Nghị quyết 01 tạo dựng cuộc sống mới
Chương trình xây dựng NTM góp phần quan trọng làm thay đổi diện mạo các vùng quê Quảng Ninh, tạo chuyển biến mạnh mẽ trong phát triển kinh tế, góp phần đưa Quảng Ninh đến năm 2015 cơ bản phát triển theo hướng hiện đại hóa.
Linh hoạt, sáng tạo từ chủ trương...
Nghị quyết đầu tiên của Ban chấp hành Đảng bộ tỉnh Quảng Ninh khóa XIII là nghị quyết số 01 về xây dựng NTM.
Để nghị quyết sớm đi vào cuộc sống, thực sự bắt rễ trong cuộc sống, đem lại hiệu quả thực sự cho phát triển khu vực nông nghiệp, nông dân, nông thôn, Quảng Ninh đã sáng tạo trong lồng ghép 2 nhiệm vụ trọng yếu của tỉnh nhiệm kỳ Đại hội khóa XIII là “Xây dựng NTM” và “Xây dựng tỉnh công nghiệp” trong một quá trình phát triển toàn diện.
Người dân thôn Đông Nam, xã Đông Ngũ (Tiên Yên, Quảng Ninh) thu hoạch tôm.
Quan điểm xây dựng chương trình NTM đã gắn với thực tiễn của tỉnh, cách thức lấy thành thị dẫn dắt nông thôn, lấy công nghiệp hỗ trợ nông nghiệp để kéo gần lại khoảng cách giàu nghèo giữa nông thôn và thành thị trong tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa.
Công tác chỉ đạo được tiến hành đồng bộ, quyết liệt, sáng tạo và toàn diện.
Sự quyết liệt sâu sát của tỉnh Quảng Ninh thể hiện rõ trong việc Trưởng Ban chỉ đạo của tỉnh là đồng chí Bí thư Tỉnh ủy và ở các cấp là bí thư các huyện, thị xã, thành phố (trong khi phổ biến ở các tỉnh khác do chủ tịch UBND các cấp làm trưởng ban chỉ đạo); thành lập Ban xây dựng NTM là cơ quan chuyên trách.
Các cấp ủy đảng, chính quyền cơ sở đã phát huy tốt vai trò lãnh đạo.
Các thành viên Ban chỉ đạo tỉnh trực tiếp phụ trách các địa phương, kịp thời nắm bắt tình hình, tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho cơ sở trên tất cả các lĩnh vực NTM.
Đặc biệt là công tác tuyên truyền được triển khai thực hiện bằng nhiều hình thức như tọa đàm, họp báo thường kỳ để định hướng dư luận, các hoạt động tuyên dương điển hình về cách làm hay, mô hình mới, gương điển hình ở mỗi địa phương...
Phong trào thi đua “Chung sức xây dựng NTM” của Quảng Ninh được cụ thể hóa ở từng lực lượng như: “Công nông liên minh xây dựng NTM”, “Thành thị giúp đỡ nông thôn xây dựng NTM”, “Nông dân tự lực sáng tạo xây dựng NTM”, “Quân đội chung sức xây dựng NTM”, “Doanh nghiệp đồng hành xây dựng NTM”.
Quảng Ninh đã chuyển phong trào thi đua "Xã, phường, thị trấn tiên tiến" thành phong trào thi đua “Xã NTM, phường, thị trấn văn hóa” với các chỉ tiêu thi đua sát thực, mức thưởng cao, phần thưởng là các công trình sản xuất, văn hóa xã hội...
Nhờ đó đã động viên kịp thời cán bộ, nhân dân các xã, tạo được phong trào thi đua xây dựng NTM sâu rộng, phát huy vai trò làm chủ của nhân dân, lòng tin của dân với Đảng tăng lên, nông dân Quảng Ninh tự tin với vai trò chủ thể xây dựng NTM.
Đây cũng chính là điểm nhấn của chương trình NTM mà từ trước tới nay chưa có phong trào nào đạt được.
Xác định rõ chủ trương xây dựng NTM thực chất là sự chuẩn hóa việc đầu tư phát triển cho nông nghiệp, nông dân, nông thôn, vì vậy Quảng Ninh đã có cách làm rất linh hoạt và sáng tạo, không gò bó theo một khuôn mẫu, mô hình cụ thể nào.
Tỉnh đã triển khai đồng loạt ở tất cả các xã, lấy phát triển khu vực nông thôn ổn định làm địa bàn để đẩy mạnh phát triển kinh tế khu vực thành thị, từ đó có lực để đầu tư về cho nông thôn.
Việc hoàn thành các tiêu chí cũng không cứng nhắc theo quy chuẩn của Trung ương mà dựa trên đặc thù, tình hình thực tế của địa phương để đầu tư cho phù hợp, tránh lãng phí.
Ba đột phá chiến lược đã được cụ thể hóa trong xây dựng NTM.
Bắt đầu từ khâu quy hoạch, tỉnh đã chỉ đạo và hoàn thành sớm nhất trong toàn quốc.
Bên cạnh đó tỉnh triển khai nhiều biện pháp nhằm huy động mọi nguồn lực thực hiện chương trình.
Đến cách làm mới, hiệu quả thấy rõ
Thay đổi tư duy từ quản lý tập trung theo dự án sang phân cấp cho địa phương chủ động huy động và sử dụng nguồn lực, tỉnh Quảng Ninh đã huy động được trên 57.700 tỷ đồng để xây dựng NTM, giảm tỷ trọng vốn đầu tư từ ngân sách nhà nước xuống còn 11,62% (Trung ương quy định là 40%), vốn tín dụng tăng cao đạt 66,12%, vốn xã hội hóa đạt 22,26%.
Có thể nói, kết cấu hạ tầng thời gian qua được đầu tư đồng bộ làm cho bộ mặt nông thôn ngày càng đổi mới, góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp, nông thôn.
Tỉnh cũng thay đổi tư duy, từ chỉ quan tâm nhiều đến đầu tư hạ tầng sang chú trọng đầu tư sản xuất.
Với quan điểm, phát triển sản xuất trong xây dựng NTM là nhiệm vụ trọng tâm, Quảng Ninh đã ưu tiên 50% vốn cho sản xuất, bố trí 4% ngân sách hàng năm cho khoa học công nghệ, giá trị đầu tư trong sản xuất nông nghiệp của tỉnh đã tăng gấp 20 lần so với năm 2010.
Tỉnh đang thực hiện bước đầu có hiệu quả Đề án “Quảng Ninh, mỗi xã, phường một sản phẩm” (One commune, one product - OCOP), sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị, trở thành điển hình của liên kết 4 nhà (nhà nông, nhà khoa học, nhà nước và doanh nghiệp).
Các địa phương trong tỉnh đều đã xác định được sản phẩm hàng hóa chủ lực để tập trung chỉ đạo phát triển; 17 vùng sản xuất hàng hóa tập trung cấp tỉnh đã được quy hoạch để tạo vùng nguyên liệu.
Chưa đầy 5 năm, thu nhập của người dân nông thôn tăng từ 10,98 triệu đồng/năm (năm 2010) lên 29,533 triệu đồng/năm (năm 2015), gấp 2,69 lần (Nghị quyết 01 đặt ra là gấp 1,5-2 lần), tốc độ tăng thu nhập khu vực nông thôn của tỉnh nhanh hơn tốc độ tăng thu nhập bình quân của tỉnh (bình quân của tỉnh là 1,76 lần).
Toàn tỉnh có 84% xã đạt tiêu chí thu nhập, có 84,8% xã đạt tiêu chí hộ nghèo, góp phần giảm tỷ lệ hộ nghèo toàn tỉnh còn 1,55%.
Văn hóa xã hội và môi trường nông thôn có nhiều tiến bộ; dân chủ được mở rộng, hệ thống chính trị được củng cố; an ninh, trật tự xã hội được giữ vững.
Sau 5 năm thực hiện xây dựng NTM, các lĩnh vực giáo dục, y tế, văn hóa và an sinh xã hội vùng nông thôn được đẩy mạnh; ý thức về bảo vệ môi trường đã có tiến bộ; đời sống văn hóa tinh thần của nhân dân cũng được nâng cao rõ rệt.
…NTM là mục tiêu không chỉ của Đảng, Nhà nước ta mà còn là mong muốn của người dân.
Mục tiêu đề ra là vậy, nhưng thực thi nó không chỉ có lãnh đạo các cấp mà cần có sự dốc sức của cả cộng đồng, sự chung tay của toàn xã hội nhiều hơn nữa, quyết tâm hơn để không dừng lại những điểm đạt được mà tiến lên ổn định một cách bền vững cho chương trình NTM.
Quảng Ninh tiến tới một NTM luôn có cái mới, nông thôn phát triển bền vững theo hướng thân thiện với môi trường, thích nghi với xu hướng của thời đại.
Giai đoạn 2016 - 2020, Quảng Ninh đặt mục tiêu phải tiếp tục nâng cao chất lượng tiêu chí của các xã, các huyện NTM trên địa bàn toàn tỉnh với mục tiêu “ 4 tốt hơn” đó là: Đời sống, thu nhập của người nông dân ngày càng cao hơn; cơ sở hạ tầng kinh tế - xã hội ngày càng đồng bộ, hoàn thiện theo hướng hiện đại hơn; Đời sống vật chất, văn hóa tinh thần, bảo tồn và phát huy tốt hơn các giá trị truyền thống ở nông thôn, an ninh, an toàn, an sinh xã hội ở nông thôn ngày càng tốt hơn; đảm bảo môi trường sinh thái phát triển đa dạng và bền vững hơn.
Có thể bạn quan tâm
Linh hoạt cấp vốn vay theo từng giai đoạn của dự án là hình thức đang được các tổ chức tín dụng (TCTD) triển khai trong Chương trình Cho vay thí điểm theo chuỗi nông nghiệp được Ngân hàng Nhà nước (NHNN) triển khai từ đầu tháng 6/2014.
Theo số liệu thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Đầm Dơi: Toàn huyện hiện có hơn 800 hộ thực hiện mô hình nuôi tôm bán công nghiệp với hơn 1.000 ha. Tập trung ở các xã Tạ An Khương, Tân Đức, Nguyễn Huân, Quách Phẩm Bắc, Tân Duyệt và thị trấn Đầm Dơi, năng suất bình quân đạt 5 tấn – 6 tấn/ha/vụ nuôi.
Hiện Hàn Quốc có nhu cầu nhập khẩu nhiều loại trái cây, như: chôm chôm, măng cụt, mít, chuối… với sản lượng ngày càng lớn. Cụ thể, năm 2013 Hàn Quốc nhập khẩu từ các nước 6 ngàn tấn xoài; dự kiến năm 2014 sẽ tăng lên 10 ngàn tấn và mức tăng trung bình về sản lượng nhập khẩu loại trái cây này là 50%/năm.
Công ty sữa Vinamilk vừa ra thông báo sẽ không thu mua lượng sữa vượt quá so với sản lượng sữa tối đa được quy định tại hợp đồng hoặc sản lượng sữa tối đa khác đã được vinamilk chấp thuận lần gần nhất bằng văn bản. Vinamilk sẽ tiến hành kiểm tra và rà soát lại toàn bộ hộ dân ký hợp đồng với doanh nghiệp, khi phát hiện bất kỳ hộ nào nhận sữa gửi của các đơn vị/hộ dân khác, nhà máy sẽ dừng thu mua và thông báo chấm dứt hợp đồng với hộ dân đã nhận giao sữa giúp này.
Trong thời gian 2 tháng, các học viên sẽ được truyền đạt các nội dung về công tác giống, chuồng trại, thức ăn và dinh dưỡng, kỹ thuật chăm sóc và nuôi dưỡng heo, vệ sinh phòng dịch và quản lý sản xuất trong trại heo, dược lý thú y, tham quan mô hình chăn nuôi trên địa bàn... Qua đó giúp hội viên nâng cao kiến thức, áp dụng vào chăn nuôi hiệu quả hơn.