Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Người Trồng Dâu Tây Thương Phẩm Ở Gia Lai

Người Trồng Dâu Tây Thương Phẩm Ở Gia Lai
Ngày đăng: 09/12/2014

Quá nửa đời gắn bó với nghề nông một nắng hai sương, lão nông Đinh Cương (thôn 1-xã An Phú-TP. Pleiku) vẫn chưa một ngày thôi trăn trở tìm cho mình một hướng đi mới, con đường mới với ước mong cuộc sống đỡ vất vả hơn. Cây dâu tây vốn không xa lạ với người dân Phố núi nhưng để trồng dâu tây thương phẩm thì gần như ông Cương mới là người đầu tiên dám nghĩ, dám làm…

Dâu tây là loại trái cây mềm, rất khó lưu trữ, vận chuyển, trong khi nhu cầu sử dụng trái cây này ở Gia Lai không phải là ít. Vốn là đặc sản rất phát triển ở xứ sở Đà Lạt, khí hậu Pleiku sở hữu nhiều điểm tương đồng Đà Lạt để trồng loại cây ấy, “tại sao lại không đưa loại cây này về Gia Lai sản xuất?”-đó chính là điều hàng đêm ông Cương trăn trở.

Xuất phát từ suy nghĩ ấy, được sự hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, các điều kiện tiếp cận nguồn giống có chất lượng, uy tín từ một người bạn, ông Cương đã quyết định đưa loại cây này về trồng thử nghiệm trên 1 sào đất vườn nhà.

“Nếu có trái dâu tây tươi sản xuất đảm bảo sẽ tăng tính cạnh tranh hơn. Nghĩ vậy nên tôi quyết định đưa loại cây này về trồng”-lão nông Đặng Cương, bày tỏ suy nghĩ.

Được sự hỗ trợ của người bạn hiện đang công tác tại một viện nghiên cứu giống cây trồng ở Đà Lạt, đồng thời cũng là chủ một trang trại hoa, dâu tây và nhiều loại cây khác, ông Cương đã đích thân sang tận nơi tìm hiểu, học hỏi kỹ thuật trồng dâu tây cũng như mua giống về trồng.

“So với trồng các loại rau màu khác, trồng dâu tây phức tạp hơn nhiều. Để cho ra đời sản phẩm sạch, đảm bảo chất lượng và tính cạnh tranh cũng như sức khỏe người sản xuất, người tiêu dùng, tôi quyết định áp dụng công nghệ sinh học vào sản xuất”-ông Đặng Cương, chia sẻ.

Tháng 3-2014, ông Cương và gia đình đã chính thức bắt tay vào công việc trồng dâu tại vườn trên diện tích một sào đất trồng rau trước đây.

Ông tận dụng luôn hệ thống nhà lồng trồng hoa, rau trước đó để trồng dâu tây. Đất vườn được ông cải tạo lại thật kỹ lưỡng, rắc vôi và trộn thêm vào cả chục tấn phân bò... Khi những luống dâu tây bén rễ và hòa nhập tốt với môi trường đất mới, vợ chồng ông đã bắt đầu thở phào nhẹ nhõm.

3 tháng sau khi trồng, những trái dâu tây thơm ngọt, căng mọng đầu tiên chuyển màu đỏ tươi được ông cẩn thận, nâng niu hái về. Thành quả ban đầu dẫu giản dị nhưng đó là công sức, mồ hôi và cả tâm huyết của ông. Đáng mừng hơn, nó còn hé mở những tín hiệu tốt lành, như câu trả lời chắc nịch: ông đã đúng. “Cây dâu tây tui trồng thấy phát triển rất tốt, sâu bệnh cũng không có gì phức tạp.

Hiện tại do mới thu hoạch nên năng suất chưa nhiều, mỗi ngày chừng 4-5 kg thôi. Giá dâu chừng 100 ngàn đồng/kg, mà ngày nào cũng có thu đều như vắt chanh. Làm rau không dễ gì được như thế, mà vườn dâu nếu tốt sẽ cho thu trong 2 năm liền. Vậy là tui mừng rồi”-ông Cương, phấn khởi nói.

“Dâu tây là loại trái cây rất nhạy cảm, nếu dùng thuốc hóa học thì nhìn đẹp mắt đấy nhưng ăn rất hại và không thể giữ được lâu. Nếu tui dùng các chế phẩm sinh học sẽ không chỉ cho ra sản phẩm tốt mà còn giữ được sức dai cho cây dâu. Hơn nữa, cả nhà tui ngày nào cũng lăn lộn giữa vườn dâu tây, nếu lạm dụng các loại chất hóa học, chính tui và gia đình chịu ảnh hưởng trước. Nghĩ vậy nên tui không làm vậy”-lão nông, nói.

Làm dâu tây không quá khắt khe về mặt kỹ thuật nhưng đòi hỏi tốn nhiều công sức. Ngày nào vợ chồng con cái ông cũng phải luôn chân ngoài ruộng: tỉa bớt lá già, mầm chồi để dâu dồn sức nuôi quả, nhặt sâu, tưới tắm… “Thu hái dâu cũng phải có kỹ thuật. Trái dâu tây kỵ với sương nên phải canh lúc 9-10 giờ khi nắng vừa khô sương là phải thu hoạch. Nếu để lâu trong nắng trái sẽ chín quá, hái còn ướt sương đêm trái sẽ hư hỏng rất nhanh.

Dâu nhà tui, Siêu thị Co.op Mart cũng đã xuống đặt mua thử, người đi đường ai tiện ghé qua, ngày thu bao nhiêu bán hết bấy nhiêu. Khi vui tôi còn lựa dâu ủ làm rượu chát”-ông Đặng Cương vui vẻ cho biết thêm.

Gần đây, nhiều gia đình có sở thích mua những chậu dâu nhỏ về chăm sóc để vừa có cây làm cảnh đẹp mắt, lại có dâu sạch để ăn. Chính vì lẽ đó, ông đã nhân và tách cây dâu tây giống ra thêm được khoảng 300 chậu nhỏ, dành chăm sóc để phục vụ nhu cầu này của người dân. “Giá mỗi chậu tui bán 80 ngàn đồng, Tết nếu có trái nở trúng giá sẽ cao hơn nhiều đấy”-ông Cương nói thêm.

Trong tương lai, vườn dâu tây của ông chắc chắn sẽ còn cho năng suất cao hơn nhiều khi cây đến giai đoạn cho thu hoạch ổn định. Với số vốn đầu tư không quá lớn và sự nhanh nhạy, dám đổi mới, ông Cương đã có thể tự tìm cho mình hướng đi mới mẻ, hiệu quả để cải thiện đời sống kinh tế gia đình thay vì ồ ạt và bằng lòng chấp nhận làm theo phong trào, thấy mọi người làm gì mình làm nấy bất chấp có tiêu thụ được hay không.

Nguồn bài viết: http://baogialai.com.vn/channel/722/201412/nguoi-trong-dau-tay-thuong-pham-o-gia-lai-2356925/


Có thể bạn quan tâm

Hỗ Trợ Nông Dân Gần 7 Triệu Cây Giống Cà Phê Hỗ Trợ Nông Dân Gần 7 Triệu Cây Giống Cà Phê

Ngày 13/8, Viện Khoa Học Kỹ Thuật Nông Lâm Nghiệp Tây Nguyên (WASI) cho biết đơn vị phối hợp cùng công ty Nestlé Việt Nam triển khai dự án hỗ trợ nông dân trồng cà phê ở các tỉnh Lâm Đồng, Đắk Lắk, Đắk Nông, Gia Lai gần 6,9 triệu cây giống cà phê.

14/08/2014
Siết Rau Củ Ngoại Siết Rau Củ Ngoại

Để làm rõ hơn về những lo ngại liên quan tới chất lượng an toàn vệ sinh thực phẩm, đặc biệt là quy trình kiểm tra xử lý doanh nghiệp vi phạm như thế nào, chúng tôi đã có cuộc phỏng vấn ông Nguyễn Xuân Hồng, Cục trưởng Cục Bảo vệ thực vật (Bộ NN-PTNT) về những nội dung liên quan.

14/08/2014
Nghề Nuôi Nghêu Ven Biển Gò Công Người Nuôi Còn Gặp Khó! Nghề Nuôi Nghêu Ven Biển Gò Công Người Nuôi Còn Gặp Khó!

Hiện, vùng nuôi nghêu ven biển Gò Công (Tiền Giang) đã qua thời gian nghêu chết hàng loạt (tháng 2-3 hàng năm), nghêu đang phát triển tốt. Đây được coi là yếu tố thuận lợi giúp nghề nuôi nghêu phục hồi và phát triến sau nhiều năm liên tục bị thiệt hại nặng. Tuy nhiên, xét về tổng quan thì nghề nuôi nghêu ven biển ngày càng đối diện với nhiều khó khăn.

14/08/2014
Ra Khơi Cùng Ngư Dân Ra Khơi Cùng Ngư Dân

Những ngày giữa năm, ngư dân các xã ven biển huyện Gò Công Đông được mùa nên họ liên tiếp ra khơi. Những chuyến ghe đầy ắp các loại tôm, mực, cá… mang niềm vui mới, cho thấy một năm làm ăn được mùa.

14/08/2014
Đưa Thương Hiệu Việt Bay Xa Đưa Thương Hiệu Việt Bay Xa

Đó là thông tin được ông Phạm Văn Công- Phó Chủ tịch Hiệp hội Điều Việt Nam (VINACAS)- đưa ra tại Hội nghị Điều quốc tế năm 2014 tổ chức tại Vũng Tàu gần đây.

14/08/2014