Nguyên Nhân Tôm Sú Chết Tại Xuân Trường (Nam Định) Vụ Nuôi 2006
Vụ nuôi tôm sú 2006 tại hai xã Xuân Vinh, xuân Hòa huyện Xuân Trường được kỳ vọng rất nhiều, nó cũng là nỗi lo canh cánh của những người dân một nắng hai sương nơi đây. Rồi đột nhiên tôm chết, chỉ trong khoảng 1 tháng (từ cuối tháng 4 đến cuối tháng 5), tỷ lệ số lượng ao nuôi tôm bị chết lên tới 90-95%.
Vụ thất thu này là sự mất mát quá lớn đối với người nuôi tôm nơi đây, có những gia đình thua lỗ tới cả tỉ bạc sau vài năm nuôi tôm không thành công. Có nhiều nguyên nhân gây dẫn đến tôm nuôi bị chết, trong nghề nuôi trồng thủy sản ai cũng biết đó là do môi trường nuôi, bệnh, chất lượng con giống, thức ăn và ...
Để trả lời cho câu hỏi đâu là nguyên nhân của tôm chết hàng loạt, chúng tôi đã tìm hiểu thực tế và đi sâu phân tích một số nguyên nhân chính ảnh hưởng trực tiếp tới sự thành công hay thất bại của một vụ nuôi như sau: Đó là yếu tố Vị trí địa lý và môi trường vùng nuôi, quản lý vùng nuôi, dịch bệnh, khí hậu thời tiết và môi trường ao nuôi v.v. Đặc biệt là biến đổi của khí hậu thời tiết đầu vụ nuôi .
1. Những bất lợi về vị trí địa lý và môi trường:
Vùng nuôi Xuân Trường không tiếp giáp với biển nhưng có sông Sò chảy qua, sông là một nhánh nhỏ của sông Hồng chảy ra biển và nó là gianh giới tự nhiên giữa huyện Xuân Trường và Giao Thủy, khu vực ven sông phía hạ lưu chịu ảnh hưởng của thủy triều và nước mặn từ biển nên khu vực này có tiềm năng phát triển nuôi trồng thủy sản nước lợ khá lớn.
Hai xã Xuân Vinh và Xuân Hòa nằm cạnh sông Sò và cách biển chừng 14 - 16km, được tỉnh và địa phương đầu tư chuyển đổi từ trồng lúa sang nuôi tôm công nghiệp từ năm 2003, diện tích khoảng 102 ha. Vị trí khu nuôi được xây dựng trên vùng cao triều, nguồn nước cấp được lấy trực tiếp từ sông Sò.
Đặc điểm của sông Sò: Sông nhỏ, độ sâu thấp, dòng chảy chậm, nước thường xuyên đục, độ mặn thấp do ảnh hưởng của nước ngọt. Nước sông lên xuống phụ thuộc thủy triều nên việc chủ động lấy nước vào khu nuôi gặp khó khăn. Hệ thống kênh cấp và thải hoàn chỉnh và riêng biệt, nhưng kênh thải lại xả nước trực tiếp ra sông, ngay gần cống cấp (nước thải của ao nuôi không qua xử lý), gây ô nhiễm cho nguồn cấp tại chỗ và các khu nuôi khác. Mặt khác nó lại chịu ảnh hưởng nước thải từ các khu nuôi khác thải ra tương tự. Ngoài ra phía thượng lưu còn có nhà máy chế biến thủy sản đông lạnh, (thuộc huyện Giao Thủy) chất thải của nhà máy được đổ trực tiếp vào sông.
Nền thổ nhưỡng khu nuôi có kết cấu chủ yếu là cát bùn, tỷ lệ khoảng 1/1. Dễ gây màu nhưng nước thường xuyên đục, thích hợp cho vi sinh vật đáy và mầm bệnh phát triển. Không thích hợp cho nuôi tôm sú vì môi trường đáy phù hợp phải là đáy cát.
Mực nước các ao nuôi đều thấp, có ao chỉ khoảng 70 cm, trung bình từ 80 – 90cm. Mực nước ao thấp cũng do người nuôi chủ động giảm thấp để gây màu trong thời gian 1 tháng đầu. Nhưng mức nước cấp đầy tối đa cũng chỉ được 120cm và rất khó duy trì (do khu nuôi ở vùng cao triều nên cao trình đáy khá cao so với mực nước biển).
2. Quản lý vùng nuôi và kết quả nuôi tôm sú từ 2003 đến 2006
Cả hai xã đều không thiết lập được cơ chế điều hành có hiệu quả từ xã, hợp tác xã xuống các hộ nuôi, cán bộ chuyên trách ít kinh nghiệm và không được đào tạo sâu về thủy sản. Mặt khác người nuôi với cách nghĩ thiển cận nên mạnh ai nấy làm, có gia đình các năm trước còn thuê kỹ sư nuôi về làm chuyên gia, tư vấn riêng. Cấp trên như Sở Thủy sản Nam Định, Phòng nông nghiệp và phát triển nông thôn huyện Xuân Trường có quan tâm nhưng không thể quán xuyến hết.
Nhận thức của người nuôi còn hạn chế, đa số không chú trọng tới việc kiểm tra môi trường ao nuôi và dịch bệnh. Nguồn giống được mua từ nhiều địa phương khác nhau, hầu hết không qua kiểm dịch về bệnh.
Ao nuôi khi bị bệnh, mặc dù xác định là bị nhiễm virut Đốm trắng nhưng người nuôi không chủ động xử lý tôm bệnh và môi trường nước ao triệt để, thay vào đó họ còn vô tình hoặc cố ý xả nước từ ao bị bệnh ra kênh thải khu nuôi, dẫn tới dịch bệnh lây lan khắp vùng.
Tính đến năm 2006, khu nuôi này đã nuôi tôm sú được 4 năm (4 vụ). Năm đầu tiên nuôi thành công, nhưng từ năm thứ hai trở đi tôm nuôi bắt đầu chết, số hộ nuôi bị chết tăng dần theo các năm. Theo thống kê của hai xã, năm 2004 có khoảng 40-50% số ao nuôi bị chết, năm 2005 có 60-70% và năm nay có 90-95% số ao nuôi tôm bị chết.
Nguyên nhân do nhiều yếu tố tác động như: Khí hậu thời tiết, môi trường ao nuôi, nguồn giống, chăm sóc, thức ăn... Trong đó phải kể tới yếu tố môi trường và bệnh, đặc biệt là bệnh đốm trắng, trong các ao nuôi đã xác định được bệnh Đốm trắng bằng cảm quan và bằng test kiểm tra nhanh.
3. Vấn đề dịch bệnh
Bệnh đốm trắng đã xuất hiện tại đây từ năm nuôi thứ hai, do khâu xử lý bệnh không triệt để nên mầm bệnh còn tồn tại dai dẳng từ đó đến nay và gây hậu quả nghiêm trọng cho những vụ sau. Ngoài ra còn gặp các bệnh khác như: Bệnh MBV, Đầu vàng, Sinh vật bám (SVB)....
Thông thường tôm sú nuôi ở miền Bắc, phải sau từ 2 – 3 tháng nuôi bệnh Đốm trắng mới phát triển. Năm 2006 do điều kiện thời tiết khí hậu khắc nghiệt, nên bệnh Đốm trắng đã xuất hiện sớm hơn, tuy nhiên bệnh không phải là nguyên nhân ban đầu, không phải là nguyên nhân chính làm tôm chết hàng loạt, bệnh Đốm trắng tuy có phát hiện nhưng mới chỉ ở mức độ cảm nhiễm nhẹ hoặc có những mẫu tôm không phát hiện được bệnh. Tôm chết chủ yếu do điều kiện môi trường xấu, thay đổi bất lợi, làm tôm nuôi bị sốc và chết, bệnh chỉ là nhân tố cơ hội.
Kết quả kiểm tra mẫu bệnh của Nhiệm vụ quan trắc ngày 4/5/2006 cho thấy: Tại xã Xuân Vinh kiểm tra 10 ao nuôi, tôm chủ yếu bị nhiễm MBV và Sinh vật bám (SVB), Bệnh Đốm trắng, Đầu vàng không phát hiện. Xã Xuân Hòa kiểm tra 7 ao nuôi, đa số bị nhiễm MBV và SVB tuy nhiên cả 7 ao đều phát hiện bệnh Đốm trắng. Bệnh Đầu vàng không phát hiện. Các bệnh về Nấm, Vi khuẩn, Vibrio tổng số, Vi khuẩn tổng số cả hai xã đều có tỷ lệ nhiễm nhẹ hoặc không bị nhiễm .
Trên thực tế có nhiều ao nuôi, tôm chết hết sau vài ngày (5-7ngày), khi kiểm tra bằng cảm quan, có phát hiện dấu hiệu bệnh đốm trắng trên giáp đầu ngực. Nhưng có những ao tôm chết không hết, trong ao vẫn còn một số lượng nhỏ (ao Ông Năm, xuân Vinh có 3 ao), và không phát hiện được dấu hiệu của bệnh Đốm trắng.
4. Khí hậu thời tiết và Môi trường ao nuôi
Khí hậu thời tiết miền Bắc diễn biến rất phức tạp và ảnh hưởng nhiều tới mùa vụ cũng như kết quả nuôi tôm sú. Vụ nuôi tôm sú miền Bắc thường bắt đầu sau tiết Thanh Minh, thời điểm này vào khoảng cuối tháng 3 đầu tháng 4 dương lịch hàng năm, lúc này thời tiết đã xang mùa hè, những đợt nắng nóng đầu mùa bắt đầu xuất hiện, thời tiết cự kỳ nắng nóng và khó chịu.
Gió mùa đông bắc thường kết thúc muộn và kéo dài tới tận thời điểm này, năm nay giữa tháng 5 dương lịch, (13/5) Bắc Bộ vẫn còn chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh khá mạnh, Người nuôi tôm miền Bắc rất sợ những đợt gió mùa đông bắc về muộn, có cường độ mạnh trong tháng 4 và 5, làm nhiệt độ thay đổi đột ngột, giảm mạnh trong thời gian ngắn. Theo kinh nghiệm dân gian, thường các năm có 2 tháng nhuận Âm lịch, thì gió bắc thường kết thúc muộn và nuôi tôm sú rất khó khăn, năm nay nhuận tháng 7 âm lịch.
Gió bấc heo may, gió Đông nồm (gió thổi từ phía chính đông) do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, của bão gần bờ cũng là nỗi ám ảnh đối với người nuôi. Nếu thời gian ảnh hưởng tới vùng nuôi ngắn khoảng 3-4 ngày, thì môi trường và tôm nuôi ít bị ảnh hưởng, khả năng tôm hồi phục nhanh. Nhưng thời gian ảnh hưởng kéo dài thì hậu quả khôn lường.
4.1. Diễn biến phức tạp của thời tiết trong vụ nuôi tôm năm 2006 tại Bắc bộ như sau:
• Không khí lạnh kết hợp với trời mưa
Ngày 28/4 không khí lạnh ảnh hưởng đến khí hậu miền Bắc. Trước đó là những ngày nắng nóng kéo dài, buổi chiều cùng ngày Thanh Hóa, Nam Định mưa rất to đến tận 17h chiều. Trời trở lạnh đột ngột, theo số liệu của Nhiệm vụ quan trắc cho thấy: Nhiệt độ nước ao nuôi có sự biến đổi lớn khoảng 7-10oC chỉ trong một ngày đêm: Sáng ngày 28/04 là 29,4oC, đến sáng ngày 29/04 nhiệt độ chỉ là 23,9oC), ban đêm nhiệt độ nước ao nuôi còn xuống thấp hơn nữa. (nhiệt độ nước phù hợp cho tôm sú là 25-33oC). Đây là thời điểm thời tiết bất lợi đầu tiên trong vụ nuôi tôm năm 2006, tôm nuôi đã chết rải rác sau khi trời mưa.
• Đợt nắng nóng tiếp theo
Sau đợt không khí lạnh trên, ngày 03/05 Miền Bắc chịu một đợt áp thấp nóng lục địa và xuất hiện một đợt nắng nóng mới, nhiệt độ không khí ở Đông Bắc Bộ tăng cao từ 34 - 35oC....
• Không khí lạnh kết hợp với bão Chan Chu
Đêm 12 ngày 13/5, Bắc Bộ lại chịu ảnh hưởng của đợt không khí lạnh nữa, hình thái thời tiết: Ngày nắng nóng, chiều và tối có mưa rào và giông, trời trở mát, lạnh về đêm. Nhiệt độ không khí Bắc Bộ từ 24 - 36 độ C, ... Kiểu thời tiết này diễn ra trong vòng 2 đến 3 ngày liền ảnh hưởng rất xấu tới nhiệt độ nước ao nuôi.
Bão Chan Chu là cơn bão mạnh ngoài khơi, với sức gió mạnh và hoàn lưu rộng, kết hợp với đợt không khí lạnh từ ngày 12/05 – 16/05 tạo ra một kiểu thời tiết mát mẻ ở Bắc Bộ, Gió bắc và gió heo may của cơn bão kéo dài từ ngày 12/05 đến tận 20/05 ( 7- 8 ngày).
Trận mưa sau bão Chan chu cướp đi hy vọng cuối cùng của người nuôi tôm, làm cho tỷ lệ ao nuôi tôm chết khoảng 90-95%. Tuy nhiên vẫn còn một số ao nuôi, tôm vẫn khỏe và phát triển bình thường. Nhà ông Phức, Bí thư Đảng ủy xã Xuân Vinh còn 3 ao nuôi tôm su, ông Nhung 2 ao, ông kỷ 1 ao, ông Hạnh... và ông Thiếu xã Xuân Hòa hộ duy nhất còn sót 2 ao.
Tại HTX NTTS Hòa Bình, khu Năm Hòa, Xã Giao Lâm, huyện Giao Thủy, Nam Định, diện tích khu nuôi khoảng 16 ha, sau trận mưa này hầu như tôm bị chết hết, trước đó các ao nuôi tôm vẫn khỏe và chỉ chết lác đác. Sở thủy sản Nam Định kiểm tra test Đốm trắng 3 ao, thì 2 ao bị nhẹ và 1 ao không bị. Đặc điểm khu nuôi này là khu chuyển đổi từ đồng muối sang nuôi tôm (được 3 vụ), độ sâu mực nước thấp, đáy ao chứa phèn...nền đáy cát, nguồn nước lấy trực tiếp từ biển. Nhưng nguồn cấp và thoát dùng chung.
4.2. Tác động của thời tiết đối với môi trường ao nuôi
• Tác động của thời tiết nắng nóng: Nhiệt độ cao tạo điều kiện cho quá trình phân hủy yếm khí các chất hữu cơ trong ao nuôi, đặc biệt ở đáy ao, tạo ra nhiều khí độc tích tụ ở đáy (khoảng 20cm trong lớp bùn đáy). như H2S, CH4.... Do pH, nhiệt độ cao và ổn định nên H2S không thể giải phóng vào môi trường nước được.
• Tác động của không khí lạnh, áp thấp nhiệt đới và bão Người nuôi tôm miền Bắc rất sợ những đợt gió mùa đông bắc về muộn, có cường độ mạnh trong tháng 4 và 5, làm nhiệt độ thay đổi đột ngột, giảm mạnh trong thời gian ngắn. Theo kinh nghiệm thường các năm có 2 tháng nhuận Âm lịch, thì gió bắc thường kết thúc muộn và nuôi tôm sú rất khó khăn, năm nay (2006) nhuận tháng 7 âm lịch.
Gió bấc heo may, gió Đông nồm (gió thổi từ phía chính đông) do ảnh hưởng của áp thấp nhiệt đới, của bão gần bờ hoặc đổ bộ vào bắc bộ cũng là nỗi ám ảnh đối với người nuôi. Nếu thời gian ảnh hưởng tới vùng nuôi ngắn khoảng 3-4 ngày, thì môi trường ít bị ảnh hưởng, khả năng tôm hồi phục nhanh. Nhưng thời gian kéo dài thì hậu quả khôn lường.
Ảnh hưởng của bão Chan chu vừa qua kết hợp với không khí lạnh trước đó làm cho nhiệt độ nước ao nuôi xuống thấp kéo dài, nhiệt độ của đáy ao xuống càng thấp do nền đáy có tỷ lệ bùn cao (cát /bùn =1/1), độ sâu mực nước không đảm bảo (<100cm), tôm không thể vùi mình vào đáy để tránh rét, tôm bị yếu, rét, bị sốc do môi trường, bệnh có cơ hội phát triển dẫn tới chết nhiều trong các ao nuôi.
Các ao nuôi quạt khí hết công suất nhưng số lượng ao chết càng tăng, đến thời điểm ngày 19/05/2006, khu nuôi tôm Xuân Hòa, Xuân Vinh tỷ lệ các ao chết khoảng 70%.
Gió bắc, bão,và áp thấp thường gây mưa và làm nhiệt độ xuống rất thấp.Vì thời điểm này miền Bắc đang đầu mùa nắng nóng nên môi trường nuôi sẽ bị thay đổi đột ngột và gây sốc đối với tôm nuôi như phần trên đã đề cập.
• Tác động của trời mưa to sau nắng nóng do ảnh hưởng của không khí lạnh và bão Ảnh hưởng của hai trận mưa (một trận cuối tháng 4 và một cuối tháng 5) đối với tôm nuôi rất lớn, nó tạo ra những biến đổi bất lợi trong ao và đáy ao: Làm giảm pH nước, giảm độ mặn....Đặc biệt là giảm pH và Nhiệt độ tầng đáy làm tôm bị sốc, mặt khác trời mưa tạo thuận lợi giải phóng H2S từ đáy vào môi trường, ảnh hưởng xấu tới môi trường, làm giảm DO và gây độc cho tôm nuôi.
Hậu quả là tôm bị yếu, tác nhân gây bệnh có điều kiện phát triển, dẫn tới tôm chết rải rác ở trong các ao nuôi tại hai xã Xuân Hòa và Xuân Vinh ngay từ trận mưa đầu tiên (cuối tháng 4) và đến trận mưa cuối tháng 5 thì xóa sổ gần như hoàn toàn các ao nuôi (90-95%).
Số liệu phân tích môi trường cho thấy H2S các ao nuôi thu mẫu tăng cường (ngày 19/05) tại khu nuôi có hàm lượng khá cao, trung bình gần 0,10mg/l.
Có thể bạn quan tâm
Chuyên trang đồng bằng sông Cửu Long có nhận được thư của ông Trần Văn Phú (xã Vĩnh Tiến – Vĩnh Châu – Sóc Trăng)
Tôm giống tốt là yếu tố rất quan trọng để đạt năng suất cao trong khi nuôi và phòng tránh được các loại bệnh gây ra cho tôm.
Tôm giống mới vận chuyển về nên thả túi xuống ao chừng 15-30 phút để nhiệt độ giữa nước trong túi tôm và nhiệt độ nước trong ao cân bằng.
Nạo vét các chất bùn hữu cơ do xác tảo và thức ăn thừa tạo nên, dùng men vi sinh để giúp phân hủy
Trong nuôi tôm sú thâm canh, thức ăn tự nhiên chỉ có vai trò nhất định trong thời gian đầu sau khi thả giống