Thu Nhập Bạc Triệu Nhờ Nuôi Tôm
Vụ nuôi tôm năm 2010, toàn huyện Tam Nông, tỉnh Đồng Tháp đã có 131 hộ nuôi tôm càng xanh trên ruộng, với tổng diện tích 701 ha (tăng 44 ha so năm trước). Nhiều người nuôi sau khi thu hoạch trừ tất cả chi phí đầu tư, công chăm sóc và thanh toán vốn - lãi cho ngân hàng... đã có lợi nhuận không nhỏ! Nổi bật là hộ Nguyễn Văn Rừng thu lãi cao nhất với hơn 111 triệu đồng/ha, hộ Lê Thành Công thu lãi gần 82 triệu đồng/ha, Nguyễn Thành Trí thu lãi 70 triệu đồng/ ha, hộ Trần Văn Quân thu lãi trên 67 triệu đồng/ha... Mô hình này đã giúp nhiều nông hộ ở địa phương có được nguồn thu nhập đáng kể trong mùa nước nổi!
Nhất lúa, nhì tôm
Năm 2010, ông Lê Thành Công (Sáu Nên), xã viên Hợp tác xã tôm càng xanh Phú Long, xã Phú Thành B, quyết định vay gần trăm triệu đồng của Ngân hàng nông nghiệp huyện Tam Nông đầu tư cải tạo mặt ruộng, lên bờ bao lửng, làm vệ sinh sạch sẽ bằng vôi bột rồi mua cọc tràm, lưới cước thiết kế nhiều vuông nuôi tôm trên 6 ha ruộng mùa nước nổi... Sau đó, ông đầu tư hơn 70 triệu đồng mua tôm càng xanh giống thả nuôi. Nguồn thức ăn cho tôm chủ yếu được ông sáu Nên sử dụng là thức ăn viên công nghiệp có nhiều độ đạm và thức ăn tự chế. Lúc ươm tôm giống trong mùng lưới cước, ông Sáu cho tôm ăn 4 lần/ngày. Tôm được 40 ngày, ông tháo mùng lưới cước cho tôm ra các vuông nuôi và cho tôm càng xanh ăn mỗi ngày 3 lần, tăng cường bổ sung vitamin C trong thức ăn để tăng sức đề kháng cho tôm. Đến khi tôm được hơn 4 tháng tuổi, ông bổ sung thêm thức ăn bằng cá tạp được đánh bắt ngoài tự nhiên nhằm giúp tôm tăng trọng nhanh... Theo ông sáu Nên thì: cứ đầu tư khoảng 4 kg thức ăn sẽ cho ra 1 kg tôm càng xanh thương phẩm!
Ông Sáu Nên vui vẻ cho biết: “Qua 3 năm nuôi tôm thành công, tôi rút ra được kinh nghiệm là: nuôi tôm càng xanh trên ruộng mùa lũ tuy chi phí đầu tư cao, nhưng bù lại là con tôm dễ nuôi, ít bị bệnh và khi nuôi nguồn thức ăn cho tôm rất dễ tìm... Người nuôi chỉ cần có nguồn nước thích hợp, cho ăn đầy đủ, chăm sóc - phòng ngừa bệnh cho tôm đúng quy trình hướng dẫn của cán bộ kỹ thuật, tôm giống phải sạch bệnh thì tôm sẽ phát triển nhanh, đồng đều, cho lãi cao...”.
“Thất bại là mẹ thành công”
Trong tổng số 131 hộ nuôi tôm càng xanh thì có 107 hộ đạt lợi nhuận khá, trong đó, 11 hộ lãi từ 60 đến trên 111 triệu đồng/ha, 81 hộ lãi từ 30 đến 59 triệu đồng/ha và 15 hộ lãi dưới 30 triệu đồng/ha... Bình quân lợi nhuận của các hộ nuôi tôm trong năm 2010 cao hơn năm 2009 là 25 triệu đồng/ha. Tuy nhiên, vẫn còn 24 hộ nuôi 113 ha bị thua lỗ...
KS. Bùi Sỹ Khánh, trưởng Trạm thủy sản huyện Tam Nông cho biết: “Nguyên nhân là do các hộ nuôi chủ quan, chưa áp dụng tốt kỹ thuật; khâu chăm sóc, quản lý môi trường nuôi còn hạn chế, khâu cải tạo ao từ đầu còn quá sơ sài dẫn đến cá tạp còn nhiều, tôm giống kém chất lượng, tôm sào nhiều; chi phí đầu tư cao, lượng thức ăn dư thừa dưới đáy ao cao... nên tôm bị hao hụt nhiều. Từ đó, dẫn đến năng suất kém, tỷ lệ tôm đạt kích cỡ thấp...”.
Ông Hứa Văn Điển, người tiên phong nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi ở huyện Tam Nông và đã có 7 năm nuôi tôm thắng lớn. Mỗi năm, hộ ông Điển đều thu lãi ròng từ 50 đến trên 100 triệu đồng/ha. Nhưng, trong vụ nuôi tôm càng xanh mùa nước nổi năm 2010 này, với 7 ha ông Điển bị lỗ hơn nửa tỷ đồng! Ông Điển buồn bã bộc bạch: “Năm nay, tôi nuôi tôm bị lỗ nặng là do con tôm càng xanh giống bị thoái hóa, nước lũ về trễ và thấp hơn mọi năm. Nhưng điều cốt lõi là do tôi chủ quan, chỉ dựa vào kinh nghiệm của bản thân mà không chịu ứng dụng kịp thời những tiến bộ khoa học kỹ thuật và công nghệ vào việc nuôi tôm nên cuối cùng phải chịu thất bại!”.
Mặc dù vậy, nhưng các nhà khoa học và nhiều người nuôi tôm ở huyện Tam Nông đều khẳng định: việc nuôi tôm càng xanh trên ruộng mùa nước nổi ở huyện Tam Nông thu được kết quả hết sức khả quan, triển vọng khai thác tiềm năng về mặt nước trong mùa lũ là rất lớn, đưa vòng quay của đất lên từ 2 đến 3 lần/năm, tăng độ phì nhiêu và giá trị sử dụng của đất, giảm thoái hóa đất và bảo vệ môi trường... góp phần giải quyết việc làm cho lực lượng lao động nhàn rỗi ở địa phương, xóa đói giảm nghèo cho người dân, thúc đẩy nền kinh tế nông nghiệp và nông thôn phát triển...
KS. Bùi Sỹ Khánh cho biết: “Năm 2011, huyện Tam Nông sẽ phấn đấu mở rộng diện tích mặt ruộng nuôi tôm càng xanh lên 1.000 ha. Dự kiến sản lượng đạt 1.700 tấn; trong đó, có 50% sản lượng tôm đạt tiêu chuẩn xuất khẩu, thí điểm mô hình một vụ lúa chất lượng cao và một vụ tôm sinh thái trên diện tích 50 ha tại xã Phú Thành B”.
Có thể bạn quan tâm
Với lợi thế về vị trí địa lý, khí hậu, thổ nhưỡng, nguồn lao động huyện Bạch Thông đã và đang tập trung khai thác có hiệu quả tiềm năng này để đẩy mạnh phát triển kinh tế theo hướng bền vững.
Vài năm trở lại đây, đặc biệt là sang năm 2013, “đầu ra” cho con cá tra khó khăn, trong khi đầu vào tăng cao khiến cả người nuôi và doanh nghiệp xuất khẩu cá tra của Việt Nam đều điêu đứng.
Tôm chân trắng (Penaeus vannamei hoặc Litopenaeus vannamei) có nguồn gốc từ Nam Mỹ, có nhiều ưu điểm như: tỷ lệ sống cao, sinh trưởng tốt trong điều kiện độ mặn biến động lớn (thậm chí khi độ mặn bằng 0), có khả năng kháng bệnh cao, dễ sinh sản và gia hoá, nên được nhiều nước ưu tiên phát triển (nhất là các nước châu Á).
Những hộ nuôi cá thác lác cườm cho biết, nhu cầu tiêu thụ chả cá tại các chợ đầu mối tăng mạnh nên giá cá thác lác cườm thương phẩm tăng cao. Hiện, các tiểu thương thu mua cá thác lác cườm cỡ 400 - 500 gram/con, với giá 85.000 - 90.000 đồng/kg mà cũng không đủ nguồn cung.
Nông dân xã Bình Thạnh (Châu Thành, An Giang) đạt lợi nhuận cao từ mô hình trồng hành. Anh Lê Văn Hoàng, ngụ ấp Thạnh Hòa cho biết, gia đình trồng 2 công hành, năng suất gần tấn/công, bán với giá 7.000 đồng/kg, trừ các khoản chi phí, còn lãi 12 triệu đồng/công.