Giá gà giảm mạnh, người chăn nuôi gặp khó

Không chỉ khó bán, giá gà thời gian qua cũng giảm sâu khiến việc quay vòng vốn của người dân gặp nhiều khó khăn.
Trang trại gà ở Quảng Vinh
Gần 4 tháng nay, nhiều hộ chăn nuôi gà theo hình thức trang trại, gia trại của huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên Huế rất lo lắng khi phải chạy đôn chạy đáo tìm đầu ra cho những lứa gà thịt đến tuổi xuất chuồng.
Không chỉ khó bán, giá gà thời gian qua cũng giảm sâu khiến việc quay vòng vốn của người dân gặp nhiều khó khăn.
Trang trại của bà Hồ Thị Thúy, xã Quảng Vinh có quy mô chăn nuôi gà cao điểm lên đến 10.000 con, thấp điểm cũng trên 6.000 con.
Hiện, trang trại còn gần 1.000 con đang đến tuổi xuất bán nhưng bà vẫn đang loay hoay tìm đầu ra.
Theo tính toán của bà Thúy, “Mỗi ngày chi phí thức ăn cho đàn gà cũng tốn vài trăm nghìn đồng.
Nếu tiếp tục nuôi, gia đình sẽ lỗ từ 5.000 đến 15.000 đồng/kg tùy từng loại gà.
Không tìm được đầu ra cũng đồng nghĩa với việc không có vốn để tiếp tục nuôi lứa khác”.
Theo tìm hiểu của chúng tôi, từ giữa tháng 6 trở lại đây, giá gà các loại giảm mạnh.
Cụ thể, giá gà ta giảm 20.000 đồng/kg, từ 70.000 đến 80.000 đồng/kg chỉ còn 50.000 đến 58.000 đồng/kg.
Gà công nghiệp đang bán ra với mức giá khoảng 30.000 đồng/kg, giảm gần 10.000 đồng/kg so với thời điểm trước đó.
Khảo sát thị trường tại một số siêu thị và chợ trên địa bàn có thể thấy các mặt hàng thịt gà đông lạnh nhập khẩu có giá rất thấp so với hàng trong tỉnh.
Tại siêu thị BigC giá gà nhập dao động với mức giá sốc 35.000 đồng/kg đến 45.000 đồng/kg, trong khi đó giá gà ở địa phương có giá 60.000 đến 80.000 đồng/kg.
Tại một số chợ, đùi gà công nghiệp được bán ở chợ có mức giá từ 40.000 đến 50.000 đồng/kg.
Theo ông Trương Trọng Đức, xã Quảng Lợi, “giá gà giảm và khó tiêu thụ là do người tiêu dùng chưa đánh giá được chất lượng thực của các sản phẩm chăn nuôi.
Trên thị trường có rất nhiều chủng loại gà như: gà lai đá, gà lai kiến, gà kiến, gà tam hoàng, gà công nghiệp...
mỗi loại đều có một giá khác nhau, người tiêu dùng không phân biệt được nên thường đồng nhất giá gà.
Trong khi đó, gà thịt được nhập từ các tỉnh Bình Định, Phú Yên có mức giá cạnh tranh so với sản phẩm chăn nuôi của địa phương.
Một số loại gà không rõ nguồn gốc, chất lượng được bày bán với mức giá chỉ khoảng 25.000 đến 30.000 nghìn đồng/kg.
Ông Đức nhẩm tính, nếu giá gà trên 60.000/kg người chăn nuôi mới có lãi, còn thấp hơn phải chịu lỗ.
Ông Hoàng Vọng, Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn huyện Quảng Điền khuyến cáo: Với giá gà giảm mạnh như hiện nay, người chăn nuôi cần bình tĩnh, không nên bán thốc, bán tháo.
Để giảm thiểu chi phí chăn nuôi, người dân nên mở rộng chuồng trại, phát triển đàn gà theo hướng thả vườn, chuyển đổi thức ăn chăn nuôi từ cám công nghiệp sang những loại thức ăn sẵn có như ngô, sắn…
Các trang trại cũng cần đẩy mạnh liên kết với các đơn vị tiêu thụ, công ty cung cấp thức ăn chăn nuôi hình thành chuỗi sản phẩm chăn nuôi khép kín nhằm tránh được sự bấp bênh đầu ra; chú trọng việc nâng cao chất lượng sản phẩm, sản xuất theo hướng bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm nhằm tăng sức cạnh tranh trên thị trường.
Thời gian tới, khi các Hiệp định thương mại tự do Việt Nam đã ký kết có hiệu lực thuế suất các sản phẩm chăn nuôi sẽ giảm về 0%, các sản phẩm chăn nuôi nội địa sẽ phải cạnh tranh nhiều hơn với các sản phẩm nhập khẩu giá rẻ nhưng chất lượng.
Để không thua lỗ, các trang trại phải học cách thích nghi, mở rộng thị trường cho sản phẩm của mình, cùng với đó là việc nâng cao chất lượng sản phẩm chăn nuôi để chiếm được niềm tin của người tiêu dùng.
“Tập quán chăn nuôi nhỏ lẻ, tự phát, chủ yếu các giống nuôi truyền thống, năng suất, chất lượng sản phẩm thấp nên giá thành cao.
Vì vậy, người dân nên chuyển đổi tập quán chăn nuôi sang quy mô trang trại, gia trại.
Quá trình chăn nuôi phải tìm hiểu thị trường để đầu tư số lượng nuôi hợp lý theo từng thời điểm.
Cơ quan chức năng cùng với người dân nên thành lập hiệp hội chăn nuôi để có sự định hướng chăn nuôi một cách hợp lý; thông qua hiệp hội để liên kết tiêu thụ, đưa sản phẩm vào các nhà hàng, khách sạn…”.
Ông Đặng Ái, Phó phòng Chăn nuôi-Trồng trọt thuộc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh
Có thể bạn quan tâm

Bắc phong là xã trọng điểm về cây lúa của huyện Thuận Bắc, với diện tích trên 500 ha. Để đạt được tiêu chí về thu nhập trong chương trình xa6y dựng nông thôn mới, xã đang tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng, vật nuôi, khuyến khích nông dân liên kết sản xuất theo hướng hàng hóa, tăng giá trị trên đơn vị diện tích.

Liên minh sản xuất giống dê lai Bachboer Phước Hậu (Ninh Phước) là sự hợp tác tự nguyện giữa tổ hợp tác nuôi giống dê lai Bachboer Phước Hậu (gồm 60 hộ làm nghề chăn nuôi dê) với doanh nghiệp tư nhân Phạm Đức Toàn, Phước Mỹ, Phan Rang-Tháp Chàm.

Thời gian qua, huyện Ninh Sơn đã triển khai nhiều mô hình kinh tế trong sản xuất nông nghiệp đạt hiệu quả, nhằm giúp người dân nâng cao thu nhập, ổn định cuộc sống, cũng như góp phần đẩy mạnh việc chuyển dịch cơ cấu cây trồng, vật nuôi theo hướng sản xuất hàng hóa của địa phương.

Nhằm giúp bà con Raglai vùng cao từng bước tiếp cận với tiến bộ khoa học-kỹ thuật trong sản xuất, Tỉnh đoàn phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xây dựng mô hình “Thâm canh lúa nước”.

Cây Neem được trồng thử nghiệm ở Ninh Thuận vào năm 1995, cho khả năng chịu hạn và sinh trưởng tốt hơn hẳn các loại cây đã trồng như keo lá tràm, phi lao, bạch đàn…