Khánh Vĩnh phát triển cây mít nghệ

Những ngày này, đến thăm vườn của ông Trần Được (thôn 6, xã Khánh Nam) đã nghe hương mít sực nức khắp vườn. Ông Được cho biết, vườn của ông là một trong những điểm đầu tiên trồng mít nghệ tại huyện Khánh Vĩnh. Năm 2010, ông thay thế vườn chanh già cỗi bằng vườn mít với hơn 300 gốc. Vườn mít cho quả từ năm ngoái với sản lượng 10 tấn, dự kiến năm nay đạt 15 tấn. Với giá bán bình quân 8.000 đồng/kg thu mua tại chỗ, ông sẽ thu nhập khoảng 120 triệu đồng.
Theo ông Được, thổ nhưỡng tại Khánh Vĩnh thích hợp với nhiều loại cây, trong đó có mít nghệ. Cây mít nghệ dễ trồng, phát triển ổn định, ít sâu bệnh. Tuy nhiên, thời kỳ mít ra hoa, đậu trái, cần chăm sóc kỹ bằng cách phun thuốc bảo vệ thực vật định kỳ, bón phân, tưới nước, nếu không trái sẽ bị nhỏ. Ngoài cây mít, ông còn trồng xen nhiều loại cây khác như: sầu riêng, chôm chôm, xoài, bưởi da xanh… Thu nhập từ làm vườn cho gia đình ông khoảng 200 triệu đồng/năm. Ông Được cho hay, nghề làm vườn cần nhiều vốn; thế nhưng hiện nay, việc vay vốn của nông dân vẫn còn khó…
Thời gian này, vườn mít nghệ của ông Cao Việt (thôn Giang Mương, xã Khánh Phú) cũng bắt đầu cho trái. Tuy vườn mít của ông cành, gốc còn bé nhưng quả đã trĩu nặng. Ông Việt cho biết, cách đây 4 năm, ông chuyển 1ha đất trồng mía kém hiệu quả sang trồng mít nghệ. Ông được Bộ Chỉ huy Quân sự tỉnh hỗ trợ 100 gốc; 200 gốc còn lại ông dành dụm vốn để mua dần. Ông Việt hy vọng, khi vườn mít đi vào thu hoạch ổn định, mỗi năm gia đình sẽ có vài chục đến khoảng một trăm triệu đồng.
Lãnh đạo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện cho biết, cây mít nghệ được phát triển gần đây với tổng diện tích khoảng 30ha, rất thích hợp với điều kiện canh tác ở miền núi bởi khả năng chịu hạn cao, có thể phát triển trên vùng gò đồi, hạn chế nước tưới. Hiện nay, các xã: Khánh Phú, Sông Cầu, Khánh Nam, Khánh Thượng, Khánh Đông… đang phát triển mạnh, đặc biệt là giống mít Thái lá bàng…
Theo ông Lê Văn Hùng - Phó Trưởng trạm Khuyến nông huyện, cây mít nghệ có thể trồng ở các vùng đất khô hạn, nghèo dinh dưỡng; mít sớm ra trái, năng suất cao, có thị trường tiêu thụ ổn định, có thể trồng xen vào vườn cam, quýt, tiêu, cà phê… để tăng thu nhập. Năm 2015-2016, huyện phối hợp với Sở Khoa học và Công nghệ thực hiện đề tài “Đánh giá hiệu quả kinh tế của cây mít nghệ tại huyện Khánh Vĩnh”. “Đây là đề tài cấp cơ sở. Trên cơ sở tham vấn các mô hình có sẵn của nông dân, đề tài sẽ nghiên cứu quá trình sinh trưởng, phát triển, thích nghi với sâu bệnh, năng suất, thị trường và một số yếu tố khác của cây mít nghệ, qua đó đề xuất hướng phát triển trên địa bàn huyện” - ông Hùng nói.
Hiện nay, khả năng nhân rộng của cây mít nghệ ở Khánh Vĩnh khoảng 300 - 500ha. Huyện đã phê duyệt Đề án phát triển cây ăn quả chủ lực. Theo đó, mít nghệ là 1 trong 4 loại cây ăn quả định hướng (mít nghệ, bưởi da xanh, sầu riêng, xoài). Tuy nhiên, cái khó hiện nay là nguồn vốn hỗ trợ cho chương trình. Mọi nguồn lực đều dựa vào nguồn kinh phí hỗ trợ phát triển sản xuất của tỉnh thông qua Chương trình xây dựng nông thôn mới. Vì thế, khả năng nhân rộng còn hạn chế. Bên cạnh đó, tuy là cây ăn quả có khả năng chịu hạn nhưng mít nghệ vẫn cần nước, nhất là lúc cây đi vào thời kỳ cho quả ổn định. Được biết, vừa qua, tại xã Khánh Trung, người dân đã phải đào giếng để lấy nước tưới vườn với chi phí cho một giếng khoan khoảng 20 - 25 triệu đồng. Đây là một thách thức trong chương trình phát triển cây ăn quả chủ lực của huyện, trong đó có cây mít nghệ.
Có thể bạn quan tâm

Krông Pa là huyện có khí hậu nắng nóng quanh năm nhưng lại sở hữu điều kiện thuận lợi để phát triển chăn nuôi dê. Hiện nay, đàn dê ở Krông Pa được coi là lớn nhất tỉnh Gia Lai, trên chín ngàn con. Bởi vậy, nơi đây nhiều người biết đến như là “xứ sở ngàn dê”. Và thịt dê trở thành món không thể thiếu trong những lúc nhâm nhi và trong cả ngày Tết của người dân vùng này.

Năm 2007, sau khi dự lớp tập huấn chăn nuôi bò sữa do Hội Nông dân xã tổ chức và tham quan các trại nuôi bò ở TP. Hồ Chí Minh, chị Mạch Thị Trường Xuân (ngụ ấp Tân Tỉnh A, xã Tân Mỹ Chánh, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) đã quyết định chuyển hướng từ nuôi heo, bò thịt sang nuôi 5 con bò sữa.

Theo đó, Bộ yêu cầu các địa phương chủ động sử dụng ngân sách dự phòng phục vụ công tác phòng chống đói, rét cho vật nuôi. Đồng thời, chỉ đạo các cơ quan chuyên môn hướng dẫn người chăn nuôi dự trữ thức ăn và kỹ thuật phòng chống rét cho gia súc. Đặc biệt, sở NN&PTNT phối hợp với các đoàn thể kiểm tra việc thực hiện các biện pháp phòng chống đói, rét cho trâu bò đến từng thôn bản và hộ gia đình.

Từ nhiều năm nay, gia đình ông Nguyễn Văn Thảo, thôn Phù Dực 2, xã Phù Đổng có thu nhập chính từ chăn nuôi bò sữa. Hiện tại gia đình ông đang nuôi 4 con bò, cho khai thác 50kg sữa/ngày. Ông Thảo cho biết, thời gian gần đây, trạm thu gom sữa thông báo và cắt giảm sản lượng sữa mua từ các hộ dân. Cứ 2 - 3 ngày, nhà ông Thảo lại bị "cắt" khoảng 7 - 8kg sữa. Số sữa "ế" này, gia đình ông phải quay sang làm sữa chua hay uống tươi, nhưng cũng không sử dụng hết.

Thời gian gần đây, tại huyện miền núi Khánh Sơn (Khánh Hòa), một số loại cây trồng mới đã được đưa vào trồng thử nghiệm. Hiện cây macca, bơ Booth đang sinh trưởng và phát triển tốt, cây quýt đường cho hiệu quả kinh tế cao.