Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Đinh Lăng Trên Đất Đồi Minh Tiến

Cây Đinh Lăng Trên Đất Đồi Minh Tiến
Ngày đăng: 03/10/2014

Về Minh Tiến, huyện Đoan Hùng lần này chúng tôi thấy  nhiều hộ dân treo biển thông báo bán cây đinh lăng giống. Qua tìm hiểu với chính quyền địa phương được biết, từ vài năm gần đây, nhiều hộ dân trồng cây đinh lăng đã vươn lên thoát nghèo và làm giàu chính đáng.

Là người đầu tiên đưa cây đinh lăng về trồng ở xã, ông  Trần Văn Sỹ - thôn 8 đã có gần 20 năm gắn bó với cây thuốc vẫn được coi là “sâm nội” này. Lúc đầu ông trồng xen kẽ đinh lăng với cây mạch môn với mục đích vừa tạo bóng râm cho cây mạch môn mọc thấp lại vừa tận dụng thêm diện tích cho trồng trọt.

Thấy cây đinh lăng là loại cây thuốc quý có thể tận dụng được từ lá, thân, rễ, củ làm nước uống, ngâm rượu, có tác dụng rất tốt cho sức khoẻ nên các thương lái đến thu mua củ mạch môn đã vận động ông nên đầu tư riêng vào giống cây này. Vậy là từ chỗ trồng kết hợp ông Sỹ đã dành ra vài sào đất trồng riêng đinh lăng. Cây đinh lăng phải từ năm thứ 3 trở lên mới bắt đầu cho thu hoạch và vào thời điểm đó giá thành thu mua đinh lăng cũng không cao nên ông Sỹ không có ý định mở rộng thêm diện tích.

Mãi những năm gần đây, các doanh nghiệp sản xuất, chế biến dược liệu phát triển, việc thu mua cây nguyên liệu sớm hơn, chỉ khoảng hơn một năm là có thể xuất bán, giá thành lại cao. Ngoài ra, nhiều người từ các tỉnh Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Thái Nguyên, Lào Cai, Yên Bái... đến hỏi mua cây giống nên năm 2012 ông Sỹ mở rộng diện tích ra trên 1ha vừa trồng vừa nhân giống để bán. Đến nay vườn đinh lăng của ông Sỹ đã cho thu hoạch được 2 đợt.

Đợt đầu, ông vừa bán giống, vừa bán thân, lá, rễ thu lãi gần 300 triệu đồng; đợt 2 ông thu được 550 triệu đồng. Ông Sỹ cho biết, doanh số thu từ đinh lăng của ông trong 1 năm được khoảng 800 triệu đồng, sau khi trừ chi phí lãi còn khoảng 700 triệu đồng.

Thấy đây là cây trồng có hiệu quả kinh tế cao, lại dễ trồng, hợp với đất dốc, hợp với phân bón hữu cơ, không làm đất bạc màu, kháng bệnh cao nên nhiều hộ dân ở Minh Tiến cũng học ông Sỹ trồng đinh lăng và mỗi người lại tự rút cho mình những kinh nghiệm khác nhau.

Với bà Nguyễn Thị Thiện ở thôn 7 thì kéo dài thời gian sinh trưởng của cây so với thời gian thông thường là 1,5 năm chính là bí quyết để nâng giá bán. Vừa qua, gia đình bà xuất bán được lứa đầu tiên, thân, gốc là 23 nghìn đồng/kg. Trên diện tích một sào, bà Thiện trồng được 700 gốc, mỗi gốc đạt từ 1,8 đến 2 kg, như vậy được 1,4 đến 1,5 tấn/sào. Trên diện tích 7 sào, bà Thiện vừa bán giống, vừa bán lá, cây đã thu được trên 400 triệu đồng.

Trừ chi phí, gia đình còn lãi trên 300 triệu đồng. Bà Thiện vui mừng cho biết: “Trước kia, gia đình tôi chỉ trông chờ chủ yếu vào chăn nuôi nhưng dịch bệnh, giá cả bấp bênh nên thu nhập không cao. Từ khi trồng cây đinh lăng, đầu tư vốn, giống cũng không nhiều, chăm sóc dễ, so với các loại cây trồng khác thì mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần”.

So với cây trồng như sắn, lúa hoặc các loại cây lâm nghiệp khác thì cây đinh lăng cho giá trị kinh tế hơn có thể gấp đến vài chục lần. Ông Hoàng Quang Hưng - Phó Chủ tịch UBND xã cho biết: Đinh lăng là loại cây dược liệu quý, được sử dụng trong điều chế sản xuất các sản phẩm nam dược hay thực phẩm chức năng.

Nông dân sản xuất ra đến đâu, thương lái thu mua hết đến đó. Chính vì hiệu quả kinh tế cao, có thể tận thu được tất cả các bộ phận của cây nên đến nay toàn xã có khoảng 200 hộ trồng đinh lăng với diện tích 15ha. Và xã vẫn tiếp tục khuyến khích người dân mở rộng thêm diện tích. Đây là loại cây trồng có thể mở ra hướng làm giàu cho người dân.

Kết quả bước đầu từ cây đinh lăng đã báo hiệu những tín hiệu vui cho phong trào phát triển kinh tế hộ ở Minh Tiến. Loại cây dược liệu này đã góp phần tạo việc làm, nâng cao đời sống nhân dân và quan trọng hơn là thực hiện đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu sản xuất theo hướng hàng hoá cho địa bàn xã miền núi của huyện Đoan Hùng.


Có thể bạn quan tâm

Chăn nuôi an toàn dịch bệnh Chăn nuôi an toàn dịch bệnh

Thời điểm này, “vương quốc” chăn nuôi Đồng Nai bước vào cao điểm tái đàn heo, gà để phục vụ tết Nguyên đán.

11/11/2015
Trang trại rau nhiệt đới được chứng nhận hữu cơ Trang trại rau nhiệt đới được chứng nhận hữu cơ

Sau gần 3 năm thực hiện theo các yêu cầu nghiêm ngặt của quy trình canh tác hữu cơ của Mỹ và EU, các chuyên gia của Control Union đã đến VN đánh giá và cấp chứng nhận đạt chuẩn hữu cơ cho trang trại rau Orgranica tại Long Thành (Đồng Nai).

11/11/2015
Phân bón BM cùng nông dân làm vườn Phân bón BM cùng nông dân làm vườn

Nhiều hộ nông khi tham gia phấn khởi khi thấy có sự quan tâm mạnh mẽ từ các bên và mang lại năng suất cao cho vườn cây ăn trái vì sử dụng phân BM.

11/11/2015
Bệnh tiêu điên và cách phòng trừ Bệnh tiêu điên và cách phòng trừ

Tiêu điên là loại bệnh khá phổ biến đối với cây tiêu trên thế giới, nhất là những vùng có khí hậu nắng nóng, khô hạn.

11/11/2015
Bón phân đầu trâu cho dưa hấu Bón phân đầu trâu cho dưa hấu

Để dưa ngọt chú ý bón can xi và kali đúng lúc. Bón lót canxi vừa có mục tiêu cải thiện độ pH, tiêu độc trong đất nhưng đồng thời cung cấp can xi cho dưa, làm vỏ dưa chắc ít bị bệnh thối trái.

11/11/2015