Cùng Giúp Nhau Thoát Nghèo
Đối với người dân, việc giúp nhau thoát nghèo, gây dựng cuộc sống ấm no là một việc làm ý nghĩa. Thôn Đông Mỹ, xã Nghĩa Hiệp (Tư Nghĩa) là thôn đi đầu trong chương trình “cùng giúp nhau thoát nghèo”. Nhờ tinh thần tương trợ đó, số lượng người nghèo của thôn, xã giảm xuống rõ rệt. Đây là những tín hiệu đáng mừng.
Ở Nghĩa Hiệp đời sống của hầu hết các hộ dân các thôn, xóm đã đổi khác hơn nhiều so với trước. Những ngôi nhà khang trang mọc lên. Những con đường được trải nhựa sạch sẽ... Có được những thay đổi tích cực như vậy cũng là nhờ người dân trong thôn đoàn kết, tương trợ và giúp đỡ nhau để cùng thoát nghèo một cách bền vững.
Thôn Đông Mỹ là một thôn tiêu biểu của phong trào này. Theo thống kê, năm 2013 toàn thôn Đông Mỹ có 78 hộ nghèo. Cuộc sống của người dân bấp bênh. Trước thực trạng đó, Chi bộ, lãnh đạo thôn Đông Mỹ cùng bà con trong thôn đã bình xét, chọn những gia đình có hoàn cảnh khó khăn nhất để có chính sách hỗ trợ. Đến thời điểm hiện tại, thôn Đông Mỹ đã giảm 46/78 hộ nghèo.
Tuy đó không phải là kết quả cao nhưng cũng là một sự thay đổi đáng khích lệ cho bà con thôn Đông Mỹ nói riêng và cho xã Nghĩa Hiệp nói chung.
Chị Hồ Thị Yến, là một hộ nghèo. Vài năm trước, chồng chị chẳng may mắc bệnh hiểm nghèo qua đời, để lại cho chị con thơ. Cuộc sống của gia đình chị rơi vào cảnh túng thiếu. Sau khi được thôn, xóm quan tâm và hỗ trợ cho vay 30 triệu đồng nuôi bò. Đến nay, cuộc sống của gia đình chị đã có nhiều thay đổi theo hướng tích cực.
Còn gia đình anh Nguyễn Thanh Ly là một hộ nghèo, vì hoàn cảnh đông con. Cuộc sống khó khăn kéo theo cái ăn cái mặc hằng ngày cho các con còn nhiều thiếu thốn. Vợ chồng anh làm việc quần quật nhưng vẫn không đủ trang trải cho cuộc sống hằng ngày.
Thấy vậy, Chi bộ cũng như ban lãnh đạo thôn đã đưa gia đình anh vào diện những hộ cần được hỗ trợ, giúp đỡ. Thông qua nguồn vay của Ngân hàng Chính sách Xã hội, hiện nay vợ chồng anh đã có một con bò nghé để làm vốn và đang sửa sang lại căn nhà cũ kỹ trước đây.
Khác với hoàn cảnh của chị Yến và anh Ly, gia đình ông Nguyễn Xí có phần éo le hơn. Ông bị tai biến và nằm một chỗ nhiều năm nay. Tất cả mọi việc trong nhà đều do vợ ông là bà Nguyễn Thị Vân lo toan. Kinh tế đã khó khăn nay lại càng khó khăn hơn khi phải lo thuốc thang cho ông và lo sinh hoạt hằng ngày của gia đình.
Lãnh đạo thôn đã xét duyệt và đề xuất cho vợ chồng ông vay 30 triệu đồng để mua bò. Anh Nguyễn Thành Nhơn, con trai ông Xí chia sẻ: “Từ lúc cha tôi bị bệnh, kinh tế gia đình khó khăn hơn trước. Trong nhà có vật dụng gì đáng giá cũng bán đi để chữa trị, lo thuốc men cho ông.
Dạo này sức khỏe của cha tôi có phần yếu hơn trước nên tôi phải bỏ việc ở Sóc Trăng để về chăm lo cho cha mẹ già. Nay được thôn quan tâm và xét gia đình cha tôi được nhận tiền để mua bò, tôi rất cảm ơn. Nhờ đó mà gia đình tôi có nguồn vốn để vực dậy kinh tế...”.
Ông Trần Văn Dậu - Trưởng thôn Đông Mỹ cho biết: “Những năm trước, Đông Mỹ là một trong những thôn có số hộ nghèo cao nhất xã. Trước tình hình đó, chúng tôi bình xét và chọn những hộ có hoàn cảnh thật sự nghèo, tiến hành các thủ tục giúp cho họ vay vốn từ Ngân hàng Chính sách Xã hội để chăn nuôi. Dự kiến trong 2 năm (2014 – 2016) các hộ nghèo trong thôn sẽ thoát nghèo một cách bền vững”.
“Chương trình “Cùng giúp nhau thoát nghèo” của thôn Đông Mỹ là một chương trình hay và ý nghĩa. Sau khi được thôn kiến nghị với xã, chúng tôi đã đề nghị với Ngân hàng Chính sách Xã hội huyện Tư Nghĩa hỗ trợ cho bà con vay vốn với lãi suất 0,65%/tháng.
Đến nay, các hộ nghèo của thôn đã giảm dần. Đó cũng là một trong những điều kiện để Nghĩa Hiệp phấn đấu hoàn thành các tiêu chí trong chương trình nông thôn mới được thuận lợi hơn”, ông Nguyễn Vương - Chủ tịch Hội Nông dân xã Nghĩa Hiệp cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Đến nay, đã vào giữa mùa khai thác hải sản năm 2013, nhưng ngư dân huyện Núi Thành (Quảng Nam) chỉ đánh bắt được tổng sản lượng 14.800 tấn hải sản các loại, đạt 46,25% kế hoạch năm, giảm 4.200 tấn so với cùng kỳ năm ngoái.
Nhiều nông dân ở Đác Nông đã chú trọng hái cà phê khi tỷ lệ qủa chín đạt trên 90%, góp phần nâng cao chất lượng xuất khẩu cà phê của tỉnh.
Chất lượng con giống là một trong các yếu tố đầu vào quyết định sự thành công của nghề nuôi tôm nước lợ. Nâng cao hiệu quả quản lý, sản xuất giống tôm “sạch” là điều cấp thiết hiện nay đối với Quảng Nam.
Thời gian gần đây, dịch bệnh trên tôm nuôi ở tỉnh Bình Định diễn biến khá phức tạp, ảnh hưởng đến năng suất và thu nhập của người nuôi tôm. PV Báo Bình Định đã phỏng vấn ông Võ Đình Tâm, Chi cục trưởng Chi cục Nuôi trồng thủy sản tỉnh, một số vấn đề về phòng, chống dịch bệnh tôm nuôi.
Ngày 10/1, UBND huyện Sông Hinh đã tổ chức hội nghị tổng kết công tác sản xuất và điều hành nguyên liệu mía, sắn niên vụ 2011-2012, triển khai nhiệm vụ niên vụ 2012-2013.