Chuyện nuôi bò sữa ở vùng đất thép Củ Chi
Ðó là cách mà Ðảng bộ huyện Củ Chi (TP Hồ Chí Minh) cùng nông dân đưa nghị quyết phát triển kinh tế vào cuộc sống, tạo nên cuộc "cách mạng bò sữa" với 68 nghìn con, chiếm một phần ba tổng đàn bò sữa cả nước.
"Hoàn cảnh gia đình"
Con bò cái đang cho sữa trong chuồng đứng phắt dậy khi thấy ông Hai Duyên (Nguyễn Hiền Ðức, 63 tuổi, ấp Tiền, xã Tân Thông Hội, ôm mớ cỏ tươi bước vào. Nó nhai chậm rãi như để thưởng thức cái sự ngon ngọt, thơm dịu của cỏ voi mà chủ mới cắt về. Phía trong trang trại, 49 con bò sữa khác chen lấn, đón nhận phần thức ăn quen thuộc. Ông Hai Duyên kể, ông nuôi bò sữa đã 20 năm, giờ có 50 con bò trưởng thành, trị giá 2,5 tỷ đồng, phần lớn đang cho sữa, mỗi tháng thu nhập 130 triệu đồng.
Vỗ vỗ con bê đang nghểnh đầu nhìn, ông Hai Duyên cười sảng khoái: "Mỗi năm, một con bò mẹ sinh một con bê. Khi bê vừa dứt sữa, bán được 10 triệu đồng. Bê đực thì tui nuôi khoảng ba năm, bán thịt cũng được 40 triệu, đủ xài!".
Ngắm những "tài sản nổi" đã thấy sự "đủ xài" đầy mãn nguyện của ông Hai Duyên thật không đơn giản: một căn nhà xây kiên cố, chung quanh vườn cảnh với nhiều hoa lan, hoa hồng, suối nhân tạo róc rách; phía sau trang trại 5.000 m2 dành cho bò sữa là 4.000 m2 đất trồng cỏ voi; một chiếc ô-tô hiệu Innova...
Ông Hai Duyên vuốt vuốt chiếc iPhone 6, tự hào: "Tui đưa phân bò xuống hầm, lấy khí bi-ô-ga làm chất đốt, lấy nước phân tưới cỏ... nên năng suất thu hoạch khoảng 20 đến 25 tấn cỏ/60 ngày. Nói chung nguồn cỏ tươi đủ nuôi mấy chục con bò, thi thoảng bổ sung thêm rơm khô, cám, hèm bia, bã khoai mì...".
Một ngày của vợ chồng nông dân già này diễn ra khá bình lặng: 5 giờ sáng vệ sinh chuồng trại; 6 giờ sáng vắt sữa bò bằng máy; 6 giờ 40 phút mang sữa đến đại lý; 8 giờ cho bò ăn cữ đầu; 16 giờ vắt sữa lần hai, bán sữa lần hai và 17 giờ thì cho ăn lần cuối trong ngày. Hỏi chuyện nông dân lái xe hơi xịn, lão Hai Duyên cười khà khà: "Nông dân mua xe hơi hả, ở xứ này chuyện đó "đầy đồng" mấy chú ơi".
Ở vùng đất thép Củ Chi anh hùng, nông dân có "hoàn cảnh gia đình" tương tự như ông Hai Duyên là chuyện không hiếm. Xã Tân Thông Hội còn có ông Năm Lý nuôi 40 con bò sữa, bà Sáu Lan nuôi 30 con... Dạo quanh xã, cỏ voi trồng ngát mắt, một nông dân cho biết, đất Củ Chi vốn khô cằn, nhiều gò cát, đất sét pha thịt nhưng với cỏ, chỉ cần trồng một lần, sau đó bón phân chuồng hay tưới nước bi-ô-ga đều đặn thì năng suất đạt mức 50 tấn/ha. Cỏ trồng nhiều không sợ ế, có thương lái thu mua với giá 700 đồng/kg; rơm khô cũng có giá đến 1.500 đồng/kg, đều dùng phục vụ đàn bò sữa đông nghịt ở Củ Chi.
Thời "20 năm"
Nhớ lại câu chuyện của 20 năm về trước, chàng trai trẻ Lê Ðình Ðức nói chắc như bắp: "Năm đó toàn huyện có 800 con bò, toàn bò ta lai Sind. Thời đó, ai nuôi bò lai Sind đã là "tiên tiến, biết áp dụng khoa học kỹ thuật" rồi. Tui nhớ, Ðại hội Ðảng bộ huyện ngày ấy đưa ra một nội dung nghị quyết. Phát triển đàn bò sữa thêm 100% để xóa đói, giảm nghèo. Ngày đó, dân Củ Chi nghèo lắm, muốn nuôi bò sữa là ước mơ cháy bỏng. Nguồn giống phải qua Hóc Môn mua bò đực về, rồi cho lai giống với bò cái lai Sind để ra thế hệ bò sữa Củ Chi F1. Vậy mà cho hiệu quả kinh tế nghen!
Thời đó, đồng hoang bao la, cỏ và rơm đầy, đàn bò được ăn thoải mái, lớn như thổi, cứ "đẻ năm một", bà con mê quá chừng. Nghiệt nỗi, đầu ra thì lâu nay, nông dân mình chỉ biết nuôi bò thả rông, bán lấy thịt, còn nuôi bò sữa thì chưa ai biết vắt sữa, biết bán sữa cả, mà có sữa rồi cũng hổng biết bán ở đâu!"
Cái khó của huyện Củ Chi không "bó" được chân lãnh đạo huyện, đa phần xuất thân nông dân, gắn bó máu thịt với miền đất mảnh bom lẫn trong từng nhát cuốc. Từ việc nhân tổng đàn lên gấp đôi sau một nhiệm kỳ, UBND huyện mạnh dạn xin chủ trương thành phố rồi thành lập Trung tâm Chuyển giao tiến bộ kỹ thuật bò sữa.
Chàng trai trẻ "yêu bò" Lê Ðình Ðức được chỉ định làm Bí thư Chi bộ của Trung tâm với tám đảng viên nòng cốt. Nhiệm vụ của các đảng viên khi ấy là làm cho dân thấy, tìm đầu ra cho nông dân nuôi bò sữa. Mỗi sáng sớm, Lê Ðình Ðức cùng đồng đội lặn lội các ấp trong huyện để thăm dân, thăm bò. Bao nhiêu kinh nghiệm kỹ thuật "học lỏm" từ Trung tâm Thú y huyện, các anh đều chia sẻ cho bà con. Nông dân tri điền ở Củ Chi nhớ rõ chuyện Ðức sờ từng bầu vú bò, vắt sữa mẫu trước mặt bà con.
Có bò rồi, có sữa rồi, chưa phải đã "xong chuyện". Lê Ðình Ðức và đồng đội phải hợp tác một đại lý sữa cách Củ Chi 20 cây số. Ða số bà con chỉ nuôi bò nhỏ lẻ, sản lượng sữa có khi vài cân, người nhiều thì được mươi cân. Mỗi sáng sớm, cán bộ trung tâm dùng xe máy đến từng nhà dân gom sữa, sau đó chạy giao cho đại lý đúng giờ.
"Ðến khoảng năm 2005, sản lượng sữa tăng cao, số lượng hộ nuôi lên đến chục nghìn. Xe gắn máy chở không kịp, trung tâm phải sắm xe lôi đi gom sữa cho dân, cực mà vui. Có khi bị công an phạt vì chở quá tải quá khổ, sau chúng tôi mới được trang bị xe tải. Tới năm 2010, số đầu bò sữa lên tới hơn 40 nghìn con, cho sản lượng sữa ổn định, thì các nhà máy sữa đặt trạm thu mua tại Củ Chi, từ đó, chúng tôi đỡ nhọc hơn", anh Ðức tâm sự.
Không ra "nghị quyết" suông!
Bên máy thái cỏ chạy phành phạch, nói về nghị quyết, nông dân Lê Văn Phê (nuôi 75 con bò sữa, thu nhập hơn 600 triệu đồng/năm) thật thà: "Tui không hiểu ất giáp gì về "nghị quyết", nhưng tui có thể tính chi tiết một héc-ta đất mỗi năm thu về 300 tấn cỏ, mỗi con bò một năm cho sáu tấn sữa. Nói thiệt lòng, cũng nhờ Nhà nước mà nông dân tụi tui mới phát triển được đàn bò, đời sống dần khá giả".
Thực tế, nhiệm kỳ qua, huyện Củ Chi có nhiều phương pháp khuyến khích nông dân tập trung tăng nhanh đàn bò sữa, tạo việc làm và xóa đói, giảm nghèo, tăng hộ khá. Ngày còn nuôi nhỏ lẻ, cứ mỗi khi mua bình đựng sữa hợp vệ sinh, máy thái cỏ, quạt giải nhiệt... ông Phê đều được huyện hỗ trợ 50% kinh phí. Khi tăng đàn bò sữa lên hơn 20 con, ông Phê được hỗ trợ 50% tiền mua máy vắt sữa (17 triệu đồng/máy) và 100% lãi suất để mua máy cày. Riêng các giàn phun sương cho bò tắm mát, 25 triệu đồng/giàn, cũng được huyện giúp 12,5 triệu đồng.
Chàng trai trẻ Lê Ðình Ðức của 20 năm trước giờ đã là Trưởng phòng Kinh tế huyện Củ Chi. Hướng tầm mắt về bạt ngàn ruộng cỏ, anh nhẩm tính: "Kinh phí của huyện eo hẹp, nhưng cũng cho hơn năm nghìn hộ vay 1.180 tỷ đồng, giúp chuyển dịch cây trồng vật nuôi, trong đó tiền đầu tư chăm lo đàn bò 443 tỷ đồng. Nhờ vậy, sau một nhiệm kỳ, đàn bò sữa của huyện lên đến 68 nghìn con, chiếm 1/3 đàn bò sữa cả nước".
Chủ tịch UBND huyện Củ Chi Lê Minh Tấn cho rằng, định hướng đến năm 2020, huyện vẫn giữ tổng đàn bò sữa ở mức như vậy nhưng tập trung nâng cao năng suất, chất lượng sữa lên hơn 20 kg sữa/con bò/ngày... Không chỉ "nói suông", mà thực tế, những cán bộ, đảng viên của huyện đã cùng nông dân "vùng đất thép" đưa diện tích đồng cỏ từ hơn hai nghìn héc-ta (năm 2010) lên hơn ba nghìn héc-ta (năm 2015). Ðây là điều kiện tiên quyết để nâng cao chất lượng đàn bò.
Từ chủ trương, nghị quyết của Ðảng bộ huyện Củ Chi Anh hùng, 40 năm qua và đặc biệt là 20 năm gần đây, nông dân Củ Chi đã cơ bản không còn nghèo khó, không còn ai phải ở trong nhà xập xệ, nhiều nông dân trở thành triệu phú, tỷ phú trên mảnh đất thành đồng vốn cằn cỗi và đầy hố bom năm xưa. Anh Lê Ðình Ðức đã nhờ thu nhập từ chăn nuôi bò mà nuôi các con ăn học thành tài, nhờ bò mà hoàn thành sứ mệnh giúp dân. Anh Lê Minh Tấn từ một cán bộ trẻ năng động ở xã Thái Mỹ, nay là Thành ủy viên. Lão nông Hai Duyên từ nuôi bò mà thành tỷ phú và sắp sang I-xra-en học tập kinh nghiệm...
Vừa được công nhận là huyện nông thôn mới đầu tiên của TP Hồ Chí Minh, hơn ai hết, người dân Củ Chi sẽ hạnh phúc và hưởng lợi nhiều nhất từ các nghị quyết đúng đắn của Ðảng bộ huyện này. Ðiều đó, chúng tôi đã cảm nhận sâu hơn vào một chiều tháng 4 này, một buổi chiều nắng vàng như mật bên ruộng cỏ voi rập rờn reo vui cùng những chuyện kể, tâm sự của những nông dân, những đảng viên đã cùng nhau đưa nghị quyết tốt đẹp vào cuộc sống!
Thủ tướng Chính phủ vừa quyết định công nhận huyện Củ Chi là huyện đạt chuẩn nông thôn mới năm 2015. Củ Chi là huyện ngoại thành của TP Hồ Chí Minh, có 20 xã đạt 100% chuẩn nông thôn mới. Hiện thu nhập bình quân đầu người của huyện đạt 40 triệu đồng/người/năm.
Có thể bạn quan tâm
Năm 2012, tình hình tiêu thụ dừa trái và các sản phẩm từ dừa gặp nhiều khó khăn, ảnh hưởng lớn đến nguồn thu nhập, đời sống của các hộ dân trồng dừa trong tỉnh Trà Vinh. Bên cạnh đó, giá dừa trái trên thị trường thế giới không ngừng rớt giá, hoạt động xuất khẩu gặp khó khăn, đã kéo theo giá dừa trong nước giảm đáng kể.
Không những đầu tàu trong làm ăn, phát triển kinh tế, ông Xeo Phò Nang còn rất tích cực tham gia các hoạt động xã hội ở xã, bản. Ông Xeo Phò Nang đã trở thành người "tiên phong" của bản Quyết Thắng.
“Doanh nghiệp chế biến, xuất khẩu gạo không thể đổ hết lỗi cho nhà khoa học, rằng Việt Nam không có được các giống lúa đủ tiêu chuẩn để xây dựng thương hiệu gạo xuất khẩu".
Theo Sở NN và PTNT Cà Mau, hiện nay, dịch bệnh tôm nuôi vẫn xuất hiện trên nhiều vùng nuôi tôm ở địa bàn tỉnh gây thiệt hại khá cao cho bà con nông dân.
Trong vòng hơn 1 năm, đã có 111 trang trại chăn nuôi trong tỉnh Đồng Nai chuyển qua gia công cho các công ty nước ngoài. Nhiều người nhận định, ngành chăn nuôi Đồng Nai trong tương lai không xa sẽ do các doanh nghiệp (DN) có vốn đầu tư nước ngoài chiếm lĩnh.