Chăn Nuôi Theo Hướng Công Nghiệp Mang Lại Hiệu Quả Cao

Bên cạnh cây cao su, hiện nay người dân xã Long Nguyên, huyện Bàu Bàng (Bình Dương) đang chú trọng vào lĩnh vực chăn nuôi theo hướng công nghiệp. Những mô hình chăn nuôi gà bằng trại lạnh, nuôi heo giống mới... đã mang lại hiệu quả kinh tế thiết thực.
Theo chân cán bộ Hội Nông dân xã Long Nguyên, chúng tôi đến nhà ông Lê Thành Nguyên, ấp Bà Phái. Gia đình ông Nguyên đã áp dụng thành công mô hình chăn nuôi gà trong trại lạnh. Mặc dù sở hữu 5 trại gà với số lượng lên tới 66.000 con nhưng các trại gà lạnh của ông không có mùi hôi, giảm thiểu ô nhiễm môi trường.
Ông Nguyên cho biết, khi chưa dùng hệ thống trại lạnh cho gà, ông làm trại lá nên kết quả đạt được không cao do phụ thuộc vào thời tiết, sau thời gian ngắn cây và lá bị mục.
Sau đó, ông đã đi tham quan mô hình trại gà lạnh ở Đồng Nai; thấy mô hình tốt nên ông về nhà vay vốn đầu tư áp dụng mô hình này cho trại gà ở nhà. Khi áp dụng mô hình này, gà nuôi luôn khỏe mạnh và cho xuất lứa đúng thời gian. Ngoài ra, nuôi gà trại lạnh môi trường trong sạch hơn rất nhiều so với trại gà lá trước đây.
Đến nay, trung bình một lứa gà (nuôi trên 42 ngày là xuất bán) 12.000 con đem về cho ông Nguyên thu nhập 75 triệu đồng. Đó là chưa kể các nguồn thu kiếm được từ mô hình khép kín như trấu trong chuồng gà bán cho nhà vườn trồng cao su, hay phân gà cho cá trê... Ông Nguyên còn dự định sắp tới sẽ mở thêm 2 trại gà lạnh nữa.
Bên cạnh mô hình trại gà lạnh, nhiều gia đình ở xã Long Nguyên còn đầu tư nuôi heo giống mới cho năng suất cao. Điển hình như gia đình ông Diệp Lợi ở ấp Bà Phái. Hiện trong chuồng của gia đình ông có 32 con heo nái giống. Bình quân một con heo nái giống mới đẻ 30 heo con một năm, hơn hẳn so với heo giống thường.
Năm 2005, ông Lợi nuôi 3 con nái, sau đó ông mở rộng có lúc lên tới 40 con heo nái. Số heo con do heo nái đẻ được ông nuôi hơn 5 tháng đạt trọng lượng 100 - 110 kg/con và bán heo thịt với giá 50.000 đồng/kg, đem lại thu nhập đáng kể cho ông.
Ông Nguyễn Văn Sáu, Chủ tịch Hội Nông dân xã Long Nguyên, cho biết hiện nay ở xã Long Nguyên có khoảng 80 hộ dân phát triển mô hình trồng trọt - chăn nuôi kết hợp. Tuy gặp không ít khó khăn, rủi ro như dịch bệnh, đối tác thu mua chậm… nhưng nhờ các cấp chính quyền quan tâm đầu tư đồng bộ về điện, đường giao thông nông thôn, cộng với ý chí và tâm huyết của bà con, ngành nông nghiệp của xã ngày càng phát triển hiệu quả.
Có thể bạn quan tâm

Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang dự thảo Nghị định về sắp xếp, đổi mới và phát triển, nâng cao hiệu quả hoạt động của công ty nông nghiệp, công ty lâm nghiệp.

Theo anh Trung thì trước đây, do diện tích lớn nên nhu cầu giống hoa cho mỗi vụ trồng rất nhiều, cứ mỗi lần vào vụ lại xuất hiện tình trạng khan hiếm giống. Gia đình phải tất bật liên hệ, tìm kiếm nguồn cung khắp nơi và mua giống với giá cao. Cũng vì thế nên giống hoa nhiều lúc không đảm bảo chất lượng, cây trồng kém phát triển, củ không nảy mầm tốt. Gia đình luôn rơi vào tình thế bị động trong việc tìm nguồn giống…

Ngày 26/11, Trạm Khuyến nông – Khuyến ngư huyện Đắk Song tổ chức hội thảo đầu bờ, đánh giá mô hình trình diễn sản xuất rau cải bẹ xanh an toàn tại hộ bà Trần Thị Thu ở thôn 8, xã Thuận Hà với quy mô 1.000 m2.

Những ngày này, người dân thôn Ngọc Kinh Đông (Đại Hồng, Đại Lộc) đứng ngồi không yên bởi hàng chục héc ta hoa màu ven sông có nguy cơ héo rũ. Nắng hè rát bỏng, nguồn nước khô kiệt đã khiến những cánh đồng bắp, đậu xanh, ớt, dưa… ven sông héo rũ, còi cọc vì thiếu nước. Thăm đồng khi đã xế chiều, ông Trần Ngọc Bích ngao ngán: “Hai sào ruộng đã bỏ hoang, nay tới cả 2 sào màu của gia đình cũng bị chết héo.

Khí hậu huyện Ia Grai được chia ra làm 2 vùng khá rõ rệt. Các xã phía Đông có độ cao trên 600 mét so với mực nước biển, phù hợp với cây cà phê. Vùng phía Tây thấp hơn, nhiệt độ nóng hơn, phù hợp với cây cao su và điều. Đến nay, sự phát triển mạnh mẽ của các loại cây công nghiệp đã góp phần rất lớn trong sự phát triển kinh tế-xã hội của huyện biên giới này.