Chọn Và Thả Tôm Sú Giống Ở Bến Tre
Không riêng gì Bến Tre, việc nuôi tôm sú công nghiệp ở đâu cũng đòi hỏi các khâu đều phải thực hiện nghiêm ngặt. Theo kỹ sư Lê Văn Bảnh, cán bộ kỹ thuật Trung tâm khuyến ngư tỉnh: "Trong điều kiện như nhau, thì khâu con giống giữ vai trò quyết định dẫn đến thành công hay thất bại".
Theo anh, tôm sú nuôi công nghiệp có thể bị nhiễm bệnh thông qua mấy con đường: Thức ăn, điều kiện vệ sinh, cơ sở sản xuất và từ tôm bố mẹ. Ðể có đàn tôm sú giống tốt, thì tôm bố mẹ là yếu tố quan trọng. Hiện nay, để có tôm bố mẹ vẫn là từ nguồn tự nhiên. Tiêu chuẩn một con tôm bố mẹ tốt vẫn còn theo "mắt thường". Ðó là tôm cái có trọng lượng phải từ 180 gram trở lên, tôm đực trên 800 gram.
Khi bắt được tôm, thì đưa về bể nuôi thích hợp, không bị tổn thương, bộ sinh dục ngoài hoàn chỉnh, mầu sắc tươi sáng, tự nhiên. Trước khi đưa vào bể thì rửa sạch bằng thuốc, gọi là "tắm tôm" từ một đến hai phút. Sau đó tách riêng con yếu, làm dấu và cho vào bể nuôi cho đẻ.
Ðể biết được giống tôm sú tốt, có mấy phương pháp: Phương pháp cảm quan là chọn đàn tôm giống đồng đều, nghĩa là độ chênh lệch không quá 15%, chiều dài phải lớn hơn 11 mm. Dùng tay gõ nhẹ thành đựng tôm con, nếu tôm phản ứng nhanh nhẹn thì đàn tôm đó khỏe. Một động tác nữa có thể thực hiện được, đó là khi thả tôm giống vào thau, dùng tay khuấy đều, tôm khỏe thì bơi ngược dòng nước và bám chung quanh thành thau, tôm yếu sẽ gom lại giữa.
Phương pháp trực quan là thông qua kính hiển vi hoặc kính lúp. Phương pháp này có tác dụng xem con tôm sú giống có thịt nhiều hay ít, đầy vỏ hay không. Ngoài ra, phương pháp này còn kiểm tra ấu trùng có bị nhiễm ký sinh hay không, có bị tổn thương hay bị ngoại tử một cách cục bộ như râu, chân, bụng, vùng quanh nách, mang và bề mặt của vỏ tôm giống.
Phương pháp làm thay đổi đột ngột môi trường nước để kiểm tra khả năng chịu đựng của con tôm giống. Phương pháp này có hai cách.
Cách thứ nhất, là chọn ngẫu nhiên những con tôm giống trong những bể mà ta ưng ý. Bắt khoảng 100 con tôm giống trong các bể đã chọn, bỏ vào 10 lít nước trong bể ươm ấu trùng có pha dung dịch Formol (nồng độ 200 ppm), trong 2 giờ, nếu như lượng tôm này mà chết không quá 5 con thì đàn tôm đạt yêu cầu. Cách thứ hai, là hạn độ mặn.
Thông thường độ mặn trong bể ươm dao động từ 28 đến 30%o. Làm giảm độ mặn bằng cách lấy 20 lít nước trong bể, đổ thêm 5 lít nước ngọt, sau đó bỏ tôm vào trong 2 giờ, nếu tôm chết không quá 15% thì đạt yêu cầu.
Phương pháp kiểm tra bằng ống thí nghiệm. Ðây là phương pháp chọn đàn tôm mẫu, đem về phòng thí nghiệm để kiểm tra một số bệnh như bệnh đầu vàng, bệnh đốm trắng, bệnh còi. Nghĩa là đến các cơ sở sản xuất tôm giống lấy mẫu, chuyển đến cơ sở kiểm nghiệm.
Hiện nay, ở Bến Tre có ba phòng kiểm tra ở Chi cục bảo vệ quyền lợi của Trung tâm khuyến ngư và hai huyện Bình Ðại và Thạnh Phú. Người nuôi cần thì đến các nơi này sẽ được cán bộ giúp đỡ.
Việc chọn đàn tôm sú giống có chất lượng cũng nên chọn những cơ sở sản xuất có uy tín. Ngoài các tiêu chuẩn cần có, cần chú ý đến cơ sở đó chỉ cho ra đàn tôm F1, nghĩa là ấu trùng có được từ 1 đến 4 lần đầu của một con tôm mẹ. Sau lần lột xác mà cho đẻ thì ấu trùng kém chất lượng.
Cũng cần chú ý đến môi trường nuôi tôm bố mẹ. Nên chọn những trại sử dụng các chế phẩm sinh học là tốt hơn. Chọn tôm giống từ một con tôm mẹ đẻ ra, tránh tình trạng nhiều con tôm mẹ cho đẻ chung một bể, vì như vậy chất lượng ấu trùng sau này sẽ không đồng đều và độ kháng của tôm thấp.
Thời điểm thả tôm cũng cần kiểm tra lại độ mặn của nước trong ao, bằng thủy trọng kế hay khúc sạ kế. Có thể đem mẫu nước của ao nuôi đến cơ sở sản xuất giống, độ chênh lệch tốt nhất là không quá 5%o.
Mật độ thả nuôi trong ao là vấn đề cần quan tâm. Thông thường nuôi công nghiệp từ 15 đến 30 con/m2 là tốt nhất. Khi thả tôm giống nên thả lúc sáng sớm, trời mát, tránh thả lúc trời nắng, đang mưa hoặc sắp mưa. Khi thả tôm nên dùng thau, rồi từ đó đổ túi đựng tôm ra thau, múc nước trong ao pha thêm rồi thả từ từ xuống ao.
Không nên thả trực tiếp từ túi đựng tôm xuống ao, làm như vậy dễ bị nhiễm mầm bệnh dính chung quanh bao trong quá trình vận chuyển xuống ao. Thả tôm nên thả nhiều điểm trong ao. Tỷ lệ cho ăn nên xác định tỷ lệ sống của tôm giống.
Cách xác định là trong lúc thả, trong ao nên có một cái vèo vuông có cạnh 1 m, sâu 1,5 m thả cùng mật độ với bên ngoài, sau 10 đến 20 ngày kiểm tra lại để biết tỷ lệ tôm còn sống trong ao mình. Từ đó tính đến tỷ lệ thức ăn cho mỗi lần cho ăn.
Có thể bạn quan tâm
Trong nuôi tôm, ít người chú ý đến kỹ thuật thả tôm vì đơn giản họ nghĩ rằng thả tôm như thế nào cũng không ảnh hưởng đến sự sống của tôm. Thực tế không phải như vậy, kỹ thuật thả tôm rất quan trọng đến sự thích nghi và sức khỏe của tôm sau khi được chuyển từ môi trường này đến môi trường khác.
Khi tôm mới nhiễm virus MBV, dấu hiệu bệnh không biểu hiện rõ ràng. Khi tôm nhiễm bệnh nặng và phát bệnh thường có biểu hiện một số dấu hiệu sau: Tôm có màu tối hoặc xanh tái, xanh xẫm. Tôm kém ăn, hoạt động yếu và sinh trưởng chậm (chậm lớn)
Bệnh phát sáng xuất hiện quanh năm trên các loài tôm sú, thẻ, càng xanh... Bệnh có thể xảy ra trong tất cả các giai đoạn ương nuôi từ trứng đến tôm trưởng thành. Bệnh phát triển mạnh trong môi trường nước giàu dinh dưỡng, nhiều chất hữu cơ ở độ mặn cao, thiếu oxy hòa tan, lây lan nhanh trong mùa nóng
Bệnh đen mang là bệnh thường gặp ở tôm nuôi trong các ao nuôi có môi trường không tốt, mật độ nuôi dày. Mang và vùng mô nối mang với thân tôm có màu nâu hoặc đen. Khi nhiễm nặng các phụ bộ, chân và đuôi cũng bị đen. Tôm nổi đầu do thiếu oxy, bơi lờ đờ trên mặt nước, dạt vào bờ
Trong nuôi tôm, màu nước nuôi rất quan trọng. Có màu nước lợi cho tôm và cũng có màu nước lại gây hại cho tôm. Vì vậy người nuôi tôm cần nắm vững quy luật thay đổi màu nước. Bản chất của màu nước được định lượng bằng hàm lượng các chất hữu cơ và vô cơ chứa trong nước.