Nghề nuôi ong sẽ hết long đong
Chính quyền địa phương đang có kế hoạch mở rộng phát triển nghề nuôi ong theo chuỗi giá trị, trong đó đặc biệt coi trọng khâu bao tiêu sản phẩm.
Ông Nguyễn Văn Cậy (xã Bình Ba, huyện Châu Đức) kiểm tra số lượng ong của các thùng ong.
Ông Nguyễn Văn Cậy, xã Bình Ba, có trại ong 250 đàn đang trong mùa nuôi dưỡng.
Đến mùa thu hoạch mật thì có thể tăng thêm 50 đàn nữa tùy theo thời tiết và nguồn hoa.
Ong được nuôi ở trong thùng gỗ, mỗi thùng có tối đa 10 khung cầu di động ong (nơi ong sống và sản xuất mật, sáp ong và phấn hoa).
Ông Cậy cho biết: “Chăm sóc ong thường chia làm 2 mùa, từ tháng 5 đến tháng 11 dương lịch là mùa dưỡng ong.
Thời gian này, người nuôi chỉ giữ khoảng 60% so với số lượng ong tối đa.
Sở dĩ phải khống chế đàn là vì mùa này ong không làm mật, nuôi nhiều sẽ tốn đường cho ăn”.
Ông Cậy cho biết, với trại ong của ông hiện tại, mùa dưỡng có thể tốn 7 tấn đường.
Trong mùa thu hoạch mật (từ tháng 12 đến hết tháng 4), đàn ong sẽ được phát triển tối đa.
Vì đàn ong đông, khỏe sẽ cho sản lượng mật lớn.
Nuôi ong mang đến nhiều nguồn thu: mật ong có giá từ 40 - 45 ngàn đồng/kg, sáp ong có giá từ 160 - 175 ngàn đồng/kg, phấn hoa từ 180 - 200 ngàn đồng/kg… Với sản lượng 10 - 13 tấn mật, mỗi năm, với quy mô nuôi như của gia đình ông Cậy có thể thu lãi khoảng 150 triệu đồng.
Nhưng đây cũng là nghề rất long đong.
Trong mùa mật, đàn ong phải di chuyển về vùng hoa, chi phí khá tốn kém, chưa kể những hiểm họa khác như ong chết do nhiễm thuốc trừ sâu, thiên tai, địch họa...
Ông Hoàng Trọng Mậu, người nuôi ong ở thị trấn Ngãi Giao kể, năm 2009, khi cho đàn ong đi thu hoạch mật ở Bình Phước, đúng lúc đập thủy điện xả lũ, 300 đàn ong của ông bị cuốn trôi, thậm chí cả mấy chiếc thùng gỗ cũng chẳng còn.
Ông Thân Xuân Động, Phó Chủ tịch Hội làm vườn và trang trại huyện Châu Đức cho biết: “Nghề nuôi ong mật là một hướng phát triển tốt, tạo ra công ăn việc làm với thu nhập ổn định cho người dân.
Tuy nhiên, thị trường mật ong chưa ổn định, giá cả bấp bênh.
Người nuôi ong hiện tại chủ yếu bán cho các thương lái để chuyển cho Công ty ong mật Đồng Nai, giá mật phụ thuộc vào tình hình xuất khẩu của công ty nên khi nguồn cung dư thừa, giá xuống đáy, người nuôi có thể lỗ trắng”.
Hiện nay, để giải quyết khó khăn cho người nuôi, huyện khuyến khích những DN có vốn lớn, đầu tư công nghệ hiện đại trong chiết xuất, bảo quản và đóng gói sản phẩm.
Ông Nguyễn Minh Tiến, chủ cơ sở mật ong Anh Tiến cho biết: “Cách làm của chúng tôi là bỏ vốn hỗ trợ 30 hộ nuôi chi phí mua thùng, đường, sau đó sẽ thu mua sản phẩm của họ.
Nhờ vậy, người nuôi không lo bị ép giá, còn DN chủ động nguồn nguyên liệu”.
Hiện cơ sở Anh Tiến đang sở hữu công nghệ chế biến mật hiện đại.
Mật ong mới thu hoạch sẽ được đưa vào máy lọc thô, sau đó được dẫn tự động bằng máy bơm thủy lực qua phần lọc tinh, rồi được đưa vào máy hạ thủy phần để điều chỉnh lượng nước trong mật, cuối cùng mật sẽ được lọc lại trên một máy lọc hoàn thiện.
Hiện, mỗi năm cơ sở chế biến từ 500 - 700 tấn mật, chủ yếu xuất khẩu sang các nước châu Âu, Mỹ, Nhật.
Ngoài việc các DN chủ động phát triển công nghệ, liên kết với người nuôi ong để xây dựng mô hình sản xuất khép kín, Sở KH-CN cũng đã xây dựng Dự án phát triển nghề nuôi ong mật theo hướng sản xuất hàng hóa tại BR-VT.
Dự án đã được triển khai chủ yếu ở huyện Châu Đức và đã đạt hiệu quả tốt.
Những người nuôi ong tham gia dự án được sử dụng giống ong ngoại có năng suất cao, được hướng dẫn quy trình kỹ thuật phân đàn khi di chuyển ong trên phạm vi cả nước, DN tham gia được tiếp cận quy trình lọc mật hiện đại…
Ông Vương Quang Cần, Phó Giám Đốc sở KH-CN cho biết: “Sau 2 năm nghiên cứu và thực hiện, mô hình trên đã đạt hiệu quả tốt.
Sở KH-CN đang tiếp tục trình mô hình lên Bộ KH-CN để nghiệm thu và nghiên cứu áp dụng rộng rãi”.
Có thể bạn quan tâm
Nông dân thành phố Đà Lạt (Lâm Đồng) đang bước vào thu hoạch chính của quả hồng nhưng giá bán rất thấp từ 2.000-3.000 đồng/kg trong vườn.
Trước sự phát triển mạnh của các nước trong khu vực cùng hàng loạt hiệp định tự do thương mại đang dần dần tạo ra một sân chơi bình đẳng và cạnh tranh khốc liệt.
Tại miền Tây Nam bộ - vựa lúa quốc gia, gạo sóc từ Campuchia, dù giá cao hơn gạo Việt, vẫn đang “hút hàng” ở các tiệm gạo do ngon cơm. Gần đây, lại có thêm thông tin giá gạo 5% tấm của nước láng giềng này xuất khẩu còn cao hơn gạo cùng loại của nước ta.
Nếu không có những chính sách khuyến khích, hỗ trợ phát triển ngành, trong đó giải quyết các vấn đề về hạ tầng giao thông, cơ sở hạ tầng giúp doanh nghiệp giảm chi phí, thì rất khó để các nhà đầu tư rót vốn vào nông nghiệp.
Là hai mặt hàng nông sản xuất khẩu chủ lực nhưng suốt 9 tháng đầu năm nay, trị giá xuất khẩu cà phê, cao su lại không ngừng sụt giảm.