Chuyển Giao Mô Hình Sản Xuất Lúa VietGAP Cho Nông Dân
Mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP được Bộ NN-PTNT triển khai từ năm 2008. Tại Phú Yên, mô hình này do thạc sĩ Trương Văn Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật, làm chủ nhiệm dự án, đến nay đã chuyển giao kỹ thuật, quy trình sản xuất cho hàng trăm hộ nông dân.
Tại Phú Yên, mô hình sản xuất lúa VietGAP được thực hiện từ năm 2012, đến nay đã triển khai 4 mô hình tại huyện Tây Hòa, Phú Hòa. Mỗi vụ, mô hình sản xuất trên diện tích 10ha, giống lúa chất lượng cao, sạ hàng 6kg/sào (120kg/ha). Ruộng đối chứng 1.000m2, sử dụng giống lúa thương phẩm, sạ lan với lượng giống 10kg/sào (200kg/ha).
Theo đó, vụ đông xuân 2013 - 2014, tại xã Hòa Mỹ Tây (huyện Tây Hòa), Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP trên diện tích 5ha, sử dụng giống ML48 nguyên chủng, áp dụng phương pháp sạ hàng. Kết quả, năng suất lúa mô hình ước đạt trên 65,5 tạ/ha, cao hơn năng suất lúa đối chứng 4 tạ/ha, lợi nhuận cao hơn ruộng đối chứng gần 2,6 triệu đồng/ha.
Ông Trần Văn Thái, Phó giám đốc HTX Nông nghiệp - Dịch vụ tổng hợp Hòa Mỹ Tây, cho biết: “Trồng lúa theo tiêu chuẩn VietGAP đòi hỏi phải đảm bảo thời vụ gieo sạ, giống, sạ hàng; đồng thời thực hiện quy trình bón phân, chăm sóc, quản lý cỏ dại, dịch hại theo từng giai đoạn sinh trưởng của cây lúa. Không chỉ giảm lượng lúa giống, chi phí phân bón mà thuốc bảo vệ thực vật cũng giảm, nên mô hình này cho lợi nhuận cao hơn”.
Trước đó, vụ hè thu 2012, tại HTX Nông nghiệp Hòa Thắng 2 (huyện Phú Hòa), Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP trên diện tích 5ha, với 36 hộ tham gia. Kết quả, năng suất lúa 71,2 tạ/ha, cao hơn 7 tạ/ha so với ruộng đối chứng, lợi nhuận cũng cao hơn 4 triệu đồng/ha.
Ông Nguyễn Văn Long, xã viên HTX Nông nghiệp kinh doanh tổng hợp Hòa Thắng 2, cho biết: Tôi cùng nhiều xã viên trong HTX được chọn triển khai mô hình sản xuất lúa chất lượng cao theo hướng VietGAP. Thông qua mô hình sẽ giúp bà con xã viên tiếp cận phương pháp sạ hàng tiết kiệm giống, hạn chế sử dụng thuốc hóa học, giảm thiểu ảnh hưởng do dịch hại gây ra, tiết kiệm được chi phí mà vẫn đảm bảo được các chỉ tiêu cấu thành năng suất…
Thạc sĩ Trương Văn Tuấn, Phó chi cục trưởng Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, chủ nhiệm đề tài mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP, cho biết: Trong thời gian triển khai mô hình, nông dân đã nhận thức được tầm quan trọng của việc áp dụng các tiến bộ kỹ thuật trong sản xuất lúa.
Bà con chủ động thăm đồng, phòng trừ dịch hại, trao đổi với các cán bộ kỹ thuật và nông dân khác, mạnh dạn áp dụng các giải pháp kỹ thuật của mô hình cho diện tích lúa bên ngoài mô hình. Cũng theo ông Tuấn, trước đây nông dân thường dùng lúa thịt làm giống và sạ dày với lượng giống khoảng 10 đến 12 kg/sào (200 đến 240 kg/ha), do đó, cây lúa phát triển kém, đẻ nhánh rất ít, tốn phân bón nhiều, dịch hại phát sinh.
Khi triển khai mô hình, nông dân được hướng dẫn sử dụng giống nguyên chủng, kỹ thuật sạ hàng, sạ thưa với lượng giống phù hợp, giúp tiết kiệm giống từ 80 đến120 kg/ha, cây lúa phát triển tốt. Từ mô hình này, gần 300 nông dân đã được chuyển giao kỹ thuật, quy trình sản xuất.
Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng phòng Nông nghiệp (Sở NN-PTNT Phú Yên) nhận định: Những năm qua, mô hình sản xuất lúa chất lượng theo hướng VietGAP giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, nâng cao chất lượng sản phẩm, từ đó góp phần hạ giá thành sản xuất, nâng cao thu nhập cho nông dân. Từ kết quả mô hình này, ngành Nông nghiệp sẽ mở rộng diện tích sản xuất, hướng tới nền nông nghiệp phát triển bền vững.
Có thể bạn quan tâm
Nếu như những năm qua tôm thẻ chân trắng (gọi tắt tôm thẻ) chủ yếu được nuôi ở vùng nước lợ thuộc các tỉnh ven biển ĐBSCL, nay nhiều nông dân ở Đồng Tháp, An Giang… nảy sinh “sáng kiến” khoan giếng tìm nước mặn để nuôi tôm thẻ trong vùng nước ngọt. Điều bất ngờ khi có một số hộ trúng đậm, đã cuốn hút nhiều hộ khác làm theo.
Mẫu tàu YANMAR 01 do Viện Nghiên cứu Chế tạo tàu thủy sản xuất theo đơn đặt hàng của Công ty Yanmar, thí điểm dùng tàu vỏ composite. Đây là mô hình hợp tác khai thác cá ngừ đại dương giữa công ty Yanmar và ngư dân các tỉnh Nam Trung bộ.
Mấy ngày qua nhiều tàu câu cá ngừ đại dương của ngư dân Phú Yên trúng mùa lại được giá bán nhờ cách câu mới, là câu vàng thay vì câu bằng đèn cao áp như năm trước. Giá cá ngừ được các doanh nghiệp mua trong khoảng 120.000 - 200.000 đồng/kg, tùy vào chất lượng tàu cá.
Đến nay, diện tích thả nuôi cá tra toàn tỉnh Đồng Tháp là 1.114,22ha, đạt 51,8% kế hoạch, giảm 0,9% so với cùng kỳ năm 2013, năng suất bình quân 341 tấn/ha. Ước 6 tháng đầu năm 2014, diện tích thả nuôi 1.467ha, đạt 68,2% kế hoạch, sản lượng thu hoạch ước đạt 195.338 tấn, tốc độ thu hoạch bình quân 33.000 tấn/tháng.
Theo thông báo từ Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Bình Thuận, kể từ ngày 1/8/2014 đến hết ngày 31/3/2015, các tổ chức cá nhân được khai thác các loài hải đặc sản bằng nghề lặn gồm: Sò lông, Điệp quạt, Dòm nâu, Bàn mai, Nghêu lụa trên toàn vùng biển Bình Thuận.