Chuyển Đổi Thành Công Nuôi Cá Lóc, Cá Thác Lác Cườm Bằng Thức Ăn Công Nghiệp

Ông Phạm Quang Tuyến (sinh năm 1960) ngụ ấp Hưng Hòa, xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp đã chuyển đổi thành công việc nuôi cá lóc và thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp. Mô hình hứa hẹn nhiều khả năng nhân rộng trong thời gian tới...
Thời gian đầu, ông Tuyến nuôi ba ba. Sau đó phong trào nuôi cá tra "lên ngôi", ông bắt đầu nuôi cá tra. Tuy nhiên, qua nhiều năm nuôi cá tra không mang lại hiệu quả cao, ông Tuyến tiếp tục nghiên cứu, tìm giải pháp phát triển nuôi cá lóc và thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp cho lợi nhuận kinh tế cao.
Năm 2008, ông Tuyến nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp. Lúc đầu, ông thả nuôi 20 ngàn con, vừa nuôi vừa nghiên cứu cách chuyển đổi thức ăn tươi sống từ cá tạp sang thức ăn công nghiệp. Khi con cá lóc thích nghi với thức ăn công nghiệp và phát triển tốt, ông Tuyến tiếp tục thả nuôi thêm 50 ngàn con. Theo thống kê, chi phí giá thành để nuôi 1 kg cá lóc thành phẩm khoảng 31.000 đồng/kg, giá bán khoảng 37.000 đồng/kg, người nuôi còn lợi nhuận khoảng 6.000 đồng/kg.
Nuôi cá lóc bằng thức ăn công nghiệp thành công, năm 2009, ông Tuyến tiếp tục nghĩ đến chuyện nuôi cá thác lác cườm trên vùng đất bãi bồi Cồn Ông (xã Tân Khánh Trung, huyện Lấp Vò). Với diện tích gần 2 ha, ông thả 400 ngàn con cá thác lác, trên 7 tháng nuôi thì cho thu hoạch. Ông Tuyến cho biết: Với chi phí nuôi khoảng 45.000 đồng/kg cá thành phẩm, giá thị bán khoảng 70.000 đồng/kg, người nuôi còn lãi khoảng 50%.
Ông Tuyến cho biết: "Việc chuyển đổi từ thức ăn tươi sống sang thức ăn công nghiệp cá nuôi vẫn phát triển bình thường, ít bệnh, không phụ thuộc vào thức ăn tự nhiên và giảm thiểu được ô nhiễm môi trường nước. Trong khi sử dụng thức ăn tươi sống từ cá tạp, tỷ lệ hao hụt nhiều, giá thành cao, gây ô nhiễm đến nguồn nước". Riêng nuôi cá thác lác cườm bằng lồng bè trên sông bằng thức ăn công nghiệp, theo ông Tuyến, con cá thác lác phát triển nhanh hơn so với nuôi trong ao hầm. Hiện nay, ông nuôi 11 lồng bè cá thác lác cườm trên sông và sở hữu khoảng 8.000 con cá thác lác giống, sản xuất khoảng 3 triệu con giống mỗi năm.
Mô hình nuôi thủy sản của ông Tuyến được nhiều người đến tham quan, học tập kinh nghiệm, trong đó có một số tỉnh ở Đồng bằng sông Cửu Long. Mô hình này cũng được Liên hiệp các Hội Khoa học - Kỹ thuật tỉnh tổ chức hội thảo chuyên đề: "Phát triển nghề nuôi cá thác lác cườm bằng thức ăn công nghiệp" và được đánh giá cao khả năng nhân rộng ở tỉnh Đồng Tháp và ĐBSCL
Có thể bạn quan tâm

Nằm cách trung tâm TP Buôn Ma Thuột, Đắk Lắk chưa đầy 3km, phường Tân Lập được xem là vùng chuyên canh rau quả cung cấp chính cho thị trường thành phố.

Phụ phẩm sau thu hoạch lúa của Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) như rơm, rạ có cơ hội được sử dụng làm chiếu và thức ăn cho bò.

“Chúng ta cứ loay hoay với chuyện nuôi con gì, trồng cây gì; chuyện được mùa rớt giá, được giá mất mùa. Mô hình này là lời giải sinh động cho những tồn tại của nền nông nghiệp Việt Nam. Điều tôi trăn trở nhất là làm sao có chính sách khuyến khích các mô hình tương tự”

Những thông tin từ hệ thống Thống kê của Tổ chức Lương thực và nông nghiệp Liên hiệp quốc (FAOSTAT) cho thấy một chuyện... không vui: Hạt điều, tiêu đen đều chiếm vị trí số 1 cả về lượng và giá trị, nhưng giá bán hạt điều xếp thứ 6, tiêu đen thứ 8.

Trong những ngày gần đây, chuyện hàng nghìn buồng chuối tiêu hồng “ế nẫu” làm “nẫu lòng” các hộ nông dân tại xã Liên Châu (huyện Yên Lạc, tỉnh Vĩnh Phúc) một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh tỉnh về phương cách làm nông nghiệp tự phát, phi thị trường, đầy rủi ro.