Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Xuất Siêu Nông Sản Sẽ Chạm Tay Đến 8,5 Tỷ USD

Xuất Siêu Nông Sản Sẽ Chạm Tay Đến 8,5 Tỷ USD
Ngày đăng: 25/04/2014

Với thực tế xuất khẩu (XK) nông sản từ đầu năm đến nay, nhiều chuyên gia cho rằng, xuất siêu nông sản năm 2014 có khả năng "chạm tay" đến mục tiêu 8,5 tỷ USD...

Nông sản bứt phá...

Theo báo cáo của Bộ Công Thương, xuất khẩu (XK) các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam trong quý I đã có những chuyển biến tích cực, nhiều mặt hàng tăng trưởng cao cả về khối lượng và giá trị. Đóng góp vào tăng trưởng kim ngạch XK chung nhóm ngành hàng nông, lâm, thủy sản trong quý I phải kể đến các mặt hàng cà phê, hạt điều, hạt tiêu, thủy sản, gỗ và sản phẩm từ gỗ… Trong đó, tăng trưởng mạnh nhất là cà phê, hạt tiêu...

Hiệp hội Hồ tiêu Việt Nam (VPA) dự báo, năm 2014 cả nước sẽ XK khoảng 125.000 - 130.000 tấn hồ tiêu, thu về khoảng 900 triệu USD. VPA cho biết lượng hồ tiêu tồn kho vào những tháng cuối năm 2013 còn ít, trong khi sản lượng của năm 2014 được dự báo tăng không nhiều, mặt khác nhu cầu tiêu thụ hồ tiêu trên thị trường ổn định và có thể tăng lên, nên giá sản phẩm này trong năm nay vẫn ở mức cao (năm ngoái bình quân là 120.000 đồng/kg). Năm nay, Việt Nam sẽ tiếp tục đứng đầu thế giới về XK tiêu khi chiếm hơn 50% lượng hồ tiêu XK thế giới.

Còn Hiệp hội Điều Việt Nam (Vinacas) thì cho biết, năm 2014 ngành điều vẫn giữ được mức tăng ít nhất bằng năm 2013 (khoảng 1,7 tỷ USD kim ngạch XK, nếu tính cả mặt hàng dầu vỏ hạt điều và sản phẩm hạt điều chế biến sâu thì kim ngạch XK ngành điều vào khoảng 1,8-1,9 tỷ USD). Ông Nguyễn Đức Thanh – Chủ tịch Vinacas dự báo trong năm 2014, nếu doanh nghiệp đẩy mạnh được chế biến sâu và giá điều XK tốt hơn 2013, giá trị XK điều có thể lên hơn 2 tỷ USD.

Không chỉ tiêu, điều, theo dự báo của Hiệp hội Rau quả Việt Nam (Vinafruit), năm 2014 mặt hàng rau củ quả cũng có triển vọng đạt mức tăng trưởng kim ngạch XK từ 20-30% và Vinafruit kỳ vọng kim ngạch XK rau quả sẽ vượt hơn mốc 1 tỷ USD như năm 2013...

Vẫn cần nỗ lực

Ông Trần Thanh Hải- Cục phó Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho biết, đến nay, sản xuất nông sản, thủy sản XK của Việt Nam đã tích cực áp dụng các biện pháp quản lý theo hệ thống như VietGAP, ISO, HACCP và đang thực hiện hiệu quả quy trình quản lý theo chuỗi từ “ao nuôi đến bàn ăn” (đối với thủy sản), “từ đồng ruộng đến bàn ăn” (đối với nông sản)… đáp ứng được những yêu cầu khắt khe về mặt chất lượng, về an toàn vệ sinh thực phẩm theo tiêu chuẩn quốc tế, bảo vệ môi trường cũng như sức khỏe của người tiêu dùng nên được nhiều bạn hàng và người tiêu dùng ưa chuộng.

Nhờ những nỗ lực đó, XK các mặt hàng nông, lâm, thủy sản của Việt Nam những tháng đầu năm nay đã bứt phá trở lại, vươn tới 160 nước và vùng lãnh thổ trên thế giới.

Xuất siêu được 1,8 tỷ USD

Theo báo cáo của Bộ NNPTNT, giá trị XK nông lâm thủy sản 3 tháng đầu năm đạt 6,9 tỷ USD, tăng 9,4% so với cùng kỳ năm 2013. Về giá trị nhập khẩu toàn ngành nông, lâm, thủy sản trong 3 tháng đầu năm 2014 ước đạt 5,1 tỷ USD, tăng gần 27% so với cùng kỳ năm 2013. Như vậy 3 tháng đầu năm 2014, ngành nông nghiệp xuất siêu 1,8 tỷ USD.

Đối với một số mặt hàng XK chủ lực trong nhóm nông lâm sản như gạo, thủy sản, bà Phan Thị Diệu Hà - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay, đã có 7 bản thỏa thuận về XK gạo với các quốc gia với tổng lượng gạo khoảng 4,2 triệu tấn; Bộ cũng đang xúc tiến ký đàm phán với Malaysia và thúc đẩy thỏa thuận với Trung Quốc để tăng cường XK gạo…

Mặc dù vậy, để đạt mục tiêu xuất siêu nông sản năm nay đạt 8,5 tỷ USD, ngành nông nghiệp cần rất nhiều nỗ lực. Bởi bên cạnh các mặt hàng lạc quan về XK như điều, tiêu, rau quả, thủy sản... thì XK gạo, cà phê, cao su dự báo sẽ gặp khó khăn về kim ngạch và giá trong những tháng còn lại của năm 2014. Kể cả Việt Nam đã trúng thầu cung cấp 800.000 tấn gạo cho Philipines.

Ông Phạm Văn Bảy - Phó Chủ tịch Hiệp hội Lương thực Việt Nam cho biết: "Chúng ta vẫn tiếp tục chịu áp lực bán hạ giá của Thái Lan và cạnh tranh XK từ các nguồn cung cấp chính ở châu Á nên xu hướng giá không thể tăng mạnh."-ông Bảy nói.

Bà Trần Thị Thúy Hoa - Chánh văn phòng Hiệp hội Cao su Việt Nam (VRA) cũng thông báo, năm 2014 sản lượng mủ cao su thiên nhiên được dự báo vẫn tăng, nguồn cung trên thế giới sẽ vượt cầu, trong khi thị trường tiêu thụ chưa thể phục hồi mạnh mẽ như những năm trước nên giá cao su XK sẽ khó tăng cao.

Ngay lúc này, ông Toại đề nghị các bộ ngành cần có trang thông tin thị trường tương đối nhạy bén và "nóng" hơn để phục vụ XK hàng nông sản của bà con nông dân, tránh "mù" thông tin, hoặc thông tin không chính xác ảnh hưởng tới XK nông sản.


Có thể bạn quan tâm

Tôm Giống Chất Lượng Cao Phải Đợi Đến Khi Nào? Tôm Giống Chất Lượng Cao Phải Đợi Đến Khi Nào?

Năm 2013, tỉnh Cà Mau bắt tay triển khai Đề án nâng cao chất lượng tôm giống, Đề án được kỳ vọng sẽ tạo được nguồn giống đủ lớn nhắm đáp ứng nhu cầu nuôi tôm trong tỉnh.

13/06/2014
Xây Dựng Vùng Nguyên Liệu Cá Tra Phục Vụ Xuất Khẩu Xây Dựng Vùng Nguyên Liệu Cá Tra Phục Vụ Xuất Khẩu

Đến hết tháng 5-2014, toàn vùng đồng bằng sông Cửu Long đã thả nuôi 2.954 ha, diện tích thu hoạch 1.478 ha, sản lượng thu hoạch hơn 335 nghìn tấn cá tra. Giá cá tra nguyên liệu trong tháng 4-2014 đạt đỉnh điểm với mức 27 nghìn đồng/kg, với mức giá này người nuôi có lãi để tái sản xuất.

13/06/2014
Hội An Khai Thác Hơn 8 Nghìn Tấn Thủy Sản Trong 5 Tháng Đầu Năm Hội An Khai Thác Hơn 8 Nghìn Tấn Thủy Sản Trong 5 Tháng Đầu Năm

Theo tin từ UBND thành phố Hội An cho biết, trong 5 tháng đầu năm, ngư dân Hội An đã khai thác được hơn 8 nghìn tấn thủy sản các loại, đạt 60,4 % kế hoạch năm.

13/06/2014
Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản 6 Tháng Đầu Năm Đạt Trên 70.000 Tấn Sản Lượng Khai Thác Thủy Sản 6 Tháng Đầu Năm Đạt Trên 70.000 Tấn

UBND tỉnh tiếp tục khuyến khích, tạo điều kiện cho ngư dân đóng mới, cải hoán tàu cá theo hướng nâng cao công suất để tăng số lượng tàu đánh bắt xa bờ, nâng cao hiệu quả nghề cá; nhân rộng các mô hình sản xuất hiệu quả thông qua các tổ đoàn kết sản xuất trên biển, HTX đánh bắt xa bờ, nghiệp đoàn nghề cá,…

13/06/2014
Triển Khai Các Biện Pháp Cấp Bách Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm Triển Khai Các Biện Pháp Cấp Bách Phòng Chống Dịch Bệnh Trên Tôm

Theo báo cáo của Cục Thú y, từ đầu năm 2014 đến 30/5/2014, diện tích nuôi tôm bị thiệt hại tại 232 xã, phường, thị trấn của 60 huyện, thị, thành phố trực thuộc 19 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, với tổng diện tích bị thiệt hại khoảng là 14.000 ha (nguyên nhân do dịch bệnh khoảng 10.000 ha, do môi trường 4.000 ha), bao gồm diện tích nuôi tôm bị bệnh đốm trắng khoảng 5.000 ha, bệnh hoại tử gan tụy cấp tính khoảng 1.700 ha và một số bệnh khác.

14/06/2014