Phập Phồng Giá Trứng Gia Cầm
Vụ biểu tình quá khích vừa rồi ở Bình Dương và một số tỉnh ĐNB đã có ảnh hưởng không nhỏ tới việc tiêu thụ một số mặt hàng nông sản, nhất là trứng gia cầm.
Ông Lâm Thanh Đức, chủ trang trại Thanh Đức (chuyên nuôi gà lấy trứng) ở xã Xuân Phú, Đồng Nai, cho hay, từ tháng 4 trở về trước, do ảnh hưởng của dịch CGC, giá trứng gà trên địa bàn tỉnh này khá thấp. Trứng loại tốt được sản xuất ở các trang trại chỉ còn 1.100-1.200 đ/quả. Còn trứng sản xuất tại những hộ nhỏ lẻ, những trại không tên tuổi, có những lúc giá bán ra chỉ có 800-900 đ/quả.
So với giá thành khoảng 1.350-1.400 đ/quả, rõ ràng dân nuôi gà lấy trứng ở Đồng Nai nhìn chung đều thua lỗ khá nhiều. Có những hộ nuôi quy mô lớn, tới vài chục ngàn con, mỗi ngày lỗ tới trên 10 triệu đồng.
Do thua lỗ nặng và kéo dài, hàng loạt trang trại, hộ nuôi gà lấy trứng ở Đồng Nai đã phải bỏ đàn, giảm mạnh đàn gà để giảm lỗ. Theo Chi cục Thú y Đồng Nai, lượng trứng gà kiểm dịch xuất chuồng tại các trang trại đã giảm tới trên 30%.
Sang đầu tháng 5, do hết dịch CGC, người tiêu dùng tăng dùng trứng trở lại, cộng với việc sản lượng trứng gà giảm mạnh vì nhiều hộ bỏ đàn, giảm đàn, nên giá trứng bắt đầu tăng lên. Tăng mạnh nhất là vào ngày 3/5, với mức tăng 250 đ/quả.
Trong khoảng 2 tuần, giá trứng loại tốt tại các trang trại đã được duy trì ở mức 1.550 đ/quả, là mức giá giúp cho người nuôi gà lấy trứng đã có lời một chút. Nhưng từ ngày 20/5 trở lại đây, do ảnh hưởng của vụ biểu tình quá khích ở Bình Dương, Đồng Nai…, giá trứng giảm 50 đ/quả, tình hình tiêu thụ trứng của nhiều trang trại lại có dấu hiệu khó khăn.
Theo ông Đức, vụ biểu tình quá khích này khiến nhiều doanh nghiệp trên địa bàn phải tạm thời đóng cửa, nhiều công nhân bị mất việc, do đó, việc tiêu thụ trứng gia cầm tại các khu công nghiệp, nhà máy giảm khá mạnh.
Nếu như ở Đồng Nai, giá trứng tuy vẫn biến động thất thường, nhưng hiện đã ở mức cao hơn giá thành (với trứng loại tốt), thì ở Long An, giá trứng gà vẫn còn ở trong tình trạng khiến người nuôi gà lấy trứng phải khóc ròng.
Anh Phạm Văn Khuê, chủ đại lý TĂCN lớn ở Tân An (Long An), cho hay, giữa tuần trước giá trứng gà lấy tại trại là 1.200 đ/quả, đến giữa tuần này chỉ còn 1.150 đ/quả. Giá trứng hiện nay tuy đã cao hơn nhiều so với hồi tháng 4 (có thời điểm chỉ còn 900 đ/quả), nhưng vẫn thấp hơn nhiều so với giá thành.
Bởi giá thành mỗi quả trứng gà nuôi tại các trang trại ở Long An hiện ở mức bình quân 1.400 đ/quả. Ở góc độ của nhà kinh doanh TĂCN, anh Khuê cho biết, trước đây, bình quân mỗi tháng, đại lý của anh tiêu thụ 300-400 tấn thức ăn cho gà, mà 100% là thức ăn cho gà đẻ.
Nhưng do người nuôi gà lấy trứng bị thua lỗ nặng nề trong một thời gian dài, nhiều trang trại đã phải giảm mạnh đàn hoặc bán tống bán tháo cả đàn gà đẻ trứng và tạm ngưng nuôi, nên số cám bán ra hàng tháng của đại lý anh Khuê đã giảm nhiều.
Những trang trại vẫn còn tiếp tục cầm cự thì yêu cầu anh Khuê lấy về những loại cám cho gà đẻ rẻ tiền hơn so với những loại cám mà đại lý của anh lâu nay vẫn bán.
Anh Khuê nhận xét: “Với dân nuôi gà đẻ bây giờ, họ chẳng còn tâm trí đâu mà lựa chọn những loại cám có chất lượng tốt nhưng giá cao. Thay vào đó, họ đành phải bấm bụng lấy những loại cám rẻ tiền để duy trì đàn gà”.
Tuy vậy, theo nhận định của ông Lâm Thanh Đức, do hiện nay, đàn gà lấy trứng đã bị giảm khá nhiều vì nhiều doanh nghiệp, trang trại bỏ đàn, giảm đàn, trong khi đó các nhà sản xuất bánh kẹo lại chuẩn bị vào mùa sản xuất bánh trung thu khiến nhu cầu trứng gia cầm tăng cao, nên nhiều khả năng trong thời gian tới, giá trứng gia cầm sẽ được duy trì ở mức như hiện tại hoặc tăng lên, chứ không còn giảm xuống dưới giá thành như hồi tháng 3 tháng 4 năm nay.
Dầu vậy, người nuôi gà lấy trứng cũng chưa mừng được mấy, bởi giá thành của quả trứng năm nay vốn đã cao hơn nhiều so với năm ngoái, lại đang bị đội lên thêm khi việc xiết tải trọng xe vận tải đang khiến cho chi phí vận chuyển trứng tăng lên gấp đôi.
Một số trang trại nuôi gà lấy trứng ở Xuân Lộc (Đồng Nai), cho hay, trước đây, mỗi tấn trứng gà chuyển từ Xuân Lộc về Biên Hòa, giá cước vận chuyển chỉ khoảng 150.000 đồng. Từ khi xiết tải trọng, đã tăng lên tới 300.000 đ/tấn.
Có thể bạn quan tâm
Mặc dù không nằm trong vùng quy hoạch của tỉnh Cà Mau, nhưng thời gian qua diện tích nuôi tôm công nghiệp trên địa bàn huyện Thới Bình phát triển nhanh cả về quy mô và diện tích. Huyện Thới Bình đã trình UBND tỉnh đưa nuôi tôm công nghiệp vào quy hoạch để thuận lợi trong quản lý và phát triển.
Vào ngày cuối cùng của năm, 31/12/2014, Chính phủ ban hành Nghị quyết số 101/NQ-CP thống nhất chưa thực hiện các quy định tại điểm b và điểm c Khoản 3 Điều 6 của Nghị định số 36/2014/NĐ-CP (NĐ 36) với sản phẩm cá tra philê XK là: phải đảm bảo hàm lượng nước tối đa không được vượt quá 83% so với khối lượng tịnh và tỷ lệ nước mạ băng trên trọng lượng tổng phải phù hợp với quy định của nước nhập khẩu, các trường hợp khác tỷ lệ mạ băng không được vượt quá 10% đến hết ngày 31/12/2015.
Giá dầu giảm sâu, giá hải sản giữ ổn định là động lực, niềm vui lớn để ngư dân trên địa bàn tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu đưa tàu vươn khơi bám biển. Với những điều kiện thuận lợi trên, ngành nông nghiệp dự báo khai thác thủy sản sẽ tiếp tục có sự tăng trưởng trong thời gian tới.
Năm 2015, HTX tiếp tục chăm lo lợi ích, nâng cao lợi nhuận cho thành viên và đề ra chỉ tiêu kết nạp thêm 10 hộ thành viên mới, huy động thêm vốn điều lệ từ 900 triệu lên 1 tỉ đồng, mua bảo hiểm cho 90% người tham gia HTX, sản xuất cá thương phẩm theo tiêu chuẩn VietGAP đạt 2.000 tấn, có 100% thành viên được học tập kỹ thuật nuôi cá theo tiêu chuẩn VietGAP, phấn đấu lợi nhuận chung của HTX lên 4 tỉ đồng…
Đây cũng là chợ cung cấp thủy, hải sản lớn nhất thế giới. Sản lượng cung cấp mỗi ngày lên tới 1.800 tấn, trong đó cung cấp khoảng 480 loại thủy, hải sản đến từ khắp nơi trên thế giới. Tsukiji Market cũng là nơi tập hợp tất cả các sản phẩm thủy, hải sản có chất lượng cao từ khắp nơi trên thế giới.