Các hộ nuôi tôm nước lợ cần tranh thủ thả giống vụ nuôi mới
Theo Tổng cục Thủy sản, thời gian qua, nuôi tôm nước lợ đối mặt với những khó khăn như điều kiện thời tiết diễn biến xấu, xâm nhập mặn sâu vào nội địa, nắng nóng làm độ mặn, nhiệt độ… biến động mạnh, tạo điều kiện cho dịch bệnh trên tôm nuôi phát triển như: bệnh đốm trắng, hoại tử gan tụy, phân trắng… Mặt khác, giá tôm thẻ chân trắng nguyên liệu giảm mạnh, trong khi giá vật tư đầu vào cho nuôi tôm tăng ảnh hưởng đến hiệu quả kinh tế của người nuôi. Vì vậy diện tích thả giống tôm nước lợ thấp, nhất là diện tích nuôi thâm canh/bán thâm canh mới chỉ đạt 30-50% kế hoạch.
Hiện nay, điều kiện thời tiết diễn biến thuận lợi hơn, đã xuất hiện những cơn mưa đầu mùa, độ mặn giảm, nhiệt độ giảm, các yếu tố môi trường thuận lợi hơn cho tôm nuôi. Tuy nhiên khi mưa xuống pH giảm, cần hướng dẫn người nuôi xử lý pH ổn định trước khi thả giống. Đồng thời, dự báo từ quý III/2015 trở đi giá tôm nguyên liệu ở thị trường trong nước và thế giới có xu hướng tăng lên. Trước tình hình trên, để đảm bảo triển khai kế hoạch sản xuất tôm nuôi nước lợ hiệu quả, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố ven biển căn cứ tình hình thực tế của địa phương chỉ đạo, hướng dẫn người nuôi tranh thủ xuống giống tôm trong thời điểm này.
Bên cạnh đó, Tổng cục Thủy sản đề nghị Sở Nông nghiệp và PTNT các tỉnh/thành phố chỉ đạo các đơn vị chức năng tăng cường quản lý, giám sát chặt chẽ vùng nuôi; chủ động quan trắc cảnh báo môi trường, cập nhật thông tin và thông báo kịp thời đến vùng nuôi và người nuôi. Quản lý chặt chẽ các yếu tố đầu vào, đặc biệt là con giống. Xây dựng các mô hình nuôi tôm hiệu quả, phố biến, nhân rộng để người dân áp dụng. Tiếp tục khuyến khích áp dụng công nghệ nuôi tôm trong nhà bảo đảm an toàn sinh học để kiểm soát các yếu tố môi trường và tăng năng suất. Khuyến cáo người nuôi thực hiện quy trình kỹ thuật nuôi tôm an toàn trong vùng dịch bệnh. Đối với các tỉnh phía Bắc, ngoài những vấn đề nêu trên cần tập trung chỉ đạo người nuôi tôm thực hiện công tác thả giống theo lịch thời vụ và thực hiện tốt theo kế hoạch.
Về phía người nuôi tôm, Tổng cục Thủy sản khuyến cáo người nuôi tôm duy trì ổn định diện tích tôm sú và tăng cường nuôi tôm sú thâm canh, bán thâm canh và nuôi sinh thái. Riêng đối với tôm thẻ chân trắng, do thị trường đang khó khăn nên người nuôi chỉ nên nuôi thâm canh, bán thâm canh ở những vùng có điều kiện thuận lợi để tăng hiệu quả và giảm giá thành sản xuất. Lựa chọn tôm có nguồn gốc rõ ràng, được kiểm dịch và có chất lượng tốt; Tôm giống thả nuôi phải đảm bảo đạt kích cỡ (cỡ giống tối thiểu đối với tôm sú là Post larvae 15, tôm thẻ chân trắng là Post larvae 12), được kiểm dịch và kiểm tra chất lượng đạt yêu cầu bởi các cơ quan có thẩm quyền. Thực hiện ương gieo giống trước khi thả nuôi thương phẩm; Chỉ thả giống khi nhiệt độ nước dưới 300C (sáng sớm hoặc chiều mát); Thả nuôi với mật độ hợp lý (tôm thẻ 40-60 con/m2, tôm sú 10-15 con/m2).
Đối với vùng có độ mặn cao hơn 25‰ không phù hợp cho phát triển của tôm nuôi và dễ xảy ra dịch bệnh, cần chủ động bổ sung nguồn nước ngọt để có độ mặn phù hợp trước khi thả tôm giống. Vùng không có điều kiện thì hạn chế thả giống hoặc thả chậm đón mùa mưa. Cải tạo ao nuôi đúng quy trình kỹ thuật, có ao lắng đúng quy cách, thực hiện biện pháp an toàn sinh học trước khi thả tôm bằng cách sử dụng chế phẩm sinh học xử lý nước để đảm bảo sức khỏe tôm nuôi và giữ môi trường bền vững; Thực hiện chế độ cho ăn và quản lý thức ăn phù hợp, tránh lãng phí thức ăn và ô nhiễm môi trường… để nâng cao hiệu quả sản xuất.
Người nuôi cần duy trì mực nước tối thiểu 1,3-1,5m, nếu cần cấp bổ sung nước thì phải được lấy từ ao lắng, xử lý nước trước khi cấp vào ao nuôi. Đồng thời chạy quạt nước để tránh hiện tượng phân tầng nhiệt độ, tăng cường oxy và giảm thiểu thiếu oxy cục bộ. Thường xuyên cập nhật kết quả quan trắc môi trường vùng nuôi từ cơ quan Trung ương và địa phương trên địa bàn tỉnh để có biện pháp xử lý kịp thời (đặc biệt là mật độ vibrio trong môi trường nước).
Có thể bạn quan tâm
Theo các nhà vườn trồng tiêu tại Đồng Nai, hiện hạt tiêu đen các đại lý và thương lái đang hỏi mua với giá 186 - 190 ngàn đồng/kg, cao hơn so với cùng kỳ năm trước gần 20 ngàn đồng/kg. Sở dĩ vừa thu hoạch xong vụ tiêu 2014 - 2015 mà giá tiêu vẫn cao ngất ngưởng là do nhu cầu sử dụng tiêu của thế giới năm nay tăng cao.
Ngày 4-4, tại TP.Vũng Tàu, Bộ NN-PTNT đã tổ chức hội nghị Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ kỹ thuật phòng chống bệnh hại hồ tiêu, với sự tham gia của đại diện 7 tỉnh có diện tích trồng hồ tiêu thuộc vùng Tây Nguyên và Đông Nam Bộ (Gia Lai, Đắk Lắk, Đắk Nông, Bình Phước, Đồng Nai, BR-VT, Bình Thuận).
Do thời tiết năm nay diễn biến phức tạp, độ mặn tăng cao và đến sớm so với năm 2014, trong khi một số hệ thống đê bao chưa khép kín nên nông dân, các cơ quan chức cũng gặp nhiều khó khăn trong chống đỡ. Do đó, một số diện tích lúa trong tỉnh Bến Tre đã bị thiệt hại.
Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Tiến Đại Phát, ngụ xã Lai Uyên, huyện Bàu Bàng, tỉnh Bình Dương vừa tổ chức lễ khánh thành (ảnh) và chính thức đưa vào hoạt động nhà máy sản xuất thức ăn thủy sản với công suất trên 150.000 tấn/năm, tổng vốn đầu tư trên 4 triệu USD.
Năm Căn (Cà Mau) là vùng có thế mạnh về nuôi trồng thuỷ sản. Những năm qua, sản lượng năm sau đều đạt cao hơn năm trước, nhưng vẫn còn là mảnh đất màu mỡ, chưa khai thác hết. Có nhiều nguyên nhân tác động từ yếu tố khoa học - kỹ thuật, chất lượng con giống, thời tiết dẫn đến tôm, cua chết, năng suất đạt chưa cao.