Hướng Hoá Đa Dạng Hóa Cây Trồng Để Giảm Nghèo Bền Vững
Với vị trí địa lý, điều kiện tự nhiên khá thuận lợi, có diện tích đất tự nhiên trên 115.000 ha, Hướng Hoá (Quảng Trị) được xác định là địa bàn trọng điểm về phát triển kinh tế, củng cố quốc phòng - an ninh của tỉnh Quảng Trị.
Huyện hiện có hơn 80.000 dân, bao gồm 3 dân tộc anh em: Kinh, Vân Kiều, Pa Kô, trong đó đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô chiếm gần 50% dân số. Ngoài ra, Hướng Hóa có Cửa khẩu quốc tế Lao Bảo và Quốc lộ 9 nối liền với các nước trong khu vực trên Hành lang kinh tế Đông-Tây.
Để khai thác có hiệu quả nguồn tài nguyên đất đai, đẩy nhanh công cuộc xóa đói giảm nghèo, trong những năm qua, huyện Hướng Hoá đã tập trung chỉ đạo người dân các địa phương, chuyển dịch cơ cấu kinh tế, đa dạng hóa cơ cấu cây trồng, vật nuôi, đặc biệt là hình thành các vùng chuyên canh phù hợp với điều kiện đất đai, thời tiết, khí hậu, tạo ra một số sản phẩm mang tính đặc thù, có lợi thế cạnh tranh trên thị trường trong và ngoài nước. Trước hết để ổn định nguồn lương thực tại chỗ, các địa phương đã tích cực vận động nhân dân khai hoang gieo cấy lúa nước 2 vụ.
Nhờ sự hỗ trợ tích cực của các chương trình, dự án đã tập trung khai hoang đất đai, xây dựng các công trình thuỷ lợi, tổ chức các lớp tập huấn kỹ thuật làm đất, chọn giống, chăm bón, phòng trừ sâu bệnh. Nhờ thế diện tích, năng suất và sản lượng lúa qua các năm đều tăng. Tính đến năm 2014 toàn huyện có 1.104 ha lúa nước, cùng với các loại cây lương thực khác thì lúa nước đã góp phần ổn định và chủ động được nguồn lương thực trên địa bàn.
Bên cạnh việc đẩy mạnh trồng cây lương thực, những năm qua huyện Hướng Hóa đã tập trung xây dựng vùng chuyên canh cây sắn ở các xã vùng Lìa. Đặc biệt từ khi Nhà máy chế biến tinh bột sắn Hướng Hoá đi vào hoạt động, nhân dân vùng Lìa và các xã trong huyện đã đẩy mạnh phong trào trồng sắn cao sản, cung cấp nguyên liệu cho nhà máy chế biến tinh bột sắn.
Có thể khẳng định rằng, sắn là cây trồng không chỉ giúp nông dân, nhất là đồng bào dân tộc ít người ở các xã vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn xóa được đói, giảm được nghèo mà còn tạo ra nguồn thu nhập lớn giúp thoát nghèo vươn lên làm giàu, hàng trăm hộ gia đình đồng bào dân tộc Vân Kiều, Pa Kô có mức thu nhập bình quân mỗi năm trên 100 triệu đồng. Đến nay toàn huyện có 4.424 ha sắn, với sản lượng hàng năm hơn 55.000 tấn sắn củ tươi, doanh thu trên 70 tỷ đồng.
Ngoài việc đẩy mạnh phong trào trồng cây lương thực, trồng sắn nguyên liệu, với lợi thế của điều kiện thời tiết, khí hậu và nguồn đất đỏ bazan dồi dào, màu mỡ, Hướng Hoá đã tập trung phát triển cây công nghiệp cà phê, hồ tiêu, cao su và các loại cây ăn quả có giá trị kinh tế cao như chuối, xoài, dứa...
Đến nay toàn huyện có hơn 4.600 ha cà phê, 2.200 ha chuối, 960 ha cây cao su… Hiện nay các địa phương trong huyện đã tập trung đầu tư chuyên canh các cây trồng chủ lực như cây cà phê ở các xã Hướng Phùng, Hướng Tân, Tân Hợp, thị trấn Khe Sanh, Ba Tầng; phát triển diện tích cây ăn quả, nhất là cây chuối ở các xã Tân Long, Tân Thành, Hướng Lộc, Thuận. Phong trào trồng cây cao su kết hợp trồng sắn nguyên liệu ở 8 xã vùng Lìa.
Bên cạnh đó, nhiều diện tích nương rẫy trước đây đã được bà con đầu tư trồng cây gây rừng, phủ xanh đất trống đồi núi trọc, bình quân hàng năm huyện đã trồng được từ 300 - 500 ha rừng tập trung, 50 - 70 vạn cây phân tán, riêng trong năm 2014, Hướng Hoá theo kế hoạch trồng 550 ha rừng tập trung và hơn 60 vạn cây phân tán, góp phần nâng cao độ che phủ của rừng toàn huyện lên hơn 42%.
Với sự quan tâm của Đảng và Nhà nước, với những định hướng đúng đắn về đa dạng hóa cây trồng, Hướng Hoá đã phát huy nội lực, khai thác có hiệu quả tiềm năng lợi thế của từng vùng, từng địa phương, khai thác tiềm năng đất đai, tạo ra sản phẩm hàng hóa đáp ứng nhu cầu thị trường.
Từ nguồn thu nhập ổn định bà con nông dân, đặc biệt là đồng bào dân tộc ít người đã xóa được đói, giảm được nghèo, hàng năm tỷ lệ hộ nghèo giảm mạnh, hộ khá giàu ngày càng tăng. Năm 2013 theo chí mới, hộ nghèo toàn huyện giảm xuống chỉ còn 21,9%.
Trao đổi với chúng tôi xung quanh những định hướng phát triển kinh tế của địa phương, đồng chí Võ Thanh, Chủ tịch UBND huyện Hướng Hóa cho biết: “Những năm tới, huyện sẽ đẩy nhanh tốc độ chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng CNH, HĐH, áp dụng những tiến bộ KHKT vào sản xuất, phát huy nội lực, khai thác các tiềm năng và thế mạnh của các tiểu vùng.
Thu hút vốn đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng, thực hiện tốt các chương trình, dự án quốc gia, quốc tế nhằm đạt tốc độ tăng trưởng cao thực hiện công tác XĐGN, nâng cao chất lượng đời sống văn hoá, giải quyết việc làm, tạo sự chuyển biến rõ rệt trong đời sống nhân dân, nhất là những xã đặc biệt khó khăn.
Quan tâm xây dựng và thực hiện quy hoạch đô thị, xây dựng nông thôn mới. Huyện cũng sẽ chỉ đạo tập trung trồng các loại cây công nghiệp lâu năm có giá trị kinh tế cao như: cà phê, hồ tiêu, cao su, mắc-ca. Đồng thời tiếp tục mở rộng diện tích cây ngô lai, sắn, chuối; phát triển chăn nuôi nhằm tạo việc làm, nâng cao thu nhập cho nhân dân. Ưu tiên phát triển ngành công nghiệp chế biến nông sản, hàng tiêu dùng và xuất khẩu, xây dựng vùng nông sản sạch để tăng giá trị nông sản hàng hóa.
Bởi đối với Hướng Hóa bây giờ không dừng lại ở mục tiêu xóa đói giảm nghèo mà phải quyết tâm giúp người dân làm giàu một cách bền vững ngay trên mảnh đất màu mỡ, giàu tiềm năng này”.
Nguồn bài viết: http://www.baoquangtri.vn/default.aspx?TabID=87&modid=390&ItemID=88805
Có thể bạn quan tâm
Ông Hà Xuân Tùng, 64 tuổi, ở xã Hòa Tân Đông (huyện Đông Hòa, tỉnh Phú Yên) mỗi năm thu lợi trên 140 triệu đồng nhờ nuôi trùn quế, góp phần tăng thu nhập cho gia đình.
Theo các kết quả nghiên cứu, các bệnh thường gặp trên tôm như đốm trắng, hoại tử gan tụy cấp tính, bệnh đầu vàng... thường xuất hiện nhiều vào giai đoạn chuyển mùa và thời gian tới là giai đoạn thuận lợi nhất để các mầm bệnh trên tôm nuôi phát triển
Thông tin từ cơ quan chuyên môn huyện Châu Thành (Hậu Giang), trong tổng số gần 5.000ha cam sành trên địa bàn huyện thì hiện có đến 2.656ha đang nhiễm bệnh, trong đó có trên 2.172ha bị nhiễm nặng, có khả năng phải chặt bỏ.
Ngày 12/4, giá thanh long xuất khẩu tiếp tục xuống thấp. Các nhà vườn trong tỉnh Bình Thuận không khỏi lo lắng trước xu hướng bất lợi của thị trường.
Nhờ biết cách xử lý cho xoài ra trái nghịch vụ, áp dụng biện pháp kỹ thuật chăm sóc xoài theo hướng an toàn, mô hình sản xuất xoài bao trái của gia đình ông Huỳnh Văn Long, xã Sông Bình (Bắc Bình, Bình Thuận) đã có thu nhập kinh tế tương đối cao.