông nghiệp đã đi kiểm tra tại các ổ dịch ở Nghi Lộc, Quỳnh Lưu để kịp thời có các biện pháp phòng chống.
Related news
Đức Phú là xã nằm xa trung tâm huyện, nơi tuyến kênh Tà Pao chưa được đầu tư hoàn thiện và đưa vào sử dụng. Điều này dẫn đến tình hình sản xuất lúa gặp không ít khó khăn. Để nâng cao năng suất cây trồng trên một đơn vị diện tích lúa, những năm gần đây xã đã luân canh, chuyển từ 3 vụ lúa ở khu nội đồng sang 2 vụ lúa và 1 vụ bắp đông xuân mang lại hiệu quả…
Đến hết tháng 4/2015, diện tích nuôi trồng thủy sản toàn tỉnh đạt 231,1ha, giảm 4,6ha so cùng kỳ năm trước. Diện tích nuôi thả bị thu hẹp do bước vào mùa nắng nóng thời tiết khô hạn làm cho nguồn nước bốc hơi nhanh, độ mặn tăng, môi trường nước biến động, độ PH thay đổi.
Trong Đề án tổng thể tái cơ cấu kinh tế tỉnh Đắk Nông giai đoạn 2014-2020 do UBND tỉnh ban hành thì vấn đề tái cơ cấu phát triển sản xuất nông nghiệp theo hướng ứng dụng công nghệ cao là một nội dung quan trọng nhằm từng bước nâng cao giá trị gia tăng, tăng năng suất, chất lượng và sức cạnh tranh của sản phẩm nông nghiệp.
Liên Bộ Tài chính, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn vừa ban hành Thông tư liên tịch số 17/2015/TTLT-BNNPTNT-BTC hướng dẫn phương pháp xác định giá trị rừng trồng, vườn cây để sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của các công ty nông, lâm nghiệp.
Ngày 24/4, Trung tâm Chất lượng Nông lâm - Thủy sản vùng 3 (Khánh Hòa) đã cấp giấy chứng nhận VietGap cho sản phẩm lúa của Tổ hợp tác (THT) sản xuất lúa cánh đồng mẫu xã Buôn Choáh (Krông Nô). Kết quả này không chỉ là sự ghi nhận những nỗ lực của người dân mà sẽ mở ra một hướng mới, hiệu quả trong sản xuất lúa, gạo ở địa phương này.