Nông Dân Long Mỹ Thuần Hóa Đất Phèn

Những năm trước, trên đất nhiễm phèn, nông dân huyện Long Mỹ (tỉnh Hậu Giang) chủ yếu trồng dứa (khóm), mía, với hiệu quả kinh tế thấp. Từ khi chuyển sang trồng mãng cầu xiêm, tiêu…, nhiều hộ có thu nhập cao hơn hẳn.
Theo ông Lê Hồng Việt – Phó Trưởng phòng Kinh tế huyện Long Mỹ, toàn huyện có khoảng 17.433ha đất phèn, tập trung ở các xã Lương Tâm, Lương Nghĩa, Vĩnh Viễn, Vĩnh Viễn A, Thuận Hòa… Có nơi bị nhiễm phèn nặng nên bà con chỉ sản xuất được 2 vụ lúa, thu nhập rất bấp bênh.
“Nhưng giờ đã khác rồi, nhờ nỗ lực tìm tòi, thử nghiệm mà đến nay, bà con đã xác định được nhiều loại cây trồng phù hợp trên đất phèn, thu nhập ổn định hơn hẳn. Đối với những nơi nhiễm phèn nặng, chúng tôi khuyến cáo bà con nên trồng mãng cầu xiêm, khóm, dừa xiêm; vùng nhiễm nhẹ thì có thể trồng cam, mít, tiêu… ” – ông Việt cho biết.
Đến xã Thuận Hòa (Long Mỹ), chúng tôi được chị Lê Thị Thanh Cần – cán bộ khuyến nông xã cho biết: “Trước đây, khi phải canh tác trên vùng đất nhiễm phèn, bà con cũng loay hoay lắm. Tuy nhiên, vài năm gần đây, nhiều hộ bắt đầu trồng mãng cầu xiêm và thu được hiệu quả không ngờ. Sắp tới, sẽ có thêm 33 hộ trồng mãng cầu xiêm ở ấp 2, nâng tổng số hộ trồng mãng cầu xiêm của toàn xã lên 60 hộ”.
Ông Cao Văn Hoàng (ấp 2) - một trong những hộ đầu tiên trồng mãng cầu xiêm ở xã Thuận Hòa cho biết: Cái lợi đầu tiên khi trồng mãng cầu xiêm trên đất phèn là khả năng chịu phèn rất cao, do mình ghép mãng cầu trên cây bình bát. Lợi thứ hai là công chăm sóc không nhiều, lượng phân bón và thuốc cũng ít hơn nhiều loại cây trồng khác.
Ngoài ra, khả năng cho trái của mãng cầu xiêm cao, mỗi cây trưởng thành (4 năm tuổi trở lên) có thể đạt 40 - 50kg/vụ, đầu ra ổn định, thương lái đến tận vườn thu mua. “Hiện tui đang trồng khoảng 3.000m2 với 200 gốc mãng cầu xiêm, mỗi năm tui thu được khoảng 70-80 triệu đồng, so với trồng lúa thì khỏe hơn rất nhiều” - ông Hoàng hào hứng.
Cũng là hộ “bén duyên” với cây mãng cầu xiêm và nay nhờ nó mà khá lên, anh Phan Văn Niềm, cùng ngụ ấp 2 cho hay: “Với 5 công mãng cầu xiêm, vụ vừa rồi tui thu được 120 triệu đồng. Giá mãng cầu xiêm dao động từ 15.000 – 18.000 đồng/kg, có lúc lên đến 26.000 đồng/kg, cây càng lâu năm thì càng cho trái nhiều, công chăm sóc ít đi nên bà con sẽ thu lãi cao”.
Ngoài mãng cầu xiêm, ông Dương Thanh Bình (ấp 1, xã Vĩnh Viễn) cũng chọn cây tiêu để trồng trên đất phèn. Ông Bình cho biết: “Trước mắt tui trồng 4.000m2 tiêu dưới tán tràm, sau 2 năm tiêu đã cho thu hoạch, vụ vừa rồi tui thu được trên 30 triệu đồng, bước đầu thấy đây là mô hình cho hiệu quả kinh tế khá cao nên rất yên tâm canh tác”.
Có thể bạn quan tâm

Chúng tôi đến thăm gia đình ông Lang Khánh Suyên ở Thị trấn Kim Sơn khi gia đình ông chuẩn bị làm vía cho đứa cháu nội sắp đầy tháng. Dù đang bận bịu công việc, nhưng khi thấy những vị khách miền xuôi quan tâm nhiều đến con nhím, ông Suyên gác lại công việc và say sưa kể. Từ năm 2003, sau khi bán hết đàn trâu thả rông trong rừng, ông Suyên bắt đầu mày mò nuôi nhím.

Các địa phương cần sớm hoàn thành việc khơi thông dòng chảy, giải tỏa ách tắc, phương tiện thi công nạo vét trên hệ thống dẫn nước, đặc biệt ở kênh dẫn các cửa lấy nước, kiểm tra hệ thống máy bơm, phương tiện lấy nước để sẵn sàng vận hành khi nguồn nước bảo đảm.

Hiện nay cà phê là loại cây công nghiệp chủ lực ở huyện miền núi Hướng Hóa (Quảng Trị). Với diện tích gần 5.000 ha, trong đó có gần 4.500 ha đã cho thu hoạch đem lại giá trị kinh tế hàng năm trên 300 tỷ đồng. Nguồn thu nhập từ cây cà phê không chỉ xóa đói giảm nghèo mà giúp nhiều hộ gia đình trở thành triệu phú.

Trong 2 năm 2013-2014, xã Mỹ Hòa Hưng (TP. Long Xuyên, An Giang) có 56 nông dân duy trì trồng màu chuyên canh, 17 nông dân lập vườn trồng cây ăn trái và kết hợp dịch vụ phục vụ du lịch. Xã hiện có 6 mô hình sản xuất- kinh doanh nông thôn, góp phần đa dạng hóa các ngành nghề làm ăn trên đất cù lao.

Chúng tôi về Ninh Thọ, TX Ninh Hòa những ngày này, khi các cánh đồng lúa 1 vụ và những vùng đất chân cao nông dân trồng ớt đã bước vào mùa thu hoạch rộ. Không khí thu hoạch ớt trên ruộng rất khẩn trương, cứ 3 - 4 ngày nông dân lại hái ớt bán cho các vựa.