Chuyện Ra Nước Ngoài Học Nghề Của Nông Dân
Tần suất lao động cao, nhưng năng suất và hiệu quả đạt thấp. Đó là căn bệnh trầm kha mà lâu nay nông dân (ND) trong tỉnh chưa thoát được vì nhiều lý do. Trong đó có việc họ còn thụ động trong cả khâu sản xuất lẫn tiêu thụ nông sản làm ra…
Hội Nông dân tỉnh vừa trình UBND tỉnh xem xét dự thảo Đề án tổ chức đưa ND đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất ở nước ngoài (Đề án). Theo đó, mỗi năm Hội tổ chức đưa 125 – 150 ND, cán bộ quản lý, cán bộ hợp tác xã (HTX), tổ hợp tác, chủ trang trại…đi tham quan, học tập kinh nghiệm sản xuất trên các lĩnh vực nông – lâm – ngư nghiệp, khuyến nông, công nghệ bảo quản sau thu hoạch, trồng rừng gỗ lớn, liên kết hay ứng dụng công nghệ sinh học trong sản xuất… tại các nước như Thái Lan, Hàn Quốc, Nhật Bản, Đài Loan. Tổng kinh phí thực hiện Đề án là 8,2 tỷ đồng, phần lớn do ngân sách nhà nước hỗ trợ.
“Thấy nông dân nước ngoài “làm ít lãi nhiều” mà thèm”
Đó là tâm sự của nhiều ND sản xuất kinh doanh giỏi trong tỉnh. Họ nói rằng, bản thân dù làm quần quật quanh năm suốt tháng nhưng chỉ cần một trận mưa lớn, hay giá thị trường lên xuống thất thường là cầm chắc…lỗ! “Chẳng bì với ND Hàn Quốc, họ sản xuất với đủ thứ máy móc, từ cắt lúa đến hái bắp, từ trồng rau đến vắt sữa bò... Đến mùa thu hoạch thì họ chưa kịp gọi điện đã có người tới ruộng trả tiền; rồi cho xe cắt, hái.
Thế nên, bên họ nông dân có xe hơi đi…thăm ruộng; chứ đâu như mình suốt ngày cặm cụi cày cuốc, nhổ cỏ, bón phân mà vẫn đi xe đạp, xe máy cà tàng”, lão nông Huỳnh Văn Khanh ngụ thôn Nghĩa Lập, xã Đức Hiệp (Mộ Đức) nói liên hồi cứ như vừa trở về từ Hàn Quốc. Nhưng hóa ra, đó là những thông tin mà lão nông này tìm được trên mạng internet mỗi khi ông truy cập tìm giống hay mô hình mới.
Còn với lão nông Nguyễn Hữu Sáu, người trồng rau ở thôn 6, xã Nghĩa Dũng (TP. Quảng Ngãi) thì bảo rằng, lúc đầu nhìn thấy cái nhà lồng của Công ty Qnasafe, ông nghĩ nó chỉ có mỗi tác dụng là che nắng, chắn mưa cho rau nên dùng làm gì cho... tốn kém! “Đến khi tham gia trồng rau theo mô hình VietGap, nghe cán bộ kỹ thuật của đơn vị trên tiết lộ nhà lồng trồng rau này áp dụng theo công nghệ phun, giữ ẩm của Ít-sa-ren (tức nước Israel – PV) nên nó có giá trên trăm triệu đồng thì tôi ngẩn người vì không ngờ, nông dân nước này… chịu chơi quá! Nhưng nhờ vậy mà họ giàu vì rau được xuất khẩu, còn mình thì lẹt đẹt đủ ăn do phải bán từng lọn”, ông Sáu chia sẻ.
Chẳng riêng gì ông Khanh, ông Sáu mà nhiều hộ ND trong tỉnh cũng không giấu được sự ngưỡng mộ lẫn khát khao mỗi khi họ có dịp hàn huyên chuyện “rau nội, rau ngoại”. Nhưng “muốn được như họ, mình phải tận mắt thấy cách họ làm. Chứ ngồi đây xem trên báo, tivi, internet hay nghe kể lại thì cũng khó hình dung”, ông Khanh bộc bạch.
“Cần hỗ trợ nông dân xuất ngoại”
Đó là chia sẻ của Chủ tịch Hội ND tỉnh Võ Việt Chính. Bởi theo ông Chính, việc đưa ND xuất ngoại không chỉ giúp họ tiếp thu những kinh nghiệm và kiến thức hay để áp dụng vào sản xuất, mà còn góp phần hoàn thiện sản xuất theo hướng nông nghiệp đô thị, đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế nông nghiệp theo hướng nâng cao giá trị gia tăng để thực hiện thành công chương trình xây dựng nông thôn mới. Với ý nghĩa ấy nên hiện giờ, Hội ND tỉnh tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện Đề án để ND có cơ hội xuất ngoại học tập.
Vấn đề này cũng được Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Lân Dũng- Chủ tịch Hội các ngành sinh học Việt Nam, Chuyên gia cao cấp Viện Vi sinh vật và Công nghệ sinh học (ĐH Quốc gia Hà Nội) đề cập trong buổi truyền đạt kinh nghiệm cho cán bộ và nhân dân trong tỉnh về Chuyên đề “Nông dân và tái cơ cấu ngành nông nghiệp Quảng Ngãi” mới đây. Theo GS - TS Nguyễn Lân Dũng, ND ra nước ngoài học tập là xu thế tất yếu.
Lý do, có ra nước ngoài tận mắt chứng kiến thì họ mới biết mình thua kém ở đâu, thiếu sót chỗ nào, đã chủ động trong việc tìm kiếm và liên kết sản xuất – tiêu thụ chưa?... Từ đó, họ sẽ thay đổi tư duy rồi mạnh dạn đầu tư sản xuất, năng động trong tìm kiếm và nắm bắt thị trường... Tất nhiên, muốn làm được điều này, ND cần sự hỗ trợ từ phía Nhà nước bằng những cơ chế, chính sách đặc thù.
Còn với những ND đam mê học hỏi và khát khao làm giàu thì họ rất mong Nhà nước tạo điều kiện để “ra nước ngoài tận mắt xem người ta trồng rau kiểu gì mà khách hàng dám ăn ngay tại ruộng” như lời ông Khanh nói. Hẳn đây không chỉ là mong muốn của riêng nông dân.
Nguồn bài viết: http://baoquangngai.vn/channel/2025/201411/chuyen-ra-nuoc-ngoai-hoc-nghe-cua-nong-dan-2351358/
Có thể bạn quan tâm
Là một trong những địa phương có diện tích trồng mía lớn nhất của huyện Phụng Hiệp (Hậu Giang), thời gian qua, lãnh đạo xã Tân Phước Hưng không ngừng vận động người dân chuyển đổi giống mía trong sản xuất, nhất là những giống mía cũ bằng giống mía mới có chất lượng nhằm hạn chế sâu bệnh, tăng hiệu quả kinh tế. Tuy nhiên, vấn đề chuyển đổi giống mía hiện vẫn còn nhiều bất cập.
Theo Ban Quản lý Dự án Phát triển doanh nghiệp nhỏ và vừa tỉnh Sóc Trăng, trong năm 2014, Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh sẽ phối hợp với các viện, trường để nghiên cứu công nghệ sơ chế, tồn trữ hành tím hiệu quả để áp dụng.
Dù cao su vào chu kỳ khai thác nhưng giá xuống quá thấp, tiền bán mủ không đủ chi phí, người trồng cao su tại huyện Krông Nô (tỉnh Đăk Nông) phải chặt bỏ. Ân hận vì chạy theo phong trào trồng cao su một cách tự phát thì đã muộn…
Sau khi chuyển đổi cơ cấu sản xuất từ trồng lúa kém hiệu quả sang nuôi trồng thủy sản đến nay, ở Cà Mau, một số nông dân nắm bắt kịp thời kỹ thuật nuôi tôm đã trở thành tỷ phú. Nhưng vẫn còn hàng ngàn gia đình lao đao, nợ nần, khốn khó... Nguyên nhân do đâu?
Trung tâm Khảo nghiệm, kiểm nghiệm, kiểm định nuôi trồng thủy sản (Tổng cục Thủy sản) phối hợp Chi cục Thủy sản tỉnh An Giang vừa đến huyện Châu Phú và An Phú khảo sát tình hình nông dân đăng ký nuôi cá tra theo tiêu chuẩn VietGAP.