Cần có lộ trình xây dựng thương hiệu cho sản phẩm quýt đường Lai Vung (Đồng Tháp)
Hiện nay, đây là những cây trồng có tiềm năng kinh tế được nhiều nông dân đầu tư chuyển đổi. Tuy nhiên, do chưa qui hoạch và tổ chức sản xuất, nên sản phẩm làm ra không không đồng nhất về chất lượng và chưa tạo được ấn tượng đối với người tiêu dùng.
Xuất phát từ nhu cầu của thị trường nên rất nhiều nông dân ở huyện Lai Vung mở rộng diện tích trồng quýt đường. Cuối năm 2012 diện tích trồng quýt đường của toàn huyện chỉ khoảng 300ha thì hiện nay đã lên tới 1.200ha. Tuy nhiên, việc mở rộng và tăng nhanh diện tích đã kéo theo nhiều hệ lụy, trong đó giá cả, việc giải quyết đầu ra luôn là vấn đề khiến cho các ngành chức năng “đau đầu”.
Hiện tại nhiều nhà vườn ở huyện Lai Vung cũng đã bắt đầu nhận thức rõ sự cần thiết sản xuất nông sản an toàn, thực hiện liên kết sản xuất, phát triển kinh tế hợp tác... Tổ hợp tác (THT) sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới mới thành lập cách đây hơn 2 năm nhưng có những cách làm hay trong việc đổi mới tư duy sản xuất, nhiều nhà vườn đã cùng nhau liên kết phát triển kinh tế hợp tác.
Sau một năm thực hiện sản xuất theo tiêu chuẩn GlobalGAP, THT sản xuất quýt đường xã Vĩnh Thới chính thức được công nhận đạt chuẩn GlobalGAP với diện tích 10,5ha, số hộ tham gia là 12 hộ. Ông Tống Văn Phong - Tổ trưởng THT chia sẻ: “Việc sản phẩm quýt đường của THT được chứng nhận GlobalGAP không phải là điểm dừng cuối cùng mà chúng tôi hướng tới.
Chúng tôi hi vọng đây sẽ là bước đệm để sản phẩm quýt đường của Lai Vung có thể vươn xa hơn, khẳng định được uy tín, thương hiệu của mình trên thị trường”.
Hiện tại với diện tích 10,5ha, hằng năm THT có thể cung cấp cho thị trường khoảng trên 700 tấn quýt đường an toàn. Ông Phong cho biết thêm, sắp tới THT sẽ tranh thủ tham gia các chương trình xúc tiến thương mại, giới thiệu sản phẩm do địa phương tổ chức và kêu gọi các đơn vị, doanh nghiệp có tiềm năng về liên kết tiêu thụ.
Để sản phẩm quýt đường của Lai Vung phát triển bền vững, địa phương cần có những giải pháp cụ thể trong việc định hướng và thay đổi tập quán canh tác, từng bước hướng đến qui trình sản xuất an toàn, xây dựng thương hiệu để sản phẩm đủ mạnh ngay từ cấp khu vực, cấp quốc gia, trước khi định hướng vươn ra xuất khẩu ở các thị trường ngoài nước.
Ông Huỳnh Văn Tồn - Phó trưởng Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Lai Vung cho biết: “Hiện nay huyện đang tiến hành làm thủ tục và mời công ty về tư vấn quy trình và thủ tục xin cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm quýt đường ở Lai Vung.
Nếu thực hiện đúng lộ trình, thì dự kiến trong năm nay sẽ hoàn tất thủ tục xin cấp chứng nhận nhãn hiệu hàng hóa cho sản phẩm này. Song song với việc xây dựng và quảng bá thương hiệu, chúng tôi sẽ phối hợp với các ngành liên quan thực hiện tuyên truyền và triển khai sâu rộng cho nông dân sản xuất theo qui trình an toàn để đảm bảo giữ vững được thương hiệu.
Ngoài ra, ngành nông nghiệp huyện cũng đang thực hiện các giải pháp, trong đó, nhân rộng kỹ thuật sản xuất an toàn là vấn đề trọng tâm và cốt lõi trong giai đoạn hiện nay và sắp tới.
Có thể bạn quan tâm
Để có được thịt lợn sạch tiêu thụ ra thị trường, ông Hà Trọng Tuấn đã trộn thêm một số loại thảo dược, giun quế vào khâu chế biến thức ăn cho đàn lợn.
Bỏ việc với mức lương hấp dẫn, kỹ sư Ngô Hữu Anh Khôi (Vĩnh Long) cùng vợ về quê tự chế mô hình trồng rau thủy canh, thu nhập hàng triệu đồng mỗi ngày.
Ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất nông nghiệp đã và đang trở thành hướng phát triển giúp nhiều người dân vươn lên làm giàu.
Nhiều hộ dân đã chuyển đổi đất lúa kém hiệu quả sang trồng cây ăn trái mang lại hiệu quả kinh tế cao gấp nhiều lần so với trồng lúa.
Vụ nuôi năm 2017, HTX thu hoạch tổng cộng 130 tấn thương phẩm, với tổng giá trị 14,6 tỷ đồng cùng mức lợi nhuận 6,75 tỷ đồng...