Chuyển Đổi Mùa Vụ Đột Phá Ở Nà Pâu
Ở thời điểm mà những ruộng lúa Xuân muộn vẫn còn đứng cái, hứng chịu cái nắng gắt gỏng chờ ngày trổ bông và đứng trước nguy cơ bị rầy nâu tấn công, phá hoại thì chỉ hơn chục ngày nữa thôi, người dân Nà Pâu, xã Lạc Nông (Bắc Mê) sẽ ăn mừng lúa mới. Một sự “đột phá” về chuyển đổi mùa vụ đang mang lại hiệu quả rõ nét nơi đây.
Cùng với huyện Yên Minh, Bắc Mê được nhắc đến là huyện chậm chuyển đổi mùa vụ, khi những ruộng lúa Xuân ở các vùng khác đã vào thì con gái, thì người dân Bắc Mê vẫn “ung dung” chưa xuống đồng. Tình trạng này ngoài nguyên nhân chờ đợi nước, còn có nguyên nhân từ sự trì trệ, bảo thủ, lạc hậu trong sản xuất của người dân.
Khắc phục tình trạng này, những năm qua, Bắc Mê đã có nhiều cơ chế, chính sách, giải pháp về tăng cường chuyển đổi mùa vụ, dần đưa cây vụ Đông trở thành cây trồng chính; áp dụng KHKT vào sản xuất, thực hiện thâm canh; tăng hệ số sử dụng đất; nỗ lực gieo cấy đúng khung mùa vụ để đảm bảo thời gian cho sản xuất vụ Đông... trong đó mô hình chuyển đổi khung thời vụ: Lúa Xuân – lúa mùa – cây vụ Đông thực hiện tại thôn Nà Pâu với diện tích 3ha, 14 hộ dân tham gia thực hiện (UBND huyện Bắc Mê phối hợp với Sở NN&PTNT) được đánh giá cao; vụ Xuân này, Nà Pâu gieo cấy hai loại giống lúa năng suất cao là PC6 và DH1 thay thế cho các loại giống lúa thuần địa phương.
Chúng tôi về Nà Pâu một ngày nắng giữa tháng 5, những ruộng lúa trĩu bông đang chực chờ ngày gặt, người phụ nữ có tên Sầm Thị Khường không giấu nổi niềm vui: “Trước đây, vào thời điểm này lúa vẫn còn chưa trổ bông, lại còn phải chống chịu với nhiều loại dịch bệnh, có năm mất mùa.
Năm nay thì “ăn chắc” rồi, phấn khởi lắm, ngày nào cũng ra ruộng, nhìn những bông lúa chín từng ngày”. Đây mới là mô hình trình diễn thí điểm về chuyển đổi mùa vụ thôi, việc duy trì, nhân rộng là phụ thuộc vào sự thay đổi trong tư duy sản xuất bà con. (Phóng viên).
Chị Nông Thị Thoa tiếp lời: “Làm chứ, lần này làm mô hình được cấp trên hỗ trợ 50% giống, phân bón, nilông che mạ, cán bộ khuyến nông hướng dẫn quy trình kỹ thuật gieo cấy và chăm sóc; lần sau thì cán bộ nói rồi, sau này tổ dịch vụ thôn sẽ cung ứng giống, phân bón trước cho bà con, đến khi gặt lúa thì trả lại, năng suất cao hơn nhiều so với cấy giống lúa thuần trước đây, lại không phải chống chịu nhiều với sâu bệnh; người dân trong thôn quyết tâm lắm rồi”.
Chủ tịch UBND huyện Bắc Mê Triệu Trung Hiệp đến tận chân ruộng động viên, khuyến khích bà con tích cực tham gia chuyển đổi mùa vụ, sau này diện tích không chỉ được thực hiện ở Nà Pâu mà quyết tâm thay đổi tư duy sản xuất cũ, lạc hậu của người dân trên địa bàn toàn huyện, mang lại thu nhập, cải thiện đời sống cho người dân, sớm bắt kịp được với trình độ sản xuất của các huyện khác trên địa bàn tỉnh: “Thực tế lúa Nà Pâu năng suất như thế nào thì được chính bà con nhìn thấy thực tế và đồng tình ủng hộ, huyện sẽ tiếp tục có những chính sách khuyến khích để nhân rộng mô hình này, áp dụng mô hình đầu tư có thu hồi... giúp bà con yên tâm sản xuất; tuy nhiên, để thay đổi tư duy sản xuất trì trệ, không theo khung mùa vụ của người dân bằng việc áp dụng KHKT vào thâm canh, tăng năng suất... thì cần phải có sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị.
Huyện đã chỉ đạo các cấp, ngành, đặc biệt là đội ngũ khuyến nông viên cơ sở phải “cầm tay chỉ việc”, cùng xuống đồng với người dân để việc chuyển đổi mùa vụmang lại hiệu quả cao và có tính bền vững”. Anh Hiệp tâm sự.
Theo thông tin từ Phòng NN&PTNT huyện cho biết, ngay khi lúa chín rộ, huyện sẽ tổ chức hội nghị đầu bờ đánh giá hiệu quả của mô hình, để lãnh đạo các xã và người dân đến tham quan, từ mùa vụ sau, việc thực hiện chuyển đổi mùa vụ sẽ được chỉ đạo thực hiện trên diện rộng, ít nhất mỗi xã phải thực hiện được một mô hình điểm rồi tiếp tục nhân rộng.
Trong buổi giám sát của Thường trực HĐND tỉnh mới đây về hiệu quả thực hiện các mô hình sản xuất nông nghiệp, Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Đức Vinh cho biết thêm: Mô hình ở Nà Pâu có thể đạt đến 70 tạ/ha.
Được biết, cùng với việc chuyển đổi mùa vụ ở Nà Pâu, những mô hình như trồng ngô xuống ruộng ở Giáp Trung, ngô hàng hóa ở Yên Phong, cánh đồng mẫu ở Yên Định và thị trấn Yên Phú, trồng dưa ở Nà Vuồng (Yên Phong), rau sạch Phú Nam... đang mang lại hiệu quả cao, giúp người dân tăng thu nhập, tạo điểm nhấn trong phát triển nông nghiệp ở Bắc Mê.
Trong cái nắng vàng rực, những thửa ruộng ở Nà Pâu dường như cũng chín nhanh hơn. Niềm vui được mùa đang hiện hữu trên những khuôn mặt khắc khổ của người nông dân. Hy vọng, sự vào cuộc quyết liệt của chính quyền địa phương và sự hưởng ứng của người dân thì việc nhân rộng mô hình, chuyển đổi mùa vụ trên địa bàn huyện Bắc Mê sẽ không còn là câu chuyện phải đưa lên bàn giấy...
Có thể bạn quan tâm
Mà không chỉ vườn nhà tôi mà khu vực lân cận bà con bị như thế này nhiều lắm. Theo chẩn đoán thì tiêu bị tuyến trùng tấn công làm rễ bị tổn thương, tạo cơ hội cho các loại nấm trên tấn công hại rễ tiêu”. Anh Thiên Tâm - chủ một vườn tiêu ở Đắk Lắk - cũng than thở: “Trời mưa suốt thì không sao, mới nắng có 1 tuần đã có dấu hiệu tiêu thối gốc xì mủ gốc rồi chết”.
Cánh đồng này chỉ sản xuất 3 tấn gạo hữu cơ mỗi năm, rất nhỏ bé so với mức 833 tấn gạo nhập vào Hong Kong mỗi ngày, nhưng giá loại gạo này cao gấp vài lần so với gạo thông thường.
Giống lúa được sử dụng có tên là Thảo Dược, được đưa từ Nghệ An sang. Kỹ thuật sản xuất lúa do ông Trọng trực tiếp hướng dẫn cho nông dân VN và cán bộ kỹ thuật nông nghiệp Lào thực hiện.
Trong khuôn khổ Hội chợ Làng nghề Việt Nam lần thứ X – Craft Viet 2014 (diễn ra từ ngày 11 – 15/9/2014), cuối tuần qua, BTC Hội chợ đã tổ chức Hội thảo “Vai trò của HTX tham gia chuỗi giá trị trong liên kết SX”.
Giá lúa tăng thêm 100-150 đ/kg so với tuần trước. Đối với các giống lúa chất lượng cao hạt dài có giá 5.050-5.100 đ/kg, tăng 300-500 đ/kg so với cùng kỳ năm 2013. Với mức giá này, sau khi trừ chi phí, nông dân có lãi được khoảng 1.000 đ/kg.