Chị Nguyễn Thị Năm, Tỷ Phú Nuôi Dê, Cừu Trên Đồng Đất Quán Thẻ
Hơn 30 năm gắn bó với nghề nuôi dê, cừu với bao vất vả, thăng trầm, đến nay chị Nguyễn Thị Năm, thôn Quán Thẻ 1 (xã Phước Minh, Thuận Nam) đã xây dựng cho mình trang trại nuôi cừu, với tổng đàn lên đến 1.000 con. Lợi nhuận hàng năm từ chăn nuôi cừu đã giúp chị trở thành một trong số ít phụ nữ giàu có trên đồng đất Quán Thẻ.
Quê ở Ma Lâm, Hàm Thuận Bắc, Bình Thuận. Năm 1968, chị lập gia đình. Vợ chồng làm nông, buôn bán mè, đậu lúc nông nhàn. Những tưởng cuộc sống an bình cứ thế trôi qua, nào ngờ năm 1977, chồng chị lâm bệnh nặng rồi qua đời, để lại cho chị 4 đứa con trong độ tuổi đến trường. Mọi gánh nặng cuộc sống bắt đầu đè nặng lên đôi vai của chị. Gửi con cho nội, chị ngược xuôi buôn bán kiếm đồng ra đồng vào nuôi các con ăn học.
Bằng sự cần cù chăm chỉ, năm 1982 chị tích cóp được 10 triệu đồng và chuyển từ nghề buôn mè, đậu sang buôn dê (bỏ mối từ Ninh Thuận vào TP. Hồ Chí Minh). Công việc tuy vất vả vì đường sá xa xôi, lại xa gia đình nhưng trừ chi phí mỗi năm chị dành dụm được trên 5 chỉ vàng.
Nhận thấy mang lại lợi nhuận khá, năm 1991 chị chuyển từ Bình Thuận ra định cư tại thôn Quán Thẻ 1, xây dựng chuồng trại nuôi thử 10 con dê bách thảo. Do hợp khí hậu nên dê sinh sản nhanh. Lời lãi từ những chuyến buôn dê bỏ mối chị tích cóp mua dê giống, gầy dựng đàn lên tới 250 con. Năm 2001, giá dê tăng cao (5-7 triệu đồng/con), chị bán toàn đàn thu lãi hàng trăm triệu đồng.
Từ tiền bán dê, chị mua 30ha đất và 50 con cừu nái về xây dựng trang trại chăn nuôi. Nhờ được chăn thả, nuôi dưỡng hợp lý, cộng thêm số cừu chị mua thêm từ nguồn lãi buôn bán nên đàn cừu của chị ngày càng phát triển. Năm 2003, giá cừu tăng cao, chị bán giống thu về hàng trăm triệu đồng. Làm ăn thuận lợi, chị quyết định đầu tư mở rộng chuồng trại, quy hoạch khu vực nuôi cừu cái đẻ, cừu thịt để có chế độ chăm sóc hợp lý, đàn cừu vì vậy phát triển rất nhanh, lên đến 600 con.
Năm 2007, giá cừu giảm mạnh, trong khi nhiều hộ nuôi bán tháo thì chị Năm vẫn vững tin vào cơ hội chăn nuôi của mình. Chị không những bán sản phẩm mà tập trung, gầy dựng đàn, đến năm 2008 tăng lên 1.000 con, tổng đàn được duy trì cho đến nay. Nhờ hướng đi đúng đắn, năm 2009, giá cừu tăng trở lại, chị có lượng lớn cừu giống, cừu thịt cung cấp cho thị trường, mang về khoản thu lớn.
Với trang trại 1.000 con cừu, chị đang tạo công ăn việc làm cho 3 gia đình với tổng thu nhập gần 80 triệu đồng/gia đình/năm. Với giá cừu ở mức 3-4 triệu đồng/con như hiện nay, mỗi năm chị xuất chuồng khoảng 500 con, thu về tiền tỷ. Năm 2013, từ nguồn lãi chăn nuôi, chị đầu tư 500 triệu đồng mua xe tải, phục vụ nhu cầu chăn nuôi và thu mua phân cừu bán lại cho các chủ vườn tại Bình Thuận, Lâm Đồng. Từ phân cừu tuy chỉ là phụ nhưng mỗi chuyến đi trừ chi phí cũng thu lãi trên 1 triệu đồng.
Chia sẻ về sự thành công của mình, chị Nguyễn Thị Năm cho biết: Để thành công ở bất cứ nghề gì, điều cần thiết là phải biết tính toán, chịu khó, đam mê công việc và đặc biệt là phải có niềm tin vào những gì mình làm. Không ai thành danh một sớm một chiều, tất cả đều phải đi lên từ những cái nhỏ nhất. Có niềm tin, sự cần cù, chăm chỉ, mọi thứ sẽ đi đến đích.
Có thể bạn quan tâm
Anh Lã Tuấn Anh (26 tuổi) ở tiểu khu Hoa Ban, thị trấn Nông trường Mộc Châu, huyện Mộc Châu (Sơn La) nuôi gà Ai Cập quy mô trang trại trên 2.000 con, trong đó 1.000 gà đẻ, 1.000 gà thương phẩm.
Trong những năm qua, thực hiện chương trình đưa cây màu xuống chân ruộng, nông dân tỉnh Trà Vinh đã thực hiện một cách có hiệu quả, vừa tạo được độ màu mỡ, tơi xốp cho đất và lợi nhuận mang lại cao gấp nhiều lần so với đơn thuần trồng lúa.
Được sự hỗ trợ của Quỹ phát triển nông thôn và giảm nghèo huyện Quảng Ninh, những năm qua, một số thôn, bản trên địa bàn xã miền núi Trường Sơn nói chung và bản Trung Sơn nói riêng đã phát triển chăn nuôi lợn, góp phần nâng cao thu nhập cho bà con dân tộc Vân Kiều.
Mới khởi nghiệp được khoảng 6 năm nhưng mô hình nuôi ba ba đã giúp gia đình anh Đinh Công Thủ, ở ấp Láng Hầm B, xã Thạnh Xuân trở thành triệu phú. Mà không chỉ có gia đình anh Thủ, hiện nay có rất nhiều hộ nuôi ba ba ở Thạnh Xuân cũng “phất” lên từ con ba ba.
Mong muốn làm kinh tế tại quê hương, nên ngay khi địa phương có chủ trương chuyển đổi đất trồng lúa kém hiệu quả sang mô hình trang trại, gia đình chị Phạm Thị Loan (xã Ngô Quyền, Tiên Lữ) đã hăng hái tham gia. Từ khoảng 2 mẫu đất ruộng, gia đình chị Loan đã cải tạo thành vườn, ao và một số dãy chuồng trại chăn nuôi.