Phát Triển Nghề Nuôi Chim Yến Trong Nhà
Đề tài khoa học cấp tỉnh “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà” do Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Nhà nước một thành viên (MTV) Yến sào Khánh Hòa làm chủ nhiệm vừa được nghiệm thu đạt loại xuất sắc.
Đây là tiền đề quan trọng cho việc áp dụng công nghệ phát triển quần thể chim yến, góp phần thúc đẩy nghề nuôi chim yến trong nhà phát triển bền vững, hiệu quả.
Trên cơ sở ứng dụng kết quả đề tài khoa học cấp tỉnh “Bước đầu nghiên cứu ấp nuôi nhân tạo chim yến làm cơ sở khoa học cho việc phát triển đàn chim yến trong nhà ở tỉnh Khánh Hòa” (2007 - 2009), Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa đã thử nghiệm thành công việc phát triển nuôi yến trong nhà tại Khánh Hòa và một số địa phương.
Tuy nhiên, kết quả thực nghiệm trong các năm trước đây chưa nghiên cứu sâu những biện pháp kỹ thuật nuôi, chăm sóc chim non, âm sinh học chim yến; chưa có công trình nghiên cứu khoa học nào về kỹ thuật xây dựng nhà nuôi chim yến tại Việt Nam.
Để phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà, trên cơ sở kế thừa những nghiên cứu cũng như triển khai thử nghiệm nuôi chim yến trong nhà trước đó, Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa đã thực hiện đề tài “Nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến và hoàn thiện quy trình nuôi chim yến trong nhà”.
Đề tài tập trung nghiên cứu kỹ thuật xây dựng nhà yến; các biện pháp kỹ thuật để hoàn thiện quá trình nuôi ấp nhân tạo chim yến và âm sinh học của chim yến; hoàn thiện quy trình kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà. Đề tài thực hiện trong 2 năm với kinh phí hơn 950 triệu đồng, trong đó kinh phí đối ứng của Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa chiếm hơn 40%.
Trong 2 năm, Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng và cộng sự đã thực hiện khối lượng công việc rất lớn. Nhóm thực hiện đề tài đã tập trung nghiên cứu chuyên sâu về đặc điểm sinh học, sinh sản chim yến; đưa ra nhiều giải pháp kỹ thuật xây dựng nhà yến, nghiên cứu thiết kế mô hình nhà yến, cải tiến vật liệu, nghiên cứu các dung dịch, hợp chất, thiết bị dùng trong xây dựng và lắp đặt nhà yến, hệ thống âm thanh dẫn dụ chim yến tự động hoàn toàn.
Nhóm thực hiện đề tài đã nghiên cứu kỹ thuật nuôi chim con và phát triển quần thể đàn chim yến; xây dựng quy trình kỹ thuật nuôi chim yến trong nhà. Kết quả sau nghiên cứu cho thấy, số lượng chim đã tăng lên đáng kể và ổn định.
Các chỉ tiêu đạt cao như: tỷ lệ trứng ấp nở thành chim con đạt hơn 90%; tỷ lệ sống của chim con đạt 70% và tỷ lệ chim trưởng thành bay về tổ đạt hơn 35%...
Trong phạm vi đề tài, nhóm nghiên cứu đã áp dụng các giải pháp kỹ thuật, bí quyết công nghệ trên 4 mô hình: 1 mô hình ở thành phố với 2.000 con đã làm tổ với hơn 1.000 tổ yến; 3 mô hình ở nông thôn với số lượng ổn định 250 con đã làm tổ với hơn 50 tổ/mô hình.
Phó Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn - Ủy viên phản biện Hội đồng Khoa học và Công nghệ đánh giá: “Các mô hình nghiên cứu có thể chuyển giao ngay, mở ra triển vọng phát triển nghề nuôi chim yến trong nhà mang lại hiệu quả kinh tế cao cho người dân trong cả nước”.
Theo Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, đề tài đã xây dựng thành công bí quyết kỹ thuật vận hành nhà yến với 5 bước: Dẫn dụ chim vào nhà yến, dụ chim ở lại nhà yến, kích thích chim làm tổ trong nhà yến, phát triển bầy đàn chim yến trong nhà yến và nâng cao năng suất sản lượng nhà yến, phòng chống địch hại cho nhà yến... Nhóm thực hiện đề tài cũng đã nghiên cứu, tạo ra các sản phẩm như: tổ yến mô phỏng, dung dịch tạo mùi bầy đàn chim yến, giá tổ, bộ âm thanh dẫn dụ chim yến...
Dẫn chúng tôi tham quan nhà nuôi yến, ông Võ Văn Cam - Trưởng Ban Kỹ thuật Công ty TNHH Nhà nước MTV Yến sào Khánh Hòa cho biết: Năm qua, Công ty đã tổ chức lớp tập huấn, mời người dân các nơi đến tham quan mô hình ấp nở và di đàn. Nếu người dân có nhu cầu, Công ty sẵn sàng hợp tác hỗ trợ, tư vấn kỹ thuật, công nghệ nuôi yến trong nhà.
Nuôi chim yến, đưa nghề nuôi chim yến trong nhà phát triển rộng rãi đến người dân nhiều địa phương mang lại hiệu quả kinh tế cao. Theo Thạc sĩ Lê Hữu Hoàng, Công ty cần tiếp tục nghiên cứu, hoàn thiện quy trình khai thác yến nhà đảm bảo khoa học, hiệu quả; nghiên cứu cách chế biến tổ yến đạt chất lượng tốt nhất; nghiên cứu các vật liệu xây dựng nhà yến có giá thành thấp mà vẫn đảm bảo kỹ thuật để giảm chi phí đầu tư; thực hiện nghiên cứu chuyên sâu về âm sinh học. Đặc biệt, cần nghiên cứu đặc điểm di truyền ADN để bảo toàn nguồn gen quý của đàn chim yến...
Có thể bạn quan tâm
Trang trại của vợ chồng ông Trương Trọng Đức (Quảng Lợi) năm nay kém xanh hẳn. Mô hình kết hợp trồng rừng phủ xanh đất cát đồi trọc kết hợp với chăn nuôi lợn, gà và thả cá cho thu nhập cao thì giờ đây lại đối mặt với nhiều khó khăn. Nguyên nhân là do thời tiết nắng nóng kéo dài, nguồn nước thiếu nên hoa màu khó phát triển.
Gà đẻ thải loại (gà đẻ trứng sau khi hết chu kỳ khai thác) không chỉ đội lốt gà ta thả vườn “xịn” mà tiểu thương còn thi nhau hô biến gà đẻ thải loại thành đặc sản gà Đông Tảo để bán kiếm lời.
Theo Chi cục Bảo vệ thực vật tỉnh, mỗi năm nông dân Bạc Liêu thải ra môi trường từ 90 - 120 tấn rác thải là các loại bao bì thuốc bảo vệ thực vật (BVTV). Trong khi đó, việc thu gom, xử lý loại rác thải độc hại này theo quy trình đảm bảo an toàn gần như không có!
Để phát huy thế mạnh trong nuôi trồng thủy sản và nhân rộng những mô hình sản xuất bền vững cho giá trị kinh tế cao, Bí thư Tỉnh ủy - Võ Văn Dũng và các đồng chí trong Ban Thường vụ Tỉnh ủy vừa có chuyến khảo sát thực tế tại các doanh nghiệp nuôi trồng thủy sản của tỉnh.
Sau hơn 3 năm thực hiện Chương trình xây dựng nông thôn mới (XDNTM), bộ mặt nông thôn Hoài Ân đã có nhiều thay đổi tích cực; đời sống vật chất, tinh thần của người dân ngày càng được cải thiện. Tuy nhiên, để đảm bảo hoàn thành các tiêu chí NTM, huyện Hoài Ân vẫn còn nhiều việc phải làm.