Bội Thu Nhờ Trồng Dưa Lưới
Kiên trì giới thiệu sản phẩm đến tận tay người tiêu dùng và áp dụng quy trình sản xuất an toàn cho người tiêu dùng, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc) đã hình thành một vùng sản xuất dưa lưới cho hiệu quả cao. Hiện nay, ngoài số dưa lưới được người trồng tiêu thụ tại chỗ theo hình thức bán lẻ cho khách du lịch, các ruộng dưa lưới tại Xuyên Mộc đều được thương lái bao tiêu sản phẩm.
Gian nan tìm đầu raTrên ruộng dưa lưới đang bắt đầu cho thu hoạch tại ấp Hồ Tràm, xã Phước Thuận (huyện Xuyên Mộc), chị Nguyễn Thu Dung cho biết: 2 năm trở lại đây người trồng dưa hấu lỗ nặng, nhưng người trồng dưa lưới trên đất cát tại huyện Xuyên Mộc lại đang cho lợi nhuận từ 100-150 triệu đồng/vụ.
Vụ dưa Tết này, gia đình chị Dung trồng 4ha, năng suất đạt khoảng 30-35 tấn/ha. Ngoài bán lẻ cho người tiêu dùng tại vườn với giá 27.000 đồng/kg (loại 1), hầu hết sản phẩm được thương lái thu mua tại vườn với giá trung bình 8.000 đồng/kg.
Khoảng 10 năm trở về trước, đầu ra cho dưa lưới gặp nhiều khó khăn mặc dù người trồng dưa lưới tại Xuyên Mộc vất vả ngược xuôi chào hàng khắp nơi. Sản phẩm làm ra chủ yếu phụ thuộc thương lái mua đi xuất khẩu, còn sức tiêu thụ trên thị trường nội địa rất ít.
Nguyên nhân là do người tiêu dùng chưa quen và cho rằng dưa lưới có xuất xứ từ Trung Quốc. Tuy nhiên, cách đây 4 năm, đã có đầu mối chấp nhận tiêu thụ dưa lưới cho người trồng dưa Phước Thuận. Người trồng dưa lưới cũng đã có sáng kiến bán dưa tại ruộng và mời khách du lịch cùng đầu mối tiêu thụ tham quan ruộng dưa lưới để chứng minh dưa lưới không phải là dưa nhập khẩu.
Từ đó, dưa lưới Xuyên Mộc dần dần được “minh oan” không phải là dưa Trung Quốc… Nhiều vựa trái cây ở các thị trường lớn ở trong tỉnh và các địa phương lân cận đã chấp nhận mua dưa lưới của bà con Phước Thuận theo hình thức bao tiêu sản phẩm.
Để đưa dưa lưới đến được với người tiêu dùng, người trồng dưa đã kiên trì giới thiệu bằng nhiều cách.
Quy trình sản xuất an toàn và thân thiện
Sau khi có đầu ra cho sản phẩm, nhiều hộ trồng dưa lưới ký được hợp đồng bao tiêu sản phẩm từ các đầu mối tiêu thụ lớn cung cấp cho hệ thống siêu thị. Từ đó, diện tích trồng dưa lưới tại Phước Thuận cũng nhanh chóng tăng lên, quy trình sản xuất an toàn cũng được đầu mối tiêu thụ đưa ra cho người sản xuất áp dụng nhằm bảo vệ an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng.
“Trước khi thu hoạch, các đầu mối kiểm tra dưa rất kỹ, nếu vi phạm an toàn thực phẩm, hay quy trình sản xuất, ngay lập tức họ sẽ không thu mua. Vì vậy, người trồng dưa phải đặc biệt chú ý đến vấn đề an toàn sức khỏe cho người tiêu dùng, nếu không sẽ bị lỗ và mất đầu mối tiêu thụ”- chị Nguyễn Thị Lan, một hộ trồng dưa lưới tại xã Phước Thuận cho biết.
Theo những người trồng dưa lưới tại Phước Thuận, giống dưa lưới thích hợp trồng trên đất cát và đạt năng suất cao nhất vào mùa khô. Việc trồng dưa lưới đòi hỏi kỹ thuật, kinh nghiệm và vốn cao. Mỗi ha đất trồng dưa lưới, người trồng dưa tốn gần 100 triệu đồng để thuê đất, phân bón, giống, tiền thuê nhân công.
Đặc biệt, quy trình sản xuất dưa lưới phải bảo đảm an toàn cho người sử dụng, không để tình trạng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật hay dùng phân bón hóa học không đúng liều lượng, thời điểm… “Có kinh nghiệm hơn 10 năm trồng dưa lưới và đầu mối bao tiêu sản phẩm, nhưng gia đình tôi chỉ trồng 4ha dưa lưới và tập trung chủ yếu vào mùa khô, nhất là dịp Tết Nguyên đán, bởi chưa đủ vốn để tăng diện tích trồng dưa”- chị Nguyễn Thị Dung chia sẻ.
Theo thống kê của Hội Nông dân xã Phước Thuận, vài năm gần đây, mô hình trồng dưa lưới trên địa bàn xã đã mang lại thu nhập ổn định cho bà con và diện tích trồng dưa lưới tăng dần qua các năm. Cụ thể, vụ dưa năm 2013-2014, toàn xã có khoảng 40ha, vụ 2014-2015 đã có hơn 50ha trồng dưa lưới.
“Trồng dưa lưới cho hiệu quả cao hơn so với trồng dưa hấu nên Hội Nông dân xã Phước Thuận đang phối hợp với những người có kinh nghiệm trồng dưa lưới để giới thiệu cho bà con nông dân có nhu cầu học hỏi kinh nghiệm, quy trình sản xuất dưa lưới an toàn” - ông Trần Văn Đức, Chủ tịch Hội Nông dân xã Phước Thuận cho biết.
Có thể bạn quan tâm
Ngày 28-10, Sở Nông nghiệp và PTNT phối hợp với huyện Đoan Hùng (Phú Thọ), Viện Nghiên cứu rau quả tổ chức hội nghị tổng kết mô hình trình diễn: “Ứng dụng các biện pháp kỹ thuật nhằm nâng cao năng suất, chất lượng, mẫu mã quả bưởi đặc sản Đoan Hùng”.
Vụ xoài năm 2014, bà con trên địa bàn huyện Cam Lâm (Khánh Hòa) chịu thiệt hại khá nặng do dịch bệnh, giá cả xuống thấp. Do đó, bước sang vụ xoài mới, nhiều nông hộ ở Cam Lâm đã quyết định chuyển giống xoài địa phương sang giống xoài Úc, nhằm nâng cao thu nhập.
Sản lượng đánh bắt thủy sản toàn tỉnh tháng 10/2014 ước đạt 22.529 tấn, lũy kế 10 tháng đạt 172.579 tấn hải sản các loại, đạt 92% kế hoạch năm, tăng 6,1% so cùng kỳ. Trong đó sản lượng cá tăng 3,2%, tôm tăng 6,6%, hải sản khác tăng 20,5%. Địa phương có sản lượng khai thác tăng nhiều nhất là Tuy Phong (tăng 4.470 tấn), Phan Thiết (tăng 4.381 tấn), La Gi (tăng 1.151 tấn).
Xây dựng những cánh đồng lớn trên địa bàn tỉnh được Sở Nông nghiệp & Phát triển nông thôn vạch ra kế hoạch mới đây với nội dung rất hấp dẫn, bởi giải quyết đúng vấn đề nông dân đang quan tâm. Đó là tiêu thụ nông sản ổn định thông qua hợp đồng... tuy nhiên, điều khó nhất là tìm được nhà đầu tư.
Theo báo cáo của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến cuối tháng 9 năm 2014, diện tích thanh long bị nhiễm bệnh đốm nâu là 11.124 ha giảm 1.624 ha so tháng trước. Tuy nhiên, diện tích nhiễm bệnh đốm nâu vẫn còn chiếm tỉ lệ cao (48,20%) so tổng diện tích thanh long của tỉnh.