Trang chủ / Tin tức / Mô hình kinh tế

Cây Ca Cao Vẫn Hứa Hẹn Nhiều Tiềm Năng

Cây Ca Cao Vẫn Hứa Hẹn Nhiều Tiềm Năng
Ngày đăng: 22/04/2014

Giữa năm 2013, tại một số huyện trong tỉnh Đắk Nông, người dân đã đốn bỏ hàng trăm hécta ca cao bởi nhiều nguyên nhân như giá cả, dịch vụ thu mua kém, dịch bệnh… Tuy nhiên, hiện nay, giá ca cao tăng lên trở lại từ 50.000 - 57.000 đồng/kg hạt. Điều này cho thấy, thị trường ca cao đang có nhiều tiềm năng hứa hẹn đối với nông dân.

Theo Sở Nông nghiệp - PTNT thì hiện nay, toàn tỉnh có trên 1.000 ha ca cao, năng suất bình quân đạt trên 1,8-2 tấn hạt/ha, tại huyện Đắk Mil có hộ thâm canh đúng kỹ thuật đạt năng suất trên 3 tấn hạt/ha.

Đây chính là kết quả bước đầu giúp ngành Nông nghiệp tỉnh từng bước phát huy thế mạnh, khơi dậy tiềm năng của cây ca cao trong cơ cấu cây trồng ở các địa phương.

Kém hiệu quả chỉ là diện tích trồng tự phát, nhỏ lẻ

Để thực hiện chương trình phát triển ca cao trên địa bàn tỉnh, từ năm 2004, Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh đã đưa cây ca cao vào trồng thí điểm tại 6 huyện, thị trong tỉnh với diện tích 95 ha, năng suất đạt 1-2 tấn hạt/ha.

Ðến năm 2010, triển khai trồng thêm 12,5 ha tại các huyện Chư Jút, Ðắk R’lấp. Bên cạnh đó, thông qua Dự án Hợp tác tăng cường phát triển ca cao bền vững tại Việt Nam do Bộ Nông nghiệp-PTNT ký kết với Chính phủ Hà Lan, diện tích ca cao trên địa bàn tỉnh tăng lên nhanh chóng. Không những thế, ngoài việc giúp người dân nâng cao thu nhập, xóa đói, giảm nghèo, ngành Nông nghiệp tỉnh còn xây dựng mục tiêu phát triển hệ thống nông lâm nghiệp bền vững, đa dạng dựa trên cây ca cao.

Theo Trung tâm Khuyến nông - Khuyến ngư tỉnh thì thời gian qua, tận dụng đất dưới tán cây điều, nông dân các địa phương trong tỉnh đã trồng được trên 850 ha ca cao bằng các loại cây giống ghép dòng TD (từ TD3 đến TD14). Mặc dù năm 2013, nông dân trên địa bàn tỉnh đã chặt bỏ 107 ha ca cao tập trung chủ yếu tại huyện Chư Jút, Đắk Mil nhưng theo đánh giá của ngành Nông nghiệp tỉnh thì phần lớn các hộ phá bỏ vườn ca cao đều là những vườn trồng tự phát, nhỏ lẻ.

Do vậy, khi có “biến động” về giá cả thì bà con chặt bỏ không tiếc, làm ảnh hưởng đến việc phát triển diện tích ca cao chung của toàn tỉnh. Còn trên thực tế, những diện tích ca cao trồng đúng quy trình, kỹ thuật theo quy hoạch của tỉnh đang cho năng suất, hiệu quả kinh tế cao.

Định hướng phát triển bền vững

Theo Ban Điều phối Ca ca Việt Nam (VCC) thì khác với nhiều nông sản đang trong tình trạng “khủng hoảng thừa” thì thị trường hạt ca cao thế giới đang sáng sủa bởi nhu cầu luôn tăng cao. Theo dự báo, năm 2014, thế giới sẽ thiếu 120.000 tấn hạt ca cao. Hiện giá ca cao đã quay đầu tăng vọt 50.000-57.000 đồng/kg hạt khô lên men và 4.300-4.500 đồng/kg trái tươi.

Theo Chi cục Trồng trọt tỉnh thì những mô hình ca cao được sản xuất theo tiêu chuẩn của UTZ Certified năng suất tăng khoảng 15%/năm, chất lượng ổn định với bình quân 20-30 tạ hạt khô lên men/ha trồng thuần và trồng xen là 10-15 tạ/ha. Như vậy, nếu giá 50.000 đồng/kg thì 1 ha ca cao trồng xen trong vườn điều nông dân thu được 50-75 triệu đồng/năm, cộng với khoảng 1,5 tấn hạt điều thì sẽ đạt từ 90 triệu đến 110 triệu đồng/ha/năm.

Nếu so sánh với các loại cây trồng hiện nay thì ca cao xen trong vườn điều được đầu tư chăm sóc tốt lợi nhuận chỉ đứng sau hồ tiêu. Hiện nay, Sở Nông nghiệp - PTNT đã xây dựng chiến lược phát triển ca cao bền vững, mục tiêu đến năm 2015 và tầm nhìn 2020, toàn tỉnh sẽ có 5.000 ha ca cao trở lên và đạt sản lượng khoảng 10.000 tấn, tập trung phát triển theo hướng bền vững cả về số lượng và chất lượng.

Các vùng trồng ca cao tập trung chủ yếu ở các huyện Ðắk Mil, Ðắk Song, Ðắk Glong và Tuy Ðức. Theo các chuyên gia thì tỉnh Ðắk Nông là một trong những địa phương có điều kiện thuận lợi nhất để phát triển ca cao, có thể trồng xen canh ca cao trong vườn cây ăn trái, điều, chuyển đổi từ vườn cà phê già cỗi sang trồng ca cao…

Ðồng thời, thông qua chương trình dự án, những năm tới, người trồng ca cao cũng đã được các đơn vị, doanh nghiệp cam kết hợp tác hỗ trợ, cung cấp sản phẩm đầu vào như phân bón, thuốc bảo vệ thực vật, giống chất lượng; tổ chức tập huấn, chuyển giao kỹ thuật; hỗ trợ vốn đầu tư ban đầu cho nông dân trồng ca cao theo phương thức xen canh, giải quyết đầu ra cho sản phẩm cũng như đầu tư nâng cấp, đổi mới công nghệ chế biến, đa dạng hóa sản phẩm…


Có thể bạn quan tâm

Cánh Đồng Lớn Cho Lợi Nhuận Cao Hơn Tới 7,5 Triệu Đồng/ha Cánh Đồng Lớn Cho Lợi Nhuận Cao Hơn Tới 7,5 Triệu Đồng/ha

Tại ĐBSCL, vài năm qua đã hình thành các cánh đồng "3 giảm, 3 tăng", "1 phải, 5 giảm", "cánh đồng lúa chất lượng cao" quy mô từ vài hàng chục đến hàng trăm héc-ta…. Từ những mô hình sản xuất mang lại hiệu quả này, nông dân liên kết thành nhóm, cùng áp dụng tiến bộ kỹ thuật mới, thực hiện cơ giới hóa đồng bộ.

03/06/2014
Tự Chứng Nhận Nguồn Gốc Xuất Xứ Lợi Ích Lớn Cho Doanh Nghiệp Xuất Khẩu Tự Chứng Nhận Nguồn Gốc Xuất Xứ Lợi Ích Lớn Cho Doanh Nghiệp Xuất Khẩu

Tham gia cơ chế tự chứng nhận xuất xứ (TCNXX), DN sẽ tiết kiệm được thời gian và chi phí nếu so sánh với việc xin cấp chứng nhận xuất xứ như hiện nay. Đó là thông tin được đưa ra tại Hội thảo “Tự chứng nhận xuất xứ” do Bộ Công Thương phối hợp với Ban Thư ký EFTA và VCCI tổ chức mới đây tại Hà Nội.

24/06/2014
Bí Xanh… “Đỏ Mắt” Người Trồng! Bí Xanh… “Đỏ Mắt” Người Trồng!

Năm 2013, bí xanh được mùa, giá cao, lãi nhiều, điều này khiến nông dân nhiều nơi ở Hòa Bình đầu tư mở rộng diện tích. Tuy nhiên, vụ mùa năm 2014, nhiều hộ gia đình lại “đỏ mắt” vì năng suất và giá đều giảm.

24/06/2014
Sản Xuất Nông Nghiệp Ở Quản Bạ Và Xín Mần Bị Ảnh Hưởng Do Thời Tiết Sản Xuất Nông Nghiệp Ở Quản Bạ Và Xín Mần Bị Ảnh Hưởng Do Thời Tiết

Những diện tích này được trồng từ đầu tháng 2, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu, vụ Đông - xuân 2013 – 2014 có những diễn biến phức tạp như đầu vụ rét, sương mù, mưa phùn kéo dài đã làm một số diện tích ngô và đậu tương phát triển chậm, cây thấp, vàng.

03/06/2014
Nguồn Rau Chính Ở Đảo Phú Quý Nguồn Rau Chính Ở Đảo Phú Quý

Nhiều năm về trước, huyện đảo Phú Quý phần lớn phải nhập các loại rau xanh từ Phan Thiết, vào mỗi tuần. Nan giải nhất là mùa bấc cuối năm, thời tiết không mấy thuận lợi, sóng to gió lớn kéo dài, tàu hàng không ra đảo được, nguồn cung rau xanh thiếu trầm trọng. Nỗi lo ấy bây giờ không còn nữa, bởi đảo đã hồi sinh làng trồng rau truyền thống, cung cấp cơ bản cho nhu cầu ở đây…

24/06/2014