Thanh long giảm giá, khó tiêu thụ
Giá thanh long “rẻ như bèo”
Về vùng trồng thanh long trong những ngày này, xe chở trái thanh long từ các ngõ ngách nườm nượp đổ về các điểm đầu mối thu mua. Những chiếc xe 3 bánh, xe máy cũng chở những giỏ thanh long loại dạt về các điểm chợ trên địa bàn TP. Mỹ Tho (Tiền Giang) cung cấp cho người tiêu dùng. Điều đáng nói hiện nay, thanh long giảm giá kỷ lục đã khiến không ít người dân lo lắng.
Bà Nguyễn Thị Tuyết Mai, ấp Long Hiệp, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo trồng 0,3 ha thanh long 4 năm tuổi cho biết, gia đình vừa mới thu hoạch 5 tấn trái, bán với giá 3.000 đồng/kg (loại 1), các loại còn lại thương lái không chịu mua nên gia đình phải chở đến các chợ ở TP. Mỹ Tho bán với giá 1.000 - 2.000 đồng/kg. Với giá này, sau khi trừ chi phí phân, thuốc, công chăm sóc… gia đình còn lãi 8 triệu đồng.
“Giá thanh long năm nay thấp nhất từ trước tới nay. Gia đình vất vả lắm mới tìm được thương lái thu mua. Họ vào vườn cho giá bao nhiêu thì chúng tôi bán bấy nhiêu, chứ kỳ kèo là họ bỏ đi” - bà Mai nói.
Năm nay, giá thanh long ruột đỏ lại thấp chưa từng có và ngang bằng với giá thanh long ruột trắng. Ông Trần Văn Hoàng, ấp Lương Phú C, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo trồng 0,2 ha thanh long ruột đỏ vừa bán được 3 tấn trái, với giá 3.500 đồng/kg.
Ông Hoàng nói: “Giá thanh long ruột đỏ thấp chưa từng thấy. Thương lái vào vườn cứ chê hàng xấu, chỉ lựa những trái xuất khẩu được, còn hàng dạt thì không mua. Không bán được những trái dạt, tôi buộc phải cho cá ăn. Nếu giá này mà vào vụ nghịch, xông đèn thì lỗ từ 5 - 7 triệu đồng/công, còn vụ thuận giá như hiện nay cũng không lỗ bao nhiêu”.
Việc tiêu thụ trái thanh long không chỉ khó khăn đối với nông dân mà còn cho các cơ sở thu mua. Ông Võ Văn Tư Em, chủ vựa thanh long Ngọc Hồng (ấp Long Thạnh, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo) cho biết, trong những ngày qua, lượng thanh long được bà con nông dân chở đến rất nhiều.
Mỗi ngày, vựa thu mua trên 20 tấn trái để cung cấp cho thị trường Hà Nội và xuất khẩu. Số lượng này, cơ sở đã tuyển chọn rất kỹ, số hàng dạt thì nông dân hoặc thương lái chở về. Giá thanh long ruột trắng và ruột đỏ loại 1 (loại xuất khẩu) có giá từ 4.000 - 7.000 đồng/kg, các loại còn lại thì không mua.
“Giá thanh long giảm không chỉ gây khó khăn cho nông dân mà còn cho thương lái và các vựa. Bởi chúng tôi không lựa chọn trái thì đến khi xuất khẩu các bạn hàng cũng lựa trở lại. Đến khi đó, các hàng loại ra, chúng tôi không thể bán được” - ông Tư Em bộc bạch.
Đại diện 1 doanh nghiệp (DN) xuất khẩu thanh long nhiều năm ở Tiền Giang cho biết, hiện nay DN này chỉ thu mua thanh long loại dạt từ các chủ vựa với giá 2.300 - 2.500 đồng/kg. Mỗi ngày, DN này thu mua trên 15 tấn để làm nước ép xuất khẩu sang Hàn Quốc. “Biết rằng, số lượng thanh long trong dân còn rất lớn, nhưng DN được đối tác đặt hàng với số lượng có hạn nên chúng tôi không thể mua hết lượng hàng cho nông dân được” - đại diện DN này cho biết.
Theo lý giải của nhiều nông dân trồng thanh long và thương lái, có nhiều nguyên nhân khiến thanh long rớt giá thê thảm. Đó là do bị ảnh hưởng đợt nắng nóng vừa rồi nên trái không đẹp. Những ngày qua cũng đang là thời điểm thu hoạch rộ đối với nhiều loại trái cây khác. Ngoài ra, khi vào vụ chính, sản lượng thanh long ở những nơi trồng được cũng rất lớn.
Ông Nguyễn Văn Tám, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Chợ Gạo cho biết, hiện nay thanh long đang vào mùa chính vụ nên việc giảm giá không còn là chuyện lạ. Việc tiêu thụ khó là do nông dân không ký hợp đồng tiêu thụ với DN. Nhu cầu trái thanh long mùa này không nhiều do sản lượng quá lớn và các loại trái cây khác cũng vào mùa.
“Chúng ta không tính lời lỗ trong vụ này được. Bởi thanh long cho trái tự nhiên. Còn đến khi mùa nghịch, người dân xông đèn, chăm, bón… thì tới đó giá cả bao nhiêu mới tính lời, lỗ được” - ông Tám nói. Có thể nói, việc thanh long giảm giá trong thời điểm chính vụ không còn là chuyện lạ. Tuy vậy, việc giá giảm sâu như hiện nay khiến cho nông dân rất lo lắng.
Cần có chiến lược bền vững hơn
Huyện Chợ Gạo là vùng trồng chuyên canh thanh long nổi tiếng ở Tiền Giang với trên 4.000 ha, năng suất bình quân từ 35 - 40 tấn/ha, sản lượng mỗi năm trên 150.000 tấn. Tuy nhiên, hàng năm cứ đến mùa thu hoạch chính vụ, trái thanh long luôn chịu cảnh rớt giá thê thảm.
Trao đổi qua điện thoại, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ cho biết, thời gian qua, phần lớn các loại trái cây của nước ta được tiêu thụ chủ yếu ở dạng thô, ít sản phẩm chế biến và việc xuất khẩu còn hạn chế, do vậy khi bước vào mùa thu hoạch rộ, cung có dấu hiệu vượt cầu làm giá giảm mạnh.
Bên cạnh đó, thị trường tiêu thụ trái cây trong nước ngày càng chịu sự cạnh tranh gay gắt của nhiều loại trái cây ngoại nhập. Đặc biệt, điều khiến nhiều loại trái cây của nội địa có giá quá rẻ còn bởi do yếu tố chất lượng, nhất là khi nhiều nhà vườn chưa quan tâm cải tạo vườn tạp, còn trồng các loại cây ăn trái cho chất lượng trái kém.
“Để nâng cao giá trị trái cây và tránh tình trạng nhiều loại trái cây rớt giá, khó tiêu thụ, đòi hỏi các địa phương phải quan tâm quy hoạch lại việc sản xuất, chế biến và tiêu thụ trái cây; đồng thời tích cực vận động người dân cải tạo các vườn cây ăn trái, mạnh dạn chặt bỏ các vườn cây và giống cây ăn trái kém chất lượng chuyển sang các loại cây trồng có hiệu quả hơn” - GS.TS Võ Tòng Xuân nhấn mạnh.
Xác định lược lợi thế, tỉnh ta đang quy hoạch phát triển vùng thanh long quy mô lớn. Trong tái cơ cấu nền nông nghiệp, tỉnh cũng chọn thanh long làm cây phát triển chủ lực. Ông Nguyễn Thanh Cẩn, Giám đốc Sở NN&PTNT nhấn mạnh: “Trong những loại cây thế mạnh, ngành Nông nghiệp ưu tiên phát triển cây thanh long thành ngành hàng mũi nhọn, phát triển theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao.
Tổng kết Đề án đầu tư phát triển cây thanh long huyện Chợ Gạo, trên cơ sở đó sẽ đề xuất các giải pháp phát triển; đồng thời tiếp tục hướng dẫn áp dụng các quy trình sản xuất tiên tiến, công nghệ cao; sản xuất theo hướng GAP và tổ chức chứng nhận khi đủ điều kiện kết nối với DN; tiếp tục chấn chỉnh công tác quản lý chất lượng giống, tăng cường phòng chống bệnh, giải quyết dứt điểm bệnh đốm nâu trên thanh long. Xây dựng chuỗi giá trị trên cây thanh long”.
Đã có rất nhiều cuộc hội thảo, đối thoại, hội nghị... bàn về vấn đề được gọi là “tam nông” (nông nghiệp, nông dân, nông thôn), “liên kết 4 nhà” (Nhà nước, nhà nông, nhà khoa học và nhà doanh nghiệp)... nhưng rồi tình trạng dư thừa nông sản khi thu hoạch những vụ chính vẫn là vấn đề nan giải; đang là bài toán làm đau đầu nhiều “nhà”... mà chưa có lời giải khả thi! Những gì đang diễn ra chính là hậu quả của việc thiếu đội ngũ DN đầu tư chuyên sâu vào nông nghiệp, thiếu các DN đầu tư bài bản vào chuỗi sản xuất nông sản.
Có thể bạn quan tâm
Theo thống kê của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Si Ma Cai (Lào Cai), hiện người dân trên địa bàn đã đầu tư trồng được gần 7,5 ha cây tam thất.
Gần 1 tháng nay, giá củ sắn (củ đậu) trên địa bàn xã Thường Phước 1, huyện Hồng Ngự, tỉnh Đồng Tháp liên tục rớt giá, từ 2.500 đồng/kg trước đó xuống còn 500 đồng/kg, khiến nhiều nông dân thua lỗ nặng.
Hiện tỉnh Quảng Nam đang bảo tồn và phát triển với hơn 650.000 cây sâm ở nhiều độ tuổi khác nhau. UBND huyện Nam Trà My, tỉnh Quảng Nam vừa thông qua quy hoạch vùng trồng sâm Ngọc Linh giai đoạn 2015 - 2020, quy mô 19.000 ha với tổng mức đầu tư gần 1.300 tỷ đồng.
Theo các nhà vườn trồng tiêu tại Đồng Nai, hiện hạt tiêu đen các đại lý và thương lái đang hỏi mua với giá 186 - 190 ngàn đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 20 ngàn đồng/kg. Sở dĩ vừa thu hoạch xong vụ tiêu 2014 - 2015 mà giá tiêu vẫn cao ngất ngưởng là do nhu cầu sử dụng tiêu của thế giới năm nay tăng cao.
Ngày 4-4, tại TP.Vũng Tàu, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng chống bệnh hại hồ tiêu, với sự tham gia của đại diện 7 tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu thuộc vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, BR-VT, Bình Thuận).