Mô hình tưới thanh long tiết kiệm nước mùa khô hạn
Khát nước từ nông thôn đến thành thị
Trong những ngày này, đi đến đâu chúng ta cũng nghe câu chuyện về thiếu nước sạch sinh hoạt và nước tưới tiêu trong nông nghiệp. Ngay tại trung tâm TP. Phan Thiết, việc tìm nguồn nước để duy trì sự sống cho các cây trồng đang hết sức khó khăn. Đến xã vùng ven Thiện Nghiệp trong những ngày này, chúng ta sẽ dễ dàng cảm nhận tình hình khô hạn hơn cả. Vườn xoài với 20 gốc đang ở độ tuổi cho trái của gia đình ông Đỗ Khắc Hối – thôn Thiện An, xã Thiện Nghiệp hiện đang héo mòn. Cũng thời điểm này năm ngoái, từ vườn xoài này, gia đình ông thu nhập hơn 20 triệu đồng. Thế nhưng hiện nay, ông Hối vẫn chưa hái bán được lứa nào, lý do nắng hạn.
Ở xã Thiện Nghiệp thời gian này, không khó để bắt gặp hình ảnh các cây trồng bị chết khô hoặc phải chặt bỏ vì thiếu nước. Ngay cả nước sinh hoạt cho người dân cũng phải chuyên chở từng can nhựa thì lấy đâu ra nước cho cây trồng. Mùa khô hạn không chỉ diễn ra ở xã vùng ven Thiện Nghiệp mà hầu hết các địa phương sản xuất nông nghiệp ở TP. Phan Thiết đều đang gặp khó. Ngay cả xã gần trung tâm thành phố là Phong Nẫm, tình trạng thiếu nước cho cây trồng cũng đang hết sức căng thẳng. Chùm Bầu - kênh mương dẫn nước từ đập Cà Giang về hai thôn Xuân Hòa, Xuân Phú để phục vụ tưới tiêu nông nghiệp những ngày khô hạn vừa qua cạn trơ đáy. Một, hai cơn mưa rào đầu mùa cũng chỉ giúp lòng kênh bớt hốc nắng và giải quyết tạm thời cháy nắng ở các vườn thanh long dọc kênh.
Vườn thanh long 800 trụ của gia đình ông Nguyễn Văn Trúc – thôn Xuân Phú, xã Phong Nẫm có hơn chục năm tuổi. Trong những ngày nắng hạn cao điểm, nước kênh cạn khiến cây thanh long gần như chết mòn. Với diện tích mặt nước 200 m2, sâu 4,5 m, ao nước gần nhà giúp ông duy trì sự sống cho vườn thanh long. Nói là duy trì bởi lượng nước trong ao cũng chỉ có thể giúp ông tưới những khu vực thanh long đang có trái, số trụ còn lại chỉ tưới được 10 – 20% lượng nước.
Tình trạng thiếu hụt nguồn nước tưới không chỉ diễn ra ở Xuân Hòa mà còn xuất hiện ở tất cả các thôn trong xã Phong Nẫm. Hiện nay, toàn xã có khoảng 110ha canh tác cây thanh long, trong đó khoảng 60% diện tích thanh long được tưới bằng hệ thống nước thủy lợi. Ngoài kênh Chùm Bầu tiếp nước từ đập Cà Giang, thì sản xuất nông nghiệp tại Phong Nẫm còn được hỗ trợ bởi kênh mương nội đồng từ đập Cẩm Hang (Hàm Thuận Bắc). Điểm chung là hệ thống kênh mương này chỉ duy trì nước tưới đến quãng thời gian 2/3 mùa khô, thời gian còn lại người dân hầu như phải “tự bơi”. Ngoài ra, trong số 110ha canh tác cây thanh long ở Phong Nẫm có 40% diện tích thanh long được tưới bằng hệ thống mạch nước ngầm và được canh tác bởi những hộ có diện tích sản xuất nhỏ lẻ. Và các mạch nước ngầm này cũng đang hụt dần.
Để chống khô hạn, vừa qua hộ ông Đỗ Ngọc Thu – thôn Thiện Sơn, xã Thiện Nghiệp đã khoan giếng. Mặc dù khoan hơn 30m nhưng máy khoan chỉ gặp toàn đất với đá. Để cứu cho vườn xoài của gia đình và tìm kiếm nguồn nước sinh hoạt, ông Thu đào thêm 2 giếng nước, với độ sâu gia tăng nhưng nguồn nước vẫn là vô vọng. “Gia đình tôi giờ cũng chưa biết xoay xở đâu ra nguồn nước để sinh hoạt và tưới tiêu. Cái giếng đầu tiên mình đào hơn 20m, có chút nước rồi ngưng. Tôi khoan tiếp 2 cái nữa đều trên 30m nhưng cũng không có nước, chỉ toàn gặp đá” - ông Đỗ Ngọc Thu nói.
70% lượng nước tưới bị lãng phí
Biện pháp tưới phổ biến cho thanh long được nông dân sử dụng hiện nay là tưới gốc. Đây là kỹ thuật dùng máy bơm áp lực cao bơm vào đường ống và người lao động cầm ống tưới từng gốc cây. Với cách tưới thủ công cầm tay như thế này thì mức tiêu hao nước khoảng 4.800 – 5.200m3 nước/ha/năm. Trong khi đó, lượng nước thẩm thấu vào lòng đất chỉ đạt khoảng 30%. Bên cạnh đó người dân khi tưới thủ công cho cây thanh long theo phương pháp tưới phun cầm tay thường làm cho đất bị bão hòa nước, tạo ra dòng chảy mặt, dẫn đến đất bị rửa trôi các chất màu mỡ hoặc hóa lầy sau khi tưới. Như vậy, việc sử dụng nước bị tiêu hao gây bất lợi cho sản xuất nông nghiệp.
Trở lại với câu chuyện những vườn thanh long thiếu nước tại xã Phong Nẫm, ngay giữa những ngày nắng hạn này, 180 trụ thanh long của bà Nguyễn Thị Vang ở thôn Xuân Phú vẫn xanh mượt cho dù lượng nước tưới dự trữ không nhiều hơn các hộ khác. Và sự khác biệt đến từ hệ thống tưới nhỏ giọt. Đây là vườn thanh long duy nhất tại Phong Nẫm áp dụng công nghệ tưới nhỏ giọt sử dụng dây Microdrip của Israel. Bà Vang cho biết, mô hình tưới nước tiết kiệm được bà áp dụng từ năm 2012.
“Qua thời gian theo dõi, tôi nhận thấy công nghệ này giúp vườn thanh long nâng cao năng suất cây trồng từ 25 - 50% so với cách tưới truyền thống trước đây. Tưới nhỏ giọt thì nước được tưới đều cả khu đất và nông dân có thể tưới nhiều lần trong ngày, giảm được từ 40 - 60% lượng nước tưới hoang phí, tiết kiệm từ 40 - 60% chi phí điện để chạy máy bơm nước, do thời gian tưới ngắn hơn.
Giá đầu tư thiết bị hiện nay bình quân khoảng 50.000 đồng/trụ, cũng khá cao nhưng nếu tính toán kỹ thì chấp nhận được khi lợi công, tiết kiệm điện và nước bơm tưới…” - bà Nguyễn Thị Vang chia sẻ. Được biết, hệ thống tưới nhỏ giọt bằng dây Microdrip của Israel, ngoài tưới nước còn có thể sử dụng để bón phân cho cây thanh long. Riêng việc sử dụng thiết bị châm phân trực tiếp vào hệ thống tưới đã tiết kiệm từ 30 - 40% lượng phân bón. Ngoài ra, trong điều kiện bình thường, việc tưới phun vào buổi sáng sớm cũng như chiều tối còn hạn chế được nhiều loại sâu hại, giúp nông dân hạn chế sử dụng thuốc bảo vệ thực vật mà chất lượng sản phẩm vẫn cao hơn.
Tại Bình Thuận, ngoài công nghệ tưới nhỏ giọt sử dụng dây Microdrip của Israel, nhiều vườn thanh long đã áp dụng nhiều mô hình tưới tiên tiến khác như: tưới nhỏ giọt ngầm, tưới phun mưa và tưới phun sương. Trong số này, dự án tưới tiết kiệm nước cho cây thanh long bằng hệ thống tưới phun mưa của Trung tâm Khuyến nông – Khuyến ngư Bình Thuận thực hiện tại xã Hồng Sơn (Hàm Thuận Bắc) được Trung tâm Khuyến nông Quốc gia đánh giá cao. Dự án này tiết kiệm 50 – 60% lượng nước tưới so với cách tưới truyền thống, giảm chi phí tiền điện, công tưới và không cần ủ rơm cho gốc thanh long. Thực tế qua áp dụng các mô hình tưới nước tiết kiệm nói chung đã và đang mang lại hiệu quả khá khả quan, được biểu hiện trên các mặt: Quản lý dinh dưỡng cây trồng, tiết kiệm nước, tiết kiệm phân bón, tăng năng suất, tăng chất lượng, giảm phòng trừ cỏ dại, giảm nấm bệnh, giảm ô nhiễm môi trường, cơ giới hóa sản xuất hàng hóa quy mô lớn…
Trong những ngày cao điểm mùa khô này, hầu như nhiều địa phương trong tỉnh đang phải gồng mình chịu hạn. Do vậy, việc thay đổi cách tưới truyền thống (trung bình lãng phí 70% lượng nước) để chuyển đổi sang những mô hình tưới tiết kiệm là việc nên làm và cần làm ngay, để góp phần cùng Nhà nước chắt chiu nước tưới tiêu cho thanh long.
Có thể bạn quan tâm
Theo báo cáo của Chi cục Thú y Hà Tĩnh thì từ đầu tháng 8 đến nay phát hiện tôm chết hàng loại do dịch bệnh đốm trắng do vius và hội chứng gan tụy của 138 hộ nuôi tại 6 xã của huyện Kỳ Anh và xã Xuân Yên ở huyện Nghi Xuân.
Phát huy lợi thế đồi rừng, gần đây, nhiều hội viên nông dân trên địa bàn xã Yên Phú (Hàm Yên, Tuyên Quang) đã phát triển nhiều giống cây trồng, vật nuôi có giá trị đáp ứng nhu cầu thị trường, trong đó có mô hình chăn nuôi lợn đen lai lợn rừng của bà con nông dân thôn 7 Thống Nhất.
Anh Trần Văn Hùng - Chủ tịch UBND xã Long Hậu, huyện Lai Vung, tỉnh Đồng Tháp cho biết, hiện các vườn quýt trên địa bàn xã đang bước vào đợt hái tuyển trái non.
Những năm qua, ở Bạc Liêu, mô hình luân canh tôm - lúa được nông dân các vùng chuyển đổi của tỉnh như Phước Long, Hồng Dân... áp dụng rất thành công. Mô hình này được khẳng định là hướng sản xuất bền vững, góp phần làm ổn định sinh thái đồng ruộng, cải thiện thu nhập cho nông dân.
Hiện rải rác ở các tỉnh Bến Tre, Tiền Giang, Vĩnh Long... cá tai tượng nuôi đang gặp phải dịch bệnh chết hàng loạt. Quan sát thực tế cho thấy đa số cá trước khi chết thường bơi lờ đờ trên mặt nước, có những đốm loét ở miệng, mang và đuôi, bụng trướng nước, mật sưng to