Thị Xã Thuận An (Bình Dương) Phát Huy Giá Trị Vườn Cây Ăn Trái Đặc Sản
Những năm qua, theo tiến trình công nghiệp hóa, đô thị hóa, diện tích đất nông nghiệp ở TX.Thuận An (Bình Dương) bị thu hẹp nhiều.
Để bảo đảm phát triển ổn định, ngành nông nghiệp của thị xã đã chuyển dịch theo hướng quy hoạch vùng ngành, như quy hoạch vườn cây ăn trái đặc sản hay phát triển nông nghiệp đô thị gắn với chuyển đổi mục đích sử dụng đất nông nghiệp sang đất chuyên dùng có hiệu quả.
Nhờ vậy, thị xã đã duy trì, phát triển thành công vùng cây ăn trái đặc sản và tiếp tục phát huy những nét văn hóa miệt vườn mà hiếm nơi nào có được.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ
Cũng có thời điểm vườn cây ăn trái ở TX.Thuận An gặp nhiều khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm, thời tiết thay đổi thất thường, mất giá… Nhưng từ những cố gắng và nỗ lực của các cấp, các ngành và người dân thị xã, vườn cây ăn trái nơi đây đang ngày càng khẳng định được giá trị thương hiệu của mình.
Hiện nay, vườn cây ăn trái ở 6 xã, phường ven sông Sài Gòn của tỉnh đang là điểm đến khá lý tưởng cho du khách gần xa. Bình Nhâm của TX.Thuận An là 1 trong 6 xã, phường đó hiện đang phát triển 6 loại cây chủ lực như măng cụt, mít, bòn bon, dâu...
Trước đây, bà con nông dân khu vực Bình Nhâm cũng đau đầu vì vườn cây ăn trái có thời gian đi xuống trầm trọng, lý do ban đầu được xác định là do nguồn nước ô nhiễm, cây không cho trái dẫn đến thất thu và vườn cây ăn trái chết hàng loạt.
Thực hiện tốt các chính sách hỗ trợ từ thị xã đến tỉnh, Bình Nhâm đã tập trung các nguồn lực nạo vét kênh rạch, khơi thông dòng chảy, thực hiện tốt công tác cấp phát phân bón cho bà con. Nhờ đó, đến nay vườn cây đã dần phục hồi và cho sản lượng cao.
Ông Phạm Phú Nam, Phó Chủ tịch UBND phường Bình Nhâm, cho biết hiện vườn cây ăn trái ở Bình Nhâm đang có những phục hồi đáng kể. Bà con quan tâm khai thông dòng chảy, làm tốt các biện pháp chăm sóc vườn nên năm nay hiệu quả mang lại trông thấy rõ.
Thời gian qua, TX.Thuận An đã tiến hành đồng bộ nhiều biện pháp như đầu tư nạo vét kênh mương, huy động “bốn nhà” (nhà nông, nhà khoa học, nhà doanh nghiệp và Nhà nước) vào cuộc; đồng thời tạo điều kiện cho bà con vay vốn, chuyển giao tiến bộ khoa học kỹ thuật cho nông dân trong việc sản xuất.
Song song đó, các ngành chức năng của thị xã cũng đã đồng hành với nhà vườn thông qua các chính sách hỗ trợ phân bón hàng năm, hỗ trợ chi phí khi mất mùa…
Đặc biệt, thực hiện Quyết định số 45/2012/QĐ- UBND của UBND tỉnh ngày 16-10-2012 ban hành quy định một số chính sách hỗ trợ giữ và phát triển vườn cây ăn quả đặc sản tỉnh Bình Dương giai đoạn 2013-2016 (Quyết định 45), TX.Thuận An có 4 xã, phường ven sông Sài Gòn gồm An Thạnh, An Sơn, Bình Nhâm và Hưng Định được hỗ trợ các chính sách để bảo tồn và phục hồi vườn cây.
Hiện nay, hộ gia đình có vườn cây ăn trái có diện tích từ 500m2 trở lên đều được hỗ trợ theo quyết định này. Theo đó, thị xã có 1.821 hộ dân được hưởng các chính sách chăm sóc phục hồi vườn cây với diện tích trên 502,34 ha.
Ông Nguyễn Thành Vinh, người dân khu phố Bình Phước, phường Bình Nhâm, phấn khởi cho biết với Quyết định 45 của UBND tỉnh, nhà vườn có diện tích trên 500m2 được hưởng các chính sách của Nhà nước, bà con ở đây rất phấn khởi, ai cũng chăm lo phát triển vườn cây.
Gắn phát triển vườn cây ăn trái với du lịch sinh thái vườn
Đến nay, nhiều gia đình nông dân và nhà vườn trong tỉnh đã duy trì được diện tích vườn cây ăn trái như măng cụt, mít tố nữ, dâu, sầu riêng, bòn bon, chôm chôm…; trong đó riêng măng cụt ở TX.Thuận An đã được Tổ chức kỷ lục Việt Nam công nhận là 1 trong 58 loại trái cây đặc sản của cả nước vào tháng 6-2013.
Ông Nguyễn Văn Long, Chủ tịch Hội Nông dân TX.Thuận An, cho biết hiện nay hội cũng đang làm chủ sở hữu thương hiệu măng cụt Lái Thiêu và đang gấp rút triển khai cho bà con về việc dán tem nhãn thương hiệu tập thể. Bà con ở địa phương rất an tâm, vui mừng khi vùng trái cây Lái Thiêu đã phục hồi và đang có hướng phát triển rất tốt.
Trong quy hoạch phát triển kinh tế của TX.Thuận An từ nay đến năm 2016 và tầm nhìn đến năm 2020, đều tập trung hướng đến việc bảo tồn và phát huy những giá trị của vườn cây ăn trái đặc sản địa phương, gắn phát triển vườn cây ăn trái với phát triển du lịch sinh thái vườn, tạo công ăn việc làm cho người dân; đồng thời tạo mảng xanh cho đô thị Thuận An. Đây cũng là hướng đi mở cho nông nghiệp thị xã trong giai đoạn đô thị hóa, công nghiệp hóa hiện nay.
Có thể bạn quan tâm
Sở hữu trên 4,4 nghìn ha chè, trên 3,2 nghìn ha cho thu hoạch, sản lượng chè búp tươi hàng năm trên 12 nghìn tấn... nhưng sản phẩm chè Hoàng Su Phì chưa thực sự tạo được chỗ đứng vững chắc trên thị trường. Và giấc mơ một thương hiệu thống nhất cho dòng sản phẩm độc đáo của mảnh đất cửa ngõ miền Tây không biết bao giờ mới thành hiện thực!
Với một huyện miền núi như Hạ Hòa, việc phát triển sản xuất nông nghiệp gặp nhiều khó khăn do điều kiện cơ sở hạ tầng thiếu, quy mô sản xuất nhỏ lẻ, người nông dân vẫn giữ thói quen canh tác cũ cho nên chưa tạo được vùng sản xuất nông nghiệp tập trung theo hướng sản xuất hàng hóa…
Nhiều hộ nuôi cá lồng, bè bị chết hàng loạt đã gây thiệt hại nặng nề, nguyên nhân được xác định là do nguồn nước bị ô nhiễm. Thiệt hại này hoàn toàn có thể tránh được nếu cơ quan chức năng kiểm tra và xử lý các dấu hiệu bất thường trong môi trường nước ở khu vực nuôi cá cho người dân.
Tìm đến nhà ông Hàn Văn Chiến ở thôn Tân Hào, xã Tân Liên, (Hướng Hóa, Quảng Trị) dễ dàng hơn chúng tôi nghĩ. Nhiều người dân ở đây không chỉ nhiệt tình chỉ đường mà còn kể thêm cho chúng tôi nghe nhiều thông tin thú vị về ông.
Theo thống kê của các địa phương, đợt mưa bão vừa qua, toàn tỉnh có gần 4.000ha (trong tổng số khoảng 40.000ha lúa mùa) bị thiệt hại, nhất là những diện tích lúa nằm ven sông Cầu, sông Công và khu vực gần hồ Núi Cốc. Năng suất của các diện tích lúa này có thể bị giảm từ 20-70% so với cùng kỳ hằng năm.