Giá Rau Xanh Giảm Mạnh, Nông Dân Thua Lỗ
Trái ngược với diễn biến từ nhiều năm trước, năm nay giá rau xanh trong cũng như sau Tết Nguyên đán đã liên tục giảm. Rau rẻ mà còn không có người mua khiến nông dân thua lỗ.
Theo khảo sát của chúng tôi tại một số chợ đầu mối ở thành phố Ninh Bình, mặt hàng rau xanh khá dồi dào, phong phú. Chị Hoàng Thị Liên, kinh doanh mặt hàng rau, củ ở chợ Rồng cho biết: Mọi năm, cứ dịp Tết và ra Giêng là giá rau xanh tăng mạnh nhưng năm nay giá rau vẫn ổn định.
Ngoài các loại rau trái vụ như rau ngót, mùng tơi, rau muống, cà chua, mướp đắng giữ giá, các loại rau khác đều rẻ hơn vài tháng trước như rau cần chỉ còn 2 nghìn đồng/mớ, giảm 1 nghìn đồng/mớ; cải ngọt giảm 3 nghìn đồng/kg xuống còn 4 nghìn đồng/kg, đậu cô-ve giảm còn 6 nghìn đồng/kg… Đặc biệt, giá su hào, bắp cải giá rớt thảm hại, một cây bắp cải giá chỉ 2 nghìn đồng/cái, còn su hào loại to cũng chỉ 1 nghìn đồng/củ.
Giá rau ở chợ đã vậy, giá rau tại ruộng còn giảm thảm hại hơn. Đang nhanh tay thu hoạch nốt những luống su hào còn lại để chuyển sang trồng lạc xuân, chị Nguyễn Thị Liên (HTX Phong Đào, phường Ninh Sơn, thành phố Ninh Bình) than thở: “Nông dân trồng rau năm nay thê thảm lắm em ạ! Em tính 1 củ su hào giá 6-7 trăm đồng, còn bắp cải cũng chỉ có 1 nghìn/cái. Trong khi mua giống đã 3-4 trăm đồng/cây cộng thêm bao nhiêu tháng trời chăm sóc ngoài ruộng. Bán đi thì rẻ mà để lại thì cũng không được vì phải giải phóng đất trồng cây khác nên đành mang đi chợ bán vớt vát được đồng nào hay đồng ấy”.
Ông Nguyễn Văn Uy ở ruộng bên cạnh cho biết thêm: Với giá rau như hiện nay thì người trồng rau không những mất công chăm sóc mà còn phải chịu lỗ tiền phân bón, đầu tư khoảng một nửa. Ví như đầu tư trồng 1 sào bắp cải mất khoảng 1,5 triệu đồng bao gồm tiền giống, phân tro, nước rồi thuốc BVTV.
Nhưng đến lúc thu hoạch bán ra thị trường được 8 trăm đồng/1 cái bắp thì người dân chỉ thu về khoảng 700-800 nghìn đồng/sào, lỗ gần 800 nghìn. Vụ này nhà tôi trồng 3 sào bắp cải, su hào tính ra lỗ hơn 2 triệu đồng.
Đi dọc những cánh đồng rau của phường Ninh Sơn, tôi liên tục gặp những ruộng xu hào, bắp cải đã đến kỳ thu hoạch mà cỏ mọc cao hơn cả rau; một số ruộng rau quá lứa đã chuyển sang úa vàng. Hỏi ra mới biết vì rau quá rẻ nên nông dân bỏ mặc không chăm sóc, cũng không thu hoạch.
Còn một số nông dân khác thì bán đổ cả ruộng cho những người bò, nuôi cá, nuôi ngỗng với giá chỉ 150-200 nghìn đồng/sào. Tính ra chủ ruộng thu về không đủ tiền mua cây giống.
Cũng giống như Ninh Sơn, Ninh Phúc, người trồng rau ở xã Yên Thắng, huyện Yên Mô đều than vắn, than dài về giá rau. Ông Mai Văn Sáu (xóm 1, xã Yên Thắng) chỉ cho chúng tôi xem cánh đồng rau xanh mơn mởn: Rau đẹp như vậy mà không có người mua, gia đình đành phải chặt về cho lợn, cho bò ăn.
Đưa mắt nhìn xa xôi, ông Sáu ao ước: Không biết bao giờ nông dân mới thoát khỏi cảnh “được mùa mất giá, được giá mất mùa”. Chúng tôi chỉ mong được Công ty đứng ra ký hợp đồng tiêu thụ nông sản cho bà con, giá cả ổn định, nông dân chúng tôi chỉ tập trung vào sản xuất thôi.
Lý giải về tình trạng rau rớt giá, một số chuyên gia nông nghiệp cho rằng: giá rau xanh năm nay giảm mạnh là do cung vượt cầu.
Năm nay thời tiết thuận lợi, trời có rét nhưng nắng nhiều nên rau phát triển nhanh. Cộng thêm diện tích rau trồng trên đất 2 lúa được mở rộng, sau Tết nông dân phải thu hoạch gấp, thu dọn ruộng để gieo cấy vụ đông xuân. Cùng một lúc, một lượng lớn rau được đưa ra thị trường trong khi nhu cầu tiêu thụ không tăng dẫn tới giá rau giảm mạnh.
Có thể bạn quan tâm
REWE, một trong những chuỗi siêu thị lớn nhất của Đức, đang gia tăng các loại sản phẩm thủy sản được dán nhãn ASC thông qua việc giới thiệu các sản phẩm Goldlocke của mình, đây là sản phẩm được làm từ cá rô phi được chứng nhận ASC.
Các sản phẩm đã đẩy số lượng sản phẩm được chứng nhận lên 1.000 là sản phẩm GTGT từ cá tra của Công ty CP Vĩnh Hoàn, sản basa philê GTGT của Sainsbury và sản phẩm cá tra của Anova Seafood được bán bởi Edeka.
Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) đã soạn thảo một tiêu chuẩn cho tôm nuôi trong khu vực và dự kiến có hiệu lực vào đầu năm 2015.
Nó phát triển dựa trên kiến thức hiện nay về sinh học, thủy sản, kinh tế, văn hóa và xã hội môi trường mà Viện Thủy sản Quốc gia tập hợp và phân tích, với sự tham gia của bản thân các nhà sản xuất, chính quyền liên bang, tiểu bang, thành phố và các trường đại học và trung tâm nghiên cứu học thuật.
Quyết định gần đây của Nga về việc cấm NK thủy sản của Mỹ đã khiến một số người Mỹ thắc mắc tại sao Hoa Kỳ không nên thực hiện một lệnh cấm NK thủy sản của Nga để trả đũa. Quyết định này rõ ràng là sẽ diễn ra trong một bối cảnh rộng lớn hơn, và có thể phải trình lên Tổng thống và Quốc hội.